Đánh giá Realme C12: Smartphone pin trâu nhất tầm giá 3 triệu đồng

Nếu cần một smartphone có pin cực trâu ở tầm giá khoảng 3 triệu đồng thì Realme C12 chắc chắn là sản phẩm bạn nên cân nhắc đầu tiên.

Realme C12 lên kệ ở Việt Nam từ cuối tháng 8 với giá 3,49 triệu đồng. Nhìn vào bảng cấu hình trên, rõ ràng điểm nhấn lớn nhất ở sản phẩm này là viên pin dung lượng 6.000 mAh, lớn nhất trong các smartphone tầm giá 3 triệu đồng hiện nay. Đặc biệt, viên pin của điện thoại này hỗ trợ sạc ngược cho các thiết bị khác giống như chức năng của một cục sạc dự phòng. Ngoài pin, các yếu tố còn lại của Realme C12 có gì đáng chú ý nữa không?

Thiết kế và màn hình

Thiết kế của Realme C12 có các đặc điểm đúng như hình dung về một smartphone phổ thông có pin lớn. Sản phẩm có thân máy dày và nặng (9,8mm và 209g), chất liệu khung và mặt lưng bằng nhựa, màn hình khía giọt nước chứ không phải là lỗ đục hay camera thụt thò.

Điểm cộng trong thiết kế ở điện thoại này là mặt lưng dạng vân sần, cầm rất bám tay nhưng lại không dễ bám bẩn như các điện thoại có bề mặt bóng. Máy cũng được hoàn thiện chắc chắn, bấm vào các vùng trên mặt lưng không thấy bị ọp ẹp. Có lẽ do mặt lưng không trơn, không bám dấu vân tay và bản thân điện thoại đã khá dày rồi nên nhà sản xuất không tặng kèm ốp lưng nữa. Thực tế thì chúng tôi thấy rằng điện thoại này thực sự không cần đến ốp lưng.

Realme C12 cũng được bổ sung cảm biến vân tay trên mặt lưng, chi tiết phiên bản đàn anh Realme C11 trước đó đã bị loại bỏ. Máy cũng có 2 khe cắm SIM và thẻ nhớ riêng, có giắc âm thanh, tiếc là vẫn dùng cổng micro-USB chứ không phải là cổng USB Type C vốn đã phổ biến ở cả phân khúc giá rẻ.

Ngoài dung lượng pin ” siêu to khổng lồ”, màn hình lớn 6.52 inch có thể xem là một điểm cộng ở sản phẩm này. Độ phân giải chỉ là HD+, không sắc nét như Full-HD nhưng đây là lựa chọn gần như “mặc định” ở các smartphone giá rẻ để cân bằng với sức mạnh hiệu năng không cao của các smartphone trong phân khúc này.

Chất lượng hiển thị cũng khá tốt, màu sắc tươi tắn, độ sáng có thể dùng trong hầu hết môi trường nhưng chưa đủ để xem thoải mái ngoài trời nắng. Máy có tùy chọn cho người dùng điều chỉnh nhiệt màu theo sở thích.

Hiệu năng và phần mềm

Realme C12 được trang bị vi xử lý Helio G35 tám lõi tốc độ xung nhịp 2.3Ghz, RAM 3GB, bộ nhớ trong 32GB và có khe cắm thẻ nhớ ngoài để mở rộng dung lượng. Mặc dù được giới thiệu là vi xử lý cho trải nghiệm game trên smartphone giá rẻ nhưng Helio G35 chỉ chơi được các game nhẹ nhàng, chứ không đủ mạnh để “chiến” được các game nặng đồ họa như PUBG Mobile.

Cấu hình của Realme C12 chỉ đủ chơi các game nhẹ nhàng

Một số game bắn súng có đồ họa vừa phải như Dead Triggers 2 thì máy chơi khá ổn, với tốc độ khung hình trung bình đạt khoảng 48 fps. Nhưng với game PUBG Mobile thì máy chơi giật, chỉ được gần 25 fps ở thiết lập đồ họa thấp nhất (chế độ Mượt).

Độ mượt khi chơi game Dead Triggers 2 trên Realme C12: máy đạt tốc độ khung hình trung bình là 47,8 fps, ở mức chơi được.

Độ mượt khi chơi game PUBG Mobile trên Realme C12: máy đạt tốc độ khung hình trung bình 24,8 fps, chơi giật và lag.

Đây là điều dễ hiểu bởi phân khúc 3 triệu đồng không phải để đáp ứng nhu cầu chơi các tựa game nặng. Nếu có nhu cầu chơi game thì bạn nên đầu tư chút ít lên phân khúc giá 4-5 triệu đồng để có các con chip mạnh mẽ hơn như Helio G90T của Realme 6 hay Snapdragon 720G của Redmi Note 9S. Hơn nữa, dung lượng bộ nhớ trong 32GB của điện thoại này cũng khá hạn chế, không đủ để cài nhiều ứng dụng ngốn dung lượng như các game nặng.

Giao diện màn hình và khay ứng dụng trên Realme C12

Về phần mềm, Realme C12 hiện cài sẵn phần mềm Realme UI tùy biến dựa trên Android 10. Giao diện Realme UI nhìn đơn giản, gần với giao diện của Android thuần và cũng có khay ứng dụng riêng. Các tính năng phần mềm của Realme UI cũng giống với Color OS trên các máy Oppo, trang bị nhiều thao tác điều khiển bằng cử chỉ, có chế độ cải thiện trải nghiệm chơi game và dùng song song hai tài khoản (Facebook, Zalo, Messenger…).

Ngoài các ứng dụng cơ bản của Google và ứng dụng riêng của mình, Realme còn cài sẵn một số ứng dụng bên thứ ba như Facebook Lite, Lazada, Tiktok, Agoda, Laban Key và Zing MP3. Đây là những ứng dụng nhà sản xuất cài sẵn vào máy trước khi bán ra thị trường, không phải ứng dụng hệ thống nên người dùng có thể xóa nếu không có nhu cầu sử dụng.

Thời gian pin

Dung lượng pin lớn 6.000 mAh kết hợp với độ phân giải màn hình chỉ có HD+ và con chip Helio G35 tích hợp tám nhân Cortex-A53 hiệu năng không mạnh đã khiến cho thời gian sử dụng pin của Realme C12 thực sự rất “trâu bò”.

Trong các bài test pin quen thuộc của VnReview, máy có thời lượng sử dụng “vô địch” trong các smartphone tầm giá 3 triệu đồng và tương đồng chiếc smartphone pin trâu nhất của Samsung hiện nay là Galaxy M21 cũng có dung lượng 6.000 mAh.

Thời gian xem phim ở độ sáng và âm lượng ở mức 70%, tính từ khi pin đầy đến khi còn 10%

Thời gian lướt web trên mạng Wi-Fi ở độ sáng màn hình 70%, tính từ khi pin đầy đến lúc còn 10%

Realme C12 thể hiện rất tốt ở bài đo thời gian pin chơi game

Trong 1 tuần sử dụng làm máy chính thì điện thoại này cũng thường trụ được khoảng 2 ngày ở cường độ sử dụng vừa phải, với thời lượng onscreen trên 9 giờ. Tuy vậy, điểm đáng tiếc về pin ở sản phẩm này là thời gian sạc chậm, mất tới 3 giờ 15 phút để sạc đầy.

Camera

Realme C12 có cụm camera “bếp từ” trông khá hoành tráng ở phía sau với 3 camera gồm chiếc camera chính 13MP khẩu f/2.2, một camera hỗ trợ xóa phông 2MP và một camera 2MP nữa để chụp macro trong khoảng cách 4cm. Ở phía trước là chiếc camera 5MP để chụp ảnh selfie và đàm thoại video.

Linh hồn ở cụm camera sau là chiếc camera chính 13MP, còn hai camera còn lại đóng vai trò phụ trợ (hỗ trợ chức năng xóa phông) hoặc có thêm cho vui vẻ (với chiếc camera chụp macro). Ở môi trường đủ sáng, ảnh chụp từ camera 13MP có màu sắc gần thực tế, độ chi tiết và dải sáng cũng khá ổn. Khi chụp thiếu sáng, độ chi tiết của ảnh giảm mạnh và khả năng xử lý nguồn sáng đèn không tốt, dễ lốp sáng. Nhưng chế độ Ban đêm khắc phục được những vấn đề này khá hiệu quả.

Ảnh chụp ở chế độ Ban đêm (dưới) cải thiện nhiều về độ sáng, độ chi tiết ở vùng tối và xử lý nguồn sáng đèn so với ảnh chụp ở chế độ thông thường (ảnh trên).

Xu hướng đó tiếp tục thể hiện ở hai ảnh này. Ảnh trên là chụp chế độ tự động, còn ảnh dưới chụp ở chế độ Ban đêm.

Bối cảnh chủ thể và hậu cảnh có khoảng cách thì máy xóa phông khá tốt, viền có độ tách bạch, không bị lem nhem.

Ở ảnh này, chủ thể và hậu cảnh gần thì một số khu vực của viền chủ thể tách bạch chưa tốt, xóa bị lem.

Ảnh chụp tư camera macro 2MP

Chiếc camera selfie 5MP cũng cho ảnh tự sướng với độ chi tiết ổn và màu sắc gần thực tế. Ảnh chụp xóa phông ở mức tạm chấp nhận được dù nếu để ý thì vẫn dễ nhận thấy vệt lem quanh chủ thể. Tuy nhiên, bạn đừng kỳ vọng có ảnh tự sướng đẹp và nhiều chi tiết nếu chụp ở môi trường thiếu sáng.

Ảnh chụp thông thường (trái) và xóa phông (phải) từ camera selfie 5MP

Ảnh chụp ở chế độ tự động

Ảnh chụp bằng chế độ xóa phông ở mức tạm chấp nhận, đôi chỗ bị lem nhẹ.

Ở bối cảnh ngược sáng, chất lượng ảnh giảm mạnh, ảnh bị cháy sáng, viền tím nặng

Bật chế độ xóa phông khi chụp ngược sáng sẽ giúp che bớt đi khuyết điểm viền tím và cháy sáng

Bối cảnh trong nhà thiếu sáng thì độ chi tiết và màu sắc giảm đi rõ rệt, ảnh bị bệt.

Tổng kết

Nhìn chung, Realme C12 là lựa chọn tốt với những người muốn tìm kiếm một chiếc smartphone giá rẻ, màn hình lớn và có thời gian pin thoải mái để dùng vài ngày mới cần sạc. Điện thoại này cũng có thiết kế cầm bám tay, không lưu dấu vân tay và chất lượng chụp ảnh không tệ.

Điểm hạn chế cần cân nhắc ở Realme C12 là;hiệu năng chỉ đủ dùng cho nhu cầu cơ bản, dung lượng bộ nhớ thấp và thời gian sạc pin lâu. Nếu muốn ưu tiên hơn cho hiệu năng thì ở tầm giá của Realme C12 có một số lựa chọn tốt hơn như Vsmart Joy 4 và Redmi 9.

TT