Đánh giá Samsung Galaxy A50: Sự chuyển mình của gã khổng lồ

Samsung đang cho thấy bộ mặt rất khác của mình trong phân khúc tầm trung so với những năm trước đây và Galaxy A50 là minh chứng rõ rệt nhất về sự chuyển mình của gã khổng lồ xứ sở kim chi.

Mở hộp Samsung Galaxy A50: Khi Samsung thực sự nghiêm túc

Có thể thấy rõ một điều về chiến lược của Samsung trong năm 2019, đó là công ty đang rất nghiêm túc trong việc đòi lại thị phần trên thị trường di động, vốn đang bị các thương hiệu đến từ Trung Quốc “xâu xé”. Dòng Galaxy M cho thấy Samsung biết cách làm ra một chiếc smartphone “rẻ mà ngon” nếu họ thực sự quyết tâm và dòng Galaxy A 2019 sẽ là “vũ khí chiến lược” mới của gã khổng lồ xứ sở kim chi.

Galaxy A50 là một trong những đại diện tiêu biểu nhất về sự thay đổi của Samsung, khi nó hội tụ nhiều những yếu tố làm nên một chiếc smartphone tầm trung tốt, từ thiết kế cho đến cấu hình – điều mà chúng ta không được thấy trong nhiều năm qua ở Samsung. Mức giá chưa đến 7 triệu đồng cũng là một bất ngờ nho nhỏ, khi dòng Galaxy A từ trước đến nay luôn được hướng đến phân khúc cận cao cấp, chỉ dưới một bậc so với flagship S và Note của hãng.

Thiết kế: Infinity U đến khi tiệc đã tàn

Khi gần như toàn bộ ngành công nghiệp di động chạy theo trào lưu khuyết màn hình, Samsung (cùng một vài thương hiệu nữa) đã rất quyết tâm “chống cự”, kiên trì với thiết kế cũ của mình. Để rồi khi trào lưu này đã nguội dần, Samsung lại bất ngờ cho ra mắt một loạt thiết kế màn hình mới gồm Infinity U, Infinity V, Infinity O và Infinity Flex. Người ta vẫn nói “muộn còn hơn không”, nhưng khó có thể áp dụng câu nói này trong trường hợp của Galaxy A50.

Màn hình Infinity U làm tôi nhớ đến Essential Phone – chiếc điện thoại được cho là đã mở ra trào lưu khuyết màn hình để tăng diện tích hiển thị nhưng được Samsung bo mềm mại hơn. Viền trên và hai viền bên của máy mỏng cho cảm giác thoáng đãng dù phần cằm vẫn còn dày, không thể bằng được sản phẩm cao cấp Galaxy S10. Tỷ lệ màn hình/mặt trước của Galaxy A50 đạt 84,9%.

Một điểm khá hay ho trên phần khuyết của Galaxy A50 là Samsung đã tích hợp hiệu ứng ánh sáng chạy bao quanh viền camera, chỉ hoạt động khi máy quét khuôn mặt bạn để mở khóa. Đây cũng là thứ mà chúng ta đã từng thấy trên dòng flagship Galaxy S10 mới của Samsung.

Điểm nổi bật nhất trên Galaxy A50 chính là việc máy được trang bị cảm biến vân tay quang học dưới màn hình. Không “xịn xò” như cảm biến siêu âm, nhưng cảm biến vân tay dưới màn hình vẫn được coi là một tính năng cao cấp, ngay cả Galaxy S10e cũng không có.

Tương tự cảm biến vân tay quang học trên Oppo R17 Pro hay Xiaomi Mi 9, cảm biến vân tay quang học trên Galaxy A50 có tốc độ nhận diện chậm hơn đáng kể so với cảm biến điện dung truyền thống. Độ ổn định cũng không bằng cảm biến vân tay truyền thống. Việc không nhận diện được vân tay cũng thường xuyên xảy ra. Nhưng cái hay ở cảm biến này là nằm ở trên màn hình nên dễ bấm, vẫn tiện hơn so với giải pháp mở khóa bằng mật khẩu. Ngoài cảm biến vân tay, máy cũng hỗ trợ mở bằng nhận diện khuôn mặt từ camera trước, tốc độ nhanh nhưng chắc chắn độ an toàn không bằng cảm biến vân tay quang học hay mật khẩu.

Vào ngày 9/4 vừa qua, Galaxy A50 đã có một bản cập nhật phần mềm mới, bao gồm “cải thiện hiệu năng của cảm biến vân tay”. Sau khi cài đặt và cập nhật, tốc độ nhận diện có nhanh hơn nhưng chưa so sánh được với cảm biến vân tay truyền thống. Tình trạng không nhận diện được vân tay vẫn xảy ra dù tần suất thấp hơn.

Máy có thiết kế thân nhựa, mặt lưng nhựa giả kính được Samsung gọi là “3D Glasstic” có hiệu ứng chuyển màu gradient. Phiên bản của VnReview có màu trắng, máy còn hai tùy chọn nữa là màu xanh và đen.

Do mặt lưng được vát cong nên cảm giác cầm nắm của Galaxy A50 chắc chắn, chất liệu nhựa nhưng không có cảm giác trơn tay hay ọp ẹp. Màu trắng cũng giúp giảm đáng kể hiện tượng bám vân tay.

Cụm ba camera sau của máy được đặt dọc, có viền kim loại bao quanh nên trông tinh tế, sang trọng hơn cụm ba camera mà chúng ta từng thấy trên chiếc Galaxy A7 hồi năm ngoái.

Galaxy A50 có viên pin dung lượng lớn 4.000 mAh, nhưng độ dày thân máy khá mỏng (7.7mm) và trọng lượng (166g) ở mức hợp lý. Các phím bấm vật lý, cổng kết nối, jack tai nghe 3.5mm đều được đặt ở những vị trí quen thuộc, cùng khay sim hỗ trợ hai sim nano và thẻ microSD riêng biệt.

Màn hình: Cái gì vẫn tốt, vẫn đẹp thì không cần đổi

Chất lượng tấm nền Super AMOLED của Samsung, dù ở phân khúc nào, cũng đều đã được khẳng định, và Galaxy A50 không phải là ngoại lệ. Có kích thước 6.4 inch độ phân giải Full HD+ (1080 x 2340 pixel), màn hình cho chất lượng hiển thị tốt, nội dung sắc nét, độ tương phản và độ sáng cao. Màu sắc cũng là lợi thế của màn hình Super AMOLED khi nó có xu hướng nịnh mắt, phù hợp cho những nhu cầu giải trí như xem phim, chơi game.

So sánh với chiếc Mi 9, màn hình của Galaxy A50 thậm chí còn có phần nhỉnh hơn về chất lượng hiển thị

Nhân nói về nhu cầu giải trí, màn hình của Galaxy A50 cũng hỗ trợ chuẩn Widevine L1, cho phép xem nội dung ở độ phân giải HD trên các dịch vụ trực tuyến như Netflix, Google Play Movies hay Amazon Video. Chuẩn Widevine bắt đầu được chú ý sau khi chiếc Pocophone F1 cùng nhiều smartphone khác bị phát hiện không hỗ trợ dù nó hoàn toàn miễn phí.

Làn gió mới One UI, hiệu năng ổn đáp ứng nhu cầu hàng ngày

Samsung trước đây “nổi tiếng” trong việc tùy biến giao diện trên smartphone của mình quá nhiều, và không phải người dùng nào cũng thích điều đó. Điều này còn khiến người dùng Samsung luôn phải chờ đợi bản cập nhật hệ điều hành mới lâu hơn so với những thương hiệu khác. Nhưng với One UI được xây dựng trên nền Android 9 Pie, mọi thứ đã được cải thiện đáng kể. Đây là bản cập nhật phần mềm lớn của Samsung với giao diện được đổi mới theo chiều hướng phẳng hơn, các ứng dụng như Cài đặt nhìn đơn giản và trực quan hơn, biểu tượng (icon) của các ứng dụng đều bo tròn.

Thay đổi lớn nhất ở One UI là các điểm tương tác được kéo xuống phía dưới màn hình để người dùng dễ thao tác hơn, trong khi các phần phía trên chỉ để hiển thị. Tất nhiên, triết lý này không áp dụng với các ứng dụng của bên thứ ba.

Một điểm mới nữa của One UI là giao diện tối trên toàn hệ thống. Khi kích hoạt, toàn bộ ứng dụng riêng của Samsung sẽ chuyển sang giao diện nền đen chữ trắng, giúp sử dụng điện thoại vào ban đêm trở nên dễ dàng hơn. Tấm nền Super AMOLED cho màu đen sâu ấn tượng, và bạn còn tiết kiệm được đáng kể thời lượng pin.

Ngoài những điểm mới trên thì các tính năng cơ bản trên điện thoại vẫn được kế thừa như Game Launcher, ứng dụng kép, thư mục bảo mật, điều hướng bằng cử chỉ thay cho các phím điều hướng trong màn hình và các thao tác cử chỉ vuốt để thực hiện một số chức năng khi màn hình tắt/mở…

Về hiệu năng, Galaxy A50 là smartphone đầu tiên (và duy nhất cho đến nay) được Samsung trang bị vi xử lý Exynos 9610. Được sản xuất trên tiến trình mới 10nm, Exynos 9610 có 4 nhân tốc độ cao Cortex-A73 xung nhịp 2.3GHz và 4 nhân tiết kiệm năng lượng Cortex-A53 xung nhịp 1.7GHz, đi kèm GPU Mali-G72 MP3.

Phiên bản Galaxy A50 của VnReview trải nghiệm có 4GB RAM và 64GB bộ nhớ trong, ngoài ra máy còn phiên bản cao cấp hơn với 6GB RAM và 128GB bộ nhớ trong. Qua các công cụ benchmark phổ biến, hiệu năng của Galaxy A50 ngang ngửa với những smartphone sử dụng Snapdragon 660, có những chỗ còn nhỉnh hơn.

AnTuTu đo hiệu năng tổng thể thiết bị

GeekBench đo hiệu năng xử lý đơn nhân và đa nhân của CPU

Bài test Manhattan trên ứng dụng GFXBech đo hiệu năng xử lý đồ họa của GPU ở độ phân giải tiêu chuẩn Full-HD (offscreen) và độ phân giải thực của máy (onscreen).

Trong sử dụng thực tế, máy “cân” tốt các nhu cầu hàng ngày, từ lướt web, xem Youtube cho đến chơi game nặng. PUBG Mobile hay Warhammer 40.000: FreeBlade cũng không làm khó được Exynos 9610 và Mali-G72 MP3.

Với PUBG Mobile, Galaxy A50 có FPS trung bình là 31, và trừ một số ít phân cảnh chứa nhiều hiệu ứng nặng (chẳng hạn như nhảy dù) thì trải nghiệm tổng thể vẫn khá mượt mà.

Với hai tựa game Dead Trigger 2 và WarHammer 40.000: FreeBlade thì Galaxy A50 chạy mượt ở mức 59-60 FPS, độ ổn định khung hình cao

Pin tốt, dư dả một ngày sử dụng

Galaxy A50 có viên pin 4.000 mAh, cao hơn mặt bằng chung smartphone hiện nay. Trong các bài đo quen thuộc của VnReview, máy có thời lượng pin tốt, một phần nhờ con chip 10nm giúp tiết kiệm năng lượng.

Thời gian xem phim chép về máy, xem ở độ sáng và âm lượng ở mức 70%, tính đến từ lúc đầy đến khi còn 10%.

Thời gian lướt web trên mạng Wi-Fi, độ sáng ở mức 70% và cũng tính từ lúc đầy đến khi còn 10%.

Thời gian chơi game liên tục, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.

Galaxy A50 hỗ trợ sạc nhanh Adaptive Fast Charge của Samsung, công suất 15W (9V/1.67A). Sạc đầy viên pin 4.000 mAh từ 0% mất khoảng 1 giờ 50 phút.

Camera chụp đủ sáng ổn, nhưng sẽ không hợp với… chị Dậu

Galaxy A50 được trang bị cụm ba camera gồm camera chính 25MP, camera góc rộng 8MP (góc nhìn 123 độ) và camera đo độ sâu trường ảnh 5MP. Cụm camera này về cơ bản không có sự khác biệt với chiếc Galaxy A7 (2018) ngoại trừ camera chính có độ phân giải 25MP thay vì 24MP, do đó chất lượng ảnh cũng không thay đổi nhiều.

Camera chính của Galaxy A50 cho chất ảnh khá trong điều kiện ánh sáng tự nhiên, màu sắc tươi tắn, nịnh mắt, nhất là khi chụp chân dung hoặc phong cảnh. Tuy nhiên, trong điều kiện thiếu sáng hoặc có nhiều ánh sáng nhân tạo, máy “hụt hơi” thấy rõ, các chi tiết bị nhòe và dễ nhiễu do Samsung thường đẩy ảnh sáng hơn thực tế.

Với camera góc rộng 8MP, Galaxy A50 có thêm một góc chụp linh hoạt, phù hợp cả với ảnh chân dung khi muốn lấy trọn cả khung cảnh và chủ thể. Công trình kiến trúc hay những không gian nhỏ hẹp cũng là nơi mà camera góc rộng có thể tỏa sáng. Tuy nhiên, do có độ phân giải không quá cao cùng khẩu độ hẹp (f/2.2), camera góc rộng của Galaxy A50 gặp khó khăn trong điều kiện thiếu sáng. Ảnh thiếu sáng thường có màu sắc nhạt, độ sáng và chi tiết thấp. Camera góc rộng của điện thoại này cũng không có lấy nét tự động tương tự như chiếc Galaxy A7 (2018) và Galaxy M20.

Về khả năng chụp xóa phông, camera đo độ sâu trường ảnh hoàn thành công việc ở mức khá ổn. Chủ thể trong ảnh được tách bạch tốt và ít bị lẹm. Ở chế độ xóa phông, Samsung cũng cho phép điều chỉnh mức độ xóa phông nền cả trước và sau khi chụp.

Camera selfie của Galaxy A50 có độ phân giải 25MP cho độ nét, chi tiết tốt, tái tạo màu sắc tươi tắn. Camera này cũng hỗ trợ xóa phông bằng phần mềm, nhưng trong điều kiện thiếu sáng khuôn mặt có xu hướng bị làm mịn hơi mạnh tay.

Tổng kết: Một nỗ lực đáng khen

Galaxy A50, giống như chiếc M20, không quá vượt trội ở một điểm cụ thể nào ngoại trừ màn hình Super AMOLED nhưng trải nghiệm tổng thể của sản phẩm phù hợp với mức giá dưới 7 triệu đồng. Samsung tiếp tục là thương hiệu chú trọng đưa camera góc rộng lên các sản phẩm tầm trung và giá rẻ của mình, và One UI cùng thời lượng pin dư dả là những điểm bạn nên cân nhắc với Galaxy A50.

Cảm biến vân tay dưới màn hình là thứ được kỳ vọng nhất trên Galaxy A50 nhưng trải nghiệm không được nhanh và ổn định như cảm biến vân tay truyền thống. Samsung có thể cải thiện trải nghiệm vân tay qua các bản cập nhật phần mềm nhưng sẽ khó so sánh được với cảm biến vân tay truyền thống. Khả năng chụp thiếu sáng của Galaxy A50 cũng là điểm cần cải thiện. Nhưng xét cho cùng, Galaxy A50 là một nỗ lực đáng khen của Samsung và khi gã khổng lồ chuyển mình, ai biết được điều gì sẽ xảy ra?

Hoàn Đặng