Đánh giá Samsung Galaxy M31: ‘Đập’ tiền vào pin!
Tôi vẫn nhớ rõ lời nhận xét của một người anh: “Khi những smartphone được đặt cạnh nhau trong một cửa hàng, người dùng không có thời gian trải nghiệm lâu dài thì điều tạo nên sự khác biệt là những con số ở bảng thông số- số càng to thì càng tốt.”
Và đây có lẽ cũng là chiến thuật của Samsung trong 2020. Ở phân khúc tầm cao, Galaxy S20 Ultra đẩy giới hạn bằng cảm biến chụp hình 108MP, màn hình 120Hz, lượng RAM 12/16GB. Nằm ở phân khúc tầm trung, với mức giá chỉ bằng 1/5 chiếc S20 Ultra, Galaxy M31 cũng ‘đập’ ngay vào mắt người mua hàng với 3 thông số là 4 camera, cảm biến chính 64MP và viên pin lên tới 6000mAh.
Nhưng chắc chắn nhiều người cũng đã biết, ‘số to’ và ‘trải nghiệm tốt’ không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với nhau. Vậy trong trường của Galaxy M31 thì sao, có bao nhiêu ‘con số to’ trở nên hữu ích trong sử dụng hàng ngày?
Khác với những dòng sản phẩm Galaxy A đang rất được chú trọng vào thiết kế bên ngoài, dòng M lại sở hữu những thiết kế ‘tối giản’ hơn. Toàn thân máy cũng được làm bằng nhựa, nhưng chỉ có một màu duy nhất và không có những họa tiết trang trí Glasstic 3D óng ánh.
Ở mặt lưng này ta tìm thấy một cảm biến vân tay điện dung thay vì loại được đặt dưới màn hình của những dòng máy Galaxy A mới. Loại cảm biến này có 1 ưu điểm đó là tốc độ đọc rất nhanh, gần như chạm nhẹ là ta đã mở được máy để sử dụng; ngược lại có 1 nhược điểm nho nhỏ là được đặt hơi cao, mỗi lần mở máy ta phải ‘với’ nhẹ ngón tay mới chạm vào được.
Ta sẽ nhanh chóng đến với tính năng được hãng quảng cáo rất nhiều đó là hệ thống camera. Galaxy M31 có tổng cộng 4 camera sau, bao gồm camera chính độ phân giải cao 64MP f/1.8 (có khả năng gộp điểm ảnh để tạo ảnh 16MP), góc siêu rộng 8MP f/2.2, cảm biến đo chiều sâu 5MP và một camera mới so với M30s chuyên cho việc chụp macro, đã có mặt ở 2 sản phẩm Galaxy A 2020 là A51 và A71.
Ảnh 16MP (trái) và độ phân giải cao 64MP (phải)
Ảnh chụp 64MP có nét không? Câu trả lời là nét hơn 1 cách rõ rệt so với ảnh chụp ở chế độ 16MP thông thường! Như ví dụ ở trên bạn có thể thấy, những chữ in, nốt nhạc trong cuốn sách hiện rõ ràng hơn hẳn trong ảnh 64MP, trong khi ở chế độ chụp bình thường có hiện tượng mờ, mất chi tiết.
Chất lượng xử lý ảnh 64MP trên Galaxy M31 kém hơn khá nhiều so với ảnh 16MP!
Vấn đề nảy sinh khi ta chụp những bức hình với ánh sáng ‘không lý tưởng’! Có vẻ như khả năng xử lý ảnh của Galaxy M31 chưa đủ để đáp ứng cảm biến 64MP, nên khi chuyển qua chế độ này ảnh có màu nhạt hơn, chất lượng HDR cũng kém đi hẳn. Như ví dụ phía trên, ảnh 16MP cho màu sắc tươi tắn, những mái nhà hiện lên rõ ràng hơn hẳn so với ảnh 64MP.
Tôi tin rằng yếu điểm này vẫn có thể được xử lý bằng một bản cập nhật phần mềm, nhưng trong thời điểm hiện nay ngoài những trường hợp rất cụ thể, tôi không cảm thấy việc chụp ảnh ở độ phân giải cao cần thiết. Trong suốt 1 tuần trải nghiệm máy, ngoài một vài bức ảnh để so độ nét tôi đều chụp ở chế độ thông thường!
Ở điều kiện đầy đủ sáng, Galaxy M31 cho những bức ảnh với chất lượng ở mức ‘khá’: sạch sẽ và ít bị nhiễu, đôi khi bị dư sáng hơn so với thực tế, màu sắc đã không bị quá đậm như những dòng máy tầm trung cũ của hãng nên vì vậy cũng dễ để hậu kỳ hơn.
Ảnh chụp thông thường (trái) và chụp bằng chế độ Night Mode (phải)
Máy cũng được trang bị chế độ chụp ảnh Night Mode nhưng chất lượng chỉ gọi là có sự khác biệt so với chụp ảnh thông thường mà thôi. Theo tôi dự đoán, hãng chỉ cho phép máy xử lý ảnh khác với thông thường, tăng độ sáng ở những chỗ tối, giảm độ sáng ở những chỗ sáng để ảnh có cảm giác cân bằng hơn thôi chứ không thực hiện phơi sáng trong một vài giây như những dòng máy cao cấp, nên kết quả không mấy ấn tượng.
‘Không mấy ấn tượng’ cũng là từ dùng để miêu tả camera góc siêu rộng của máy. Galaxy M31 thay vì được sử dụng camera góc siêu rộng thế hệ mới 12MP của A51 và A71 thì ‘tái sử dụng’ loại 8MP đã xuất hiện từ năm ngoái, và sử dụng trên thực tế thì độ nét kém hơn khá nhiều, trong nhiều trường hợp chỉ hơi thiếu sáng đã bị bệt và mất màu sắc.
Khác với camera siêu rộng khá ‘cổ’ thì ta có thêm một camera mới chuyên cho mục đích chụp macro. Tôi cảm thấy thích camera này, không phải vì nó hoàn hảo về mặt kỹ thuật, cũng không phải vì dễ sử dụng, mà vì nó mở ra những kiểu chụp ảnh mới mà những dòng máy trước đây không làm được.
Một vài ảnh chụp khác từ Galaxy M31
Trở lại với thiết kế của máy, điểm đầu tiên mà bạn sẽ để ý khi cầm Galaxy M31 đó là máy này khá dày. Để so sánh thì A51 dày 7.9mm, còn M31 ‘phồng’ lên hẳn 8.6mm – nghe thì khá nhỏ nhưng lại tạo sự khác biệt lớn trên tay.
Lý do duy nhất để máy dày như vậy đó là viên pin dung lượng lên tới 6000mAh, có lẽ chỉ thua chiếc Energizer P18K pin 18.000mAh dày…đúng bằng một cục gạch mà thôi! Tôi cũng đã có bài đánh giá riêng về hệ thống pin – sạc của chiếc máy, nhưng để tóm gọn thì chỉ tới 1 từ: Tuyệt vời!
Qua bài thử Work 2.0, pin Galaxy M31 đạt ngưỡng 15 giờ 25 phút, vượt trội so với 11h30 của A51
Sử dụng một ngày 6 tiếng, gồm cả xem video, chơi game, đọc báo máy chỉ mất 40% và còn 60%. Nếu dùng tiết kiệm thì việc dùng đến được ngày thứ 3 là khả thi
Thử bật video 10 tiếng đồng hồ liên tục với độ sáng lớn nhất, máy từ đầy pin thực hiện xong vẫn còn tới 17%! Các dòng máy khác trên thị trường chắc chắn là ‘ngỏm’ từ rất lâu rồi.
Thời lượng pin thì đã ‘vô đối’, nhưng người dùng cũng sẽ phải chấp nhận việc máy sạc chậm hơn bình thường:
M31 hỗ trợ sạc 15W, gọi là ‘sạc nhanh’ nhưng với viên pin lớn thì lại thành ‘sạc chậm’ mất rồi
Máy cần hơn 3 tiếng để sạc đầy pin, nên người dùng sẽ phải tạo thói quen sạc máy trước khi đi ngủ nếu không muốn gặp tình trạng chờ mỏi mắt để máy sạc vào ngày hôm sau.
Ngoài pin, các yếu tố cấu hình bên trong khác của máy rất giống với Galaxy A51 (và cả A50s): vi xử lý Exynos 9611 (10nm), GPU Mali-G72 MP3, 6GB RAM và tùy chọn 64/128GB bộ nhớ trong. Cấu hình này đã được Samsung sử dụng ở kha khá những dòng máy tầm trung, để tìm hiểu chi tiết bạn có thể đọc thêm tại đây.
Điểm đánh giá hiệu năng của Galaxy M31
Cuối cùng ta sẽ lật máy ra để ‘soi’ màn hình. Đây là một điểm thiết kế không có sự thay đổi so với phiên bản M30s, với màn hình Super AMOLED lớn 6.4 inch độ phân giải FullHD được bảo vệ bởi kính Gorilla Glass 3.
Chỉ cần nhìn qua ảnh bạn cũng có thể thấy rằng thiết kế màn hình này thua kém so với những dòng máy Galaxy A thế hệ mới như A51 và A71. Phần cắt phía trên dạng Infinity-U chiếm nhiều diện tích hơn so với loại Infinity-O mới:
‘Giọt nước’ màn hình Galaxy M31…
…so với một chấm nhỏ Infinity-O của A51.
Viền dưới màn hình cũng dày hơn 1 cách rõ rệt, vì vậy tỷ lệ màn hình của chiếc máy này ‘ngắn’ hơn so với A51.
Viền dưới ‘mập mạp’ của Galaxy M31…
…so với viền siêu mỏng và cân đối của A51.
Mặc dù có thiết kế ‘giản dị’ hơn (nói thẳng ra là xấu hơn), nhưng tôi không thể phàn nàn về chất lượng của màn hình này. Kể cả với những dòng máy tầm trung như M31 hay A51, tấm nền Super AMOLED của Samsung luôn không làm ta thất vọng về độ tương phản, độ đậm màu và độ sáng để có thể sử dụng được ngoài trời nắng.
Cần cái gì, mua cái đó
Đọc bài viết này bạn sẽ nghĩ rằng tôi không cảm thấy ấn tượng với chiếc Galaxy M31 – và bạn đã nghĩ đúng! Mặc dù có mức giá rất gần với ‘đồng hương’ Galaxy A51, chiếc máy này lại mất đi những ưu điểm về thiết kế cả mặt lưng lẫn màn hình, thiếu cảm biến vân tay thế hệ mới; hệ thống camera nhiều về lượng lẫn cả về số ‘chấm’ nhưng không làm người dùng tự tin là sẽ cho ra bức ảnh đẹp trong tất cả trường hợp.
Galaxy A51 hơn M31 ở rất nhiều khía cạnh, chỉ trừ 1 điểm là pin
Nhưng ‘con át chủ bài’ của Galaxy M31, thứ khiến cả những dòng máy cao cấp nhất cũng phải ‘ngước nhìn’ đó là thời lượng pin. Đối với những người dùng trung niên, những người làm việc ở công trường hay thích đi dã ngoại, thì việc có một chiếc smartphone ‘trụ’ được trong một thời gian dài quý giá hơn rất nhiều so với thiết kế đẹp, camera ‘xịn’ hay cấu hình cao.
Và có lẽ, bạn ‘cần cái gì, mua cái đó’ mà thôi, điểm Samsung làm tốt ở đây đó là đem tới cho ta nhiều lựa chọn khác nhau ở cùng một tầm giá!