Đánh giá Samsung Galaxy M51: Còn gì khác ngoài viên pin 7.000 mAh?

Samsung Galaxy M51 ra đời với sứ mệnh mở rộng dòng Galaxy M, đồng thời mang đến những trải nghiệm từ tốt đến rất tốt. Sản phẩm này thừa hưởng thiết kế tổng thể đặc trưng của những chiếc điện thoại đến từ Samsung trong năm nay đi cùng với viên pin lớn không tưởng.

Thời lượng pin

Một trong những đặc điểm nổi bật của dòng Samsung Galaxy M là dung lượng pin khủng. Với Galaxy M51, Samsung tuyên bố danh hiệu điện thoại có pin lớn nhất phân khúc khi sở hữu viên pin khổng lồ 7.000mAh – dung lượng pin lớn nhất mà chúng ta có thể tìm thấy trên một chiếc điện thoại thông minh phổ thông. Galaxy M51 hỗ trợ sạc 25W qua cổng Type-C. Một lần sạc đầy, máy sẽ mất khoảng hai giờ để sạc từ 10%. Đây là thời gian có thể chấp nhận được khi viên pin 7.000mAh là rất lớn.

Thời lượng pin mà mình nhận được với Galaxy M51 là rất đáng kể. Mình có thể sử dụng mà không cần sạc trong hai ngày với mức sử dụng cơ bản như giải trí, chơi game nhẹ nhàng. Thời gian màn hình có thể hiển thị trong 1 lần sạc trên M51 là điều mình chưa tình thấy trước đó. Với việc sử dụng Wi-Fi, Bluetooth, lướt mạng xã hội, duyệt web, chụp ảnh, chơi game nhẹ nhàng và nghe gọi điện thoại, mình sẽ sử dụng được từ 13 đến 14 giờ.

Để tận dụng lợi thế của viên pin lớn, Samsung Galaxy M51 cũng có khả năng sạc ngược cho các thiết bị khác. Khi đó, M51 sẽ biến thành một củ sạc dự phòng cho những thiết bị còn lại nhờ cáp Type-C sang Type-C được cung cấp trong hộp. Mình có thể sạc tai nghe và cả điện thoại của bạn bè bằng Galaxy M51 mà không gặp bất kỳ rắc rối nào. 

Đối với những người thích sạc chậm thông thường, máy cũng cho phép chọn chế độ sạc bình thường. Điều này sẽ giúp cho thiết bị của minh sạc từ từ qua đêm mà không lo lắng về việc chai, phồng pin.

Thiết kế

Samsung Galaxy M series luôn có một thân hình tương đối lớn bởi viên pin khủng mà nó mang lại. Và Samsung Galaxy M51 cũng không phải là ngoại lệ. 

Ngay trong lần đầu tiên cầm trên tay, thiết bị có cảm giác khá nặng bởi viên pin 7.000 mAh mà nó mang trong mình. M51 cho cảm giác cầm chắc tay bởi khối lượng lớn, độ dày 9,5mm và mặt lưng nhựa giả kính không bị trơn trượt. Mặt sau sẽ là nơi bám khá nhiều mồ hôi, dấu vân tay cũng như dễ bị trầy xước nếu không đeo ốp. Và mình khá bất ngờ khi Samsung không cung cấp một chiếc vỏ silicone bổ sung trong hộp. 

Trọng lượng lớn, tuy nhiên sau một vài ngày sử dụng, minh đã hoàn toàn có thể quen với cảm giác này.

Phía dưới Galaxy M51 có loa đơn , micrô, cổng Type-C và vì thiết bị khá dày nên Samsung cũng đã bổ sung giắc cắm tai nghe 3.5 mm. Ở bên phải, chúng ta có nút nguồn được tích hợp với cảm biến vân tay và ngay phía trên là các nút âm lượng. Cảm biến vân tay khá dễ để chạm tới, tuy nhiên với các nút âm lượng lại gặp phải khó khăn hơn khi đặt ở vị trí tương đối cao.

Màn hình

Ở mặt trước, Samsung Galaxy M51 cung cấp tấm nền Super AMOLED Plus Infinity-O 6,7 inch Full HD+ với tỷ lệ khung hình 20:9. Việc trang bị tấm nền Super AMOLED Plus của Samsung luôn được cho là hiệu quả hơn các sản phẩm khác cùng phân khúc.

Màn hình lớn đi kèm với camera trước theo dạng Infinity-O càng khiến diện tích hiển thị của Galaxy M51 được tăng thêm. Ngoài ra, Samsung còn có hỗ trợ widevine L1 để truyền nội dung HD trên Netflix một cách sống động nhất.

Được trang bị tấm nền AMOLED nên người dùng sẽ có được màu đen sâu, độ tương phản cao và màu sắc sống động. Nếu bạn muốn tùy chỉnh sâu hơn để có một màn hình không quá rực rỡ hãy vào phần cài đặt và chọn cho minh chế độ Tự nhiên thay vì Sống động nhé! Ngoài ra máy cũng có tính năng Always on Display với rất nhiều chủ đề từ cửa hàng của Samsung.

Đầu tư vào thời lượng pin cũng khiến Samsung phải cắt giảm một số chi tiết để có được một mức giá tốt nhất. Và tần số quét màn hình là thứ được chọn. Samsung Galaxy M51 chỉ sở hữu màn hình tần số quét 60Hz, trong khi những chiếc máy khác trong phân khúc đã được trang bị màn hình 90Hz, hay thậm chí là 120Hz. Với mình thì điều này chưa quá quan trọng vì ở phân khúc giá dưới 9 triệu đồng, 120Hz hay 90Hz đi kèm cấu hình không quá cao đôi khi lại không phù hợp.

Góc nhìn của máy cũng khá tốt ngay cả trong điều kiện ánh sáng gắt. Độ sáng của máy hoàn toàn đủ dùng dưới cái nắng của Thủ Đô những ngày này.

Hiệu năng

Một trong những hạn chế với các thiết bị dòng Samsung M trước đây là vấn đề về hiệu năng. Điều này chủ yếu là do việc lựa chọn chipset không quá cao cấp từ Qualcomm cũng như các SoC Exynos tự phát triển. Tuy nhiên lần này, Samsung đã thay đổi khi bổ sung chipset Snapdragon 730 lên Galaxy M51. 

Snapdragon 730 là một chipset tám nhân được xây dựng trên tiến trình 8nm với tốc độ 2.2GHz. Bộ xử lý tương tự cũng được tìm thấy trên Xiaomi Mi 9T hay Vsmart Aris/Aris Pro. Trong quá trình sử dụng, Snapdragon 730 đáp ứng khá tốt từ những các vụ cơ bản đến game nặng. Để xử lý đồ họa, chipset được ghép nối với RAM 8GB và bộ nhớ 128GB và GPU Adreno 618 có tốc độ 575MHz.

Việc sử dụng của mình hằng ngày chủ yếu là với các ứng dụng như Facebook, Youtube, VnExpress, VTV Go và PUBG Mobile nhẹ nhàng. Galaxy M51 hầu như đáp ứng được tốt nhu cầu của mình trong các tác vụ này. Hiện tượng giật lag rất ít khi xuất hiện, trừ khi mình chuyển đổi quá nhiều ứng dụng qua lại.

Trong bài test Geekbench 5, Samsung Galaxy M51 đạt 1149 điểm. Con số này là khá thấp nếu so sánh với con số trung bình cũng những chiếc smartphone cùng phân khúc với khoảng 2080 điểm.

Về cơ bản, mình cũng có thể chơi các trò chơi đòi hỏi cấu hình cao một chút với Samsung Galaxy M51, nhưng phải giảm mức đồ để giữ được độ ổn định ở mức cao nhất. Với PUBG Mobile, mình chơi ở mức thiết lập đồ họa Mượt + Cực cao và vẫn đạt được 40-50fps. Kết quả này cũng là khá dễ hiểu khi M51 là chiếc điện thoại không dành cho những game thủ thích “cày cuốc” hằng ngày.

Đã qua rồi cái thời mà Samsung từng gặp khó khăn trong việc cung cấp trải nghiệm người dùng nhất quán. Giờ đây OneUI đã dần trở thành một trong những bản tùy biến được yêu thích nhất trên Android. Với OneUI 2.1 của Galaxy M51, Samsung đã rất nỗ lực để giữ hầu hết các thao tác ở nửa dưới của màn hình để tạo điều kiện sử dụng bằng một tay và cũng mang lại trải nghiệm tốt hơn cho những người dùng có bàn tay nhỏ hơn. Đây là một cách tiếp cận tốt nhất là khi kích thước và khối lượng của M51 là khá lớn.

Camera

Galaxy M51 có cụm 4 camera ở phía sau, bao gồm cảm biến chính Sony IMX 682 64MP khẩu độ f/1.8, cảm biến siêu rộng 12MP khẩu độ f/2.2, cảm biến đo độ sâu 5MP và cảm biến macro 5MP. Ở mặt trước, M51 có camera selfie 32MP, khẩu độ f/2.2. Đây là thông số khá giống với Galaxy M31s mới ra mắt gần đây. 

Cụm camera sau của Samsung Galaxy M51Trong quá trình sử dụng, camera của máy hoạt động rất tốt và cho ra những bức ảnh tương đối ưng ý. Samsung cũng đã tích hợp tính năng Single Take để chụp ảnh và quay video bằng tất cả các camera, từ đó mang đến cho người dùng những bức ảnh và khoảnh khắc đẹp nhất trong một album. Đây là tính năng mà chúng ta đã thấy trên các mẫu điện thoại Samsung cao cấp như dòng Note20 và S20. Ngoài ra, ứng dụng camera còn có rất nhiều chế độ chụp, bộ lọc, vùng AR, … phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau.

Giao diện chụp hìnhMáy ảnh chính tạo ra hình ảnh tuyệt vời với lượng chi tiết, độ sắc nét và dải động tốt trong ánh sáng ban ngày. Màu sắc ở mức tốt với độ bão hòa nhẹ. Các màu như xanh lá cây, đỏ và cả xanh lam được nâng cao hơn một chút so với thực tế. 

Một góc phố Hà Nội cuối thu

Màu sắc của lá cây được đẩy lên hơi rực rỡ so với thực tếẢnh chụp ở chế độ 64MP, ảnh cho ra sẽ có được các chi tiết sắc nét hơn một chút, cùng với đó là màu sắc cũng rực rỡ hơn so với thực tế. 

Hiệu suất chế độ ban đêm trên Galaxy M51 cũng tốt hơn mình mong đợi. Khi đó, ảnh cho ra sẽ được nâng cao hơn hẳn về cả độ sáng lẫn chi tiết. Các góc tường khi bật chế độ chụp đêm đều lấy được những vết nhỏ li ti từ cát. Hộp cà phê cũng không bị bệt so với khi chụp thường.

Tắt chế độ chụp đêm

Bật chế độ chụp đêmỐng kính góc rộng là một camera 12MP mang lại góc nhìn 123 độ để lưu giữ nhiều khung hình nhất. Ảnh cho ra cũng giữ được màu sắc và dải nhạy sáng ở mức độ tốt trong điều kiện ánh sáng ngoài trời.

Ảnh chụp góc rộng ở hồ Hoàng Cầu

Góc máy tương tự ở camera chính

Camera macro là một bổ sung đáng giá cho Galaxy M51, nhờ độ phân giải cao hơn có thể chụp được những bức ảnh cận cảnh tốt mà vẫn giữ được độ sắc nét và màu sắc. Tuy nhiên, vì nó là một ống kính tiêu cự cố định, do đó khả năng lấy nét vẫn sự kiên nhẫn một chút.

Chi tiết của lá không quá tốt

Khi chụp ngược sáng, chi tiết không được quá tốt Camera selfie Sony IMX616 32MP cũng có thể chụp ảnh selfie góc rộng mặc dù không có nhiều khác biệt so với góc thường. Kết quả cho ra ở mức chấp nhận được khi màu sắc và chi tiết không quá tốt. Màu da đôi khi có xu hướng thay đổi và mịn màng quá mức cần thiết.

Camera selfie góc thường

Camera selfie góc rộng không có quá nhiều thay đổiChế độ chụp chân dung bằng camera trước cũng không quá nổi bậtGalaxy M51 cũng có khả năng quay video lên đến 4K 30fps. Không nhận được tính năng chống rung quang học, nên Samsung đã thêm chế độ ổn định ”Siêu ổn định” dựa trên phần mềm và nó cũng chỉ hoạt động ở mức chấp nhận được.

Tổng kết

Samsung Galaxy M51 là thiết bị dòng M đắt nhất từ trước đến nay và nó mang lại nhiều điểm nổi bật. Với việc trang bị viên pin cực khủng 7.000 mAh, thứ mà nhiều người mong muốn và Snapdragon 730 với tấm nền Super AMOLED của Samsung, Samsung dường như đã sẵn sàng để vượt qua những cái tên như Vsmart Aris Pro, Realme X3 và Redmi K20 Pro.