Đánh giá Samsung Galaxy S9 và S9+: bình cũ nhưng rượu mới
Những năm gần đây, các hãng lớn đã tiến gần đến chu kỳ “tick tock” của ngành smartphone, khi đột phá về thiết kế đã dần ít đi nhưng các tính năng và công nghệ mới vẫn liên tục được giới thiệu.
Khi ngành công nghiệp smartphone dần bão hòa, những thiết kế điện thoại mới lạ và ấn tượng cũng ít dần đi. Mỗi khi các hãng điện thoại đưa ra được một mẫu thiết kế tạo dấu ấn, họ thường gắn bó với kiểu dáng đó tới vài năm mới thay đổi. Có thể kể tới một số ví dụ những năm gần đây như iPhone 4, iPhone 6, HTC One M7 hay Xiaomi Mi Mix.
Samsung cũng vậy. Năm ngoái, họ là một trong những nhà sản xuất đi đầu với thiết kế màn hình dài và viền mỏng “vô cực” với bộ đôi Galaxy S8 và S8+. Qua một thế hệ, hãng điện thoại Hàn Quốc tiếp tục sử dụng ngôn ngữ thiết kế cũ nhưng không quên nâng cấp về hiệu năng, camera cho Galaxy S9/S9+.
Tuy nhiên phải nói rằng chất lượng của thế hệ S8 đã rất cao rồi, liệu Samsung có thực sự nâng cấp trải nghiệm sử dụng của S9 lên cao hơn? Năm nay hai mẫu Galaxy S9 và S9+ có giá lần lượt là 19,9 triệu và 23,49 triệu đồng, cao hơn 1,5 và 3 triệu so với thế hệ S8/S8+ khi ra mắt vào năm 2017. Các tính năng mới có xứng đáng với mức giá cao hơn không, mời bạn đọc theo dõi bài viết.
Sản phẩm trong bài đánh giá là phiên bản thương mại, hiện đã được bán tại Việt Nam từ ngày 16/3.
Thiết kế: chỉ tinh chỉnh chứ không đột phá
Nhìn ở mặt trước thì sẽ khó phân biệt giữa S9 (phải) và S8
Như đã nói ở trên, thiết kế của Galaxy S9 không có nhiều khác biệt so với thế hệ S8, thậm chí nếu chỉ nhìn qua thì bạn sẽ khó phân biệt hai mẫu máy này. Nhìn kỹ thì S9 có kiểu dáng vuông vắn hơn một chút, các góc bo ít hơn S8, 2 viền trên và dưới màn hình cũng được làm gọn hơn do vậy kích thước thực tế máy ngắn hơn. Khung kim loại của S9 cũng được xử lý để có bề mặt nhám, còn phần khung của S8 thì bóng hơn.
Để thấy sự khác biệt của hai máy bạn phải nhìn vào mặt sau: cụm camera trên Galaxy S9+ được đặt dọc cùng cảm biến vân tay ở phía dưới. Với vị trí mới, cảm biến vân tay trên Galaxy S9 dễ bấm hơn, khó bấm nhầm hơn vì nằm ngay ở phần viền của cụm camera. Đây là điểm khó chịu nhất trong thiết kế của S8, và nó đã được khắc phục trên S9.
Cảm biến vân tay trên S9+ (trái) dễ bấm hơn Note8, nhất là với người có ngón tay ngắn
Thiết kế dài và mặt lưng, màn hình bo tròn đem lại cảm giác cầm nắm dễ chịu, thoải mái trên S9, và kể cả với S9+ thì máy cũng vẫn dễ cầm. Trên chiếc S9+ việc dùng một tay vẫn chưa được tối ưu, nhất là khi phải thao tác ở phần trên màn hình, với S9 thì đơn giản hơn.
S9 là smartphone cao cấp hiếm hoi còn giắc cắm 3,5mm
Các chi tiết thiết kế, độ hoàn thiện của S9 vẫn ở mức tốt. Đây là một trong những máy cao cấp hiếm hoi còn sử dụng giắc cắm 3,5mm, cho phép bạn lựa chọn linh hoạt giữa tai nghe cắm dây và Bluetooth. Máy hỗ trợ dùng 2 SIM hoặc 1 SIM và 1 thẻ nhớ.
Về mặt chất liệu, Galaxy S9 và S9+ sử dụng kính dày hơn 20% và nhôm series 7000 tốt hơn so với các thành phần cấu tạo vỏ của Galaxy S8. Chính vì vậy, những chiếc smartphone mới sẽ bền và nặng tay hơn khi cầm so với Galaxy S8/S8+. Tất nhiên, bạn vẫn sẽ phải bảo vệ smartphone của mình và tránh làm rơi vì máy vẫn rất dễ vỡ kính.
Bạn có thể bảo vệ máy với ốp lưng được tặng kèm
Có thể nói thiết kế của Galaxy S8 đã rất ấn tượng, đẹp mắt nên S9 vẫn được “thừa hưởng” thiết kế đó. Điểm trừ lớn nhất ở S8 là vị trí cảm biến vân tay đã được điều chỉnh hợp lý hơn trên S9. Trong khi hàng loạt nhà sản xuất Android đang sao chép “tai thỏ” trên iPhone X, Galaxy S9 nổi bật hẳn nhờ thiết kế nguyên bản của Samsung.
Hiển thị đẹp, loa sống động
Hiển thị luôn là điểm mạnh trên các máy Samsung cao cấp. Màn hình Super AMOLED của S9 có độ sáng cao nên hiển thị ngoài nắng rất rõ ràng, độ tương phản cao, kính trong và hiển thị màu đen sâu đem lại hình ảnh ấn tượng hơn khi xem phim. Về mặt hiển thị màu sắc, chiếc S9 hiển thị màu trắng ở mức xanh hơn một chút so với S8, khi chuyển sang chế độ Cơ bản thì các màu sắc đều gần với chuẩn sRGB. Ở chế độ Tối ưu hiển thị, người dùng còn có thể điều chỉnh chi tiết màu sắc màn hình theo từng kênh.
Màn hình dài phù hợp hiển thị các nội dung như trang web, Facebook
Ngoại trừ game thì hiện nay các nội dung phim trên YouTube hay Netflix vẫn chưa tương thích tốt với các màn hình dài, trong đó có màn hình tỉ lệ 18,5:9 của S9. Tuy vậy các ứng dụng này đều hỗ trợ hiển thị toàn màn hình, sẽ mất một chút hình ảnh ở các rìa nhưng bù lại không bị phần tai thỏ “xấu xí” như trên iPhone X. Tỉ lệ dài phù hợp nhất cho hoạt động lướt web hoặc Facebook, vì có thể hiển thị nhiều nội dung hơn màn hình 16:9.
Loa ngoài kép, âm lượng lớn và sống động giúp xem phim đã hơn nhiều so với đời S8
Nếu như các hãng smartphone khác đã có loa kép cho điện thoại từ lâu, thì đến đời Galaxy S9 Samsung mới áp dụng công nghệ loa kép bằng cách kết hợp loa ngoài ở cạnh dưới máy và loa thoại. Sự nâng cấp này làm trải nghiệm xem phim, nghe nhạc hay chơi game trên S9 tốt lên rất nhiều.
Âm lượng loa kép của S9 rất lớn, có thể nghe được ở những nơi ồn ào. Âm thanh được tái tạo cũng khá sống động, chi tiết, kết hợp cùng màn hình đẹp của S9 giúp xem phim hay chơi game đã hơn nhiều. Tuy nhiên tôi nhận thấy máy vẫn chưa cân bằng tốt giữa âm lượng của hai loa, âm thanh từ loa ngoài vẫn lớn hơn một chút so với loa thoại, nếu tinh ý có thể thấy hơi lệch.
Máy ảnh: những cải tiến giúp nâng tầm chất lượng chụp ảnh
Máy ảnh là thành phần được nâng cấp nhiều nhất trên S9 về cả phần cứng và phần mềm. Samsung đã lần đầu tiên mang camera khẩu độ képlên smartphone của mình, cho phép thay đổi độ mở của ống kính ở hai mức f/2.4 và f/1.5 (cao nhất trên smartphone hiện nay) để phù hợp với các điều kiện chụp khác nhau. Bên cạnh đó, hãng cũng bổ sung thêm tính năng quay siêu chậm với tốc độ 960 fps, tương đương chiếc Sony Xperia XZ1.
Bên cạnh đó, Samsung cũng có chút thay đổi về giao diện ứng dụng camera trên S9. Thay vì vuốt sang trái và chọn chế độ chụp trong một danh sách, bạn sẽ phải vuốt lần lượt qua từng chế độ một giống như trên iPhone. Cách chọn này vừa chậm hơn, lại dễ nhầm do không đồng nhất khi xoay ngang và dọc màn hình như trên S8 (vuốt từ trên xuống để đổi camera trước/sau, vuốt sang bên để đổi chế độ). Ngoài ra tốc độ chuyển giữa các chế độ cũng khá chậm. Đây là một điểm trừ đáng tiếc của chiếc S9.
Tốc độ lấy nét của Galaxy S9 rất nhanh, kể cả khi chụp buổi tối nhờ cảm biến Dual Pixel. Máy chụp và lưu ảnh, video đều rất nhanh, dù là các tác vụ nặng như quay siêu chậm hay quay phim 4K, có lẽ đây là tác dụng của việc tích hợp RAM dành riêng cho máy ảnh.
Vậy camera của S9 có hơn được S8 hay không, khi mà thế hệ cũ vốn đã có camera rất tốt? Câu trả lời là có, nhưng hơn nhiều hay không còn do người chụp. Bên cạnh những điểm mạnh của S8 như ảnh có độ nét cao, khử nhiễu tốt thì S9 còn được cải thiện về cân bằng trắng, giúp cho ảnh có màu chuẩn và gần thực tế hơn. Nếu chụp ở khẩu độ f/2.4 (mặc định trong điều kiện ánh sáng tốt), ảnh có độ nét và chi tiết cao hơn S8 khá nhiều.
Camera của S9 vẫn giữ được độ nét cao và khả năng khử nhiễu tốt, nhưng cân bằng trắng có cải thiện so với thế hệ trước
Khẩu độ f/1.5 phát huy tác dụng nhiều nhất khi chụp tối: ảnh nét hơn, ít nhiễu hơn so với khẩu f/2.4 hay khi so với đối thủ trực tiếp là iPhone X. Bạn đọc có thể tham khảo bài đánh giá chi tiết về chụp ảnh hai khẩu độ trên Galaxy S9;để hiểu rõ hơn về tính năng này.
Khẩu độ f/1.5 giúp ảnh chụp tối nét, giữ được nhiều chi tiết hơn so với f/2.4 hay ống kính f/1.7 trên S8
Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa hai chiếc S9 và S9+ là camera kép trên S9+. S9+ vẫn sử dụng mô hình camera kép giống như Note8, với camera tele tiêu cự 52mm, độ phân giải 12MP và khẩu độ f/2.4. Và cũng giống như chiếc Note, ảnh của Galaxy S9+ thường cho độ sáng cao, màu sắc tươi tắn, rực rỡ hơn thực tế và có phần hơi “ảo” khi tự động kích hoạt chế độ làm đẹp da giúp che bớt đi các khuyết điểm trên gương mặt, làm da trắng mịn, hồng hào hơn, “nịnh mắt” hơn.
Ảnh xóa phông trên S9+ có độ sáng cao, màu sắc tươi tắn và tự động làm trắng, mịn da
Tuy nhiên khi chụp tối thì chi tiết bị mất nhiều, kém hơn chút nếu so trực tiếp với iPhone X
Ngoài ra, Samsung cũng mang tới một tính năng khá thú vị gọi là “Bộ lọc Bokeh”. Khi chụp chế độ Lấy nét động trên S9+ và phần phông có ánh sáng phù hợp, bạn có thể điều chỉnh các điểm sáng ở phần phông thành các hình thù thú vị, giống như dùng một bộ lọc trên máy ảnh. Cần chú ý là lựa chọn này sẽ chỉ tự hiện lên khi nền có nhiều điểm sáng tách biệt, nên không phải lúc nào ảnh cũng chỉnh được.
VnReview đã có bài so sánh chi tiết ảnh chụp camera kép từ S9+ với iPhone X, trong đó chỉ ra ưu nhược điểm và sự khác biệt từ mỗi máy, mời bạn đọc tham khảo.
Tính năng quay siêu chậm cho phép bạn tạo ra những đoạn phim thú vị khá dễ dàng nhờ chế độ bắt chuyển động tự động và ghi siêu chậm nhiều lần. Máy cũng có sẵn phần mềm chỉnh sửa video với nhiều bản nhạc sôi động hoặc “deep” để phù hợp với video siêu chậm. Tuy nhiên để có kết quả tốt nhất thì bạn cần có kinh nghiệm chỉnh sửa video.
VnReview đã có đánh giá chi tiết về tính năng quay phim siêu chậm trên Galaxy S9, mời bạn đọc tham khảo.
Video siêu chậm quay từ Galaxy S9/S9+
Galaxy S8 là một trong những chiếc smartphone chụp ảnh tốt nhất, và Samsung đã làm tốt khi nâng chất lượng của S9 lên cao hơn với những tính năng như điều chỉnh khẩu độ hay quay siêu chậm. Những người dùng bình thường sẽ hưởng lợi từ các chế độ mặc định, nhưng người có kinh nghiệm quay, chụp còn có thể khai thác tốt hơn chiếc S9.
AR Emoji trên S9 có thể gợi liên tưởng tới Animoji trên iPhone X. Đại diện Samsung đã liên tục khẳng định AR Emoji là một tính năng nguyên bản của Samsung với cách tiếp cận “hoàn toàn khác” Animoji. Thực tế là AR Emoji chỉ sử dụng camera trước để ghi lại khuôn mặt và hành vi của người dùng, do vậy khả năng bắt chước kém Animoji nhiều, nhất là các chi tiết mắt và miệng.
AR Emoji chỉ sử dụng camera trước để chụp khuôn mặt và bắt chước hành vi
Tuy nhiên AR Emoji lại có thể tái tạo khuôn mặt của người dùng theo cách hài hước (nhưng đôi khi lại hơi ghê), và cho phép tạo sẵn một loạt ảnh gif thú vị. Dù vậy đây cũng chỉ là một tính năng vui vẻ, khó có thể thu hút người dùng quay lại sau vài lần đầu sử dụng.
Hiệu năng
Trên thế hệ Galaxy S9, Samsung đã đưa ra vi xử lý mới Exynos 9810 với 4 nhân kiến trúc Exynos M3 hiệu năng cao kết hợp cùng 4 nhân Cortex A55 tiết kiệm điện. Theo Samsung thì hiệu năng xử lý đơn nhân của Exynos 9810 đạt tới gấp đôi thế hệ trước, còn hiệu năng đa nhân tăng khoảng 40%.
Kết quả đánh giá hiệu năng bằng phần mềm cho điểm số gần đúng với tuyên bố của Samsung: điểm hiệu năng đơn nhân/đa nhân của S9+ cao hơn S8 lần lượt 90% và 31% trên phần mềm GeekBench. Ở phần mềm GFXBench đánh giá hiệu năng đồ họa, S9+ cũng cho điểm cao hơn thế hệ trước khoảng 20%.
Ở các ứng dụng GeekBench thể hiện hiệu năng tính toán, và GFXBench thể hiện hiệu năng đồ họa thì S9+ đều cho điểm số cao hơn khá nhiều so với thế hệ trước
Tất nhiên, phần mềm đánh giá chưa thể phản ánh đầy đủ hiệu năng của máy. Trong sử dụng hàng ngày, tôi nhận thấy tốc độ mở ứng dụng, máy ảnh hay game đều rất nhanh. Để chắc chắn, chúng tôi cũng thử so sánh trực tiếp tốc độ của S9+ với iPhone X, và kết quả là sự chênh lệch không còn quá lớn như thế hệ trước (iPhone 8 Plus và Note8).
So sánh tốc độ tải ứng dụng, đa nhiệm của Galaxy S9+ và iPhone X
Ưu điểm của S9+ so với iPhone X là khả năng đa nhiệm tốt hơn, khi chuyển đổi giữa nhiều ứng dụng trong khoảng thời gian dài thì hầu như máy không phải tải lại dữ liệu. Trên chiếc điện thoại của Apple, tôi thấy ứng dụng thường xuyên phải tải lại nên sử dụng khá khó chịu. S9+ có 6GB RAM, còn S9 chỉ có 4GB nhưng về sử dụng thực tế thì khả năng đa nhiệm của hai máy không chênh lệch nhiều, có lẽ phải những tình huống rất khó như bài test phía trên mới có thể cho thấy sự khác biệt của hai phiên bản.
Với game, S9+ cũng đáp ứng tốt tất cả những game mà tôi thường chơi, trong đó có cả những game nặng về mặt đồ họa như Warhammer: 40K hay World of Tank: Blitz. Có thể nói với mức giới hạn 60 hình/giây của màn hình thì hiện tại chưa có game nào “làm khó” được những máy cao cấp như Galaxy S9.
Pin: đủ dùng chứ không ấn tượng
S9 và S9+ giữ nguyên dung lượng pin như thế hệ trước, lần lượt là 3000 và 3500 mAh. Với màn hình cùng độ phân giải và kích thước, phần cứng có thay đổi nhưng thời gian sử dụng pin của S9, S9+ nhìn chung cũng giống thế hệ trước. Khi sử dụng thực tế với kết nối 4G liên tục, máy được dùng vào việc lướt web, chụp ảnh, chơi game nhẹ thì S9 sử dụng được khoảng 8 giờ sẽ báo yếu pin, còn S9+ được khoảng hơn 10 giờ. Thời gian sáng màn hình của hai máy lần lượt là 3 và 5 giờ.
Trong các bài đánh giá pin tiêu chuẩn của VnReview, kết quả của S9+ ở mức khá và không hơn so với S8+. Cụ thể, máy đạt hơn 13 giờ xem phim, 9 giờ lướt web nhưng chỉ hơn 3 giờ chơi game.
Thời gian xem phim HD chép vào máy ở độ sáng và âm lượng 70%, tính từ lúc pin đầy đến lúc còn 10% thì dừng.
Thời gian chơi game, tính từ lúc pin đầy đến 10% thì dừng.
Thời gian lướt web qua mạng Wi-Fi ở độ sáng màn hình 70%, cũng tính từ lúc pin đầy đến lúc còn 10% thì dừng.
Pin là điểm duy nhất mà Samsung đã không cải thiện được cho Galaxy S9/S9+. Một số đánh giá cho rằng phiên bản S9 sử dụng chip Qualcomm Snapdragon 845 có pin tốt hơn một chút, nhưng đó lại không phải phiên bản bán tại Việt Nam.
Phần mềm: nhiều thay đổi nhỏ
S9 được cài bản phần mềm Samsung Experience 9.0, dựa trên nền Android 8 Oreo. Thao tác sử dụng không có thay đổi so với Samsung Experience trên S8, nhưng về phần “nhìn” thì phiên bản này có thêm tính năng Adaptive Icons (đồng bộ cách hiển thị các biểu tượng) và Notification Dots (hiển thị số lượng thông báo cạnh biểu tượng ứng dụng).
Bàn phím Samsung có thêm tính năng chọn GIF, sticker
Một số thay đổi khác là bàn phím Samsung hỗ trợ thêm thanh điều khiển giống như bàn phím Gboard, có thêm phần sticker và tìm GIF. Nếu như là người thích xu hướng máy tính màu mè RGB, bạn cũng có thể chỉnh dải sáng thông báo ở màn hình cạnh tương tự như vậy.
Tính năng dịch mới xuất hiện trên Bixby Vision
Trợ lý ảo Bixby tiếp tục xuất hiện trên S9, vẫn có nút riêng để tích hợp và có thêm một số tính năng mới ở Bixby Vision. Cụ thể, bạn có thể hướng camera vào một đoạn văn bản và yêu cầu máy dịch trực tiếp, hướng vào vật thể để nhận biết và tìm kiếm. Bixby nhận biết vật thể khá nhanh, nhưng tính năng này cũng khiến máy hoạt động hết công suất và nhanh bị nóng.
Với các phương thức bảo mật sinh trắc học, Samsung giới thiệu thêm tính năng Intelligent Scan. Đây là cách kết hợp giữa bảo vệ bằng khuôn mặt và mống mắt: khi điều kiện ánh sáng tốt máy sẽ mở khóa bằng khuôn mặt, còn khi ánh sáng kém hoặc cần xác thực như thanh toán bằng Samsung Pay thì máy sẽ dùng tới mống mắt. So với iPhone X thì tốc độ mở khóa bằng khuôn mặt của S9 vẫn chậm hơn một chút, nhưng chiếc điện thoại của Samsung lại có nhiều lựa chọn để bảo mật hơn.
Kết luận
Với mỗi thế hệ smartphone mới, nhà sản xuất luôn chịu áp lực phải đưa ra sản phẩm tốt hơn thế hệ cũ. Người dùng sẽ dễ nhận ra một thiết kế mới hơn là những cải tiến về chất lượng hay hiệu năng. Chẳng thế mà iPhone đã bị mệnh danh là chiếc điện thoại “nhàm chán” khi giữ nguyên thiết kế đời iPhone 6 tới vài năm, mặc dù liên tục ghi điểm về công nghệ, hiệu năng và máy ảnh.
Với Galaxy S9, Samsung biết họ không thể một lần nữa gây ấn tượng về thiết kế như đời S8, do vậy hãng đã tập trung cải thiện về trải nghiệm. Tất nhiên đây cũng không phải là một nhiệm vụ đơn giản, vì S8 đã là một điện thoại tốt. Dù vậy Samsung thực sự đã nâng chất lượng camera, hiệu năng và âm thanh trên S9 lên cao hơn.
Với mức giá của S9+, người dùng sẽ phải cân nhắc với iPhone X
Liệu những điểm cải thiện đó có xứng đáng với mức giá cao hơn so với thế hệ trước? Có lẽ là chưa. Những người dùng S8 sẽ không cảm thấy nhiều thay đổi khi chuyển lên S9. Tuy nhiên với những người mới mua máy thì S9 vẫn là smartphone Android đầu bảng, đáng cân nhắc.
Câu chuyện hơi khác một chút với chiếc S9+. Mặc dù hơn hẳn thế hệ trước ở camera kép nhưng S9+ có giá cao hơn hơn tới 3 triệu. Ở mức giá này, người dùng chắc hẳn sẽ cân nhắc cả chiếc iPhone X. Cả hai máy đều rất tốt, và sự lựa chọn chủ yếu nằm ở chỗ người mua thích iOS hay Android.
Điểm cộng
+ Cải thiện hiệu năng
+ Camera chụp tốt hơn năm ngoái, nhiều tính năng thú vị
+ Loa kép âm lượng lớn
Điểm trừ
– Giao diện camera dễ bấm nhầm
– Giá cao hơn so với thế hệ trước
– Pin vẫn chưa được cải thiện
Điểm không ấn tượng
+ Vẫn cố tích hợp Bixby
+ AR Emoji không đáng để quảng cáo nhiều như thế
Tuấn Anh