Đánh giá Suzuki Ertiga Hybrid – vượt khó có thành công?
Suzuki Ertiga Hybrid có lợi thế khi chạy trong đô thị nhờ sự hỗ trợ của hệ thống hybrid. Tuy nhiên những trang bị trên xe vẫn cần được cải thiện.
Suzuki Ertiga Hybrid có lợi thế khi chạy trong đô thị nhờ sự hỗ trợ của hệ thống hybrid. Tuy nhiên những trang bị trên xe vẫn cần được cải thiện.
Suzuki Ertiga Hybrid đã được bán tại Việt Nam và trở thành mẫu ôtô trang bị công nghệ hybrid rẻ nhất thị trường.
Có thể coi đây là mẫu xe “vượt khó” của Suzuki, khi Ertiga Hybrid sẽ cần phải vượt lên chính mính, vượt qua sức ì của một dòng Ertiga ế ẩm trước đây. Ertiga Hybrid cũng cần vượt qua người anh em XL7, mẫu MPV 7 chỗ bán khá tốt của Suzuki.
Chiếc Hybrid rẻ nhất thị trường còn phải đối đầu với 2 ngọn núi Mitsubishi Xpander và Toyota Veloz Cross, vốn đang ngay lập tức tạo ra cuộc đua song mã trong phân khúc MPV giá rẻ. Liệu “hybrid” có là đủ?
Với một chiếc xe hybrid, tất nhiên thứ tôi quan tâm đầu tiên là động cơ.
Suzki Ertiga Hybrid vẫn dùng động cơ xăng 1.5L giống đời cũ, tuy nhiên có thêm bộ máy phát tích hợp khởi động ISG. Về cơ bản, động cơ xăng vẫn đóng vai trò chính trong quá trình vận hành động cơ, ISG chỉ hỗ trợ trong một vài trường hợp nhất định.
Có thêm công nghệ hybrid nên màn hình thông tin đặt trong cụm đồng hồ tốc độ có thêm chức năng hiển thị trạng thái hoạt động của động cơ và ISG. Người lái có thể nhìn được hệ thống truyền động đang hoạt động như thế nào.
Ở điều kiện chạy bình thường, động cơ đốt trong sẽ truyền năng lượng đến bánh xe. Khi giảm tốc, động năng từ bánh xe giúp ISG sạc năng lượng ngược lại vào bộ pin đặt phía dưới ghế lái. Đây cũng là 2 trạng thái hiển thị dễ bắt gặp nhất trên màn hình trong suốt quá trình vận hành xe.
Vậy motor điện của ISG sẽ hoạt động khi nào? Trường hợp tải nặng hay cần tăng tốc đột ngột, lượng pin được dự trữ sẽ giúp motor điện hoạt động, hỗ trợ một phần công suất cho động cơ xăng.
Suzuki cho biết động cơ điện hỗ trợ tối đa khoảng 30 giây. Trải nghiệm thực tế, con số 30 giây đã đủ để vượt qua những con dốc cao hay tăng tốc xe đến dải tốc độ ổn định. Nếu chỉ chạy trong phố và chở thêm 1 hay 2 người, motor điện về cơ bản không có nhiều cơ hội để hoạt động.
Thiếu tính năng chạy thuần điện (EV Mode) ở tốc độ chậm là điểm trừ khá tiếc cho Suzuki Ertiga Hybrid. Công nghệ hybrid trên mẫu xe này có chi phí thấp, chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ động cơ xăng mà thôi, không thể hoạt động độc lập như nhiều mẫu xe hybrid cao cấp hơn. Điều này có nghĩa tôi sẽ không thể chạy xe vào garage trong tình trạng yên tĩnh hoàn toàn với không tiếng ồn và mùi động cơ được.
Nếu có EV Mode, Ertiga Hybrid sẽ mang đến cảm giác dễ chịu hơn, xe sẽ không rung lên do động cơ đốt trong khởi động trở lại mỗi khi tôi nhả chân phanh, thay vào đó là động cơ điện tạo năng lượng cho xe chạy về trước khi ở tốc độ chậm.
Khi dừng đèn đỏ, động cơ xăng sẽ tắt nếu người lái bật tính năng dừng động cơ tạm thời. Chiếc xe có thể yên tĩnh trong một thời gian ngắn, nhưng khi trở lại hoạt động sẽ là tiếng ồn và cảm giác rung của động cơ, nói chung cảm giác không thật sự thoải mái như những mẫu xe hybrid cao cấp hơn.
Theo dữ liệu Cục Đăng kiểm công bố, con số tiêu thụ ngoài đô thị 5,05 l/100 km của Ertiga Hybrid đang nhỉnh hơn các mẫu MPV khác trên thị trường như Toytota Veloz (5,4 l/100 km), Suzuki XL7 (5,85 l/100 km) hay Mitsubishi Xpander (5,9 l/100 km).
Tuy nhiên, Ertiga Hybrid lại có mức tiêu thụ nhiên liệu ngoài đô thị cao hơn đời cũ khoảng 0,3 l/100 km. Bù lại, hệ thống hybrid giúp xe tiết kiệm hơn 2,1 l/100 km trong đô thị so với đời cũ, đạt mức 5,95 l/100 km. Có thể thấy mức tiêu hao nhiên liệu của Ertiga Hybrid ở trong và ngoài đô thị là khá sát nhau, xe tiết kiệm hơn khi chạy đủ tải và vận hành trong phố nhờ sự giúp sức của công nghệ hybrid.
Ertiga Hybrid có trục cơ sở 2.740 mm, ngắn hơn Mitsubishi Xpander (2.770 mm) lẫn Toyota Veloz (2.750 mm). Dù khoảng cách 2 trục bánh xe nhỏ nhất phân khúc, bán kính quay đầu của Ertiga Hybrid (5.200 mm) vẫn lớn hơn đôi chút so với Veloz (5.000 mm) và ngang ngửa Xpander.
Mẫu xe nhà Suzuki có hệ thống treo theo tôi đánh giá ở mức ngang với Mitsubishi Xpander, giảm xóc cứng vừa đủ để xe không cho cảm giác bồng bềnh khi vào cua ở tốc độ cao nhưng không quá khó chịu mỗi lần đi qua các gờ giảm tốc.
Nhìn chung, cảm giác lái của Suzuki Ertiga Hybrid không quá ấn tượng ở điều kiện hoạt động thông thường trước các đối thủ. Dù không tạo ra sự khác biệt quá lớn ở khả năng vận hành hay tính tiết kiệm, nhưng sự mới mẻ của động cơ hybrid vẫn là thứ khiến tôi cảm thấy thú vị trên mẫu xe này, so với những công nghệ “cũ kĩ” trên các mẫu MPV giá rẻ khác.
Không gian khoang lái của Ertiga Hybrid chỉ có sự khác biệt với đời cũ về mặt thẩm mỹ, kích thước giữ nguyên. Mang thiết kế MPV nên hàng ghế phía trước và ở giữa khá rộng rãi, hàng ghế thứ 3 không quá thoải mái.
Vị trí người lái tầm quan sát tốt với cột A không quá to, ghế ngồi chỉnh cơ 6 hướng. Ertiga Hybrid có hàng ghế thứ 2 ngồi khá thoải mái, người ngồi có thể điều chỉnh được độ ngả lưng khá nhiều. Tuy nhiên nếu chỉnh độ ngả hết mức, hàng ghế thứ 3 chỉ còn tác dụng chứa đồ.
Bên cạnh hệ thống hybrid, Suzuki Ertiga Hybrid còn có những nâng cấp khác liên quan đến tính năng an toàn cũng như trải nghiệm cho người sử dụng.
Bổ sung thêm tính năng kiểm soát hành trình (ga tự động) giúp Ertiga Hybrid nhỉnh hơn Veloz và cạnh tranh sòng phẳng với Xpander. Tính năng này cũng giúp xe tiết kiệm nhiên liệu hơn khi di chuyển ở những quãng đường bằng phẳng.
Hệ thống camera 360 độ nay trở thành trang bị tiêu chuẩn trên bản AT và Sport Limited. Chất lượng của camera 360 độ dừng ở mức đủ dùng, không quá sắc nét. Một điểm trừ khi sử dụng hệ thống này là không thể điều chỉnh góc nhìn bằng màn hình cảm ứng, thay vào đó phải dùng tay trái nhấn vào nút bật/tắt camera 360 độ để điều chỉnh.
Suzuki Ertiga Hybrid vẫn dùng đèn chiếu sáng halogen kết hợp gương cầu. Tôi nghĩ Suzuki nên cân nhắc đến việc chuyển sang công nghệ LED, các đối thủ đều đã được trang bị công nghệ này. Trải nghiệm thực tế, bóng halogen với gương cầu vẫn đủ dùng chạy ở tốc độ dưới 60 km/h, nếu chạy nhanh hơn gần như không có tác dụng.
Một trong những thiếu sót tuy nhỏ nhưng cũng gây đôi chút khó chịu trên Ertiga Hybrid là không có tính năng tự động khóa cửa, kể cả trên phiên bản cao nhất là Sport. Hy vọng phiên bản nâng cấp sau sẽ được bổ sung thêm tính năng này.
Suzuki Ertiga Hybrid với 3 phiên bản là MT, AT và Sport có giá bán lần lượt 539 triệu, 609 triệu và 678 triệu đồng. So với đời cũ, giá khởi điểm của mẫu MPV 7 chỗ này tăng 39 triệu đồng.
Mức giá từ 539 triệu đồng của Ertiga Hybrid hiện vẫn rẻ nhất phân khúc khi so với Mitsubishi Xpander (từ 555 triệu đồng), Suzuki XL7 (từ 599,9 triệu đồng) hay Toyota Veloz (từ 648 triệu đồng). Ertiga Hybrid Sport vẫn rẻ hơn phiên bản cao nhất của 2 đối thủ Xpander và Veloz (688 triệu đồng).
Tất nhiên rẻ hơn không có nghĩa là dễ bán hơn, bằng chứng là thế hệ Ertiga trước đã phải vất vả thế nào trước các đối thủ dù có mức giá rẻ hơn đáng kể. Toyota Avanza dù giá rẻ cũng ế ẩm nếu so với sự thành công của Veloz Cross.
Điểm nhấn của thế hệ này là công nghệ hybrid, vốn có thể xem là vũ khí chiến lược nhất của Ertiga so với các đối thủ. Còn lại, cần chờ xem thị trường phản ứng thế nào với công nghệ hybrid trên một mẫu xe giá rẻ.
Tổng quan lại, cơ hội để “vượt khó” và vươn lên dẫn đầu phân khúc của mẫu MPV mới này là không nhiều. Dự đoán, Ertiga Hybrid sẽ đứng thứ 4 về doanh số trong phân khúc MPV giá rẻ, xếp sau Xpander, Veloz Cross và cả XL7.