Đánh giá The Last of Us 2: Khi tình thương và thù hận đều là gánh nặng
Khó có thể đánh giá The Last of Us 2 thực sự là một bom tấn hoàn hảo, vì cốt truyện của nó có quá nhiều nút thắt và những trường đoạn quá tàn nhẫn.
The Last of Us Part II (sau đây sẽ dùng The Last of Us 2 hay TLOU 2) không chỉ kế thừa đầy đủ những tinh túy của người tiền nhiệm, cũng như phát huy được hết các thế mạnh trong những giây phút cuối cùng của PlayStation 4. Không có nhiều game để lại một di sản hùng hậu như The Last Of Us của Naughty Dog với hàng triệu fan hâm mộ trên khắp thế giới và dù đã qua 7 năm, nhưng độ hot của dòng game này luôn luôn đứng đầu trong các bản xếp hạng trên thế giới.
[box background=”banana” border=”dark”]
Lưu ý: Đánh giá này sẽ tiết lộ rất nhiều về cốt truyện nên khi chưa trải nghiệm hay không thích biết trước nội dung game bạn có thể lướt qua bài viết này để xem các nội dung khác về The Last of Us 2 do Mọt Game thực hiện tại đây.
[/box]
Cốt truyện b.ạ.o l.ự.c (hay dở tùy cảm nhận)
Đầu tiên cần phải nói, nếu là một người chơi trung lập thì bạn đừng để các bình luận trên mạng làm ảnh hưởng tới mình. Cơ bản The Last of Us 2 ra mắt vào tối thứ năm 18/06 nhưng đến trưa ngày hôm sau đã có đầy rẫy lời chê bai trên mạng, chủ yếu là về cốt truyện hay ending. Hầu hết những bình luận này khả năng cao toàn là coi Youtube skip tới ending rồi chê, vì không có một cách thần kì nào trong một buổi tối mà những người này có thể chơi hết game mà cảm nhận được, do đó ý kiến của họ có rất ít giá trị tham khảo. Ngoài ra phi vụ chim chuột giữa Ellie và cô bạn gái nhỏ cũng góp phần gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc đánh giá. Lý do cụ thể thì ai chơi rồi sẽ biết nên Mọt tui không cần nhắc lại kẻo bị chụp mũ là kỳ thị giới tính.
Bối cảnh của The Last of Us 2 diễn ra sau 5 năm ở phần một, khi mà Joel cùng Ellie đã ổn định cuộc sống tại khu dân cư Jackson County, cũng như bắt đầu xây dựng những mối quan hệ mới như một người bình thường. Nhưng mọi chuyện không êm đềm như vậy khi các bóng ma trong quá khứ tìm tới hai nhân vật chính của chúng ta, Joel bị một cô gái có tên là Abby giết chết một cách hoàn toàn bất ngờ ngay trước mặt Ellie. Phần sau thì chúng ta cũng có thể đoán ra được, đó chính là Ellie cùng với người bạn mới của mình là Dina lên đường trả thù.
Có một điểm mới của The Last of Us 2 đó là mức độ bạo lực của nó tăng rất nhiều, thậm chí nhiều trường đoạn còn rơi vào phạm trù khá nguy hiểm về đạo đức bởi những thứ khủng khiếp nhất mà con người có thể thực hiện cứ được phô diễn liên tục. Giờ đây người chơi sẽ có hai góc nhìn với Ellie và Abby, chủ yếu là để hiểu tại sao Joel lại bị sát hại một cách ớn lạnh như vậy. Cách dẫn truyện trong game rất hay, vì nó thường để lộ ra một vài tình tiết ngẫu nhiên và để người chơi phải đoán. Không chỉ 2 nhân vật chính Ellie và Abby mà ngay cả những nhân vật phụ cũng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là với Dina bạn sẽ ngay lập tức nhận ra có thứ gì đó không ổn ngay từ khi cô ta xuất hiện.
Cảm giác lo lắng và hồi hộp là thứ xuất hiện liên tục trong The Last of Us 2, khi mà Ellie không phải là người duy nhất truy đuổi Abby, mà ngay chính bản thân nhóm của cô ta cũng đang phải đối đầu cùng kẻ thù mới. Các chi tiết có phần d.ã m.a.n như t.r.e.o c.ổ, x.é x.á.c, đ.á.n.h đ.ậ.p và t.r.a t.ấ.n diễn ra thường xuyên trong game, với mức độ kinh khủng gấp nhiều lần bất cứ thứ gì từng xuất hiện. Nó khiến cho chúng ta vừa chơi vừa lo lắng thay các nhân vật của mình, nhất là khi Ellie và Abby có mối thù không đội trời chung và khả năng cao một trong hai sẽ phải bỏ mạng.
Rất khó để nói rằng cốt truyện sau cùng của The Last of Us 2 là đúng hay sai, vì nó không cho phép người chơi lựa chọn cũng như tạo ra rất nhiều lỗ hổng mà bản thân trò chơi cũng không thể giải quyết thỏa đáng được. Càng về sau nhịp độ trong game càng được đẩy lên nhanh với những chi tiết cực kỳ bất ngờ, ở nửa sau của game bạn sẽ tiếp cận với cuộc đời của Abby nhiều hơn. The Last of Us 2 khắc họa rất rõ cái gì gọi là nhân quả, khi mà Joel, Ellie và Abby đang phải lĩnh nhận những trái đắng bởi hành vi trong quá khứ của họ.
Mọi thứ trong game đều là một vùng xám không có thiện ác hay chính nghĩa, vì mỗi bên đều có những lý do nghe rất chính đáng, chưa kể ai cũng mang một mối căm thù sâu nặng với kẻ địch và những món nợ máu không thể không trả. Có thể chính vì điều này khiến cho The Last of Us 2 bị một bộ phận chê bai, vì nó lồng ghép quá nhiều góc nhìn với những chi tiết được cài cắm, dẫn tới việc càng về sau càng khó giải quyết thỏa đáng. Như một ngọn núi lửa bị đè nén chờ bùng nổ, cộng thêm kết thúc cuối cùng do NSX đưa ra rõ ràng không thể làm vừa lòng tất cả mọi người đã khiến nhiều fan hâm mộ trung thành cũng phải quay sang chê bai phần cốt truyện của TLOU 2 một cách thậm tệ.
Nói về cốt truyện thì Mọt Game đề xuất các bạn nên chơi lại phần một hoặc xem lại cốt truyện của The Last of Us tại đây dành cho những ai chưa chơi hoặc chơi lâu quá quên rồi, nếu không sẽ rất khó trong việc nắm bắt cốt truyện của game.
Lối chơi dồn dập và mang tính phiêu lưu nhiều hơn
Về cơ bản lối chơi của The Last of Us 2 vẫn giữ lại hầu hết phong cách ở phần một, chúng ta sẽ dõi theo hành trình của Ellie cùng Dina truy tìm những kẻ đã sát hại Joel. Có hai điểm thay đổi rất rõ rệt ở phiên bản này, đó là các trận đánh diễn ra nhiều hơn với số lượng kẻ thù đông hơn, cũng như bạn sẽ gặp các kẻ địch là người thường xuyên hơn chứ không phải chỉ là đám Infected.
Tổ chức đứng đầu của Abby là một nhóm người được vũ trang tận răng, do đó mức độ đấu súng trong The Last of Us 2 kinh hoàng hơn rất nhiều, sẽ có những trường đoạn chúng ta bị bao vây và nã đạn điên cuồng mong tìm được đường sống, chứ không phải toàn là thong thả ẩn núp, lẩn tránh hay stealth kill nữa đâu.
The Last of Us 2 vẫn giữ cơ chế Listen Mode như ở phần một, nó cho phép người chơi nghe được tiếng bước chân của kẻ địch, thực tế thì nó gần giống như mắt rắn khi cho chúng ta biết kẻ địch đang đứng ở đâu nhờ vào sóng nhiệt trên màn hình. Tính năng này cực kỳ cần thiết để stealth kill mấy con Clicker, hay lén lút đi qua một đám kẻ địch trong trường hợp cảm thấy mình không đủ sức tay bo với chúng.
Ngoài con người ra thì đám Infected cũng có sự thay đổi, Ellie sẽ gặp kẻ thù mới là những con Infected đột biến ví dụ như Shambler – một dạng tiến hóa lai giữa Clicker và Bloater nhưng khó chịu hơn nhiều. Shambler có lớp giáp cực dày và bị mù như Clicker, khi tiến lại gần nó sẽ nhả ra các bào tử nấm gây sát thương theo thời gian cực kỳ khó chịu.
Bản đồ trong The Last of Us 2 cũng rộng hơn đáng kể, một số đoạn Ellie sẽ lang thang qua các con phố của Seattle với đủ các công trình có thể khám phá, cũng như vô số bí mật mà bạn phải tự mò. Game có đưa vào chút hơi thở của phong cách thế giới mở, vì đôi lúc chúng ta sẽ tìm được các bí mật ẩn về con người cũng như văn hóa của thế giới đã mất sau thảm họa. Điều này khiến cho The Last of Us 2 giống một game phiêu lưu hơn, chứ không thuần túy tuyến tính toàn bộ chỉ đi từ điểm A tới điểm B như phần một.
Vũ khí và hệ thống nâng cấp cũng đa dạng hơn, giờ đây thì Ellie đúng nghĩa là vũ khí đầy mình khi cô ta thường xuyên trang bị 4, 5 khẩu súng cùng lúc để thay đổi. Chưa kể bom đạn và đồ cận chiến lúc nào cũng sẵn sàng, việc đánh nhau tầm gần cũng tiện lợi hơn vì người chơi có thể nhấn L1 để né đòn sau đó phản lại. Việc này làm cho The Last of Us 2 giống một game hành động thực sự, vì nếu như bạn có đủ máu liều và tay to để né đạn đúng lúc, thì hoàn toàn có thể khỏi cần chơi súng mà chỉ cần một con dao là đủ làm gỏi hết kẻ thù (tất nhiên là chỉ tính con người thôi).
Người chơi vẫn sẽ nhặt các bánh răng và thuốc trên đường để nâng cấp vũ khí cùng kỹ năng cho Ellie, có điều tôi không cảm thấy việc này quan trọng cho lắm vì bạn sẽ muốn stealth kill mọi lúc có thể, hơn nữa đạn dược cũng có hạn và ngẫu nhiên nên súng chẳng thể dùng thoải mái được. Cuối cùng việc cày 100% trophy trong The Last of Us 2 vẫn sẽ vô cùng tốn thời gian, vì đây vẫn là game tuyến tính nên khả năng cao trong lần chơi đầu tiên chúng ta sẽ bỏ lỡ thứ gì đó mà không thể quay về lấy được.
Hình hơi ấn tượng, âm hay nhưng chưa đặc sắc
Thú thực thì tôi không có trông mong nhiều với phần hình ảnh của The Last of Us 2, vì chúng ta đang trong giai đoạn cuối vòng đời PlayStation 4 rồi, nghĩa là chẳng còn cái “đột phá đồ họa” nào mà game thủ chưa được chứng kiến. Về cơ bản thì tổng thể của game chỉ dừng ở mức bình thường, vì những thứ để phô diễn đồ họa như ánh náng chiếu qua tán cây, vết chân trên tuyết, những hạt mưa lất phất trong không khí… đều đã quá bình thường rồi, cơ bản nếu như bạn đã chơi qua Red Dead Redemption 2 thì sẽ chẳng còn lạ lẫm hay hào hứng gì nữa đâu.
Vì sao The Last of Us lại được người ta ưa thích đến như vậy?
Khi The Last of Us 2 chỉ còn đếm ngược từng ngày, chúng ta lại có cơ hội bình tâm nhìn lại để tự hỏi bản thân thêm lần nữa rằng vì sao phần một của trò chơi lại cuốn hút đến thế. Lần giở lại những trang trong quá khứ, The Last of Us…
Xem thêm
Hơn nữa nếu xét một cách cụ thể thì đồ họa The Last of Us 2 còn chưa phải là hoàn hảo, tôi đã để ý trong quá trình chơi và thấy khá nhiều điểm bất hợp lý, thí dụ như vết giày không khớp với cỡ chân, vật thể đè lên tuyết không được thể hiện gần đúng với khối lượng, các vết máu rất giả… Nhưng bù lại game tập trung vào phần m.á.u m.e và b.ạ.o l.ự.c rất “ngon lành”, tôi cực kỳ ấn tượng với cách mà nó mô tả sát thương, điển hình như lúc ông chú J bị đạn shotgun thổi tung cả phần thịt ngay đầu gối để lộ xương bên trong. Những cú đập vào cơ thể người hay đám Infected rất mạnh tới mức tóe máu bắn ra các vật thể xung quanh, nó mô tả b.ạ.o l.ự.c một cách đầy mỹ học và vô cùng thực tế. Cuối cùng phải một điểm cộng cho The Last of Us 2 chính là phần background được chăm chút rất tinh tế khi thể hiện một thế giới hậu tận thế hoang tàng, tịch liêu.
Âm nhạc của game đáng tiếc là không có gì nổi trội cho lắm, vẫn do nhà soạn nhạc tài ba đã hai lần đoạt giải Oscar là Gustavo Santaolalla đảm nhận nhưng theo đánh giá của Mọt thì nó không vượt trội hơn so với phần 1, đơn giản vì game không có nhiều các khoảng lặng để có thể lồng ghép các bản nhạc vào (mà chúng cũng chẳng hay tới vậy). Nhịp độ của The Last of Us 2 quá nhanh với đầy rẫy các cảnh chiến đấu và giết chóc, tuy vậy những trường đoạn cao trào thì âm nhạc lại không tương xứng, nó làm cho sự hứng thú của người bị ảnh hưởng lớn. Các bạn có thể nghe toàn bộ Soundtrack tại đây hoặc theo playlist bên dưới.
Phần lồng tiếng ngược lại rất tốt, các NPC chúng ta gặp trên đường hay đám kẻ địch sẽ có những biểu hiện rất “người” khi chúng đau đớn gào thét vì mất đi đồng đội, hoặc tiếng khục khặc khó diễn dịch thành lời bởi vì cổ họng đã nghẹt ứ máu và đờm khi lên cơn cơn hấp hối, thể hiện rõ mức độ tàn khốc của game. The Last of Us 2 cũng có Photo Mode nhưng phần này hơi buồn là nó khá tệ, game rất hay lock chết camera không cho game thủ xoay tự do để chọn góc đẹp, các tinh chỉnh màu sắc hay ánh sáng cũng ít. Thành ra Photo Mode chỉ giống như tính năng pause để chụp ảnh cho dễ, chứ không có những phút giây ảo diệu như các bom tấn khác. Đáng lý Naughty Dog nên đầu tư phần này nhiều hơn, vì game có rất nhiều khoảnh khắc ấn tượng mà game thủ muốn lưu giữ lại.
Kết
The Last of Us 2 chắc chắn là sự tranh cãi và chia rẽ lớn nhất trong năm 2020, khi nó ném người chơi vào một cốt truyện có quá nhiều nút thắt cực khó giải quyết và kịch bản lúc hết phim rõ ràng là một trò đùa không có gì vui. Cùng với việc để ông chú đẹp trai Joel ra đi quá sớm theo cách không thể lãng xẹt và cẩu huyết hơn cũng khiến nhiều fan cảm thấy vô cùng cay cú. Cách kể truyện dựa trên nhiều góc nhìn còn chưa được phát huy tối đa, cảm giác như game nhồi nhét hơi bị nhiều tình tiết vào mà không thể giải quyết rốt ráo, khiến cho nhịp độ và tính logic về sau bị ảnh hưởng.
Tuy vậy theo ý kiến riêng của bản thân thì tôi vẫn kiên quyết cho rằng The Last of Us 2 là một siêu phẩm tương xứng với phần một, xứng đáng với sự chờ đợi của game thủ. Khi mà nó lột tả trần trụi nhân quả và n.h.â.n t.í.n.h mà các nhân vật chính của chúng ta phải chấp nhận, cùng cái thế giới thổ tả sặc mùi chết chóc khi không chỉ đám Infected mà cả con người dường như cũng cảm thấy vui sướng với việc giết hại lẫn nhau. The Last of Us 2 xứng đáng là kẻ kết thúc cho triều đại của PlayStation 4, với dấu chấm hết lơ lửng đầy tranh cãi nhưng cực kỳ ấn tượng.
Ưu điểm:
– Cốt truyện đầy nút thắt và rất cuốn hút.
– Thế giới rộng lớn hơn với nhiều thứ để khám phá hơn.
– Cơ chế chiến đấu cực kỳ b.ạ.o l.ự.c và đã tay.
– Mô tả máu và đạn rất ấn tượng.
Nhược điểm:
– Joel chết đi quá sớm là điểm trừ rất lớn.
– Âm nhạc không tương xứng với game.
– Photo mode khá tệ.
– Quá nhiều chi tiết mất n.h.â.n t.í.n.h có thể gây khó chịu.
Bạn thấy bài viết này thế nào:
Mọt Game Channel vào 12h00 thứ 3 – 5- 7 – Chủ Nhật hàng tuần nào.
Ngoài ra cũng nên ghé thăm fanpage Gosugamers Vietnam khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video… vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN.
Cuối cùng bạn có sẵng sàng “tám” xuyên biên giới tại Gia đình Mọt Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?
UPDATE NGAY lịch đăng video mới trênvào 12h00 thứ 3 – 5- 7 – Chủ Nhật hàng tuần nào.Ngoài ra cũng nên ghé thăm fanpagekhu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video… vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN.Cuối cùng bạn có sẵng sàng “tám” xuyên biên giới tại, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?