Đánh giá Vivo Y20: Sinh ra để chơi game, Liên quân vẫn mượt 60 FPS, đã thế chơi hơn 9 tiếng mới hết pin
Là một trong những chiếc điện thoại thuộc phân khúc giá rẻ, hướng tới nhu cầu chơi game, Vivo Y20 gần như có thể đáp ứng được khả năng chơi mượt các game phổ biến hiện nay. Ngoài ra, chiếc smartphone này còn làm được những gì? Hãy cùng mình tìm hiểu qua bài đánh giá chi tiết Vivo Y20
Mục lục bài viết
Là một trong những chiếc điện thoại thuộc phân khúc giá rẻ tới từ
Vivo
, hướng tới nhu cầu chơi game,
Vivo Y20
gần như có thể đáp ứng được khả năng chơi mượt các game phổ biến hiện nay. Ngoài ra, chiếc smartphone này còn làm được những gì? Hãy cùng mình tìm hiểu qua bài đánh giá chi tiết Vivo Y20 ngay sau đây nhé.
Cấu hình Snapdragon liệu có khiến khả năng chơi game trên Vivo Y20 trở nên mượt mà hơn?
Thông thường, trong phân khúc giá rẻ, nhiều hãng sản xuất sẽ hướng tới con chip Mediatek, thế nhưng Vivo Y20 lại có một lựa chọn khác là Snapdragon 460. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà Snapdragon lại là con chip được nhiều người đánh giá cao hơn hẳn dòng Helio của Mediatek, đơn giản bởi vì Snapdragon cho hiệu suất cao hơn và bền bỉ hơn.
Vậy còn Snapdragon đầu 4xx thì sao? Chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ, thực tế là ngay cả mình cũng nghi ngờ rằng con chip Snapdragon 460 sẽ cho hiệu năng thấp. Chúng ta sẽ cùng kiểm tra hiệu năng của SD 460 qua các phần mềm benchmark.
- Geekbench đơn lõi: 255 điểm.
- Geekbench đa lõi: 1.139 điểm.
- PCMark: 5.698 điểm.
- Sling Shot Extreme – OpenGL ES 3.1: 850 điểm.
- Sling Shot Extreme – Vulkan: 803 điểm.
Có thể nói, qua những con số trên, chúng ta thấy điểm Benchmark của Vivo Y20 chỉ dừng lại ở con số trung bình mà thôi. Tiếp theo mình sẽ chuyển qua bài test khả năng chơi game thực tế, toàn bộ data thu được từ phần mềm Prefdog, bao gồm cả cấu hình thiết lập đồ họa các bạn có thể xem chi tiết tại đây.
Lưu ý: Trong hình GIF các bạn thấy sụt FPS là do mình sử dụng kèm cả tính năng quay màn hình nữa. Với con chip mạnh thì quay màn hình cũng không làm giảm FPS là mấy nhưng với những con chip yếu hơn thì điều này ảnh hưởng đáng kể. Còn lúc lấy data thì mình thiết lập ở chế độ chơi game đem lại trải nghiệm tốt nhất.
Mở đầu với tựa game quốc dân là Liên Quân Mobile thì mình quyết định đẩy lên cấu hình tối đa mà máy có thể đạt được, cùng với đó chắc chắn là FPS cao nữa rồi. Game chơi mượt từ đầu tới cuối và không có bất kỳ hiện tượng giật, lag nào. Ngay cả khi mình trong combat tổng với rất nhiều chiêu thức được tung ra cùng lúc nhưng không hề gặp hiện tượng sụt FPS. Và mình rất tự tin cầm Vivo Y20 leo rank cao thủ.
Nhưng với PUBG Mobile thì mọi chuyện lại không như thế. Mình nhận thấy cấu hình SD 460 khó lòng gánh được mức đồ họa HD với mức FPS cao nên mình đã chủ động hạ đồ họa xuống thấp nhất để đạt được tốc độ khung hình cao nhất có thể. Game vẫn chơi mượt và ổn định ở mức 30 FPS, tuy nhiên thì đôi lúc mình vẫn gặp hiện tượng sụt FPS nhẹ. Nhưng nhìn chung mình thấy thiết lập như thế này mang lại cảm giác chơi game ổn.
Game cuối cùng cũng mới nổi và được nhiều người yêu thích chính là Call of Duty Mobile cũng được đem ra thử sức với Vivo Y20. Lần đầu tiên, mình để cấu hình thiết lập cao nhất có thể và vào game thì thôi rồi, FPS sụt còn 4x. Thế là mình quay lại công thức thiết lập cấu hình giống với PUBG Mobile, đó là giảm chất lượng hình ảnh xuống thấp nhất và đẩy FPS lên cao nhất. Mọi thứ đã được cải thiện nhanh chóng, FPS lấy lại ở mức 60 nhưng vẫn thỉnh thoảng bị sụt giảm nhẹ.
Nếu như các bạn làm theo cấu hình mà mình đã thiết lập cho Vivo Y20 thì có thể chơi mượt và ổn các tựa game nói trên nhé. Nhưng mình vẫn đánh giá cao nhất khả năng chiến Liên Quân ở mức cấu hình cao mà vẫn mượt trên chiếc điện thoại này.
Vivo Y20 cho thời gian chơi game đến hơn 10 tiếng liên tục
Đúng rồi, các bạn không nhìn nhầm đâu, bản thân mình đã test thời gian chơi game và sử dụng của chiếc điện thoại này và phải công nhận là quá trâu. Mình chỉ để độ sáng ở mức 70% và không bật loa ngoài thì đánh Liên Quân được hơn 10 tiếng liên tục. Nhưng chúng ta hãy trở lại với bài đánh giá pin tiêu chuẩn, mọi thứ được thiết lập như sau:
- Trải nghiệm 4 tác vụ xoay vòng gồm: Chiến Liên Quân (max setting), xem YouTube, lướt Facebook và dùng trình duyệt (Chrome).
- Mỗi tác vụ 1 tiếng đồng hồ.
- Đèn nền 100%.
- Âm lượng tai nghe 100%.
- Không bật chế độ tiết kiệm pin hay màn hình thích ứng.
- Bật chế độ hiệu suất cao.
- Mở kết nối 4G và các thông báo từ mạng xã hội.
- Không bật GPS, Bluetooth và NFC.
Vẫn là con số hơn 10 tiếng một chút xíu khi sử dụng hỗn hợp. Suýt chút nữa thì quên, Vivo Y20 sở hữu cho mình cục pin 5.000 mAh. Tuy nhiên, chiếc máy này lại không có củ sạc nhanh đi kèm nên thời gian sạc đầy pin sẽ mất gần 3 tiếng đồng hồ.
Camera không phải là điểm mạnh của Vivo Y20
Có lẽ với một chiếc smartphone chơi game mà lại còn giá rẻ nữa thì chúng ta không thể đòi hỏi quá nhiều ở phần camera. Tuy nhiên thì theo thông số kỹ thuật, camera của Vivo Y20 lại có thêm chức năng chụp macro để bạn có thể khám phá thế giới nhỏ bé xung quanh.
Điểm lại thông số kỹ thuật trên cụm 3 camera của Vivo Y20:
- Camera chính, độ phân giải 13 MP, khẩu độ f/1.8, lấy nét theo pha.
- Camera chụp macro, độ phân giải 2 MP, khẩu độ f/2.4.
- Camera đo độ sâu, độ phân giải 2 MP, khẩu độ f/2.4.
Với những tấm hình chụp bằng chế độ cận cảnh thì màu sắc và chất lượng có vẻ hơi thấp. Tất nhiên là với một camera độ phân giải 2 MP thì ảnh như thế này mình cũng cảm giác là quá ổn trong tầm giá.
Trong điều kiện đủ sáng, ảnh chụp từ Vivo Y20 cho chất lượng tốt, hình ảnh sắc nét và màu sắc trung thực.
Ở chế độ ngược sáng, với HDR đã được kích hoạt và khả năng bù sáng tối của Vivo Y20 vẫn chưa cao nên cảm giác bức ảnh chụp hơi bị tối một chút.
Thử chụp một tấm hình selfie với Vivo Y20 cho hình ảnh sắc nét và màu sắc chân thực.
Thiết kế của Vivo Y20 có phần đơn giản và trẻ trung
Nhìn chung ở thiết kế của Vivo Y20 không có quá nhiều điểm nổi bật. Máy làm bằng nhựa với mặt lưng giả kính có hiệu ứng màu gradient chuyển sắc với phiên bản màu xanh. Mặt lưng này khá dễ bám vân tay nên bạn hãy sử dụng một ốp lưng kèm theo sẵn trong hộp nhé.
Cảm biến vân tay của máy giờ đã được tích hợp vào phím nguồn ở cạnh phải, mang lại sự tiện lợi hơn cho người dùng. Nhưng mà mình thấy vị trí đặt cảm biến vân tay có vẻ hơi thấp một chút và sẽ mất một chút thời gian để làm quen.
Quay trở lại mặt trước, Vivo Y20 vẫn sử dụng kiểu màn hình giọt nước với màn hình kích thước 6.51 inch và độ phân giải HD+. Chất lượng hiển thị của màn hình này mình đánh giá ở mức tốt, màu sắc sinh động và độ sáng cao khi sử dụng trong nhà.
Với một chiếc điện thoại giá rẻ, chúng ta sẽ không thể quá đòi hỏi ở một thiết kế tốt hơn được và mình cảm thấy Vivo Y20 vẫn đủ nét trẻ trung với bản màu xanh và tao nhã với bản màu trắng.
Lời kết
Vivo Y20 nổi bật nhất ở phân khúc giá rẻ này có lẽ là khả năng chiến game và thời lượng pin cực trâu. Nếu bạn là một game thủ thích chơi game trên điện thoại và có hầu bao hạn hẹp một chút thì đây là một sự lựa chọn tuyệt vời.
Còn nếu như bạn đã có một chiếc điện thoại xịn rồi, bạn vẫn có thể lựa chọn Vivo Y20 giống như mình để làm một chiếc điện thoại chơi game phụ, trong trường hợp máy chính đã hết pin thì máy phụ vẫn còn hơn 10 tiếng để chơi cơ mà.
Còn bạn, bạn thấy liệu rằng Vivo Y20 có xứng đáng mang lại trải nghiệm chơi game tốt ở phân khúc giá rẻ hay không? Đừng quên để lại bình luận bên dưới nhé.
Trung tâm bảo hành có bán linh kiện và dịch vụ chính hãng, gọi là có ngay hỗ trợ miễn phí, bảo hành suốt đời.
Trung tâm bảo hành có bán linh kiện và dịch vụ chính hãng, gọi là có ngay hỗ trợ miễn phí, bảo hành suốt đời.