Đánh giá Vsmart Joy 3: cứ giá tốt là “au-tô” ngon?
Sau lứa sản phẩm đầu không thực sự thành công, các điện thoại Vsmart của VinSmart (trực thuộc tập đoàn VinGroup) bắt đầu gây được chú ý lớn trên thị trường kể từ khi hãng hạ giá sâu chiếc Vsmart Live vào tháng 11 năm ngoái và đặc biệt là sự ra mắt gần đây của chiếc Vsmart Joy 3.
Theo thống kê của hãng GFK thì trong suốt 10 tháng đầu năm 2019, thị phần smartphone của Vsmart ở thị trường Việt Nam chỉ dao động khoảng 2-3%. Tuy vậy kể từ tháng 11/2019 – thời điểm VinSmart hạ nửa giá chiếc Vsmart Live – thị phần của hãng này liên tục tăng mạnh, từ khoảng dưới 3% vào tháng 10/2019 lên 6% vào tháng 11; 6,6% vào tháng 12; 7,7% vào tháng 1/2020 và 11,2% vào tháng 2/2020.
Đến tháng 3 vừa qua, thị phần của Vsmart đã tăng đột biến lên tới 16,7%, đứng thứ 3 ở thị trường Việt Nam chỉ sau Samsung (30,1%) và Oppo (22,4%). Theo chia sẻ của VinSmart, chiếc Vsmart Joy 3 ra mắt tháng 2 là nhân tố chính mang lại sự gia tăng thị phần ấn tượng đó, chiếm 13,3% trong số 16,7% thị phần tháng 3/2020 của Vsmart.
Rõ ràng những thay đổi về giá bán đã khiến Vsmart bán chạy, tăng thị phần. Điểm chung của các sản phẩm gần đây của Vsmart là có cấu hình rất tốt so với các smartphone cùng tầm giá trên thị trường. Đặc biệt, chiếc Vsmart Joy 3 mức giá từ 2-3 triệu đồng có cấu hình tương đương với những smartphone tầm giá 3-4 triệu đồng của các hãng khác. Không rõ VinSmart có phải “bán máu” để có được mức giá tốt như vậy nhằm chiếm thị phần hay không nhưng từ khía cạnh với người dùng, chúng tôi có thể nói chiếc Vsmart Joy 3 mang lại trải nghiệm rất ổn so với mức giá phải bỏ ra.
Thông số cấu hình của Vsmart Joy 3
Vsmart Joy 3 hiện có 3 phiên bản cấu hình bộ nhớ khác nhau: bản RAM 2GB/bộ nhớ trong 32GB, bản RAM 3GB/bộ nhớ 32GB và phiên bản mới RAM 4GB/bộ nhớ trong 64GB. Mức giá của 3 phiên bản lần lượt là 2,29 triệu đồng, 2,69 triệu đồng và 3,29 triệu đồng cùng chính sách bảo hành 18 tháng và chế độ 1 đổi 1 do lỗi của nhà sản xuất trong 101 ngày. Sản phẩm chúng tôi trải nghiệm để viết bài đánh giá là phiên bản cao nhất 4/64GB.
Thiết kế quen thuộc với giọt nước, vỏ nhựa bóng,;
Joy 3 có thiết kế quen thuộc của các smartphone ở phân khúc giá thấp.
Vsmart Joy 3 có những đặc điểm chung về thiết kế của các smartphone ở tầm giá 2-4 triệu đồng: khung và lưng bằng chất liệu nhựa, màn hình có khía giọt nước chứa camera trước, có độ phân giải HD+ và viền màn hình dày. Điểm cộng trong thiết kế ở Joy 3 là có cụm 3 camera sau, cảm biến vân tay, dùng cổng USB Type C và khả năng sạc nhanh, những chi tiết thường không có trên smartphone ở mức giá này.
Mặt lưng phiên bản màu đen chuyển thành màu cầu vồng dưới ánh sáng đèn.
Do chứa viên lớn 5000 mAh, sản phẩm có thân máy khá dày (9,19mm) và nặng (192g). Do đó, cảm giác cầm nắm sẽ thấy hơi cồng kềnh, nhất là khi gắn theo ốp lưng nhựa trong được VinSmart tặng kèm. Tuy vậy, các thành phần màn hình, khung và lưng máy gắn kết với nhau tương đối liền mạch, không tạo ra cảm giác cấn tay trong quá trình sử dụng.
Joy 3 có cổng USB Type C và loa ngoài đơn (bên phải) có âm lượng khá to.
Giắc âm thanh 3.5mm đặt ở cạnh trên
Vsmart 3 hiện có 3 màu đen, trắng và tím. Phiên bản chúng tôi sử dụng được nhà sản xuất nói là màu đen nhưng nhìn thực tế thì ra màu xanh rêu đậm, có hiệu ứng chuyển màu hình cầu vồng, chụp lên ảnh trông như màu tím. Mặt lưng được xử lý bóng nên dễ bám vân tay và có thể sẽ dễ xước nếu không dùng ốp. Cảm biến vân tay trên mặt lưng của điện thoại này là cảm biến một chạm, tốc độ nhận nhanh. Ngoài vân tay thì máy cũng có thể mở khóa bằng nhận diện khuôn mặt từ camera trước với tốc độ nhanh ở môi trường đủ sáng.
Khe cắm thẻ nhớ độc lập và 2 khe cắm SIM chuẩn nano-SIM.
Màn hình màu gần thực tế, góc nhìn rộng nhưng ám vàng nhiều
Joy 3 dùng màn hình IPS LCD kích cỡ 6.5 inch, độ phân giải HD+ với mật độ điểm ảnh 270 PPI. Ở tầm giá 2-4 triệu đồng, hầu hết smartphone đều dùng độ phân giải HD+, độ chi tiết không sắc mịn như các màn hình Full-HD nhưng vẫn ở mức đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng thông thường.
Màn hình Joy 3 hiển thị màu gần thực tế
Chất lượng màn hình của Joy 3 có thể là rất ổn so với tầm giá, tương đồng với màn hình của chiếc Oppo A31 và Samsung Galaxy A10s ở tầm giá 4 triệu đồng khi được so sánh cạnh nhau. Màn hình của Joy 3 hiển thị màu sắc khá chuẩn vả có góc nhìn rộng. Độ sáng tối đa không cao nhưng đủ dùng ngoài trời nếu không có nắng gắt. Điểm hạn chế đáng kể nhất ở màn hình này là nhiệt màu bị ám vàng hơi nhiều, nên khi mở các trang web có nền trắng sẽ trông hơi tối.
Camera
Thông thường, smartphone tầm giá 2 – 3 triệu đồng chỉ có 2 camera sau nhưng Joy 3 có tới 3 camera sau gồm một camera chính 13MP, một camera góc siêu rộng 8MP và một camera 2MP để thu độ sâu hỗ trợ chụp xóa phông. Ở phía trước, máy dùng camera 8MP đặt ở khía giọt nước trên màn hình.
Giao diện camera trên Joy 3
Giao diện ứng dụng camera của Joy 3 giống với hầu hết smartphone hiện nay, đều học hỏi từ iPhone. Khi cầm ngang, các chế độ chụp cơ bản (tự động, chân dung, ánh sáng yếu, làm đẹp, AI, chuyên nghiệp) được sắp xếp bên phải giao diện, còn bên trái là các tùy chọn tắt bật các chức năng hỗ trợ như HDR, hẹn giờ chụp và đèn flash.
Ở điều kiện đủ sáng, ảnh chụp từ chiếc camera chính có màu sắc gần màu thực tế, độ chi tiết và dải sáng khá. Máy cũng có tốc độ chụp và lấy nét tương đối nhanh ở chế độ chụp thông thường, trong khi ảnh HDR thì cần thêm một chút thời gian xử lý.
Với sự trợ giúp từ camera 2MP, ảnh xóa phông của Joy 3 cũng có sự tách bạch chủ thể với hậu cảnh khá mịn. Máy cho người dùng tùy chỉnh xóa phông với 4 mức độ khác nhau trước khi chụp.
Ở môi trường thiếu sáng, camera chính của Joy 3 thường đẩy độ sáng bức ảnh lên rất mạnh và cũng tái tạo màu sắc gần thực tế như chụp đủ sáng. Độ chi tiết của ảnh ổn nhưng nhiễu hạt rất rõ rệt. Máy cũng có chế độ chụp ban đêm nhưng khá bất ngờ là thời gian phơi sáng khi chụp ở chế độ này không thay đổi so với chế độ thông thường. Thay đổi rõ nhất ở chế độ ban đêm là độ sáng của ảnh tối đi, gần thực tế hơn và ít nhiễu hơn nhưng màu sắc bệt và chi tiết giảm hẳn đi.
Ảnh chế độ bình thường (trên) và ban đêm (dưới)
Ảnh chế độ bình thường (trên) và ban đêm (dưới).
Với camera góc siêu rộng 8MP, chi tiết hiếm có trên smartphone giá 2-3 triệu đồng nhưng chất lượng ảnh thực tế của Joy 3 từ camera này chỉ ở mức trung bình. Ảnh siêu rộng có độ chi tiết không cao, dải màu hẹp, viền tím nặng và nước ảnh cũng thường tối hơn bối cảnh thực tế. Điều này có thể thấy rõ ràng khi so với camera chính, nhất là khi chụp ở điều kiện sáng phức tạp hoặc thiếu sáng. Có thể nói camera góc siêu rộng này đòi hỏi điều kiện chụp thuận lợi mới mong có thể ra được những tấm ảnh tạm đủ để chia sẻ lên mạng xã hội và không nên chụp ở bối cảnh thiếu sáng.
Ảnh từ camera chính (trên) và camera góc siêu rộng (dưới)
Ảnh crop từ camera chính (trên) và từ camera siêu rộng (dưới), có thể độ nét và chi tiết của camera góc siêu rộng thấp hơn hẳn camera chính.
Ảnh từ camera chính (trên) và camera góc siêu rộng (dưới).
Ảnh thiếu sáng từ camera góc siêu rộng.
Với camera selfie 8MP, Joy 3 có đầy đủ các chế độ chụp cơ bản: thông thường, làm đẹp và xóa phông. Ảnh chụp có màu sắc tự nhiên, độ chi tiết ổn nhưng đôi lúc bị ám vàng khiến khuôn mặt mẫu không được trắng sáng, nịnh mắt.
Ảnh chụp bình thường (trái) và xóa phông (phải).
Ảnh chụp bình thường (trái) và xóa phông (phải).
Hiệu năng và phần mềm
Đây là điểm mà Joy 3 nhỉnh hơn so với các máy cùng tầm giá. Con chip Snapdragon 632 của Joy 3 có hiệu năng xử lý nhanh hơn hầu hết các smartphone khác trong cùng phân khúc, thậm chí mạnh hơn những smartphone có giá cao hơn cả triệu đồng như Oppo A31 (dùng chip Helio P35).
Điểm hiệu năng Antutu của Joy 3 (trái) cao hơn chiếc Oppo A31 (phải) giá 4,49 triệu đồng.
Trong thực tế, máy đủ mạnh để xử lý ổn các nhu cầu cơ bản trên điện thoại. Tất nhiên, với con chip tầm trung như Snapdragon 632 và độ phân giải HD+, Joy 3 cũng có thể chơi được những tựa game phổ thông, đơn giản. Các game nặng đồ họa hơn như PUBG Mobile hay Liên quân Mobile vẫn có thể chơi tạm ổn ở mức khung hình 25 – 30 fps nhưng độ ổn định khung hình sẽ không cao, dễ bị giật lag ở những cảnh nhiều hiệu ứng cháy nổ, tung skill.
Joy 3 chơi được các game nhẹ, còn game nặng hơi quá sức.
Về phần mềm, Joy 3 hiện cài sẵn phiên bản VOS 2.5 được tùy biến dựa trên Android 9. Giao diện phần mềm của điện thoại khá gần với các điện thoại chạy Android thuần. VinSmart đưa vào sản phẩm một số tính năng phần mềm khá độc đáo như khóa điện thoại sau khi SIM bị thay đổi, nhập dữ liệu từ iCloud trên iPhone sang điện thoại Vsmart. Một số tính năng hữu ích khác như sử dụng hai tài khoản riêng biệt của một số ứng dụng (như Facebook, Messenger, WhatsApp, Zalo…) trên điện thoại và những thao tác cử chỉ như úp điện thoại để tắt chuông cuộc gọi hay nhấn đúp lên màn hình để bật/tắt màn hình.
Một số tính năng phần mềm khá độc đáo trên Joy 3
Trước đây, phần mềm trên các điện thoại Vsmart bị người dùng than phiền nhiều về độ ổn định. Nhưng VinSmart liên tục tung các bản cập nhật và đến phiên bản VOS 2.5 thì độ ổn định phần mềm đã được cải thiện. Thực tế, trong quá trình sử dụng máy làm điện thoại chính khoảng 1 tuần ở nhu cầu sử dụng phổ (lướt web, gọi điện, nhắn tin, chụp ảnh, nghe nhạc, email…) thì người viết không gặp trục trặc đáng kể nào về phần mềm.
Thời gian pin
Với viên pin dung lượng 5.000 mAh, Joy 3 có thời lượng sử dụng pin tốt. Trong 3 bài test pin quen thuộc của VnReivew, điện thoại này có thời gian pin lướt web rất ấn tượng, tới hơn 13 giờ. Thời lượng pin với hoạt động xem phim và chơi game cũng rất ổn. Với việc sử dụng thông thường, máy có thể dùng khoảng 1,5 đến 2 ngày tùy mức độ. Thời gian sạc đầy cho viên pin 5.000 mAh của Joy 3 hết khoảng 2,5 giờ từ củ sạc nhanh Quick Charge 3.0 đi kèm (30 phút đầu lên 30% và 1 giờ lên 58%).
Thời gian xem phim liên tục ở độ sáng và âm lượng 70%, tính từ khi pin đầy đến lúc còn 10%.
Thời gian lướt web trên mạng Wi-Fi ở độ sáng 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.
Thời gian chơi game giả lập trên ứng dụng GFX Bench, tính từ khi pin đầy đến lúc còn 10%.
Tổng kết
Trong quá trình đánh giá chiếc Joy 3, chúng tôi đã có những bài so đọ điện thoại này với Oppo A31 và Galaxy A10s, đều là những sản phẩm có mức giá cao hơn. Kết quả so sánh cho thấy Joy 3 cạnh tranh ngang ngửa với những điện thoại này ở mọi tiêu chí cơ bản, thậm chí còn trội hơn ở một số mặt như hiệu năng, dung lượng pin, tốc độ sạc hay chính sách bảo hành (18 tháng, 1 đổi 1 trong 101 ngày).
Điều đó cho thấy rõ ràng sức hút của Joy 3 là được trang bị cấu hình trội hơn so với mặt bằng chung. Và ở phân khúc smartphone giá thấp thì cấu hình là vua, bởi sự khác biệt về phần mềm ngày càng mờ nhạt và những công nghệ đặc sắc của từng hãng cũng không phải để trang bị cho nhóm sản phẩm này.
TP