Đánh giá chi tiết OPPO Reno: Một phần độc đáo chín phần chỉn chu
OPPO Reno (viết tắt của Renovation – đổi mới) chắc chắn là một trong những smartphone được quảng cáo rầm rộ nhất trong thời gian trở lại đây. Và thứ được hãng đem ra để quảng cáo nhiều nhất khi nói về smartphone này chính là camera selfie theo kiểu ‘vây cá mập’ khác biệt, độc đáo.
Song là một người yêu công nghệ, mình rất ghét những smartphone quá tập trung vào một tính năng duy nhất, để rồi ‘bỏ quên’ tất cả những thành phần khác và trở thành một sản phẩm không đáng mua. OPPO Reno liệu có là một chiếc smartphone hoàn chỉnh, tránh được lối mòn nói trên hay không?
Ta sẽ bắt đầu từ thiết kế bên ngoài của máy. Mặt lưng của OPPO Reno được làm bằng kính, nhưng là kính dạng mờ (matte) nên sờ có cảm giác ‘mượt’ và cũng không dính vân tay nhiều so với kính thông thường.
Phiên bản mình có tại đây có màu xanh cổ vịt, kết hợp với lớp kính nên khi ra nắng nhìn rất giống một viên ngọc. Cá nhân mình thích cách phối màu này, nhìn vẫn có sự khác biệt so với những chiếc smartphone đen-và-trắng trên thị trường, nhưng cũng không quá màu mè như chiếc OPPO R17 Pro trước đây.
Máy không được làm quá mỏng mà có độ dày nhất định, cộng với mặt lưng được vát cong hợp lý nên cho cảm giác cầm nắm rất chắc chắn. OPPO Reno nhìn có lẽ không ‘sexy tột độ’ như bộ đôi Huawei P30 Pro và Galaxy S10 Plus, nhưng đánh bật chúng về mặt công thái học.
Phiên bản Reno thông thường có 2 camera sau (sẽ tìm hiểu kỹ ở phần sau). Tại đây ta có một điểm thiết kế khá hay: một chấm nhỏ lồi lên khỏi thân máy để bảo vệ 2 ống kính không bị cọ xuống bề mặt bên dưới, gây xước và có thể ảnh hưởng tới chất lượng ảnh; ngược lại thì vẫn đủ nhỏ để đặt máy trên bàn không bị cập kênh sang 2 bên.
Bên trái máy có khe gắn 2 SIM và 2 nút bấm chỉnh âm lượng được làm bằng kim loại đồng màu với thân máy. Giống như các chiếc máy khác của OPPO, Reno có một nút bấm nguồn được sơn xanh, các dòng máy cao cấp của Huawei như P30 Pro lại được sơn màu đỏ, thật thú vị!
Cạnh dưới ta có cổng sạc USB Type-C và thật tuyệt vời: cổng nghe nhạc 3.5mm. Mình là một trong số những người vẫn ‘cố thủ’ sử dụng các cặp tai nghe có dây, nên rất thích những chiếc smartphone vẫn giữ lại cổng cắm này.
Và tất nhiên rồi, điểm nhấn trong thiết kế của OPPO Reno chính là hệ thống camera selfie ‘thò thụt’ hình vây cá mập của nó. Quả thực nhìn tận mắt thì hệ thống này nhìn đẹp, liền lạc với tổng thể thiết kế của máy hơn hẳn so với những kiểu camera thò thụt trước đây (như chiếc OPPO F11 Pro chẳng hạn).
Camera trước có độ phân giải 5MP, và cũng nhờ có hệ thống trượt có diện tích lớn nên tích hợp được cả một đèn LED dành cho việc selfie trong điều kiện thiếu sáng. Đèn flash dành cho camera sau cũng được đặt vào thành phần này luôn, đây cũng là điều dễ hiểu vì lâu lâu ta mới dùng đèn flash.
2 lo ngại lớn nhất của mình về hệ thống camera trượt này đó là tốc độ nhận diện khuôn mặt (phải dùng camera trước) và độ bền. OPPO cùng các công ty ‘chị em’ là OnePlus và Realme có công nghệ nhận diện khuôn mặt rất nhanh, chỉ nhấn nút nguồn là đã vào màn hình chính. Reno do phải kéo camera lên mỗi lần sử dụng tính năng đó, nên cũng chậm hơn đôi chút, nhưng tất cả cũng chỉ diễn ra trong tích tắc nên cũng không trở thành nhược điểm.
Để đảm bảo độ bền của camera trượt, hãng áp dụng một vài thủ thuật an toàn. Nếu người dùng chặn tay vào camera lúc mở, động cơ sẽ thử một vài lần, nếu tiếp tục không được thì sẽ đưa ra thông báo và ngừng không thử nữa để tránh gây hỏng hóc.
Trong trạng thái mở, nếu như máy phát hiện đang rơi (dùng con quay hồi chuyển) thì sẽ tự động đóng cơ chế trượt vào để không bị va đập gây ra gãy. Tính năng này cũng đã được OnePlus áp dụng vào chiếc flagship OnePlus 7 Pro của mình.
Thử nghiệm tốc độ mở khóa khuôn mặt của Reno
Cơ chế trượt camera trên OPPO Reno
Hệ thống tự động kéo camera vào nếu phát hiện máy bị rơi
Mục đích của việc áp dụng camera trượt chính là để máy có một màn hình không khiếm khuyết, và tất nhiên Reno đã làm được điều này. Máy có một màn hình AMOLED 6.4 inch độ phân giải FullHD tràn tới các viền, không ‘tai’, không ‘giọt nước’, không ‘lỗ’, hiển thị toàn phần. Phần viền dưới màn hình của Reno mỏng hơn hẳn so với chiếc F11 Pro, tạo ra thiết kế tràn sát tới mọi viền quả thực là rất đẹp.
Ta có tấm nền AMOLED, cho màu sắc đậm đà với cân bằng trắng đã rất gần với ngưỡng chuẩn ngay từ khi bóc hộp (người dùng cũng có thể chỉnh thêm trong tùy chọn) và tất nhiên là màu đen sâu tuyệt đối. Với thiết kế mặt trước sạch sẽ kết hợp với màn AMOLED này, nhiều khi mình cầm máy ngược chiều vì không biết đầu là trên đâu là dưới!
Trên thị trường đã xuất hiện những tấm nền AMOLED có độ phân giải cao 3K, và nếu như đặt cạnh màn FullHD của Reno để ‘soi mói’ thật kỹ thì chắc chắn sẽ thấy được sự khác biệt. Nhưng trong quá trình sử dụng hàng ngày thì FullHD là vừa đủ, hơn nữa cũng giúp GPU và pin làm việc nhẹ nhàng hơn.
Cảm biến vân tay của Reno cho tốc độ đọc nhanh và chính xác
Phía dưới màn hình này ta cũng có một cảm biến đọc vân tay, và hình như chính là thế hệ cảm biến được áp dụng trên chiếc OnePlus 7 Pro nên cho tốc độ đọc rất nhanh và cũng có tính chính xác cao. Do khả năng đọc vân tay của máy nhanh nên mình cũng thường dùng nó thay vì nhận diện khuôn mặt, giảm gánh nặng cho motor camera trượt – mà theo hãng thậm chí có thể dùng được 80 lần mỗi ngày trong vòng 10 năm.
Xử lý mọi tác vụ là SoC Qualcomm Snapdragon 710, 6/8GB RAM. Năm nay có vẻ OPPO đã tin tưởng Qualcomm hơn, sử dụng các sản phẩm của hãng này thay vì đối tác lâu năm MediaTek. Vi xử lý Snapdragon 710 không hề mới mà đã được áp dụng cho rất nhiều dòng máy khác nhau, và cũng đã được mọi người đánh giá tốt.
Với cấu hình này, Reno tất nhiên là chạy mượt ở mọi tác vụ thông thường, và hoàn toàn có thể chơi game một cách thoải mái. Liên Quân Garena mới ra một chế độ mới là Mayhem Mode, có tới 20 nhân vật cùng trong một trận, và mình thử chơi ở chế độ High-FPS thì máy vẫn có thể chịu được. Lâu lâu Reno vẫn có ‘một chút bối rối’ và làm frame-rate giảm, nhưng những trường hợp này khá hiếm và cách xa nhau nên có thể chấp nhận được.
Đối với những người cần cấu hình mạnh mẽ không thỏa hiệp với vi xử lý Snapdragon 855 đầu bảng, thì OPPO cũng có thêm một lựa chọn nữa là chiếc Reno 10x Zoom, nhưng tất nhiên mạnh mẽ hơn cũng đồng nghĩa với giá bán cao hơn. Mình sẽ có một bài viết so sánh riêng trải nghiệm chơi game của 2 chiếc máy này để biết được sự khác biệt có đáng với số tiền bỏ ra thêm hay không, mời độc giả đón đọc.
Điểm sáng trong cấu hình của OPPO Reno nằm ở vấn đề pin sạc. Máy được trang bị viên pin 3765 mAh – tức chưa thuộc hàng ‘đỉnh’ nhất trong thời điểm hiện nay, song khi kết hợp với cấu hình đủ dùng không tốn năng lượng và hệ thống quản lý ứng dụng nền rất ‘gắt’ của OPPO nên mình luôn có thể dùng được từ 1.5 – 2 ngày.
Khi hết pin, Reno cũng sạc lại rất nhanh nhờ vào công nghệ VOOC 3.0. Trong bài thử nghiệm công nghệ sạc này, mình có thể làm đầy viên pin 4000mAh của F11 Pro từ trạng thái cạn kiệt trong chỉ 80 phút. Và Reno với viên pin nhỏ hơn, thì thời gian sạc chỉ khoảng 60 – 70 phút, và sẽ còn nhanh hơn nếu người dùng bắt đầu sạc từ 20%.
Điểm mà mình thấy hãng vẫn có thể cải thiện hơn trong thời gian sắp tới đó là giao diện ColorOS. Bộ giao diện này có vẻ hơi ‘màu mè’ hơn so với Android gốc hay OneUI của Samsung, và người dùng cũng được ‘tặng kèm’ luôn một vài ứng dụng rác ngay từ khi mở máy lần đầu.
Một tính năng mà hãng cần phải gấp rút thêm đó là Night Mode hay còn gọ là Dark Mode (chế độ ban đêm), để biến các thành phần giao diện thành màu đen, nhằm tận dụng được ưu điểm của màn hình AMOLED của Reno.
Ta sẽ trở lại với một điểm mà Reno làm tốt: chất lượng chụp hình. Máy được trang bị camera chính 48MP f/1.7 cùng với một cảm biến đo chiều sâu 5MP f/2.4. Mặc định, máy sẽ chụp ảnh độ phân giải 12MP (gộp chung 4 điểm ảnh thành 1) để giảm nhiễu, nhưng người dùng cũng có thể chỉnh lên thành 48MP trong tùy chọn.
Nhập chú thích
Thứ mà Reno bản thông thường thiếu đó là một camera chuyên dụng – để zoom ra (góc siêu rộng) hoặc zoom vào (như camera 10x của phiên bản Reno 10x zoom). Nhưng hãng vẫn không giới hạn về phần mềm, và cho người dùng zoom hẳn 10x luôn! Sử dụng trên thực tế, mình thấy chất lượng ảnh đạt mức đủ tốt từ 1x tới 4x, sau đó thì sẽ mờ và không đủ cho cả mục đích đăng mạng.
So sánh những hình ảnh zoom 1x, 4x, 8x và 10x
Khi chụp thông thường thì chất lượng ảnh đạt chất lượng tốt. Reno cho ảnh chụp màu sắc đậm đà ngay từ lúc chụp, tránh được hiện tượng HDR ‘quá tay’ như trên Huawei P30 Pro nên nhìn ảnh khá tự nhiên. Máy xử lý màu xanh da trời hơi ngả về màu cyan, ta cũng có thể sửa được lại bằng phần mềm hậu kỳ.
Thuật toán xóa phông của OPPO thuộc hàng tốt, có thể chưa phải top như những dòng sản phẩm đứng đầu như Apple iPhone XS, XS Max hay Google Pixel 3, nhưng qua mặt rõ rệt Samsung và Huawei. Đôi lúc mình chụp xuyên qua các tán lá, máy còn có thể tạo ra các bóng bokeh nhìn rất thuyết phục, không tệ chút nào!
Mục lục bài viết
Lời kết
Mặc dù có chiếc camera selfie ‘vây cá mập’ làm điểm quảng cáo, thế nhưng OPPO Reno không bị hãng bỏ quên các tính năng khác. Sau 1 tuần sử dụng, mình thấy đây là một sản phẩm độc đáo trong thiết kế, nhưng vẫn có tính chỉn chu cao khi trang bị được đầy đủ những thứ mà người dùng cần: hoàn thiện tốt, màn hình AMOLED, cấu hình thoải mái cho mọi tác vụ, giữ được cổng 3.5mm và chất lượng chụp hình không tệ chút nào.
Ngược lại, ta vẫn có quyền đòi hỏi cấu hình mạnh mẽ hơn nữa, một hệ thống chụp hình có thêm một camera chuyên dụng hay cổng mở rộng micro SD – và đó chính là lý do tại sao OPPO còn ra mắt thêm một phiên bản cao cấp hơn là Reno 10x Zoom. Ngược lại, khi đánh giá riêng biệt thì phiên bản Reno thông thường vẫn quá đủ để làm mình hài lòng.