Đánh giá chi tiết Samsung Galaxy A50 – Mới mẻ từ trong ra ngoài, nhưng vẫn có ‘vị’ Samsung
Samsung sau một thời gian dài bị yếu thế ở phân khúc tầm thấp và trung tại các thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam vì gặp sự cạnh tranh khốc liệt bởi các hãng như OPPO, Xiaomi, Vivo, Redmi, Realme… thì cuối cùng cũng đã có câu trả lời. Ngoài việc ra mắt M-Series hoàn toàn mới, hãng cũng muốn ‘làm lại từ đầu’ với dòng A-Series đã khá thành công, nhưng quả thực là có nhiều điểm lỗi thời.
Ngay lập tức, các sản phẩm của 2 dòng này được ra mắt như nấm mọc sau mưa, kể tên không xuể, không khác gì những dòng máy tầm trung của các hãng smartphone Trung Quốc. Số lượng thì đã không thiếu, nhưng chất lượng thì sao? Nếu tạo cho người dùng nhiều lựa chọn khác nhau, nhưng mỗi lựa chọn lại không đủ tốt thì có lẽ đổi mới bằng như không.
Để tìm hiểu kỹ hơn, ta sẽ chọn riêng chiếc Galaxy A50 để đánh giá chi tiết, xem Samsung liệu đã làm những gì để thu hút người dùng, và cả những điểm hãng cần phải cải thiện trong tương lai.
Màn hình là ‘điểm vàng’ của thiết kế
Sau khi bị người dùng ‘chê’ là có thiết kế quá tiêu chuẩn trong nhiều năm, năm nay Samsung đã có những thay đổi. Cảm nhận đầu tiên của mình khi cầm Galaxy A50 đó là máy khá mỏng, được hoàn thiện đa phần bằng nhựa nên cũng rất nhẹ. Mặt lưng của máy được hãng gọi là ‘Glasstic’, tức là nhựa nhưng giả kính.
Điểm đặc biệt của mặt lưng này là hãng sử dụng một lớp tráng phủ đặc biệt, nên khi đem ra dưới nắng sẽ hiện ra cầu vồng đủ 7 sắc nhìn rất lạ mắt. Trong 2 chiếc mình được thử thì chiếc màu đen xanh hiện cầu vồng rõ nét hơn, còn màu trắng ngọc trai thì có hiệu ứng nhẹ nhàng, phải nhìn kĩ mới thấy được.
Hiệu ứng cầu vồng của mặt lưng Glasstic Galaxy A50 màu đen xanh
Phiên bản màu trắng ngọc trai thì phải nhìn kỹ mới thấy được
Vỏ hãng tặng kèm là vỏ trong suốt, để người dùng vẫn có thể thấy được ‘sự kì diệu’ của mặt lưng
Tại đây cũng có hệ thống 3 camera, mà ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn ở phần sau
Nút nguồn và chỉnh âm lượng được dồn hết sang bên phải máy
Bên trái ta có khay SIM kép, cùng với đó là một khe thẻ nhớ micro SD riêng
Khác với một số hãng khác vẫn đang ‘chậm tiến’ sử dụng micro USB, thì Samsung đã chuyển sang Type-C.
Cạnh dưới của máy cũng chứa 1 ưu điểm và 1 nhược điểm của Galaxy A50: ưu điểm là ta vẫn có cổng 3,5mm và nhược điểm là loa ngoài đơn chứ không phải loa kép, và chất lượng cũng không có gì đáng để nói.
Thế nhưng phải ‘lật ngửa’ máy lên ta mới thấy được điểm nhấn trong thiết kế: Màn hình. Màn hình Galaxy sử dụng tấm nền Super AMOLED 6.4 inch FullHD , và khác với các dòng máy thế hệ trước có viền dày thì Galaxy A50 và cả các máy thế hệ mới khác đều có thiết kế tràn viền Infinity-U hoặc Infinity-V, giúp tỷ lệ hiển thị vượt 90%.
Chất lượng hiển thị của tấm nền này chỉ gói gọn trong 1 từ là Tuyệt vời. Màu đen có độ sâu tốt, giúp cho độ tương phản với các điểm sáng càng trở nên rõ rệt. Các ứng dụng nền đen như Reddit hay 9Gag khi được hiển thị bằng tầm nền Super AMOLED nói chung và Galaxy A50 nói riêng có các thành phần như nổi ra khỏi màn hình vậy.
Màu sắc trên màn hình của máy cũng rất đậm đà, nhưng đậm theo dạng có độ sâu chứ không phải bệt thành 1 mảng như các màn hình LCD chất lượng thấp bị chỉnh quá tay. Đây là một chiếc máy tầm trung, nên ta cũng khó có thể đòi hỏi được màn hình độ phân giải 3K như Galaxy S10, nhưng quả thực trong quá trình sử dụng hàng ngày thì sự khác biệt không quá lớn, chỉ khi ‘dí’ mặt thật gần thì mới thấy được các điểm ảnh.
Người dùng có thể tùy chỉnh màu sắc của màn AMOLED
Người dùng cũng có thể điều chỉnh màu sắc theo ý muốn, với 3 màu cố định là Basic, AMOLED Photo và Cinema, trong đó màu Basic được làm nhạt hơn đôi chút, còn 2 màu AMOLED thì có độ bão hòa màu cao hơn. Còn ở chế độ Adaptive, máy sẽ tự phân tích môi trường để tùy chỉnh sao cho phù hợp.
Vết cắt Infinity-U của Galaxy A50 rất nhỏ, chỉ đủ bao quanh camera selfie mặt trước
So sánh thiết kế Infinity-U của Samsung với giọt nước của OPPO
Thay vì cố tình dùng phần mềm để che giấu vết cắt, Samsung chọn cách biến nó thành một yếu tố để trang trí
Một yếu tố nữa cũng phần nào thuộc về màn hình đó là cảm biến vân tay. Cảm biến vân tay của Galaxy A50 là dạng quang học, nên tất nhiên sẽ không có các ưu điểm như tốc độ đọc nhanh, nhận diện được tay khi ướt giống như cảm biến siêu âm trên Galaxy S10.
Sử dụng trên thực tế, tốc độ đọc của cảm biến vân tay Galaxy A50 dừng lại ở mức ổn, không nhanh bằng cảm biến siêu âm, và tất nhiên là không bằng cảm biến vân tay điện dung thông thường. Trong thời gian đầu, mình rất hay bị máy bắt phải đặt lại tay vì không nhớ được vị trí của cảm biến ở đâu, nhưng sau một thời gian sử dụng thì độ chính xác đã được tăng lên, nên cũng ít xảy ra lỗi hơn.
Cảm biến vân tay của Galaxy A50 có tốc độ đủ nhanh nhưng đòi hỏi người dùng phải đặt tay một cách chính xác
Pin 4000mAh sử dụng lâu, sạc cần nhanh hơn nữa
Galaxy A50 do có thân máy lớn nên tích hợp được một viên pin dung lượng lên tới 4000mAh, tính đến thời điểm hiện nay thì có thể nói là cao. Viên pin này khi được kết hợp với cấu hình tầm trung tiết kiệm điện thì cho thời lượng sử dụng thực tế rất tốt.
Đánh giá với bài thử PCMark Work 2.0, Galaxy A50 đạt 11 giờ 18 phút, cao hơn khoảng 4 phút so với chiếc OPPO F11 Pro cũng với pin 4000mAh và thua chỉ khoảng 15 phút so với ‘ông hoàng về pin’ Huawei Mate 20 Pro.
Bài thử nghiệm này hoạt động với màn hình luôn sáng, nhưng Galaxy A50 có màn hình Super AMOLED nên người dùng còn có thể kéo dài thời lượng thêm bằng cách sử dụng Night Mode, chuyển các ứng dụng sang theme tối.
Thời lượng pin của Galaxy A50 theo bài đánh giá PCMark Work 2.0
Pin tốt thì thì cần có khả năng xả chậm, nhưng phải sạc nhanh. Trong hộp của Galaxy A50 hãng tặng lèm cho người dùng một bộ dock và dây sạc 15W, đã được hãng sử dụng từ dòng S5 đến cả S10.
Dock và dây sạc USB Type-C 15W trong hộp của Galaxy A50
Với chuẩn sạc này, mình có thể sạc đầy viên 4000mAh trong vòng 1 tiếng 45 phút từ trạng thái kiệt pin. Kiểu sạc của Galaxy A50 cũng khá tịnh tiến trong lúc pin yếu – được 17% trong vòng 15 phút, nhưng đến khoảng 90% thì tốc độ sạc giảm dần và trong 15 phút sẽ được 10%.
Đo thời gian sạc của Samsung Galaxy A50 từ trạng thái kiệt pin:
– 15 phút: 17%
– 30 phút: 34%
– 1 tiếng: 62%
– 1 tiếng 30 phút: 90%
– 1 tiếng 45 phút: 100% (Đầy pin)
Như trong bài đánh giá vấn đề pin sạc Galaxy S10 đã đề cập, thì chuẩn sạc 15W của Samsung vẫn có thể coi là ‘sạc nhanh’ vì có nguồn cao hơn so với chuẩn 5V/2A thông thường, nhưng đến nay thì không phải nhanh lắm nữa rồi.
Viên pin dung lượng lớn của Galaxy A50 đã là một điều tốt, nhưng mong rằng trong tương lai Samsung sẽ phát triển các chuẩn sạc nhanh 20, 25W để gia tăng tốc độ sạc hơn nữa.
Giao diện OneUI – Hướng đi phần mềm đúng đắn, vẫn còn lỗi nhỏ
Thay đổi phải toàn diện, Samsung hiểu được điều này nên cũng phát triển giao diện OneUI dành cho các dòng máy mới chứ không chỉ làm mới thiết kế bên ngoài. Giao diện này đã xuất hiện trên Galaxy S10 và đã nhận được rất nhiều lời khen, với các điểm như:
– Các icon trên màn hình được làm lớn hơn, giúp người dùng dễ nhìn và dễ bấm.
– Giao diện thực đơn tùy chọn (Settings) được hãng ‘kéo’ xuống cạnh dưới màn hình, từ đó. giúp người dùng nhấn được bằng 1 tay
– Font chữ được tùy chỉnh để trở nên dễ nhìn.
– Các ứng dụng được cài sẵn có ngôn ngữ thiết kế chung, tạo ra sự liền mạch toàn hệ thống.
Giao diện One UI
Một điểm mình rất thích đó là chế độ tối toàn hệ thống, giúp sử dụng máy lúc ban đêm mà không bị mỏi mắt. Chế độ này cũng có một ưu điểm nữa đó là giúp tiết kiệm pin, vì Galaxy A50 sử dụng tấm nền Super AMOLED và có thể tắt được tất cả những điểm ảnh màu đen, từ đó giảm lượng điện tiêu thụ.
Chế độ tối toàn hệ thống (Night Mode)
Nếu giao diện của máy còn chưa đủ dễ dùng, người dùng còn có thể chuyển sang Easy Mode, giúp cho các thành phần trên màn hình trở nên khổng lồ! Chế độ này phù hợp những người lớn tuổi, mắt đã kém và cũng hay bấm nhầm các biểu tượng trên màn hình.
Chế độ sử dụng đơn giản (Easy Mode)
Trong quá trình sử dụng, mình vẫn gặp một lỗi nhỏ đó là đồ họa chuyển cảnh (Animation) như tắt màn hình, chuyển qua lại giữa các ứng dụng còn xảy ra giật. Đây chắc chắn không phải là lỗi phần cứng, vì Galaxy A50 có cấu hình không tệ chút nào (ta sẽ tìm hiểu ngay sau đây), nên mình có thể ‘quy trách nhiệm’ cho OneUI.
Tuy vậy đây cũng chỉ là những lỗi nhỏ, hãng hoàn toàn có thể sửa chữa bằng các bản cập nhật phần mềm. Đa phần các thao tác, đặc biệt là khi đã vào ứng dụng đều không gặp hiện tượng này nên không phải là vấn đề quá to tát.
Cấu hình tầm trung đủ dùng, không hơn và không kém
Điều phối tất cả hoạt động của Galaxy A50 là chip Exynos 9610 CPU 8 nhân và GPU Mali-G72 3 nhân, kèm theo đó là 4GB RAM và 64GB bộ nhớ trong. Chip Exynos được Samsung thiết kế trên tiến trình 10nm, có 4 nhân ARM A73 tốc độ cao và 4 nhân ARM A53 tiết kiệm điện.
Theo các bài đánh giá, thì CPU của Exynos 9610 có điểm số cao hơn so với Snapdragon 660 khoảng 10%, nhưng lại thua ở điểm GPU, nhất là với các bài thử 3DMark Sling Shot và Ice Storm. Đây đã trở thành xu thế chung của các chip được thiết kế bởi Samsung và các hãng Trung Quốc – có thể ngang ngửa hoặc hơn Qualcomm về CPU nhưng thường có điểm đánh giá thấp hơn về GPU.
Từ trái sang phải: CPU-Z, Antutu, Geekbench 4…
…PCMark, 3DMark: Ice Storm và Slingshot.
Nhưng nói một cách thật lòng thì khi sử dụng thực tế, các chip tầm trung hiện nay đều ngang ngửa nhau mà thôi, sự khác biệt khó có thể cảm nhận được. Hiện mình đang thử nghiệm 3 dòng máy với 3 chip là Snapdragon 660, MediaTek Helio P70 và Galaxy A50 với Exynos 9610, và cả 3 đều hoạt động hoàn hảo với các game offline, chơi được Boom Mobile và mượt mà ở Liên Quân Arena ở đồ họa trung (Medium).
Sự khác biệt lớn chỉ xảy ra khi người dùng nâng cấp lên các dòng máy tầm cao, sử dụng chip Snapdragon 845 hay 855, vì chúng mới đủ sức mạnh đồ họa để giúp người dùng ‘tự tin’ lựa chọn mức Settings cao (High).
Boom Mobile
Liên Quân Arena
Camera đậm chất Samsung, góc siêu rộng rất ‘vui vẻ’
Hệ thống camera của Galaxy A50 khá giống với Galaxy A7 (2018), bao gồm 3 chiếc ở phía sau và một camera selfie 25MP f/2.0 ở mặt trước. Cụm camera sau bao gồm 1 camera góc thông thường 25MP f/1.7 (cao hơn Galaxy A7 tận…1MP!), camera siêu rộng 12mm 8MP f/2.2 và cảm biến ‘chết’ để đo chiều sâu 5MP f/2.2.
Ảnh của Galaxy A50 có xu hướng giống các dòng máy khác của hãng: thường bị dư sáng, có độ tương phản và đậm màu cao hơn trung bình. Mình chụp hình thường tăng tương phản và độ đậm, nên việc hãng đẩy 2 giá trị này lên cao không phải là vấn đề lớn, nhưng việc máy tạo ra các bức ảnh dư sáng thì lại trở thành nhược điểm.
Khi ảnh bị dư sáng thì bầu trời, bóng đèn sẽ mất toàn bộ chi tiết, và quả thực là rất khó để ‘kéo’ lại bằng các phần mềm hậu kì. Chính vì vậy với Galaxy A50, mình thường xuyên phải do sáng lại bằng tay trước khi chụp, cũng vì vậy mà làm giảm tốc độ chụp đi nhiều.
Điểm mình cảm thấy thích nhất ở hệ thống camera Galaxy A50 đó là camera góc siêu rộng, tạo góc nhìn rất ấn tượng. Đây cũng là xu thế chung của các smartphone tầm cao mới được ra mắt, như những chiếc Galaxy S10 cao cấp cũng đã có camera góc rộng. Camera này không chỉ có chức năng chụp được nhiều sự vật hơn, mà còn có hiệu ứng làm méo góc và đẩy những sự vật ở tâm ảnh ra xa, nên ảnh luôn luôn khác lạ so với góc nhìn thông thường.
Giống với các thế hệ máy trước, thì camera góc rộng của Galaxy A50 có thể chỉnh lại được độ sáng, nhưng rất tiếc là không lấy nét bằng tay được. Tất nhiên, do hiệu ứng góc rộng nên đa phần những yếu tố trong ảnh đã nét nên trong nhiều trường hợp ta không cần phải lấy nét lại, nhưng ví dụ chụp gần (close up) thì camera góc rộng của A50 lại ‘bó tay’.
So sánh góc chụp thường và góc siêu rộng 12mm
Thêm một vài ảnh chụp từ Galaxy A50:
Lời kết
Khó có thể nói Samsung Galaxy A50 là một sản phẩm tầm trung hoàn hảo, khi vẫn còn một số lỗi nhỏ mà hãng cần phải sửa chữa trong tương lai như loa đơn chất lượng thấp, cảm biến vân tay tốc độ không cao, UI vẫn còn lỗi vặt… Thế nhưng đây vẫn là sản phẩm thể hiện được rõ ràng quyết tâm của Samsung trong việc thay đổi bản thân để cạnh tranh tốt hơn, cũng như đem trải nghiệm mới mẻ cho người dùng.
Cá nhân mình thích hướng đi mới của Samsung, một hướng đi hiện đại hơn và không còn bị gò bó bởi các chuẩn mực xưa cũ. Galaxy A50 mặc dù vẫn đậm ‘hương vị’ Samsung nhưng cảm giác như không còn là những sản phẩm ‘an toàn’, tiêu chuẩn nữa.