Đánh giá chi tiết Vivo U10: Đủ ‘xài’, đủ dùng, đủ trải nghiệm!
Mục lục bài viết
Bạn cho rằng Vivo U10 chỉ được cái thiết kế đẹp? Chắc chắn là không rồi, vì ngoài thiết kế đẹp mắt ra thì chiếc smartphone Vivo này còn sở hữu cấu hình đủ mượt trong tầm giá cùng thời lượng pin đáng nể.
Xem thêm: Đánh giá chi tiết Vivo S1 Pro: Thiết kế lột xác mới mẻ, kết hợp cùng camera chất lượng
Mình sẽ đánh giá Vivo U10 theo trình tự như sau: Cấu hình / hiệu năng – Thời lượng pin – Camera – Thiết kế tổng thể – Màn hình hiển thị. Cùng mình trải nghiệm Vivo U10 ngay nhé.
1. Cấu hình và hiệu năng
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định chọn mua sản phẩm của người dùng chính là cấu hình và hiệu năng. Vậy, cấu hình của Vivo U10 có đủ đáp ứng các tác vụ thông thường hay không?
Có thể bạn đã hoặc chưa biết, chiếc Vivo U10 này sở hữu bộ vi xử lý Snapdragon 665 8 nhân, với 4 nhân 2.0 GHz và 4 nhân 1.8 GHz. Theo mình, trong tầm giá sản phẩm thì Snapdragon 665 là một sự lựa chọn hợp lý. Tất nhiên, Snapdragon 665 không thể đứng ngang hàng với Snapdragpn 710, nhưng mình có thể bảo đảm rằng các tác vụ thông thường vẫn mượt mà nhé.
Mình đã đo thử cấu hình và hiệu năng nhanh bằng các phần mềm đo điểm quen thuộc, đó là: AnTuTu, GeekBench và PCMark.
- Antutu: 171.266 điểm.
- Geekbench đơn lõi: 316 điểm.
- Geekbench đa lõi: 1.393 điểm.
- PCMark: 6.563 điểm.
Kết hợp cùng với RAM 4 GB thì bạn đã có thể yên tâm mở cùng lúc 3 – 4 tác vụ mà không phải load lại từ đầu. Nhưng nếu bạn mở liên tục 4 – 5 tựa game (trong đó có tựa game nặng như PUBG) thì có khả năng phải load lại game là rất cao.
Bên cạnh RAM 4 GB, Vivo còn trang bị ROM 64 GB cho phép người dùng tải và lưu trữ những bức ảnh, video kỉ niệm thỏa thích. Bản thân mình thấy rằng, nếu dùng chiếc máy để giải trí với các tác vụ thì ROM 64 GB đã quá hợp lý rồi.
Để cho bạn đọc có một cái nhìn khách quan hơn thì mình đã chiến ngay hai trong số những tựa game phổ biến ở Việt Nam: PUBG Mobile và Liên Quân Mobile.
Với tựa game Liên Quân Mobile thì thật sự mình có rất nhiều điều muốn chia sẻ. Đầu tiên, mình đánh giá cao Snapdragon 665 cũng như Vivo U10 khi cho phép mở cấu hình lên mức HD và FPS Cao (FPS tối đa là 60).
Mặc dù FPS dao động ổn định trong mức từ 56 – 60 FPS nhưng, hiện tượng giật lag xảy ra rất bất chợt và thời gian chậm phản hồi lên đến gần 2 giây. Việc phản hồi thông tin và xử lý khung hình chậm đã khiến mình bị “chấm dứt” một cách “rất hài hước”.
Còn với PUBG Mobile thì mình đánh giá cao hơn, mặc dù FPS chỉ “dậm chân” ở mức 20 FPS (cấu hình có thể mở tối đa là trung bình) nhưng độ mượt hầu như được duy trì tương đối ổn định suốt cả trận đấu. Mặc dù với Snapdragon 665 mình không đòi hỏi nhiều, tuy nhiên mình và người dùng nói chung cũng mong muốn chiếc máy xử lý khung hình ở mức tương đối chứ.
2. Thời lượng pin
Bù lại, thời lượng pin lại mang đến nhiều điểm cộng hơn cho Vivo U10. Với viên pin có dung lượng lên đến 5.000 mAh thì mình dự đoán rằng chiếc máy có khả năng hoạt động đến hai ngày. Và nếu bạn chỉ dùng để xem phim và lướt Facebook, mình tin rằng thời gian sử dụng có thể dài hơn nữa đấy.
Với mức pin 100%, âm thanh 0% và WiFi cũng như thông báo (Facebook,..) luôn mở, mình đã sử dụng PCMark để đo pin nhanh và thu được kết quả là 10 tiếng 33 phút. Đây là thời lượng mà PCMark đo được từ 100 – 20%.
Để có một góc nhìn thực tế hơn, mình đã trải nghiệm xoay vòng ba tác vụ gồm: Game (Liên Quân Mobile), xem YouTube và lướt Facebook. Trong điều kiện độ sáng màn hình là 50%, âm thanh tùy chỉnh, không bật màn hình thích ứng / tiết kiệm pin và thông báo / WiFi luôn bật, mình đã thu được kết quả như hình bên dưới.
Có thể thấy, trong thời gian trải nghiệm cố định từng tác vụ là 45 phút thì mình thu được kết quả hơn 12 tiếng đồng hồ (chính xác là 12 tiếng 12 phút). Đây quả là một con số ấn tượng, bởi vì mình đã sử dụng chiếc máy trong thời gian liên tục. Do đó nếu bạn ít sử dụng hơn thì thời lượng có thể dài hơn rất nhiều.
Bên cạnh việc đo thời lượng sử dụng tác vụ, mình cũng đo cả thời gian sạc của củ sạc nhanh 18W. Như bạn thấy, tổng thời gian mình sạc được là từ 14 giờ (0%) đến 16 giờ 28 phút thì máy đầy 100%. Như vậy, củ sạc 18W sẽ mất 2 tiếng 28 phút để sạc đầy pin.
3. Camera
Còn về camera thì mình cho rằng, khả năng chụp ảnh của Vivo U10 chỉ dừng lại ở mức tương đối. Nói chung mình không đánh giá quá cao về camera, nhưng xét về tầm giá sản phẩm thì có lẽ như vậy đã “đủ xài” rồi. Cụ thể ba camera của Vivo U10 gồm:
- Ống kính góc rộng: độ phân giải 13 MP, khẩu độ f/2.2.
- Ống kính góc siêu rộng: Độ phân giải 8 MP, khẩu độ f/2.2, tiêu cự 13 mm.
- Ống kính độ sâu: Độ phân giải 2 MP, khẩu độ f/2.4.
Trong điều kiện đủ sáng, Vivo U10 mang đến những bức ảnh đẹp với màu sắc chân thật. Mặc dù ảnh không thật sự chi tiết cho lắm và bị mất nét, nhưng tổng thể thì hình ảnh vẫn ưa nhìn.
Còn với khả năng chụp ngược sáng thì coi bộ Vivo U10 chụp nhỉnh hơn trong điều kiện đủ sáng đấy. Không chỉ điều chỉnh độ tương phản cao mà bên cạnh đó, khả năng điều chỉnh màu sắc ảnh trông cân đối cũng khá tốt trong tầm giá.
Còn với điều kiện trong nhà, màu sắc cảnh vật lại được điều chỉnh trong tươi hơn một chút. Nhìn một cách tổng quát thì mình không thấy quá nhiều nhược điểm ở môi trường trong nhà.
Mình cũng thử chụp cả điều kiện thiếu sáng trên cụm camera của Vivo U10. Điều đáng tiếc ở đây đó là chiếc máy của chúng ta không có tính năng chụp ban đêm, do đó bạn chỉ có thể trông chờ vào chế độ chụp ảnh tự động. Tất nhiên, do chỉ thuộc phân khúc giá rẻ nên khả năng chụp trong điều kiện thiếu sáng còn yếu khiến cảnh bị mất nét nhiều.
Không chỉ camera sau không thôi, người dùng còn dành sự quan tâm đặc biệt đến camera selfie của những chiếc smartphone. Với Vivo U10, mình đánh giá khả năng chụp selfie ở mức tương đối.
Ngoài ra, Vivo còn tích hợp một số tính năng khác trên Vivo U10 như: Chụp ảnh chân dung (xóa phông), chụp ảnh góc rộng,…
4. Thiết kế tổng thể
Với phiên bản Vivo U10 màu Xanh này thì mình thật sự không ấn tượng cho lắm vì bản màu này đã có trên một số thiết bị tầm trung khác. Tuy nhiên xét trên góc nhìn tổng thể sản phẩm, bản màu này lại mang đến niềm cảm hứng khi sử dụng.
Như bạn thấy đó, màu Xanh của Vivo U10 có độ sâu tựa như màu của Đại Dương, mang đến sức sống của những sinh vật biển và vẻ đẹp vô tận của đáy biển khơi.
Khi cầm trên tay, cảm giác đầu tiên của mình là máy khá to và cấn tay. Tại sao lại như vậy? Đó là vì bề mặt lưng của Vivo U10 không bo cong mà thay vào đó lại được làm phẳng nên khi cầm, bạn sẽ cảm nhận rõ bề ngang của chiếc máy.
Ngoài ra, mặt lưng của Vivo U10 còn được tích hợp cụm 3 camera sau được xếp dọc ở góc trên bên trái máy, đèn LED và cảm biến vân tay. Nhìn xuống phía dưới mặt lưng một chút bạn sẽ thấy dòng chữ “Vivo” được in đậm như khẳng định lại một lần nữa rằng, đây là sản phẩm của Vivo.
Còn ở mặt trước chúng ta vẫn sẽ thấy màn hình có phần khuyết đỉnh như “giọt sương” 6.35 inch vốn đang thịnh hành trên thị trường di động toàn cầu. Cùng với đó, màn hình máy có độ phân giải ở mức HD+, nói chung chất lượng hiển thị không có gì nổi bật, ở mức chấp nhận được.
Về phần viền cạnh thì có vẻ như, Vivo vẫn chưa muốn cắt giảm các viền cạnh xung quanh trên các dòng sản phẩm giá rẻ. Phải chăng rằng Vivo muốn tạo sự khác biệt so với các dòng tầm trung và cận cao cấp mà hãng đã ra mắt trong thời gian vừa qua.
Để tìm hiểu chi tiết hơn về màn hình của Vivo U10 thì bạn hãy xem tiếp ở phần bên dưới nhé.
5. Màn hình hiển thị
Như mình có nói ở trên, Vivo U10 được trang bị màn hình kích thước 6.35 inch. Đến thời điểm hiện tại, mình vẫn cho rằng đây là một tấm nền lớn, tuy nhiên thật đáng tiếc khi độ phân giải màn hình chỉ dừng lại ở HD+.
Khi trải nghiệm xem phim trên Vivo U10 thì mình thấy rằng màn hình bị vỡ hạt. Nhưng đứng trên phương diện khách quan thì thật sự ra, trong tầm giá này mình không đòi hỏi quá nhiều về phần màn hình mà thay vào đó lại là cấu hình hiệu năng hơn.
Bù lại yếu điểm về độ phân giải thì Vivo U10 đã được tích hợp tấm nền IPS LCD. Màn hình này sẽ mang đến độ sáng khá cao và chỉ cần thao tác chạm và kéo đơn giản, bạn đã có thể sử dụng máy dưới ánh nắng trực tiếp.
Có thể bạn chưa biết thì màu sắc tươi sáng, góc nhìn rộng là những đặc điểm giúp cho màn hình IPS trở nên phổ biến và thịnh hành. Nhờ đó mà dù bạn nhìn màn hình thiết bị ở nhiều góc độ khác nhau thì bạn vẫn thấy rõ màu sắc hiển thị trên màn ảnh.
Tổng kết
Đó chính là những trải nghiệm của mình về chiếc Vivo U10 phiên bản màu Xanh này. Cá nhân mình cho rằng mức giá 3.990.000 đồng cho Vivo U10 là hoàn toàn hợp lý, bởi chiếc máy có thể đáp ứng đủ các nhu cầu như: Đẹp, chơi game tương đối mượt, camera ổn và quan trọng hơn hết là thời lượng pin dài.
Nhưng nếu hỏi rằng dưới bốn triệu có nên mua Vivo U10 thì mình nghĩ rằng, một số sản phẩm khác như Realme 3 Pro hay Vsmart Live sẽ ổn hơn đấy.
Thế còn bạn, bạn nghĩ rằng dưới 4 triệu đồng thì có nên mua Vivo U10 hay không và chiếc máy có đáp ứng được nhu cầu của bạn không? Bình luận ngay bên dưới và cho mình biết ngay nhé.
Xem thêm: Đánh giá chi tiết Vivo Y19: Phong cách quyến rũ, ‘chiến’ mượt cả Liên Quân Mobile
Vivo U10
Ngừng kinh doanh
Xem đặc điểm nổi bật
- Chip Snapdragon 665 AIE
- RAM: 4 GB
- Dung lượng: 64 GB
- Camera sau: Chính 13 MP & Phụ 8 MP, 2 MP
- Camera trước: 8 MP
- Pin 5000 mAh
Xem chi tiết
Biên tập bởi Vương Gia Bảo
Hãy để lại thông tin để được hỗ trợ khi cần thiết (Không bắt buộc):
Anh
Chị