Đánh giá chính thức mới nhất của Trung Quốc về cuộc “Đại cách mạng Văn hóa vô sản”: 10 năm nội loạn!

Đánh giá lại về “Đại cách mạng Văn hóa” và vai trò của ông Mao Trạch Đông  

Bài của Tân Hoa xã viết: “Năm 1966, vào lúc nước ta cơ bản hoàn thành nhiệm vụ điều chỉnh nền kinh tế, bắt đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ ba để phát triển nền kinh tế quốc gia, “Đại cách mạng Văn hóa” đã xảy ra.

Cuộc “Đại cách mạng Văn hóa” được phát động và lãnh đạo bởi đồng chí Mao Trạch Đông. Điểm xuất phát của ông về cuộc “Đại cách mạng” này là ngăn chặn sự phục hồi Chủ nghĩa Tư bản, bảo vệ sự trong sạch của Đảng và tìm kiếm con đường xây dựng Chủ nghĩa Xã hội cho riêng Trung Quốc. Tuy nhiên, sự tính toán sai lầm về tình hình chính trị của Đảng và đất nước lúc đó đã khiến mọi chuyện phát triển đến một mức độ rất nghiêm trọng.

Đánh giá chính thức mới nhất của Trung Quốc về cuộc “Đại cách mạng Văn hóa vô sản”: 10 năm nội loạn! ảnh 1

Tân Hoa xã gọi “Đại cách mạng Văn hóa” là cuộc “nội loạn” gây nên “thảm họa”. Ảnh Đa Chiều/VCG

“Đại cách mạng Văn hóa” có ba giai đoạn: từ khi phát động đến Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 4 năm 1969; từ Đại hội IX đến Đại hội lần thứ X tháng 8 năm 1973 và từ Đại hội X đến khi kết thúc tháng 10 năm 1976. Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng cường vị thế của Lâm Bưu (Lin Biao), Giang Thanh (Jiang Qing), Khang Sinh (Kang Sheng) và những người khác trong trung ương, hợp pháp hóa thực tiễn và lý luận sai lầm của “Đại cách mạng Văn hóa”.

Sự kiện Lâm Bưu xảy ra vào tháng 9 năm 1971 (tức việc máy bay chở vợ chồng Lâm Bưu cùng con trai và một số người lãnh đạo cao cấp quân đội bị rơi ở Mông Cổ – NV) về mặt khách quan đã tuyên cáo sự thất bại của cả lý thuyết và thực tiễn “Đại cách mạng Văn hóa”, nhưng Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục phạm phải những sai lầm “Tả khuynh” của Đại hội IX và củng cố thêm thế lực của Tập đoàn phản cách mạng Giang Thanh.

Sau khi ông Mao Trạch Đông qua đời tháng 9 năm 1976, Giang Thanh, Trương Xuân Kiều (Zhang Chunqiao), Diêu Văn Nguyên (Yao Wenyuan) và Vương Hồng Văn (Wang Hongwen) đã đẩy mạnh các hoạt động âm mưu cướp quyền lãnh đạo tối cao Đảng và Nhà nước. Vào tháng 10 cùng năm, Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng đã thực hiện ý chí của Đảng và nhân dân, đập tan “Bè lũ bốn tên”, do đó chấm dứt được thảm họa “Đại cách mạng Văn hóa”.

Đánh giá chính thức mới nhất của Trung Quốc về cuộc “Đại cách mạng Văn hóa vô sản”: 10 năm nội loạn! ảnh 2

Dân chúng Trung Quốc vui mừng khi “Đại cách mạng Văn hóa” chấm dứt với việc “Bè lũ 4 tên” bị đánh đổ. Ảnh: Đa Chiều/VCGị

Thực tiễn đã chứng minh rằng “Đại cách mạng Văn hóa” không phải và cũng không thể là cuộc cách mạng hay tiến bộ xã hội với bất cứ ý nghĩa nào.

Trong thời kỳ “Đại cách mạng Văn hóa”, cuộc đấu tranh giữa Đảng và nhân dân với những sai lầm “Tả khuynh” và Tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu – Giang Thanh, mặc dù gian nan khúc khuỷu, nhưng chưa bao giờ dừng lại. Trong 10 năm đó, nền kinh tế quốc dân Trung Quốc vẫn có những tiến bộ và công tác đối ngoại cũng đã mở ra một cục diện mới. Nhưng, nếu không có “Đại cách mạng Văn hóa” thì sự nghiệp Xã hội chủ nghĩa của nước ta sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn nhiều” (hết trích).

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 27/9 viết, theo các thông tin công khai, Trung Quốc đã từng có văn kiện chính thức nói về việc ông Mao Trạch Đông phát động “Đại cách mạng Văn hóa”.

Ngày 27 tháng 6 năm 1981, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XI đã thông qua “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử Đảng kể từ khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, xác định tính chất của “Đại cách mạng Văn hóa” là một “cuộc nội loạn do người lãnh đạo phát động sai lầm, bị tập đoàn phản động lợi dụng, đem lại tai họa nghiêm trọng cho Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc” và “Mao Trạch Đông cần phải chịu trách nhiệm chính cho sai lầm “Tả khuynh” nghiêm trọng, có tính toàn cục và trong một thời gian dài này”.

Đánh giá chính thức mới nhất của Trung Quốc về cuộc “Đại cách mạng Văn hóa vô sản”: 10 năm nội loạn! ảnh 3

Quốc sử Trung Quốc năm nay không nói nhiều đến sai lầm của cá nhân ông Mao Trạch Đông và cũng không quy kết sai lầm của “Đại cách mạng Văn hóa”  là “do Mao Trạch Đông phát động và lãnh đạo” như trong “Nghị quyết  Hội nghị Trung ương 6 khóa XI năm 1981. Ảnh Đa Chiều/VCG

Nghị quyết này cũng đồng thời chỉ ra rằng ông Mao Trạch Đông “công tích là thứ nhất, sai lầm là thứ hai” và nhận định ông “ba phần sai lầm, bảy phần thành tích”. 

Điều đáng nói nữa là “Đại sự ký nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (tháng 10 năm 1949 đến tháng 9 năm 2019)” do Viện Nghiên cứu Văn hiến và Lịch sử Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ủy quyền cho hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã phát hành vào ngày 27 tháng 9, trong toàn văn gồm 63.000 chữ về lịch sử quốc gia đã ghi lại nhiều chi tiết lịch sử nhạy cảm, trong đó có “Đại cách mạng Văn hóa”.

So với quốc sử phát hành nhân 60 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (2009), quốc sử Trung Quốc phát hành nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh lần này, phần liên quan đến “Đại cách mạng Văn hóa” cơ bản không thay đổi, đều viết: ““Đại cách mạng Văn hóa” sau 10 năm đã gây trắc trở và tổn thất nghiêm trọng nhất cho Đảng, Nhà nước và nhân dân kể từ khi nước Trung Quốc mới được thành lập”.

Đánh giá chính thức mới nhất của Trung Quốc về cuộc “Đại cách mạng Văn hóa vô sản”: 10 năm nội loạn! ảnh 4

Bà Giang Thanh, phu nhân ông Mao Trạch Đông bị Tòa án đặc biệt đưa ra xét xử năm 1981. Ảnh Đa Chiều/VCG

Trong phần 10 năm “Đại cách mạng Văn hóa” từ năm 1966 đến 1976, quốc sử Trung Quốc không nói quá nhiều đến sai lầm của cá nhân ông Mao Trạch Đông và cũng không quy kết sai lầm của “Đại cách mạng Văn hóa”  là “do Mao Trạch Đông phát động và lãnh đạo” như trong “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của Đảng kể từ khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI năm 1981.

Ông Tập Cận Bình biểu dương hai nạn nhân bị sát hại trong “Đại cách mạng Văn hóa”

Ngoài ra, nhân kỉ niệm 70 năm Quốc khánh, ngày 25/9 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã ký lệnh tặng danh hiệu “Gương phấn đấu đẹp nhất” (Tối mỹ phấn đấu giả) cho 278 cá nhân và 22 tập thể là các anh hùng điển hình kể từ năm 1949 đến nay. Trong số này có Dung Quốc Đoàn (Rong Guotuan) – ngôi sao thể thao Trung Quốc đầu tiên đoạt chức Vô địch thế giới – người đã tự sát trong “Đại cách mạng Văn hóa” và Trương Chí Tân (Zhang Zhixin) – nữ cán bộ Ban Tuyên truyền tỉnh ủy Liêu Ninh – người bị tử hình trong “Đại cách mạng Văn hóa”.

Ông Dung Quốc Đoàn là người Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Năm 15 tuổi, ông bắt đầu đại diện cho đội bóng bàn của Liên đoàn Công đoàn Hồng Kông thi đấu. Năm 1957, ông trở về Trung Quốc và giành chức Vô địch thế giới đơn nam bóng bàn đầu tiên cho Trung Quốc vào năm 1959. Năm 1961, với tư cách là một trong những cầu thủ chính của đội tuyển nam Trung Quốc, ông đã giành chức vô địch thế giới đồng đội nam đầu tiên với các đồng đội của mình. Trong thời gian huấn luyện đội bóng bàn nữ Trung Quốc, Dung Quốc Đoàn đã dẫn dắt đội giành chức Vô địch thế giới đồng đội nữ đầu tiên cho bóng bàn Trung Quốc. Bị phê đấu trong Cách mạng Văn hóa, do không chịu được sự sỉ nhục ông buộc phải tự sát vào năm 1968, khi mới 31 tuổi. Vào tháng 6 năm 1978, Ủy ban Thể thao Nhà nước đã minh oan và phục hồi danh dự cho ông.

Đánh giá chính thức mới nhất của Trung Quốc về cuộc “Đại cách mạng Văn hóa vô sản”: 10 năm nội loạn! ảnh 5

Ông Dung Quốc Đoàn – Nhà vô địch thế giới môn bóng bàn đầu tiên của Trung Quốc tự sát vị bị bức hại trong “Đại cách mạng Văn hóa” . Ảnh: Đa Chiều/VCG

Bà Trương Chí Tân sinh thời đã phê phán ông Mao Trạch Đông và kêu oan cho ông Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi) cùng những người khác. Năm 1969, bà bị bắt vì tội “phản cách mạng hiện hành”. Trong nhà tù, bà đã viết “Tuyên bố của một đảng viên cộng sản” nêu ý kiến về một số vấn đề “liên quan đến vận mệnh của Đảng và đất nước; đề xuất quan điểm là biểu hiện trung thành với đảng, là nghĩa vụ và quyền lợi của các đảng viên bình thường đối với đường lối của Đảng”. Bà đã bị tra tấn tàn bạo nhiều lần trong tù. Trương Chí Tân bị xử bắn năm 1975 khi mới 45 tuổi. Để bà không nói gì được trước khi hành quyết, bà đã bị cắt họng. Tháng 3 năm 1979, tỉnh ủy Liêu Ninh đã minh oan, phục hồi danh dự cho bà.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm Quốc khánhTrung Quốc năm 2009, cũng đã tiến hành bình chọn “100 nhân vật Trung Quốc cảm động kể từ khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Ông Dung Quốc Đoàn đã được bầu nhưng bà Trương Chí Tân thì không có tên trong danh sách.

Đánh giá chính thức mới nhất của Trung Quốc về cuộc “Đại cách mạng Văn hóa vô sản”: 10 năm nội loạn! ảnh 6

Bà Trương Chí Tân, cán bộ Ban Tuyên truyền tỉnh ủy Liêu Ninh bị xử bắn trong “Đại cách mạng Văn hóa” . Ảnh: Đa Chiều/VCG

Đa Chiều cho rằng, lần này, Trung Quốc biểu dương các nạn nhân của “Đại cách mạng Văn hóa”, mặc dù đã truyền đi một tín hiệu tích cực, nhưng không có nghĩa là Cách mạng Văn hóa đã được dỡ bỏ cấm kỵ. Trong phần “Giới thiệu về sự tích của những người được đề cử bầu chọn Gương phấn đấu đẹp nhất” Trung Quốc ban hành, không đề cập đến việc ông Dung Quốc Đoàn bị “Đại cách mạng Văn hóa” bức hại và tự sát.

Còn khi giới thiệu Trương Chí Tân thì nói, bà bị bức hại tàn khốc trong cuộc “Đại cách mạng Văn hóa” do đã phản đối cuộc đàn áp tàn bạo của Lâm Bưu và “Bè lũ 4 tên”. Bà kiên trì chân lý và công khai vạch trần các hoạt động âm mưu “cướp đảng đoạt quyền” của nhóm Lâm Bưu, Giang Thanh; bị nhóm này gọi là “phản cách mạng hiện hành”, bị bắt và bỏ tù vào tháng 9 năm 1969. Ngày 4 tháng 4 năm 1975, bà Trương Chí Tân bị giết bởi Tập đoàn phản cách mạng “Bè lũ 4 tên”.

(Theo Tân Hoa xãĐa Chiều)