Đánh giá rủi ro là gì và các bước tiến hành đánh giá rủi ro
Đánh giá rủi ro tại nơi làm việc là một trong những công cụ chính giúp nâng cao điều kiện an toàn và sức khỏe nghề nghiệp tại nơi làm việc. Do đó, hoạt động này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người lao động và doanh nghiệp, cũng như tuân thủ pháp luật ở nhiều nước. Nó giúp mọi người tập trung vào những rủi ro nổi cộm tại nơi làm việc – những rủi ro có khả năng gây tác hại thực sự.
Đánh giá rủi ro là kiểm tra cẩn thận những điều gì có thể gây hại cho người lao động tại nơi làm việc. Nó giúp chúng ta xem xét liệu đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa hay chưa, cần bổ sung các biện pháp phòng ngừa để tránh tổn hao đến mọi người dân.
Đánh giá rủi ro tại nơi làm việc là một quá trình diễn ra liên tục cần được thực hiện thường xuyên. Nó gần giống như một cuộc thanh tra tại nơi làm việc, nhưng cần xác định rõ sự khác nhau giữa hai khái niệm này. Đánh giá rủi ro cần xác định các mối nguy và biện pháp cần thiết, trong khi đó, cuộc thanh tra cần xác định các biệp pháp kiểm soát cần thiết có thực sự được thực hiện hay không.
Đánh giá rủi ro được tiến hành theo năm bước:
Bước 1: Xác định các mối nguy.
Bước 2: Xác định những người có thể bị ảnh hưởng và ảnh hưởng như thế nào.
Bước 3: Đánh giá rủi ro- xác định và quyết định các biện pháp kiểm soát rủi ro về an toàn và sức khỏe.
Bước 4: Ghi lại người chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp kiểm soát rủi ro và khung thời gian thực hiện.
Bước 5: Ghi lại những phát hiện, giám sát và rà soát việc đánh giá rủi ro và cập nhật khi cần thiết.
Mục lục bài viết
Bước 1: Xác định các mối nguy
Đầu tiên, cần xác định các mối nguy ảnh hưởng đến người lao động như thế nào. Ban lãnh đạo có thể thực hiện khảo sát tại nơi làm việc để tìm ra các mối nguy. Nếu không xác định rõ các mối nguy, bạn không thể kiểm soát chúng. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn xác định các mối nguy tìm ẩn:
-Đi xung quanh nơi làm việc và nhìn vào những nơi có thể gây nguy hiểm. Các hoạt động thường xuyên và không thường xuyên đều phải được xem xét ở tất cả các khu vực.
-Người lao động phải mô tả được các mối nguy trong công việc họ đang đảm nhận, chia sẻ các phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Chỉ ra những điểm mà người sử dụng lao động hoặc bộ phận đánh giá rủi ro không nhìn thấy được.
-Kiểm tra hướng dẫn của nhà sản xuất/ nhà cung cấp hoặc thông tin dữ liệu về hóa chất để dễ dàng xác định các mối nguy.
-Rút kinh nghiệm từ những tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đã xảy ra trước đó. Việc này giúp bạn xác định được các mối nguy tiềm ẩn khó phát hiện.
-Ngoài ra, bộ phận đánh giá cần chú ý đến các mối nguy lâu dài đối với sức khỏe (như độ ồn, tiếp xúc với chất có hại) và mối nguy về tâm lý- xã hội.
Bước 2: Xác định những người có thể bị ảnh hưởng và ảnh hưởng như thế nào.
Sau khi xác định được các mối nguy, ban đánh giá cũng cần xác đinh rõ đối tượng bị ảnh hưởng và ảnh hưởng như thế nào.
-Một số nhóm đối tượng lao động có yêu cầu đặc thù. Ví dụ: người lao động trẻ, phụ nữ mang thai và người khuyết tật là nhóm đối tượng có thể phải đối mặt với những rủi ro đặc thù.
-Nhân viên tạp vụ, khách đến thăm, các nhà thầu, công nhân bảo dưỡng,v.v là những người có thể không ở nơi làm việc toàn thời gian.
-Mọi người trong cộng đồng có bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của doanh nghiệp hay không.
-Và hãy hỏi người lao động xem đối tượng nào có thể bị ảnh hưởng bởi các hoạt động công việc của họ hay không.
Bước 3: Đánh giá rủi ro- xác định và quyết định các biện pháp kiểm soát rủi ro về an toàn và sức khỏe
Sau khi xác định được các mối nguy, người đánh giá phải đề ra biện để pháp khắc phục các mối nguy đó và phải đảm bảo đúng chuẩn thực hành tốt. Vì vậy, người đánh giá có thể xem xét những biện pháp kiểm soát rủi ro về an toàn và sức khỏe mà tổ chức đã được áp dụng trước đó và rà soát xem liệu có thể áp dụng để cải thiện các mối nguy hay không. Để làm được việc này, người đánh giá nên xem xét:
-Chúng ta có thể loại bỏ hoàn toàn mối nguy hiểm được không?
-Nếu không thể loại bỏ, làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát rủi ro để mối nguy không có khả năng xảy ra?
Khi tiến hành thực hiện các biện pháp kiểm soát kiểm soát rủi ro về an toàn và sức khỏe, người kiểm soát có thể thực hiện theo từng bước như sau:
-Sử dụng phương pháp ít rủi ro hơn; thay thế rủi ro.
-Tránh tiếp cận mối nguy.
-Tổ chức công việc theo cách giảm tiếp xúc với mối nguy hiểm, áp dụng các phương pháp làm việc an toàn.
-Cung cấp các thiết bị chăm sóc.
-Cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân.
Bước 4: Ghi lại người chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp kiểm soát rủi ro và khung thời gian
Nếu người thực hiện đánh giá quyết định bổ sung các biện pháp kiểm soát bổ sung, phải đảm bảo các biện pháp đó được thực hiện. Cần phân công trách nhiệm cho từng người cụ thể, thời gian thực hiện và tuần suất thực hiện.
Bước 5: Ghi lại những phát hiện, giám sát và rà soát việc đánh giá rủi ro và cập nhật khi cần thiết
Ghi lại và trình bày những gì người đánh giá phát hiện được. Bản ghi này nên luôn sản sàng để người lao động, người giám sát và thanh tra lao động có thể tiếp cận được.
Cần phải sắp xếp để giám sát các biện pháp kiểm soát rủi ro. Các cuộc kiểm tra nơi làm việc cần được thực hiện hàng ngày/hàng tuần/ hàng tháng như một biện pháp kiểm tra bắt buộc.
Trong quá trình hoạt động, có một số nơi sẽ không thay đổi. Bên cạnh đó, các vật liệu, thiết bị và quy trình mới thường được đưa vào sử dụng, vì vậy các mối nguy mới có thể xuất hiện. Do đó, tổ chức cần tiến hành giám sát thường xuyên để kịp thời phát hện các mối nguy. Tổ chức nên tiến hành rà soát tổng thể mỗi năm một lần để xem các đánh giá còn hiệu lực hay không, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp vẫn đang được cải tiến hoặc ít nhất không bị tụt hậu.
Thực hiện tốt đánh giá rủi ro tại nơi làm việc sẽ góp phần bảo vệ người lao động bằng cách xóa bỏ hoặc hạn chế tới mức thấp nhất những nguy hiểm và rủi ro liên quan tới công việc. Việc này cũng sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp vì tổ chức công việc tốt hơn thường đồng thời làm tăng năng suất lao động.