Danh mục máy, thiết bị an toàn bắt buộc phải kiểm định an toàn thuộc quản lý của BLĐ-TB&XH
Danh mục máy, thiết bị an toàn bắt buộc phải kiểm định an toàn thuộc quản lý của BLĐ-TB&XH
Nhằm quản lý nhà nước trên lĩnh vực An toàn, vệ sinh lao động trong phạm vi Quốc gia, Quốc hội ban hành các Luật An toàn, vệ sinh lao động. Trên cơ sở Luật ban hành, Chính phủ và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện như: Nghị định 44/2016/NĐ-CP, Nghị định 140/2018/NĐ-CP, Thông tư 31/2018/TT-BLĐTBXH, Thông tư 41/2016/TT-BLĐTBXH, Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH,…
Theo đó, doanh nghiệp có sử dụng các thiết bị an toàn cần lưu ý các vấn đề sau:
-
Thứ nhất, danh mục các thiết bị an toàn bắt buộc phải kiểm định an toàn ban hành kèm theo Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH (ban đầu, định kỳ, bất thường) gồm: Nồi hơi, nồi gia nhiệt dầu, bình chịu áp lực, đường ống dẫn khí y tế, cầu trục, cổng trục, pa lăng, tời nâng, thang máy, xe nâng hàng, cần trục ô tô,…
Danh mục các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt SMTEST III được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phép thực hiện (xem thêm năng lực )
-
Thứ hai, giá tối thiểu kiểm định thiết bị an toàn được thu theo biểu giá của Thông tư 41/2016/TT-BLĐTBXH . Dựa trên công suất, tải trọng, thiết kế của thiết bị, sẽ được quy định giá kiểm định tối thiểu khác nhau.
Ảnh: Kiểm định viên thực hiện công tác kiểm định nồi hơi.
-
Thứ ba, trường hợp doanh nghiệp có sử dụng thiết bị an toàn mà không tiến hành kiểm định thì bị xử phạt theo Điều 23, Nghị định 28/2020/NĐ-CP , cụ thể mức phạt như sau:
“Điều 23. Vi phạm quy định về sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
Phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động như sau:
1. Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không khai báo với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại địa phương trong khoảng thời gian 30 ngày trước hoặc sau khi đưa vào sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
2. Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không lưu giữ đầy đủ hồ sơ kỹ thuật máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
3. Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm các quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trong sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động chưa được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng hoặc hết thời hạn sử dụng.
4. Từ 02 lần đến 03 lần tổng chi phí kiểm định máy, thiết bị, vật tư vi phạm (tính theo mức giá tối thiểu do cơ quan có thẩm quyền quy định) nhưng không thấp hơn 20.000.000 đồng và tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với hành vi không kiểm định trước khi đưa vào sử dụng hoặc không kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
5. Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tiếp tục sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã thực hiện kiểm định nhưng kết quả kiểm định không đạt yêu cầu”.
Trên đây là những chia sẻ của SMTEST III về quy định của pháp luật trong kiểm định an toàn cũng như danh mục các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt bắt buộc phải thực hiện kiểm định, hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này và có kế hoạch quản lý thiết bị tốt nhất, phù hợp nhất.
KS. Đinh Văn Đông – Trung tâm Kiểm định an toàn và Đo lường III