Đánh thức các giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh – Doan Anh Duong J.S.C
Lịch sử văn hóa từ ngàn đời xưa mà ông cha ta để lại đều có những giá trị quý giá cả về mặt vật chất lẫn tinh thần cho các thế hệ sau. Thuở ban đầu sơ khai đất nước cùng với những nền văn hóa, tập tục, dụng cụ lao động, đời sống… của người tiền sử luôn là điều bí ẩn và trăn trở cho các nhà khoa học, nhà khảo cổ học trong nhiều thế kỷ qua.
Càng tìm hiểu, càng đi sâu và khám phá ra những hiện vật, những nền văn hóa đã phần nào đó vén bức màn về giá trị di sản văn hóa cổ trên toàn thế giới. Và một trong những nền văn hóa cổ được tìm thấy mà chúng ta phải kể đến là nền văn hóa Sa Huỳnh, đã có từ rất lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam. Việc tìm thấy và phát huy được những giá trị của Văn hóa Sa Huỳnh để bảo tồn và phục vụ du lịch là điều hết sức cần thiết cho một đất nước đang trên đà phát triển về nhiều lĩnh vực. Thế nhưng, đến hôm nay việc phát huy giá trị đó vẫn còn rất nhiều hạn chế và vấn đề đặt ra là cần phải có biện pháp để khắc phục trước khi quá muộn.
Nền văn hóa Sa Huỳnh đã được tìm thấy cách đây hơn 100 năm vào năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet đã phát hiện ở vùng cồn cát cạnh đầm An Khê thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ vùng ven biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) một khu mộ chum với rất nhiều hiện vật giá trị. Đó là lần đầu tiên phát hiện một nền văn hóa có niên đại cách nay 2500 – 3000 năm, sau được gọi tên là văn hóa Sa Huỳnh.
Từ khu mộ chum Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ Pháp đã liên tục tìm thấy các dấu vết của một nền văn hóa thời tiền sử qua các đợt khai quật tìm thấy khoảng 500 mộ chum có chứa nhiều loại đồ tùy táng phân bố dọc các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Trong đó Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh với 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu. Theo nhiều nhà khảo cổ, căn cứ vào các hiện vật văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện tại Quảng Ngãi như: mộ chum được làm bằng đất nung, đồ gốm tô màu trang trí, có kèm đồ trang sức quý gồm các chuỗi hạt, khuyên tai ba chấu…đặc biệt là hình thức táng thức mộ chum, một số dụng cụ bằng đồng, sắt, có niên đại khoảng 2.500 năm.
Ngoài ra, các hiện vật văn hóa Sa Huỳnh còn được tìm thấy nhiều nơi trên thế giới chứng tỏ cư dân Sa Huỳnh từ ngàn xưa đã có trình độ kỹ thuật cao về các dụng cụ lao động và giao lưu rộng rãi với các cư dân khu vực Đông Nam Á, rộng hơn là Ấn Độ, Trung Hoa. Những hiện vật đó có giá trị rất lớn và được các nhà khoa học, khảo cổ học đánh giá rất cao, sự hiện diện của nền văn hóa cổ này tại Quảng Ngãi thật sự là một thế mạnh không phải nơi nào cũng có. Có được những giá trị văn hóa ấy sẽ thu hút nhiều khách du lịch, các nhà nghiên cứu đến tìm hiểu, tham quan và thuận lợi để phát triển du lịch trong tỉnh.
Tại mảnh đất Sa Huỳnh nơi tập trung nhiều giá trị lịch sử, phong cảnh thiên nhiên, địa hình và vẻ đẹp nguyên sơ của văn hóa Sa Huỳnh. Tạo hóa đã ưu ái cho nơi này những tinh hoa của cảnh sắc biển và đặc biệt là sự hiện diện của đầm nước ngọt An Khê cách biển chỉ khoảng 150m. Đây là nơi cung cấp nước ngọt cho mọi hoạt động sinh hoạt quanh năm của người Sa Huỳnh cổ.
Cảnh quan quanh đầm đến ngày nay vẫn còn mang nhiều nét hoang sơ và được các nhà địa chất nhận định là không thay đổi quá nhiều so với vài ngàn năm trước đây và vẫn đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của dân cư Sa Huỳnh. Tất cả những gì còn hiện hữu tại nơi đây về hiện vật hay cảnh quan đều mang phần nào ít nhiều những đặc trưng của nền văn hóa Sa Huỳnh. Ngoài sự hiện diện của văn hóa Sa Huỳnh thì nơi đây còn có sự diện diện của nền văn hóa Chămpa và nhiều di tích lịch sử quan trọng khác. Ở đây di sản chồng lên di sản khi ngoài nền văn hóa Sa Huỳnh thì văn hóa Chămpa vẫn còn hiện hữu với hệ thống giếng cổ Chăm, di tích Cầu Đá, con đường đá hay bia ký Chăm với mười dòng ký tự chưa được giải mã.
Ngoài ra, cảnh quan còn có các hang động tự nhiên trên các gành đá như hang Sáo, hang Gành Trên, hầm Tịnh… tạo nên cảnh quan rất đẹp bao trùm lên một nền văn hóa cổ vẫn còn hiện hữu. Nét đẹp văn hóa Sa Huỳnh còn tồn tại trong con người nơi đây, hàng ngày họ vẫn làm muối, đánh bắt quanh đầm, trên biển để sinh sống như người Sa Huỳnh cổ. Hơn nữa, nơi đây vừa có đầm nước ngọt để người dân đánh bắt, lấy nước trồng trọt lại vừa có đầm nước mặn để người dân làm muối buôn bán khắp nơi. Với những thế mạnh vốn có của Sa Huỳnh chắc chắn sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển, thế nhưng đến nay vẫn chưa phát huy được những giá trị đó.
Mặc dù phát hiện một nền văn hóa cổ mang tầm cỡ thế giới bao gồm nhiều hiện vật nằm giữa một không gian mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử nhưng tại đây vẫn chưa thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nó. Nhiều khó khăn, thách thức được đặt ra trước nguy cơ di sản văn hóa Sa Huỳnh tại Sa Huỳnh bị quên lãng. Có một thực trạng là việc bảo tồn di sản văn hóa Sa Huỳnh đã được đề ra trước đây rất nhiều, như xây dựng nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh để trưng bày các hiện vật được tìm thấy cho khách du lịch đến tham quan nhưng thực chất nhà trưng bày đã hoàn thành nhiều năm nay vẫn chưa được đưa vào hoạt động chính thức nên rất ít người biết đến.
Nếu đem so sánh với tỉnh Quảng Nam, cũng là một trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh nhưng ở đây đã xây dựng được Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh và thu hút đông đảo khách tham quan du lịch. Không phải vì Quảng Nam nhiều di sản hơn hay nơi đó gì đặc biệt hơn Sa Huỳnh mà là vì họ thành công trong việc bảo tồn và phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, họ lấy cộng đồng dân cư là yếu tố chính để giữ gìn những giá trị văn hóa cổ. Họ đã đánh thức được năng lực của người dân, tuyên truyền người dân có ý thức về những giá trị văn hóa vốn có và cùng chung tay phát triển du lịch.
Chính vì vậy, những hiện vật cũng như giá trị văn hóa Sa Huỳnh ở đó được giữ gìn và phát huy có hiệu quả trong suốt thời gian qua. Còn tại Sa Huỳnh đến nay vẫn có những khó khăn nhất định, địa hình nhiều nơi nằm gần cồn cát ven biển đường xá đi lại rất khó khăn, hoang vu, nhiều nhà bỏ hoang và đa phần những người còn sinh sống ở đây là người già và trẻ em. Cuộc sống của người dân còn thiếu thốn, chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt và làm muối. Thời gian qua, các chủ trương chỉ mới chú trọng đến công tác bảo tồn là chính, chưa quan tâm nhiều đến phát huy giá trị Văn hóa Sa Huỳnh; việc đầu tư chưa đồng bộ, kết nối còn thiếu nên giá trị Văn hóa Sa Huỳnh vẫn còn ít người biết đến.
Bên cạnh đó, hiện cửa biển Sa Huỳnh phục vụ hàng nghìn tàu, thuyền nhưng chưa được đầu tư xứng tầm, hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu, đường vào khu vực Nhà bảo tàng và khu vực khai quật quá hẹp và chưa được đầu tư đi vào khu di chỉ khó khăn. Tại sao nằm ở vùng di sản và có nhiều giá trị cảnh quan như thế nhưng dân cư nơi đây phải rời bỏ quê hương đi làm ăn xa và tương lai mảnh đất này có thể sẽ chẳng còn cư dân sinh sống. Chính vì chưa có điều kiện để phát huy được những tiềm năng ở địa danh này nên các di sản văn hóa Sa Huỳnh vẫn diện hiện nhưng lại chưa được biết đến rộng rãi.
Từ những hạn chế đó, phải có hướng thay đổi phù hợp và từng bước đánh thức những giá trị văn hóa Sa Huỳnh một cách hiệu quả nhất. Việc tìm hiểu và nắm rõ về lịch sử văn hóa, đặc điểm tự nhiên và tiềm năng có thể phát triển tại Quảng Ngãi, đặc biệt là Sa Huỳnh (Đức Phổ) là bước rất quan trọng chuẩn bị cho một cái vươn vai dài và rộng trước những kế hoạch mới. Việc tổng hợp các giá trị di sản về hiện vật, về văn hóa, hệ sinh thái là một trong những bước đưa ra ý tưởng, sáng tạo mới để đánh thức các giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh.
Vấn đề tuyên truyền cũng như giới thiệu về văn hóa Sa Huỳnh tại địa phương còn rất nhiều hạn chế, cần có kế hoạch cụ thể để người dân hiểu được giá trị của các di sản và có ý thức bảo vệ di sản và không gian văn hóa Sa Huỳnh. Sợi dây liên kết giữa văn hóa và người dân tại đây cần được bảo vệ, người dân Sa Huỳnh là những di sản “sống” và chính họ là những nhân tố để giữ gìn không gian Văn hóa Sa Huỳnh một cách đúng nghĩa. Cần có một cơ chế quản lý dựa vào bảo tồn để phát huy tạo ra nguồn tài chính bền vững, vừa bảo vệ được giá trị văn hóa Sa Huỳnh, vừa giúp cải thiện đời sống của người dân nơi đây. Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng là một trong những giải pháp có thể cải thiện được các hạn chế cũng như thay đổi được các thực trạng đang gặp phải. Làm gì và làm như thế nào? Tất cả đều phải tham vấn ý kiến cộng đồng, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân và từ đó cùng nhau chung tay bảo tồn và có những hướng đi phù hợp nhất.
Trong thời kỳ mới, việc đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn là rất quan trọng khi đất nước đứng trước nhiều thách thức lớn, chúng ta cần phải bảo tồn và phát triển du lịch bằng những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng và dựa vào cộng đồng dân cư địa phương để phát triển. Hiện nay, Công ty CPĐT PT Đoàn Ánh Dương được Tỉnh cho phép nghiên cứu lập dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh tại khu vực đầm An Khê và một số vùng lân cận với một mô hình điều phối hoàn toàn mới tiến đến hoàn thiện hồ sơ di tích cấp Quốc gia đặc biệt và xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới cho khu vực Sa Huỳnh. Từ đó, có thể cải thiện được sinh kế của người dân và phát triển được du lịch cộng đồng cho mảnh đất đầy giá trị văn hóa ấy. Có thể nói, đây chính là cơ hội để “đánh thức” những giá trị di tích văn hóa tiềm năng của văn hóa Sa Huỳnh, trước khi các di sản văn hóa ấy bị “ngủ quên“ và từng bước đưa Sa Huỳnh trở thành một trong những điểm dừng chân hấp dẫn và thu hút khách du lịch cả trong lẫn ngoài nước.
Hồ Vũ Thủy Tiên – Trung tâm NC&BT DS