“Đánh thức” giá trị các di tích lịch sử văn hóa ở khu vực miền núi

“Đánh thức” giá trị các di tích lịch sử văn hóa ở khu vực miền núi

Khu vực miền núi xứ Thanh không chỉ nổi tiếng với những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, mang đậm sắc thái riêng của đồng bào dân tộc thiểu số; mà nơi đây còn có một hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh giàu giá trị. Để rồi, khi nguồn tài nguyên nhân văn này được “đánh thức” sẽ là cơ sở để các địa phương miền núi xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh, thu hút khách du lịch suốt 4 mùa.

“Đánh thức” giá trị các di tích lịch sử văn hóa ở khu vực miền núiĐền Chín Gian, xã Thanh Quân (Như Xuân) là điểm đến tâm linh của đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương.

Thực tế cho thấy, các địa phương miền núi đã dành nhiều sự “ưu ái”, quan tâm đặc biệt trong công tác quản lý, bảo tồn và khai thác giá trị của hệ thống di tích, danh thắng trên địa bàn bằng việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lập hồ sơ lý lịch bảo vệ di tích, gắn phát huy giá trị di tích với phát triển du lịch. Đồng thời, thông qua các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, tỉnh và nguồn xã hội hóa từ Nhân dân, hàng năm các huyện miền núi đã làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Trong đó, có nhiều di tích đã được tu bổ, tôn tạo xứng tầm, điển hình như Khu Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh Phủ Na, xã Xuân Du, Di tích lịch sử cách mạng Lò cao kháng chiến Hải Vân (Như Thanh); di tích danh lam thắng cảnh Thác Hiêu (Bá Thước); khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy)… Những di tích ấy được trùng tu, tôn tạo, đưa vào khai thác đã phát huy tốt giá trị, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, sự mong mỏi của Nhân dân địa phương; đồng thời, trở thành bộ phận đặc biệt trong cơ cấu tài nguyên du lịch của tỉnh. Theo số liệu thống kê năm 2020, trên địa bàn 11 huyện miền núi có 63 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt (hang Con Moong), 3 di tích quốc gia, 1 di tích nằm trong quần thể di tích đặc biệt quốc gia (Đền thờ Trung Túc vương Lê Lai) và 66 di tích cấp tỉnh. Gắn liền với hệ thống di tích là một kho tàng các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được khôi phục, giữ gìn và đang ngày càng phát huy giá trị như lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, xã Xuân Phúc (Như Thanh), lễ hội Dâng trâu tế trời đền Chín Gian (Như Xuân), lễ hội Mường Xia (Quan Sơn)…

Thường Xuân là huyện có truyền thống văn hóa lâu đời. Trên địa bàn huyện hiện có 29 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Những năm qua, huyện luôn coi việc bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Ông Cầm Bá Huyến, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thường Xuân, cho biết: những năm qua, việc phân cấp quản lý di tích được thực hiện từ cấp tỉnh, huyện, xã cùng các dòng họ. Thông qua công tác lập hồ sơ, xếp hạng di tích đã gắn trách nhiệm của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và các tầng lớp Nhân dân vào việc nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã bố trí nguồn vốn trên 8 tỷ đồng cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích. Nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã phát huy giá trị không chỉ là điểm đến tâm linh của bà con địa phương, mà còn phục vụ cho phát triển du lịch như di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đền thờ Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng ngàn (Cửa Đạt), di tích lịch sử đền bà chúa Na Lố… Hàng năm, các di tích trên địa bàn huyện thu hút từ 90 – 100 nghìn lượt khách đến tham quan, vãn cảnh, đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Cũng nổi tiếng với hệ thống di sản văn hóa vật thể đa dạng và phong phú, như di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… Những năm qua, huyện Như Xuân đã có những cách làm hay, bài bản trong đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy hiệu quả giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Hàng năm, huyện đều trích một phần ngân sách để đầu tư tôn tạo, tu bổ chống xuống cấp các di tích; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để công tác xã hội hóa trong bảo tồn, trùng tu các di tích có hiệu quả; quan tâm giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, ý nghĩa của di tích để họ nâng cao ý thức trong việc bảo vệ di tích… Đến nay, trên địa bàn huyện có 23 di tích được kiểm kê, trong đó có 6 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo đã trở thành điểm đến tâm linh thu hút rất đông khách du lịch như di tích lịch sử văn hóa đền Chín Gian, di tích lịch sử văn hóa Đình Thi, di tích danh lam thắng cảnh Thác Đồng Quan, di tích danh lam thắng cảnh Bến En của hai huyện Như Xuân và Như Thanh… Hiện nay, huyện đang phấn đấu mỗi năm được công nhận và xếp hạng 1 di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Đến năm 2025, phấn đấu thêm 4 di tích được công nhận cấp tỉnh, mục tiêu đến năm 2030 được công nhận 1 di tích cấp quốc gia. Với nguồn ngân sách huyện hỗ trợ khoảng 10 tỷ đồng và công tác xã hội hóa khoảng 50 tỷ đồng.

Những nỗ lực để “đánh thức” giá trị các di tích lịch sử văn hóa của các huyện miền núi là điều không thể phủ nhận. Song, do đặc thù là khu vực miền núi, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nên việc huy động xã hội hóa rất khó, dẫn đến một số di tích xuống cấp chưa được trùng tu, tôn tạo kịp thời. Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích tuy đã có những thành tựu bước đầu nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Hơn nữa, do địa hình đồi núi rộng, các di tích lại nằm rải rác trong khi đội ngũ cán bộ lại mỏng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, nắm bắt tình hình tại các di tích. Quan trọng hơn là việc phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu và tương xứng với tiềm năng. Bởi thế, nhiều ý kiến cho rằng để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa ở các huyện miền núi đạt hiệu quả ngày càng cao, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa; từ đó, thu hút nguồn lực xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. Đồng thời, các ngành chức năng cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các di sản văn hóa, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách khoa học, bài bản; đồng thời, cần đẩy mạnh phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch…

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt