Đánh thức​​​​​​​ nét đẹp cổ xưa

Thứ Hai 23/11/2020 | 10:19 GMT+7

VHO- Trước nhu cầu tìm về bản sắc và hiểu tường tận hơn văn hóa truyền thống Việt Nam, nhiều nhóm các bạn trẻ đã tập hợp để cùng nhau đi sâu nghiên cứu từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng đến hoa văn, họa tiết trang trí tại các đình, đền, chùa, phục chế trang phục cổ… Quả là tín hiệu đáng mừng khi những nét đẹp xưa cũ có nguy cơ mai một, nay được gìn giữ, phát huy bởi những người trẻ có tình yêu và đam mê với văn hóa lịch sử dân tộc.

Những sản phẩm văn hóa cổ phong qua hình thức thể hiện hấp dẫn, cách làm mới lạ, đã thu hút được sự chú ý của công chúng, đặc biệt là giới trẻ

“Hãy bắt đầu chuyến hành trình khám phá nền văn hóa cổ xưa của Việt Nam, khám phá những nét tương đồng cũng như những mối quan hệ của nó với các nền văn hóa đẹp đẽ khác trên thế giới, đồng thời biết nhiều hơn về những giá trị phong phú mà nó mang lại”, đó là lời chào của các bạn trẻ nhóm Đại Việt Cổ Phong, những người đam mê tìm hiểu về văn hóa và mong ước tái hiện, mô phỏng, phục dựng văn vật nước Việt xưa một cách chuẩn xác nhất qua nhiều phương tiện như tranh vẽ, mô hình, phim ảnh, cosplay… để người nay có thể hình dung được về người Việt xưa.

Cổ phong Việt ngày càng nhận được sự quan tâm từ đông đảo công chúng, nhiều hội nhóm chuyên sâu ở những mảng đa dạng được lập ra và bước đầu có những thành quả đáng ghi nhận, như dự án “Hoa văn Đại Việt” của Đại Việt Cổ Phong; cuốn sách song ngữ Việt – Anh “Dệt nên triều đại” nghiên cứu về trang phục triều Lê sơ của nhóm Vietnam Centre; trò chơi sưu tập thẻ bài huyền sử Việt Nam Sử Hộ Vương; sách về binh khí nước Việt Nam binh thần khí; hay cuốn sách “Việt sử diễn họa” tóm tắt lịch sử Việt Nam từ thuở hồng hoang với truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” đến khi triều đại phong kiến cuối cùng chấm dứt… Những sản phẩm văn hóa này qua những hình thức hấp dẫn, cách làm mới lạ đã thu hút được sự chú ý của công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Anh Lâm Vị Quân, nhóm Vietnam Centre cho biết: “Khi nhắc đến Việt Nam, bạn bè quốc tế và nhiều người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài dường như chỉ biết tới chiến tranh và chiến tranh… Sự thực đó khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng, bởi một nền văn hóa dân tộc rực rỡ có bề dày hàng nghìn năm lại được định dạng bằng một cuộc chiến tàn khốc xảy ra cách nay chưa lâu. Trăn trở đó đã thôi thúc chúng tôi mày mò và tìm cách quảng bá nền văn hóa lâu đời của chúng ta, thông qua từng khía cạnh và bắt đầu từ ăn mặc”… Trong khi đó, họa sĩ Thanh Huyên, tác giả của “Việt sử diễn họa” chia sẻ: “Trong quá trình tìm hiểu, tôi thấy nhiều công trình, tác phẩm nghiên cứu lịch sử dù nội dung chất lượng nhưng thiếu hình ảnh minh họa, thành ra khô khan, giáo điều và thiếu hấp dẫn. Từ đó, tôi ấp ủ thực hiện một cuốn sách vừa có đầy đủ thông tin, dữ kiện cơ bản vừa có hình ảnh sinh động để những người trẻ cảm thấy hứng thú hơn, dễ dàng trong việc tiếp cận và ghi nhớ”…

Những việc làm, dự án của các cá nhân, nhóm bạn trẻ đang truyền đi tinh thần yêu văn hóa, lịch sử dân tộc đến những người cùng trang lứa, tương lai của đất nước. Tuy nhiên, để lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ, có hệ thống, trọng tâm, cần có sự quan tâm định hướng, trợ giúp của các cấp, các ngành liên quan. Từ đó, khuyến khích giới trẻ tìm về cội nguồn, về với “kho báu” văn hóa và sáng tạo, đánh thức rồi đưa chúng trở lại đời sống. Điều này không những giúp họ tự tin vào bản sắc riêng của mình, sẵn sàng hội nhập mà còn giúp văn hóa truyền thống Việt lan tỏa, tiếp cận với bạn bè quốc tế. 

 HỒNG NGA