Đạo giáo và những biểu hiện trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam
Ngày đăng: 30/03/2017 – 08:03
Đạo giáo là một trong Tam giáo (Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo) tồn tại từ thời Trung Quốc cổ đại. Trong lịch sử tồn tại và phát triển, Đạo giáo đã giao lưu với nhiều nền văn hóa khác nhau và để lại dấu ấn ở nhiều nước Đông Á. Ảnh hưởng của Đạo giáo thể hiện trong những tín ngưỡng, tôn giáo và nghi thức của nhiều tầng lớp, qua nhiều thế kỷ. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về Đạo giáo, đặc biệt là sự ảnh hưởng của Đạo giáo đến đời sống tinh thần, cũng như sự phong phú trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho ra mắt cuốn sách Đạo giáo và những biểu hiện trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Nội dung cuốn sách đề cập đến sự ra đời, phát triển cùng những nội dung, đặc điểm cơ bản của Đạo giáo Trung Quốc. Qua đó cũng cho thấy những ảnh hưởng của Đạo giáo đến các lĩnh vực đời sống xã hội ở Trung Quốc qua các thời kỳ. Đồng thời, cuốn sách cũng phân tích khái lược quá trình du nhập, phát triển, hoạt động tôn giáo, sự ảnh hưởng của Đạo giáo trên một số lĩnh vực ở Việt Nam cũng như những biểu hiện của Đạo giáo trong một số tín ngưỡng dân gian Việt Nam như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Thành Hoàng làng.
Đạo giáo là một tôn giáo bản địa, tồn tại lâu dài trong lịch sử Trung Quốc. Đạo giáo ra đời do điều kiện lịch sử xã hội nhất định, và trải qua quá trình phát triển đã hình thành nên những tư tưởng, giáo lý riêng nhưng nhìn chung nó trở thành chỗ dựa tinh thần, phản ánh niềm mơ ước của con người về một cuộc sống sung túc, hạnh phúc. Qua việc phân tích những giáo lý, những giới luật và lễ nghi, phương pháp tu luyện và sinh hoạt của Đạo giáo, cơ sở tu hành và thờ tự của Đạo giáo, cuốn sách cho rằng Đạo giáo cũng mang trong mình những đặc điểm riêng và có những điểm khác biệt so với các tôn giáo lớn khác. Trong khi các tôn giáo nói chung đều cho rằng “đời là bể khổ”, đầy rẫy những đau thương, họ hy vọng về một cuộc sống hạnh phúc ở một cõi khác thì Đạo giáo lại cho rằng sống trên đời là một việc vui sướng, chết đi mới là đau khổ. Giáo lý của Đạo giáo là trọng sinh, lạc sinh, cổ vũ con người tu luyện để kéo dài tuổi thọ. Các tôn giáo nói chung đều tách hai thế giới riêng biệt: thế giới hiện thực và thế giới “siêu thực”, họ coi thường thế giới này. Thế giới thần tiên của Đạo giáo không giống với thế giới hiện thực nhưng cũng không hoàn toàn tách biệt. Theo quan niệm của Đạo giáo, sau khi tu luyện đắc đạo thành tiên thì vẫn có thể qua lại thế giới hiện thực, đồng thời ranh giới giữa nhân gian và thần tiên có thể bị xóa bỏ. Mọi tôn giáo thường là nhất thần, tôn thờ một đấng tối cao, còn Đạo giáo là một tôn giáo đa thần. Với những đặc trưng riêng biệt đó, Đạo giáo đã mang lại những đóng góp không nhỏ cho nền văn minh Trung Hoa và cũng đã ảnh hưởng nhất định đến nền văn hóa Đông Á, trong đó có Việt Nam.
Đạo giáo đã du nhập vào nước ta từ rất sớm, sau Nho giáo và Phật giáo. Quá trình truyền bá và tiếp nhận cũng chính là quá trình Đạo giáo không ngừng khẳng định được vị trí quan trọng trong sinh hoạt tinh thần và tín ngưỡng Việt Nam. Nó đã có ảnh hưởng không nhỏ đến đời đời sống tinh thần, truyền thống của những người dân lao động qua những biểu hiện trong cuộc sống cũng như trong tín ngưỡng dân gian. Để làm rõ điều này, cuốn sách đã tập trung phân tích và đưa ra những dẫn chứng về sự ảnh hưởng của Đạo giáo trong tín ngưỡng Việt Nam được thể hiện qua ba tín ngưỡng: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng Thành Hoàng. Đây là những tín ngưỡng mang đậm màu sắc của Đạo giáo, thể hiện niềm tin và sự ngưỡng mộ của con người vào các lực lượng thần bí siêu nhiên. Con người tin rằng, những lực lượng ấy có ảnh hưởng, chi phối đời sống, số phận con người và tạo thành một nếp sống xã hội theo niềm tin thiêng liêng ấy. Cuốn sách đưa ra những luận điểm để chứng minh cho những ảnh hưởng của Đạo giáo đến đời sống tâm linh của người Việt, chẳng hạn như biểu hiện của Đạo giáo được thể hiện trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên qua quan niệm về sinh tử, qua nghi lễ thờ cúng như: gọi hồn, bùa chú, ma chay,… Trong tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện ở sự tương đồng trong quan niệm về hệ thống thần tiên, trong hình tượng các Mẫu, trong sắc phục của Mẫu,… Trong tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng thể hiện ở quan điểm về nhân vật xuất hiện trong các thần tích, về không gian và thời gian. Tất cả các biểu hiện này được tác giả tập trung phân tích cụ thể với những luận điểm và dẫn chứng rõ ràng, từ đó cho thấy trải qua quá trình lao động sáng tạo, người dân Việt Nam đã có sự tiếp thu, bổ sung một cách sáng tạo những quan niệm của Đạo giáo cho phù hợp với đời sống văn hóa của người Việt.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo trong việc nghiên cứu về Đạo giáo và những biểu hiện trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, qua đó nhằm nâng cao nhận thức về những nhân tố tích cực, những giá trị truyền thống tốt đẹp trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới.