“Đào mộ” những lý do học tiếng Anh mãi mà không giỏi | Edu2Review
Giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài, bạn có tự tin rằng mình làm được? Thật vậy, không ít người Việt có chung một câu hỏi chưa lời giải suốt bao thế hệ: “Tại sao sau nhiều năm học tiếng Anh, mình vẫn không thể giao tiếp với người bản xứ?”. Đã có ai trả lời câu hỏi này cho bạn chưa? Hãy để Edu2Review giúp bạn giải đáp thắc mắc này qua 8 lý do – tổng hợp từ chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Anh Đức, tác giả cuốn sách Luyện siêu trí nhớ từ vựng tiếng Anh theo phương pháp Do Thái.
Mục lục bài viết
Tư tưởng hiềm khích với tiếng Anh
Nếu bạn luôn mang trong đầu ý nghĩ “tiếng Anh rất khó” và những ai giỏi tiếng Anh chắc hẳn được đầu tư từ bé, học tại trung tâm mắc tiền hoặc có năng khiếu bẩm sinh về ngôn ngữ. Khi có suy nghĩ thế này bạn sẽ luôn cảm thấy khó chịu và dị ứng với nó.
Khi đó thay vì cởi mở để tiếp thu tiếng Anh theo cách tự nhiên nhất, bạn sẽ luôn có những định kiến: tiếng Anh học từ mới khó nhớ và hay quên; nghe tiếng Anh là một cơn ác mộng khi mà người ta nói quá nhanh, dùng nhiều từ phức tạp và thành ngữ rối rắm; hay học ngữ pháp rất nhiều nhưng không thể nắm chắc được ngữ pháp tiếng Anh… Dần dẫn tới sự sợ hãi mỗi khi học ngoại ngữ và không có động lực học.
Đầu tiên bạn phải loại bỏ ngay và luôn suy nghĩ tiếng Anh là một môn học, vì khi bị áp lực về việc phải học giỏi môn học nào đó bạn sẽ càng thấy nó càng khó khăn hơn bao giờ hết. Để giỏi tiếng Anh là một quá trình rèn luyện nỗ lực không ngừng chứ không có kết quả trong ngày một ngày hai được.
Đừng bao giờ nghĩ tiếng Anh rất khó (Nguồn: Freepik)
Mải mê học ngữ pháp
Những bạn luyện theo cách này luôn có một suy nghĩ là chưa nắm chắc được ngữ pháp tiếng Anh thì chưa thể nào sử dụng được tiếng Anh vào việc nói và viết.
Suy nghĩ như vậy bạn càng học thêm nhiều ngữ pháp, và càng học thì càng thấy rắc rối bởi biết bao nhiêu cấu trúc bất quy tắc, cấu trúc câu lồng ghép phức tạp. Dẫn đến cuối cùng là bỏ cuộc bởi không thể nào học hết được ngữ pháp tiếng Anh.
Hãy học tiếng Anh như một đứa trẻ, bắt đầu bằng việc nghe rồi lặp lại, sau đó diễn đạt theo ý mình, tiếp theo là rèn luyện kĩ năng đọc và cuối cùng là học ngữ pháp để biết viết theo đúng chuẩn. Nếu bạn học ngược quá trình này, thất bại là chuyện không thể tránh khỏi.
Không nên chú trọng vào ngữ pháp quá nhiều khi học tiếng Anh (Nguồn: opeltglobal)
Học thật nhiều từ vựng đơn lẻ, với một tập giấy chép từ dày cộp
Nếu bạn luyện theo cách này, “thành tựu” mà bạn đạt được sẽ là học đâu quên đấy, học trước quên sau; học nhiều quên nhiều, học ít quên ít, và không học… thì không có gì để quên. Những cao thủ luyện theo cách này thường học theo kiểu tra từ mới và viết nó ra giấy… nhưng chỉ viết từ đó mà thôi.
Tình trạng thường gặp nhất là khi đưa bạn một từ riêng lẻ, bạn dễ dàng biết nghĩa của nó là gì nhưng lúc nói thì chả bao giờ nhớ đến nó để sử dụng. Chỉ học nghĩa của từng từ thì mãi mãi bạn chỉ dùng được tiếng Anh bồi mà thôi.
Khi học một từ mới thì hãy xem những câu ví dụ sử dụng từ đó, học xem người ta áp dụng nó trong những ngữ cảnh nào. Nhiều người đã học theo cách này và thành công, tại sao bạn không thử?
Khi học từ mới, hãy học cả cụm từ và cách áp dụng chúng (Nguồn: ieltsonlinetests)
Học tùy hứng, lúc nào thích thì học
Những cao thủ học tiếng Anh tùy hứng sẽ luôn đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để tìm thấy hứng thú học tiếng Anh? Và bạn mải mê đi tìm hứng thú mà quên đi một sự thật là cảm hứng học tiếng Anh chân chính chỉ sinh ra trong chính quá trình học tập, còn nếu chỉ đi tìm hứng thú bên ngoài thì đó chỉ là những cảm hứng nhất thời và sẽ trôi qua nhanh. Kết quả là người học theo cảm hứng sẽ rất nhanh mất hứng.
Thay vì tạo lúc nào cũng đi tìm cảm hứng thì hãy biến nó thành một thói quen, thành nề nếp. Khi đó bạn sẽ không cần ai nhắc nhở mà vẫn tự động học tiếng Anh, và nhớ rằng thành công không dành cho những kẻ lười biếng.
Hãy luôn thủ sẵn headphone trong người để lúc nào rảnh cũng có thể rèn luyện kĩ năng nghe, có thể nghe những bài hát tiếng Anh, nghe tin tức hằng ngày. Còn không thì bạn có thể chuẩn bị một quyển sách tiếng Anh bỏ túi để có thể trau dồi kiến thức mọi lúc mọi nơi. Dù bận đến đâu cũng đừng bỏ thói quen học tiếng Anh, đừng biện những lí do này kí do kia để lười biếng vì bạn có thể học tiếng Anh bất kì lúc nào.
Con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng (Nguồn: insurancejournal)
Học tiếng Anh câm
Tức là mọi suy luận ngôn ngữ đều diễn ra trong đầu một cách thầm lặng. Tai không mấy khi nghe tiếng Anh, miệng cũng chẳng nói tiếng Anh nhiều cho lắm, tay thì mải mê điền đáp án cho những câu hỏi trong các cuốn sách tiếng Anh… với một “niềm tin lớn” rằng điểm cao tiếng Anh thông qua các bài kiểm tra trên giấy cũng có nghĩa là mình giỏi tiếng Anh.
Những cao thủ thuộc trường phái “tiếng Anh câm” này thường rất tự tin rằng tiếng Anh của mình thật là chắc chắn, nhưng sự thật là khả năng nghe và nói tiếng Anh của họ rất thất vọng. Một sự thực hiển nhiên đó là các yêu cầu của bài thi trên giấy gồm các bài tập điền từ, chia động từ, hay đọc hiểu, hoàn toàn khác với việc giao tiếp bằng tiếng Anh trong cuộc sống.
Giáo dục hiện nay đang đào tạo ra những thế hệ như thế này, những con người ảo tưởng về trình độ tiếng Anh của họ bởi những con điểm ở trường, bởi ngữ pháp siêu chuẩn. Họ đâu biết phản xạ nghe nói nhanh mới là điều quan trọng trong việc học tiếng Anh.
Học tiếng Anh là để áp dụng chứ không phải để thi nên bạn phải có nhìn nhận đúng đắn để không rơi vào nhóm học tiếng Anh câm này.
Tiếng Anh câm là một tình trạng đáng báo động hiện nay (Nguồn: ursa)
Học tiếng Anh theo phong cách suy luận như học toán
Những người luyện theo cách hiểu logic toán học đối với tiếng Anh thường thất vọng khi thấy càng học tiếng Anh nhiều, càng thấy chúng không logic. Thực tế những môn học tư duy như toán học thì chỉ cần hiểu được nguyên tắc là có thể suy luận ra lời giải của các bài toán khác.
Nhưng tiếng Anh lại là môn học của kỹ năng và thói quen. Tức là nó đòi hỏi sự lặp lại nhiều lần của việc nghe và nói, đọc và viết để trở nên thành thạo. Những người mải mê tìm quy luật logic trong tiếng Anh sẽ luôn nếm trái đắng vì chẳng bao giờ có thể tìm ra được nếu không gặp được những người thầy cực kỳ am hiểu tiếng Anh.
Học tiếng Anh không nên quá rập khuôn (Nguồn: Freepik)
Chỉ học từ giáo viên Việt Nam
Bạn nghe giọng gì nhiều thì bạn sẽ “sản xuất” ra đúng như những gì bạn nghe thấy. Và học tiếng Anh cũng vậy, nếu bạn chỉ nghe giáo viên Việt Nam nói tiếng Anh thì kết quả là bạn sẽ mắc những lỗi mà chính những giáo viên Việt Nam đó mắc phải như không rõ âm cuối, sai trọng âm, phát âm sai, và cả hình thành câu sai nữa… Bạn sẽ nói lại những gì bạn nghe, và dĩ nhiên là nói theo cả cái sai của giáo viên của bạn.
Kết hợp cả giáo viên Việt Nam và bản địa để kết quả tốt nhất (Nguồn: everest.edu)
Và khi học với giáo viên Việt Nam, họ sẽ giảng dạy rõ cho bạn bằng tiếng Việt, bạn sẽ dễ hiểu hơn nhưng cũng dễ quên hơn. Trong khi nếu học cùng giáo viên bản ngữ, bạn dễ dàng rèn luyện khả năng phát âm của mình cũng như bạn phải cố thích nghi để có thể giao tiếp tốt được với họ, khi đó những thứ bạn học sẽ không thể nào quên được, dần đó trở thành phản xạ.
Nhưng không có nghĩa là không nên học giáo viên Việt Nam, ta nên kết hợp học từ cả hai giáo viên này. Các khóa học của những trung tâm nổi tiếng như ta thấy đều có cả giáo viên Việt Nam và bản xứ để có kết quả tốt nhất.
Không xác định mục tiêu rõ ràng và không định lượng cụ thể để học
Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người học tiếng Anh không bao giờ đến đích. Mục tiêu không rõ ràng có nghĩa là người học nhầm lẫn giữa mục tiêu và mục đích.
Mục đích học là để trở nên thành thạo với tiếng Anh, nhưng mục tiêu là thành thạo ở mức độ cụ thể nào: ví dụ đạt 7.5 trong bài thi IELTS, hay nắm vững toàn bộ 99 mô hình câu tiếng Anh và 3.500 từ vựng để đạt trên 900 điểm trong bài thi TOEIC và giao tiếp hoàn toàn độc lập, thành thạo trong môi trường thương mại quốc tế? Phần lớn người học tiếng Anh không đặt mục tiêu bằng con số cho mình, và vì vậy họ không xác định được khối lượng kiến thức cần học và số giờ rèn kỹ năng cần phải đầu tư.
Chính vì thế mà họ không thể chia khối lượng kiến thức và số giờ đó vào mỗi tuần hay mỗi ngày để biến thành chỉ tiêu phải hoàn thành cho từng ngày hay từng tuần. Những người học tiếng Anh theo “trường phái không mục tiêu cụ thể” này sẽ thường bỏ học giữa chừng vì động lực học tập bị mất đi rất nhanh. Sự hào hứng với suy nghĩ ban đầu về một phần thưởng là sử dụng được tiếng Anh, một ngoại ngữ quan trọng nhất, sẽ nhanh chóng biến mất khi những khó khăn cố hữu của tiếng Anh kéo đến.
Việc bỏ học giữa chừng là điều thường thấy ở những người không có mục tiêu học tập cụ thể này. Và kết quả là những người theo nhóm này sẽ thường học đi học lại các khóa học tiếng Anh ở một trình độ rất thấp và họ vẫn sẽ lại bỏ cuộc.
Làm việc không có mục tiêu rõ ràng rất nguy hiểm (Nguồn: Freepik)
Bên trên là 8 lí do khiến bạn không thể chinh phục được tiếng Anh mà Edu2Review đã tổng hợp lại. Bạn có thấy hình ảnh của mình trong những lí do trên? Hay không đồng ý với lí do nào đó, đừng ngần ngại chia sẻ với chúng tôi nhé!
Bảng xếp hạng trung tâm
Tiếng Anh tại Việt Nam
Phương Thảo (tổng hợp)
Nguồn ảnh cover: Freepik