Dạo phố ông đồ ngày xuân xem vẽ chữ
Mục lục bài viết
Đến hẹn lại lên, mỗi độ xuân về, Phố ông đồ – Đường mai Tết Nhà văn hóa Thanh niên lại nườm nượp người dân và du khách đến tham quan, vui chơi, chụp ảnh…
Phố ông đồ là một trong những hoạt động thường niên của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Hoạt động này được đông đảo người dân đón chờ mỗi khi xuân sang – Tết đến.
Cùng với Phố ông đồ NVH Thanh niên, TP.HCM còn có các phố ông đồ khác như: Phố ông đồ Cung văn hóa Lao Động, Phố ông đồ quận 5, quận 7 và rải rác ở một số hội hoa xuân các quận, huyện nhưng với quy mô nhỏ hơn. Những nơi này đã góp phần tạo thêm địa điểm du xuân lý tưởng cho người dân thành phố vào mỗi dịp Tết đến.
Thướt tha tà áo dài rộn ràng xuống Phố ông đồ ngày xuân.
Góc ngã tư Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Thị Minh Khai, những ngày này luôn rộn ràng du khách và người dân ghé đến “check-in”, tham quan, chụp ảnh và mua những tấm liễn đối cũng như phong bao đỏ về treo và lì xì – mừng tuổi ngày Tết.
Ông đồ trẻ cặm cụi hơn 20 năm mài mực.
Hoàng Nam – ông đồ có thâm niên hơn 20 năm ngồi mài mực nơi này – hồi tưởng, có mặt từ những ngày con phố còn đơn sơ, đâu đó khoảng chừng 10-20 sạp. Ngày còn trẻ thơ ấy, mới mười mấy tuổi đầu, anh đã theo chân các anh chị, chú bác ra phụ những công việc lặt vặt như kê ghế cho khách, chuẩn bị giấy bút và trông coi gian hàng cho sư phụ.
“Hơn 20 năm năm ngồi đây mài mực, kể ra viết cũng hàng ngàn câu chữ, chúc lành cho quý khách bình an, tấn tài tấn lộc; gia đình sung túc, thịnh vượng… nhớ lại cũng thấy vui vui”, ông đồ trẻ tâm sự.
Những ngày này, Đường mai – Phố ông đồ không còn chỗ để có thể chen vào chụp ảnh.
Buổi sáng đã đông, vào ban đêm, nơi này còn nghìn nghịt người xem hơn.
Khung cảnh tại Phố ông đồ được trang hoàng rực rỡ và nhiều mới mẻ hơn mọi năm để đón chào du khách đến tham quan, vui hội ngày xuân.
Tại Đường mai – Phố ông đồ NVH Thanh niên, từ sáng sớm đã có rất đông người dân đổ về đây để chụp ảnh, vui chơi. Trong đó có khá đông bạn trẻ, trong những bộ áo dài trang điểm thật đẹp, tạo dáng chụp ảnh bên các tiểu cảnh được dựng lên tại đây.
Năm nay, xu hướng viết câu chúc lên phong bao lì xì đỏ được du khách hào hứng ủng hộ.
Ông đồ “tân thời” với quần jeans, áo phông “bụi bặm” đang phóng bút – vẽ chữ lên phong bao đỏ.
Theo chị Thu Vân nhà ở quận 3, thấy bà con năm nào cũng chộn rộn ra đây chụp hình về khoe, chị cũng thấy hứng khởi theo mỗi độ xuân về. Tuy nhiên, do chị không thích hoa mai, hoa đào giả nên chỉ ra đây lựa mua mấy câu liễn về treo cho có sắc màu ngày Tết.
Câu chúc tết viết sẵn cùng phong cách nhưng được viết tay mỗi chiếc mỗi khác; ngay cả cành mai, đào cũng được vẽ riêng nên không chiếc nào trùng nhau.
“Đặc biệt năm nay, tôi thấy có sạp viết sẳn mấy phong bao lì xì trông cũng hay hay như: ‘Chúc bạn thoát ế’, ‘Tết có bồ’, ‘Chúc ông mạnh khỏe’, ‘Chúc bà an vui’… nên mua ngay lấy vài chiếc về thủ sẳn phòng khi hữu sự”, chị Vân phá ra cười tếu rồi tiếp lời: “Giá cũng chỉ vài chục chứ không đắt như mình nghĩ”.
Nghe vậy, anh Thế Vinh đang ngồi lựa mấy vòng chuỗi hạt đeo tay bên cạnh tiếp lời, thời nay kiếm câu liễn viết theo lối chữ Nho của ông bà mình thời xưa ngày càng hiếm. Thường phải lên chùa nhờ các thầy lớn tuổi viết hộ cho vài câu, nhưng các thầy giờ tay run, nét chữ đã bớt “hoạt” hơn xưa.
Cô đồ kiên nhẫn và tận tình phục vụ vị khách trẻ cứ nhoi nhoi đòi tự chính tay mình vẽ chữ.
Phố ông đồ còn có các cô đồ và bà đồ ngồi cặm cụi phục vụ bà con và du khách.
Các vị khách quốc tế chăm chú theo dõi từng đường cọ uyển chuyển với câu chúc tiếng Anh “Happy New Year 2023” – Chúc mừng năm mới.
Catherin – nữ du khách Úc – cảm nhận, “Professor” với đôi tay tài hoa đã “phóng” bút vẻ chữ trông lả lướt như rồng bay phượng múa, thật điêu luyện. Giá cả lại hợp lý nên cô đặt mua ngay 10 chiếc đem về làm quà tặng bạn bè và người thân.
Chiếc trống lục lạc với chữ “An Lành – Hạnh Phúc” được đặt viết riêng cho cô bé.
Theo BTC, năm nay tại đây sẽ quy tụ với khoảng 50 ông đồ cùng mực tàu giấy đỏ vẽ chữ. Theo đó, các gian hàng sẽ được đặt dọc mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Thị Minh Khai với 100 gốc mai bao phủ mặt tiền đường và sân trong Nhà văn hóa Thanh niên.
Bên cạnh các hoạt động vẽ chữ rộn ràng không khí xuân, các họa sĩ còn vẽ chân dung cho khách.
Cô sinh viên họ Kim chia sẻ bên gian hàng vẽ hình xăm nghệ thuật Henna.
Kim Cho-Hee thích thú cho hay, đến với lễ hội Tết Việt cùng những người bạn dịp đón xuân này thì vui vẻ còn gì bằng. Nơi đây, cô tha hồ tạo dáng chụp hình, còn có thể mua sắm, ăn uống với các món ngon lạ miệng; ngoài ra còn được xem các chương trình sân khấu vui nhộn.
Gian hàng vẽ chữ Henna cho khách luôn rộn ràng du khách chờ tới lượt “xăm mình”.
Du khách người Philippines kiên nhẫn ngồi chờ cô bạn gái được “xăm hình vẽ chữ”.
Ngoài ra, không gian ngày Tết còn sắp đặt các gian hàng được dựng lên bằng cây đước, lá dừa… với nhiều hoạt động dân gian ngày Tết được tái hiện như: Nặn tò he, làm tranh nghệ thuật xoắn giấy, thủ làm đồ công mỹ nghệ cùng các gian hàng vẽ chân dung và vẽ chữ nghệ thuật phục vụ du khách.
Không gian tranh nghệ thuật xoắn giấy và làm đồ thủ công mỹ nghệ được trang hoàng với các sắc màu bắt mắt.
Chắc chắn nơi này sẽ là điểm đến hấp dẫn cho người dân, du khách khi đến đây tham quan, vui chơi trong những ngày Tết sắp đến.
Các bạn trẻ rạng rỡ và tự tin tạo dáng chụp hình bên khung cảnh trang trí mộc mạc, xanh mát cỏ cây trước các gian hàng tại Phố ông đồ – Đường mai vàng.
Phố ông đồ tái hiện lại khung cảnh những ông đồ xưa ngồi viết chữ cho khách, có gần 50 ông đồ già – trẻ với mực tàu giấy đỏ, cùng những vật dụng trang trí gợi nhớ Tết xưa được sắp đặt dọc mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai…
Du khác có thể đến đây “xin chữ” để gửi gắm những ước nguyện ngày xuân. Phố ông đồ còn là không gian văn hóa độc đáo, mang những lời chúc lành tỏa đi xa và cầu chúc cho một năm mới an lành – hạnh phúc.
Đường sách hồ Con Rùa nhộn nhịp trước ngày mở cửa
Công Trường Quốc Tế – hồ Con Rùa lâu nay luôn rộn ràng du khách, nhất là những ngày cuối tuần. Nơi đây không chỉ hấp…