Đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật

Hải Minh

  –  

Thứ sáu, 24/02/2023 08:42 (GMT+7)

Nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa có thể kể tới như: Nguồn nhân lực quản lý, bao gồm đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức ngành văn hóa và các ngành có liên quan; nguồn nhân lực sản xuất kinh doanh, bao gồm doanh nhân, người lao động; nguồn nhân lực sáng tạo.

Theo thống kê của ngành văn hóa, nhân lực trực tiếp làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nói chung là hơn 72.000 người; nguồn nhân lực gián tiếp, có hoạt động trong các ngành có liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao là khoảng 150.000 người.

Phần trình bày trong báo cáo tốt nghiệp chuyên ngành Nghệ thuật hóa trang, khoa Thiết kế Mỹ thuật - Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Ảnh: Thế KỷPhần trình bày báo cáo tốt nghiệp của sinh viên chuyên ngành Nghệ thuật hóa trang – Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Ảnh: Thế Kỷ

Tuy nhiên với đặc thù là ngành công nghiệp đòi hỏi sự sáng tạo, khổ luyện nên không phải ai cũng đủ dũng cảm lựa chọn ngành nghề này để theo đuổi.

Vì thế số lượng học viên đăng ký vào các trường đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực cho ngành văn hóa không ổn định, đặc biệt là các ngành đào tạo nghệ thuật truyền thống ngày càng có xu hướng giảm.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, hiện tại, ngành văn hóa trong nước vẫn có những đề án đào tạo, cùng với đó là những đề án liên kết cùng nước ngoài trong các chương trình đào tạo.

“Hàng năm, chúng tôi vẫn tuyển sinh các cháu trong độ tuổi có thể đáp ứng được về nhu cầu chuyên môn của các ngành nghệ thuật trong nước và các trường đại học nước ngoài. Hiện nay, trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, không phải không có sự đầu tư mà thiếu nguồn nhân lực” – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết thêm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có nhiều mối quan hệ trực tiếp với những trường đào tạo nghệ thuật nổi tiếng nhất trên thế giới như các trường đào tạo nghệ thuật của Nga, Úc, Anh, Canada, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản… về các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc.

Trong năm tới, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ xúc tiến chương trình đào tạo đối với độ tuổi nhỏ hơn đối với ngành xiếc, múa.

Về vấn đề bổ nhiệm nhân lực ngành văn hóa tại các địa phương, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, có lúc có nơi, sự bổ nhiệm chưa chính xác. Tuy nhiên, đối với mỗi chức vụ, trưởng các đơn vị, địa phương đã rất cân nhắc. Nhiều nơi chưa đủ cán bộ nhưng cả tỉnh, thành phố đã đặc biệt chú ý tới nhân lực ngành văn hóa.

Đặc biệt, sau kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, sự chú ý của Uỷ ban Nhân dân về đầu tư xây dựng tổ chức, con người trong ngành văn hóa đã có sự phát triển vượt bậc.

“Nhiều địa phương đã có định hướng và Đề án phát triển văn hóa, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa, thành phố văn hóa, giảng dạy âm nhạc truyền thống trong trường học… Đây là định hướng hiệu quả cụ thể, thiết thực” – Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết.