Đất Có Thần Linh, Sông Có Hà Bá

Lượt xem: 18948

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích Người Phật Tử Cần Biết, tập 1, TG.2012, tr.90-93)

Nguồn: Sách: Người Phật Tử Cần Biết – Tập 1

Hỏi: Kính bạch Thầy, trong dân gian và các chùa từ xưa đến nay họ vẫn nói câu: Ðất có thần linh, sông có hà bá”, và nhà nhà ai ai cũng có một bát hương thờ những vị thần đó. Từ xưa đến nay, người trước truyền cho người sau, gây một ấn tượng sâu sắc vào tâm hồn của mọi người về thần linh của thế giới siêu hình. Những vị thần này có đủ quyền hành trong tay, làm thịnh, làm suy nếu ai không thờ cúng họ, thờ cúng thì phải có rượu thịt hàng đầu. Vậy con xin Thầy dạy bảo: “Việc hiểu của dân gian trong thiên hạ như vậy có đúng không? Có ông Thần linh đó hay không? Hiện giờ, mỗi người phải làm gì với tục lệ này để đúng với ý nghĩa chánh pháp mà không lạc vào mê tín dị đoan. Còn các chùa miền Bắc có tục lệ thờ đủ thứ Phật như: Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Ðà, Phật Quan Âm, Phật Dược Sư, Phật Ðại Thế Chí, Phật Văn Thù Sư Lợi, Phật Phổ Hiền (Tín đồ xem các vị Bồ Tát này đã thành Phật) v.v… còn bên mặt thì thờ Ðức Ông Quan Thánh Ðế Quân và bên trái thì thờ Bà Chúa Tiên, Chúa Sứ, Linh Sơn Thánh Mẫu, Phật Mẫu Chuẩn Ðề, Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn, phía sau thờ Bồ Ðề Ðạt Ma, Lục Tổ Huệ Năng, tức là ông giám trai, phía trước thờ ông Thiện, ông Ác và Hộ Pháp.

Thường trong chùa đều cúng dâng hoa quả, nhưng đặc biệt cúng Ðức Ông là phải rượu thịt. Vậy việc thờ phụng trên có đúng chánh pháp không? Và mỗi khi đến chùa chúng con phải cúng dàng như thế nào cho đúng chánh pháp? Xin Thầy từ bi dạy bảo cho chúng con được rõ.

Ðáp: “Ðất có Thần Linh, sông có Hà Bá”, đó là câu tục ngữ mê tín của dân gian đã được truyền tụng từ xưa đến nay. Người xưa trí hiểu biết còn thấp kém, sống trong các bộ lạc, đứng trước thời tiết nắng, mưa, gió, bão, núi sông, đất đai, rừng rú, ao hồ, thú vật, v.v… quá khiếp đảm, thấy con người quá nhỏ nhoi, cho nên người xưa đặt: Ðất thì có thổ thần, núi thì có thần núi, tiền bạc thì có thần tài, mưa thì có thần mưa, gió thì có thần gió, cây thì có mộc thần, lửa thì có hỏa thần, sông thì có Hà Bá, giếng thì có bà Thủy Long, sấm chớp thì gọi là thần sấm, thần sét, v.v… Tất cả những vị thần trên đây đều do trí tưởng tượng dựng lên, chứ những vị thần này không bao giờ có, vì thế giới siêu hình cũng không có.

Muốn cho đúng ý nghĩa và đạo đức làm người thì đối với đất chúng ta không nên bỏ hoang, mà phải ra công sản xuất làm ra nhiều thực phẩm thì không phụ lòng của đất. Ðó là biết ơn đất, còn người nào bỏ đất hoang, không trồng tỉa, chăm nom, không lo sản xuất ra thực phẩm, đó là những người phụ ơn đất. Thờ cúng đất như một ông thần linh bằng thịt, heo, bò, gà, vịt, cá, tôm, v.v… đó là mê tín, lạc hậu, ngu si, chỉ là người không có trí hiểu biết chân chánh, hiểu biết như thật. Bởi vì không bao giờ có ông thần đất nào cả mà chỉ có đất giúp cho con người sản xuất ra thực phẩm để nuôi sống đúng theo đạo đức nhân quả. Ca dao Việt Nam có câu kêu gọi chúng ta đừng quên ơn nghĩa đất:

“Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang

Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu”

Ý nghĩa câu ca dao này đã nói lên lòng yêu quý và tôn trọng đất đai đúng với tinh thần đạo đức nhân quả làm người của dân tộc Việt Nam thời xưa, chứ không phải mê tín thờ thần đất (Thổ thần), thần sông (Hà Bá) như những người dân còn lạc hậu trong vùng rừng núi xa xôi của thời xa xưa. Người biết ơn đất thì không bao giờ bỏ ruộng đất hoang, đất là sự sống, là vàng là bạc của con người, đất thương người như người mẹ hiền, đất không phụ lòng người, nhưng người phụ ơn đất. Người thờ cúng bái lạy đất, xem đất như thần linh, đó là phụ ơn đất, đó là đã biến đất thành một người vô đạo đức.

Sông và nước, nước từ trên nguồn đổ xuống chảy khoét thành sông, sông là đường đi của nước để ra biển, nước từ biển bốc hơi thành mây, mây gặp lạnh thành nước, nước rơi xuống nguồn, từ trên nguồn nước đổ theo sông ra biển, đó là sự tuần hoàn của nước, chứ nào có thủy thần (Hà Bá) ở đâu? Người ta cúng tế Hà Bá là vì sóng nước mênh mông gào thét ầm ì ghê rợn, khiến cho người ta quá sợ hãi vì mạng sống con người ở trên sóng nước như sợi chỉ mành treo chuông, dễ dàng chết trong chớp mắt. Vì thế, người ta tưởng ra một vị thần ở trong nước (Hà Bá), có thể phù hộ hay giết hại những người nào ngang tàng, không cúng tế, bái lạy khi ở trên sông nước. Sông là lộ trình của nước để nước đi ra biển, chứ sông nước không có thần linh gì cả, sông nước có thần linh là do tâm tưởng của con người tạo ra. Sông nước là môi trường sống của loài thủy tộc, nếu không có sông nước thì loài thủy tộc không thể sống được.

Trong chùa thờ cúng nhiều tượng Phật là thờ cúng không đúng chánh pháp. Trên thế gian này duy nhất chỉ có đức Phật Thích Ca Mâu ni là một vị Phật có lịch sử chân thật của loài người. Còn tất cả các vị Phật khác đều là Phật giả tưởng của người sau đặt ra, đó là những nhân vật truyền thuyết, nhân vật tiểu thuyết không thật có. Thờ những tượng Phật không có lịch sử chân thật là thờ cúng mê tín, thờ cúng trong vô minh, không đúng chánh pháp, là thờ cúng theo kiểu ngoại đạo.

Các con là đệ tử của Phật, các con phải thờ cúng đúng chánh pháp. Thờ cúng đúng chánh pháp là thờ cúng trong tinh thần đạo đức nhân bản làm người, nghĩa là thờ cúng trong sự tôn kính và biết ơn, chứ không phải thờ cúng theo kiểu mê tín, cầu khấn phù hộ.

***