Đất ONT là gì? Đất ONT và đất ODT khác nhau thế nào?
Khi nhắc đến đất ONT, không phải ai cũng biết đây là ký hiệu của loại đất nào, do đó việc tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan cũng gặp khó khăn. Vậy, đất ONT là gì? Bài viết sau sẽ làm rõ vấn đề này.
2. Đất ONT và đất ODT khác nhau thế nào?
1. Đất ONT là gì? Đặc điểm của đất ONT
1. Đất ONT là gì? Đặc điểm của đất ONT
1.1 Đất ONT là gì?
Theo Điều 10 Luật Đất đai 2013, đất đai ở Việt Nam được phân loại thành 03 nhóm:
– Đất phi nông nghiệp;
– Đất nông nghiệp;
– Nhóm đất chưa sử dụng.
Trong đó, theo điểm a khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013, nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm có đất ở được chia thành đất ở nông thôn và đất ở tại đô thị.
Mặt khác, theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, ONT là ký hiệu của loại đất trên bản đồ địa chính, loại đất này dùng để ở tại nông thôn thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Do đó, có thể hiểu một cách đơn giản, đất ONT là đất ở tại nông thôn và thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
Theo khoản 1 Điều 143 của Luật Đất đai 2013, đất ONT bao gồm:
– Đất ở tại nông thôn do cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng.
– Đất được sử dụng để xây dựng nhà ở hoặc công trình phục vụ đời sống.
– Đất thuộc khu dân cư ở nông thôn dùng để xây ao, vườn, chuồng trại.
Những thửa đất này thuộc khu dân cư nông thôn, phù hợp với kế hoạch sử dụng của Nhà nước. Đồng thời, đất ONT hợp pháp là đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và chứng minh.
1.2 Đặc điểm của đất ONT
Ngoài việc hiểu rõ đất ONT là gì, cần tìm hiểu về đặc điểm của loại đất này. Từ khái niệm nêu trên của đất ONT, có thể rút ra một số đặc điểm nổi bật như:
– Đất ONT thuộc khu vực nông thôn, có thể dùng để xây dựng nhà ở.
– Đất ONT bao gồm cả phần đất ao, vườn.
– Trường hợp chưa xây dựng công trình, nhà ở, đất ONT, đất ONT còn được sử dụng để trông cây, các loại hoa màu.
2. Đất ONT và đất ODT khác nhau thế nào?
Thực tế, có không ít người nhầm lẫn giữa đất ONT và đất ODT. Mặc dù cùng là đất ở, tuy nhiên đất ONT và đất ODT được quy định khác nhau. Dưới đây là một số điểm khác biệt giữa đất ONT và đất ODT:
Đất ODT
Đất ONT
Khái niệm
Là loại đất dùng để xây nhà ở, xây dựng công trình đời sống thuộc khu dân cư đô thị. Loại đất này có các chính sách riêng khác trong pháp luật đất đai từ thuế, hạn mức sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng.
Là loại đất do xã quản lý nằm tại khu vực nông thôn. Lưu ý, với đất nằm trong khu đô thị đang quy hoạch để lên thành phố thì không còn được gọi là đất ở nông thôn
Vị trí
Bao gồm các khu vực nội – ngoại thành thành phố và nội – ngoại thị của thị xã, thị trấn.
Các khu vực không thuộc khu vực đô thị tức không thuộc nội thành, ngoại thành thành phố và nội thị, ngoại thị của thị trấn, thị xã.
Đất nông thôn được quản lý bởi cơ quan Ủy Ban Nhân Dân xã, nơi đây cư dân sinh sống làm nông nghiệp là chủ yếu.
Hình thức sử dụng đất
Đất ở đô thị khi sử dụng xây nhà phải tuân thủ theo quy hoạch của địa phương
Đất ở nông thôn chỉ cần xin phép xây dựng của UBND xã.
Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng
Cần phải làm hồ sơ, thủ tục đăng ký chuyển đổi theo quy định nhà nước.
Cần phải làm hồ sơ xin xét duyệt gửi đến Phòng Tài nguyên & Môi trường.
Một số điểm khác biệt cơ bản của đất ONT và đất ODT (Ảnh minh họa)
3. Thời hạn sử dụng đất ONT và hạn mức giao đất ONT
Tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 143 Luật Đất đai 2013 quy định về thời hạn sử dụng đất ONT và hạn mức đất ONT như sau:
– Thời hạn sử dụng đất ONT: Thời hạn sử dụng đất ONT được xác định tùy theo quy định và định hướng quy hoạch của từng tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, thường có thời hạn sử dụng lâu dài.
– Hạn mức đất ONT: Hạn mức đất là diện tích đất ONT tối đa mà cá nhân, hộ gia định được phép sử dụng do được Nhà nước giao, nhận chuyển nhượng hợp pháp từ người khác do khai hoang, nhằm khống chế diện tích đất được phép giao và tránh hiện tượng giao đất một cách tùy tiện với diện tích lớn.
Theo đó, hạn mức đất ở nông thôn được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ trên tình hình quỹ đất tại địa phương, kết hợp với quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với điều kiện và tập quán sinh hoạt, sản xuất của địa phương.
4. Thuế đất ONT được tính ra sao?
Điều 4 Thông tư số 153/2011/TT-BTC quy định căn cứ tính thuế như sau:
Căn cứ tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN) là quy mô đất tính thuế, giá 1m2 đất tính thuế và thuế suất.
Hiện nay, tất cả các loại đất đều phải thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước (bao gồm cả đất thổ cư), được cơ quan có thẩm quyền quyết định dựa theo mục đích sử dụng đất.
Trong trường hợp muốn chuyển mục đích sử dụng, chủ mảnh đất sẽ phải thực hiện thêm các nghĩa vụ về thuế hoặc lệ phí theo quy định pháp luật hiện hành.
Theo khoản 2 Điều 8 Thông tư 153/2011/TT-BTC quy định cách tính thuế đất thổ cư được xác định như sau:
Số thuế cần nộp = Số thuế phát sinh (STPS) – Số thuế miễn giảm (nếu có)
Trong đó, công thức tính số thuế phát sinh như sau:
STPS = Diện tích đất cần tính thuế x Giá 1m2 đất sử dụng x Thuế suất (%)
Trong đó:
Diện tích đất cần tính thuế:
– Nếu người nộp thuế sở hữu nhiều mảnh đất nằm trong phạm vi của một tỉnh thì diện tích đất tính thuế là tổng diện tích của tất cả các mảnh đất thuộc diện chịu thuế trong địa bàn tỉnh đó.
– Mảnh đất đã được cấp Sổ đỏ thì diện tích đất tính thuế được quy định trong Sổ đỏ. Trường hợp diện tích đất ở ghi trong sổ đỏ nhỏ hơn so với điện tích đất thực tế, diện tích đất tính thuế là diện tích đất sử dụng thực tế khi sử dụng.
– Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân cùng sử dụng một thửa đất chưa được cấp Sổ đỏ thì diện tích đất cần tính thuế là diện tích đất thực tế người sử dụng đất sử dụng.
– Các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình cùng sử dụng trên một mảnh đất đã có Sổ đỏ thì diện tích tính thuế chính là diện tích được ghi ở bên trong Sổ đỏ.
Giá 1m2 đất ở:
– Là giá đất theo từng mục đích sử dụng của thửa đất được tính thuế do các UBND cấp tỉnh quy định và được làm ổn định theo một chu kỳ 5 năm 1 lần.
Người sử dụng đất cần phải chú ý những điều sau:
– Nếu trong chu kỳ 05 năm có sự thay đổi về người nộp thuế hay phát sinh thêm các yếu tố có thể làm thay đổi về giá của 1m2 đất tính thuế thì thời gian còn lại của chu kỳ sẽ không cần phải xác định lại giá nữa;
– Trường hợp được nhà nước giao, cho thuê, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất ở trong chu kỳ ổn định thì giá của 1m2 đất là giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm được giao, cho thuê, chuyển đổi mục đích sử dụng đất;
– Đối với đất sử dụng không đúng mục đích, đất lấn chiếm thì giá của 1m2 đất do UBND cấp tỉnh quy định.
Thuế suất
Đối với đất ở (bao gồm sử dụng đất dùng để kinh doanh) được áp dụng theo biểu thuế lũy tiến đối với từng phần có thể tính toán và áp dụng như sau:
– Diện tích nằm trong hạn mức: Thuế suất 0,03%
– Diện tích vượt nhỏ hơn 3 lần so với hạn mức: Thuế suất 0,07%
– Diện tích vượt lên trên 3 lần so với hạn mức: Thuế suất 0,15%
Trên đây là giải đáp về Đất ONT là gì? Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ cụ thể.