Đặt đồ ăn qua ứng dụng: Đằng sau sự tiện lợi là nâng giá vô tội vạ

Thế Lâm

  –  

Thứ năm, 15/09/2022 17:51 (GMT+7)

Dịch vụ đặt đồ ăn qua ứng dụng (app) tại Việt Nam theo nhiều nghiên cứu khác nhau có dung lượng thị trường đạt từ hơn 40-140 triệu USD từ năm 2021. Đặc biệt là ở các đô thị lớn, rất nhiều người đã quen với việc sử dụng dịch vụ này.

Đặt đồ ăn qua ứng dụng: Đằng sau sự tiện lợi là nâng giá vô tội vạỨng dụng (app) đặt đồ ăn nâng giá mỗi bát phở thêm hàng chục phần trăm nhưng chủ quán lại được trả dưới giá gốc. Ảnh: Thế Lâm.

Theo một khảo sát vào tháng 12.2021, với nhóm đối tượng nam nữ trong độ tuổi từ 18-40 ở các thành phố lớn (Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng), 83% người được hỏi có sử dụng dịch vụ đặt đồ ăn qua ứng dụng, con số này đã tăng lên từ mức 62% năm 2020.

Tuy nhiên, sự thuận tiện luôn được nêu ra, quảng bá đã hoặc để khỏa lấp đi tình trạng phí chồng phí “một cổ nhiều tròng” đối với người tiêu dùng cũng như tình trạng phía ứng dụng đặt đồ ăn thu phí từ nhiều đầu. Trong đó, hầu hết người tiêu dùng không hề hay biết, hoặc do không để ý hay khó nắm bắt.

Chị Ánh Tuyết (Quận 4, TPHCM) là thực khách quen thuộc nhiều năm của quán phở gà góc đường Trần Cao Vân – Phùng Khắc Khoan (Quận 1, TPHCM). Sau nhiều lần đặt phở của quán qua ứng dụng GrabFood thấy số tiền chênh quá nhiều so với mức giá ăn tại chỗ, chị mới sinh ra nghi ngờ và tìm hiểu ngọn nguồn câu chuyện.

Hóa ra, mỗi bát phở đùi gà chị ăn tại quán có mức giá 45.000 đồng, nhưng khi đặt qua app GrabFood giá mỗi bát bị nâng lên 58.000 đồng, tương đương mức tăng gần 29%. Còn một bát phở gà bình thường chị ăn tại quán chỉ phải trả 40.000 đồng, nhưng đặt qua GrabFood giá bị nâng lên thành 50.000 đồng.

Chưa hết, phí ship từ quán đến địa chỉ nhà của chị Tuyết là 24.000 đồng. Tính ra, để ăn được một bát phở đặt qua app GrabFood, chị Tuyết phải tốn đến 82.000 đồng. Tuy nhiên, chị Tuyết đặt số lượng nhiều hơn, như 2 hoặc 3 bát, thì phí ship chia đều trên mỗi bát phở giảm xuống.

Song điều đó không thể xóa được bản chất của vấn đề là, người tiêu dùng bị “1 cổ 2 tròng” phí khiến cho giá mỗi bát phở phải trả đắt hơn từ hơn 50% đến hơn 80% so với giá gốc tại quán.

Thực khách khi đặt đồ ăn qua ứng dụng cứ nghĩ mức giá công bố trên app là do phía quán đặt ra, song sự thật không hẳn thế.

Chủ quán phở đề cập ở trên mở ứng dụng bán hàng GrabFood ra phân bua. Một thực khách tên Tu Phan đặt mua 2 bát phở, 1 bát phở gà bình thường giá ăn tại quán 40.000 đồng nhưng bị nâng lên thành 50.000 đồng (tăng 25%), bát còn lại là phở đùi gà ăn tại quán giá 45.000 đồng bị GrabFood nâng lên thành 58.000 đồng (tăng gần 29%). Tổng giá trị đơn hàng của quán là 108.000 đồng, nhưng chủ quán chỉ thực nhận được 83.160 đồng, số tiền này còn thấp hơn so với số tiền thu về khi bán cho thực khách ăn tại quán (tổng cộng 85.000 đồng). Trong trường hợp này, phía quán bị ứng dụng Grab thu thêm ít nhất 1.840 đồng.

Chưa hết, phía Grab còn chiết khấu phí ship từ tài xế. Đơn cử trong trường hợp đơn hàng của chị Tuyết, quãng đường vận chuyển của tài xế là 3km, với phí ship 24.000 đồng. Trong trường hợp này, tài xế chỉ được hưởng 11.636 đồng (đối với đơn hàng từ 3km trở xuống).

Như vậy, phía ứng dụng “ăn” ít nhất là 2 đầu gồm thực khách và tài xế, nhưng trong rất nhiều trường hợp là “ăn” 3 đầu gồm thêm cả phía quán.

Trong đó, như đã đề cập ở trên, người tiêu dùng/thực khách bị “chặt chém” nặng nề nhất. Đặc biệt là tình trạng món ăn bị khâu trung gian là các app nâng giá một cách vô tội vạ mà rất ít người tiêu dùng hay biết.