Đâu là động lực thực sự giúp PVD trở thành cổ phiếu khỏe nhất nhóm Dầu khí?

Cổ phiếu PVD của Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) đang nổi bật nhất nhóm Dầu khí với việc lấy lại xu hướng tăng dài hạn.

Ngoài việc đang được nhóm quỹ Dragon Capital liên tục mua ròng, PVD đang cho thấy sự chuyển mình trong năm 2023, cũng như có câu chuyện mang tính dài hơi hơn.

Diễn biến tuần qua của PVD

Tuần giao dịch ngay trước kỳ đáo hạn phái sinh, VN-Index chỉ tăng 0,83% trong khi nhóm Đầu tư công và Dầu khí lại có những gương mặt ấn tượng hơn. PVD là cổ phiếu nổi bật nhất nhóm Dầu khí khi đã tăng tới 8,42%. Tính từ đầu năm đến nay, PVD cũng đã tăng được khoảng 12% gấp hơn 2 lần mức tăng của VN-Index.

Đâu là động lực thực sự giúp PVD trở thành cổ phiếu khỏe nhất nhóm Dầu khí? ảnh 1

PVD đã sớm lấy lại xu hướng dài hạn từ ngay đầu năm 2023.

Thực tế, vận động của PVD đã được phát hiện rất sớm từ ngay trong những phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023 khi cổ phiếu này nhăm nhe vượt xu hướng dài hạn. Tuy nhiên, chuỗi phản ứng sau đó của cổ phiếu này mới củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Sau khi vượt MA200, cổ phiếu này đã test lại xu hướng một cách khả cẩn thận rồi mới tiếp tục ghi nhận những nỗ lực tăng giá trong tuần vừa qua.

Trong ngắn hạn, dư địa tăng giá của PVD vẫn còn nhưng không còn dồi dào như giai đoạn vừa qua. Nếu tăng tiếp thêm 10%, cổ phiếu này sẽ chạm lại kháng cự cũ ở khu vực 22.000 đồng/cổ phiếu và có thể kích hoạt lực bán chốt lời từ nhóm nhà đầu tư lướt sóng.

Các diễn biến điều chỉnh ngắn hạn có thể sẽ sớm xảy ra trong thời gian tới với PVD nhưng sẽ là cơ hội để nhà đầu tư xem xét giải ngân khi cổ phiếu có được những phản ứng lành mạnh. Việc bảo toàn được khu vực giá quanh 18.000-19.000 đồng/cổ phiếu vẫn là một yêu cầu bắt buộc.

Kỳ vọng cắt đứt chuỗi 3 quý thua lỗ và Lô B

Trong 3 quý gần nhất, PVD đã liên tiếp thua lỗ với tổng mức lỗ trước thuế là gần 150 tỷ đồng. Dù giá dầu duy trì mức cao trong năm 2022 nhưng do các hợp đồng thuê của PVD còn trong hạn và chưa thực hiện điều chỉnh giá thuê.

Cùng với đó, việc đưa vào vận hành thiết bị khoan cho giàn khoan TAD V trị giá hơn 800 tỷ đồng cũng làm PVD tăng khấu hao trong kỳ.

Cuối cùng, yếu tố tỷ giá cũng làm thiệt hại cho PVD.

Tuy nhiên, tỷ giá đã hạ nhiệt trong quý 4/2022 trong khi đó hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng đã cao hơn. Theo CTCK SSI, giá thuê trung bình trong quý 4/2022 có thể đạt 65.000 USD/ngày, so với mức trung bình 59.000 USD/ngày trong 3 quý đầu năm.

SSI dự báo, PVD có thể sẽ ghi nhận 31 tỷ đồng LNTT trong quý 4/2022, qua đó đánh dấu quý đầu tiên có lãi sau 3 quỹ liên tiếp thua lỗ.

Dù cho năm 2022 theo SSI dự báo PVD vẫn có thể sẽ thua lỗ 136 tỷ đồng nhưng bức tranh năm 2023 lại được đánh giá lạc quan hơn.

SSI nhận thấy nhu cầu dồi dào về giàn khoan tự nâng ở Trung Đông, do các công ty lớn như Saudi Aramco và ADNOC có kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất. Ví dụ Saudi Aramco dự kiến sẽ tăng gấp đôi giàn khoan JU của họ vào năm 2024. Đồng thời, SSI nhận thấy tổng số lượng nguồn cung mới chỉ ở mức thấp, khi chỉ có 25 giàn khoan tự nâng đóng mới trong tổng số 489 giàn khoan. Số lượng giàn tự nâng cũ (trên 30 năm) cũng ở mức cao với 164 giàn. Điều này có thể khiến giá thuê ngày càng cao hơn trong thời gian tới.

Đâu là động lực thực sự giúp PVD trở thành cổ phiếu khỏe nhất nhóm Dầu khí?

SSI dự báo giá thuê giàn khoan tự nâng trung bình theo ngày cho năm 2023 là 74.000 USD/ngày (tăng so với giả định trước đây của SSI là 67.000 USD/ngày). Nhờ các hợp đồng gần đây được ký kết với giá thuê cao hơn. Do đó, SSI dự báo LNTT năm 2023 của PVD có thể đạt 490 tỷ đồng.

Bên cạnh câu chuyện trước mắt về giá thuê giàn khoan, một câu chuyện dài hơi hơn cũng luôn được nhà đầu tư nhóm Dầu khí quan tâm là dự án Lô B bởi các doanh nghiệp như PVD, GAS, PVS là những đơn vị sẽ được hưởng lợi.

Vào cuối tháng 12/2022, Bộ Công Thương đã yêu cầu PetroVietnam cùng các đối tác MOECO, PTTEP và Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) có quyết định đầu tư cuối cùng chậm nhất trong tháng 6/2023 và thời điểm phát triển mỏ khí Lô B có dòng khí đầu tiên chậm nhất vào quý 4/2026.

Ngoài ra, Petrovietnam còn phải hoàn tất đàm phán và ký kết các thoả thuận về mua bán khí, điện chậm nhất trong quý 1/2023. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn.

Dự án khai thác khí Lô B- Ô Môn có tổng mức đầu tư giai đoạn I khoảng 2,1 tỷ USD, Petrovietnam và PVEP chiếm khoảng 70% cổ phần.