Đâu là văn hóa, đâu là mê tín?

(HNM) – Hát văn, hầu đồng, nghi lễ tiêu biểu của đạo Mẫu Việt Nam là một trong những di sản được Bộ VH,TT&DL lựa chọn để lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong thời gian Liên hoan Hát văn Hà Nội năm 2012 đang diễn ra, PV Hànộimới có cuộc trao đổi với ông Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam để làm rõ hơn giá trị, ý nghĩa của di sản hát văn, hầu đồng.
 

Cần hiểu đúng về giá trị đích thực của nghi lễ hát văn.   Ảnh: Linh Ngọc

– Ông nhiều lần khẳng định đạo Mẫu với nghi lễ tiêu biểu là hát văn, hầu đồng là “mẹ tự nhiên”, là tín ngưỡng bản địa, có nguồn gốc lâu đời của người Việt. Ông có thể nói rõ hơn về điều đó?

– Tôi cho rằng đạo Mẫu không phải là một hình thức tín ngưỡng tôn giáo đồng nhất, mà là hệ thống các tín ngưỡng, ít nhất có 3 lớp khác nhau, quan hệ hữu cơ và chi phối lẫn nhau, đó là lớp tín ngưỡng thờ nữ thần, lớp tín ngưỡng thờ mẫu thần và lớp thờ mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Vì thế, đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa, có nguồn gốc lâu đời, nó thỏa mãn tâm lý, ước vọng của người dân về sự sinh sôi, nảy nở, phát sinh, phát triển. Nói cách khác, đạo Mẫu tôn thờ Mẫu (mẹ) làm đấng sáng tạo và bảo trì cho vũ trụ, con người, là nơi con người ký thác mong ước, khát vọng về đời sống trần thế, đạt tới sức khỏe và tài lộc (phúc, lộc, thọ).

Không còn nghi ngờ gì nữa, nghi lễ nổi bật và quan trọng nhất của đạo Mẫu là lên đồng – một hình thức diễn xướng tâm linh, một bảo tàng sống của văn hóa Việt bởi ở hình thức diễn xướng này, chúng ta có thể thấy được cách nghĩ, nếp sống, quan điểm nhân sinh của cha ông, được chiêm ngưỡng sự hiện thân của các thần linh với tính cách, điệu bộ vô cùng phong phú, sinh động. Hơn thế, nghi lễ hầu bóng – lên đồng của đạo Mẫu đã sản sinh ra hát văn, mà hát văn là một trong những loại hình dân ca tiêu biểu.

– Như ông vừa nói thì hát văn, hầu đồng tập trung cái hay nhất, vui nhất, đẹp nhất của văn hóa Việt, nhưng rõ ràng cái hay, cái vui, cái đẹp ấy hiện nay đang bị không ít người hiểu sai lệch, méo mó. Theo ông, vì sao lại có tình trạng đó?

– Hát văn, hầu đồng là nghệ thuật đích thực, nhưng phần lớn người dân chưa hiểu và chưa coi đó là nghệ thuật, kể cả các thanh đồng – người “giao tiếp” với thần linh, cũng đồng thời là người chuyển tải giá trị, ý nghĩa của nghệ thuật hầu đồng tới công chúng. Khảo sát cho thấy có tới 90% thanh đồng hiểu sai về nghệ thuật hát văn, hầu đồng, mà hiểu sai thì dẫn đến thực hành sai, chuyển tải ý nghĩa sai. Mặt khác, hát văn, hầu đồng một thời bị coi là mê tín dị đoan, bị cấm đoán nên đại bộ phận người dân hiểu về nghệ thuật này một cách mù mờ, coi đó là mê tín, dị đoan và lên án nó. Còn những người thực hành nghi lễ hầu đồng thì cố tình hoặc vô tình gắn cho nó những ý nghĩa thần bí để trục lợi. Đến nay, tín ngưỡng thờ Mẫu đi liền với nghi lễ hầu đồng đã được coi là nhu cầu chính đáng của một bộ phận nhân dân, nhưng vẫn chưa có văn bản pháp luật quy định riêng nên công chúng vẫn chưa có cái nhìn tổng thể, toàn diện, rõ ràng, sâu sắc về nghệ thuật hát văn, hầu đồng.

– Theo ông thì nghệ thuật hát văn, hầu đồng có đáp ứng được các tiêu chí của UNESCO đối với một di sản văn hóa phi vật thể hay không?

– Nghệ thuật hát văn, hầu đồng với các giá trị nổi bật, độc đáo như sự phân tích ở trên thì hoàn toàn xứng đáng đề cử lên UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, do nó còn bị lợi dụng, bị làm sai lệch ý nghĩa nên trước hết chúng ta cần giải thích, tuyên truyền, hướng dẫn để người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế hiểu hát văn, hầu đồng là nghệ thuật đích thực. Tiếp đến là phải đưa nó vào đời sống nhằm làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, giúp họ tự nhận ra giá trị thẩm mỹ, nhân văn, chủ nghĩa yêu nước trong loại hình nghệ thuật độc đáo này; phải lấy cái hay, cái đẹp, cái vui của nghệ thuật để đẩy lùi yếu tố mê tín dị đoan. Các thanh đồng cần được “tập huấn” để hiểu đúng và thực hành đúng. Nếu đông đảo người dân, thanh đồng hiểu đúng, tôi chắc chắn rằng chính họ sẽ lên án các đối tượng lợi dụng nghi lễ hầu đồng hành nghề mê tín dị đoan.

– Nghĩa là nghi lễ hát văn, hầu đồng cần được công nhận một cách công khai, chính thức và cần được tạo điều kiện để phát huy giá trị đích thực phải không, thưa ông?

– Đúng vậy! Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đang phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ từng bước nghiên cứu toàn diện về tục thờ Mẫu của Việt Nam, từ đó tham mưu với các cấp có thẩm quyền ban hành quy định điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ quản lý đối với hoạt động thờ Mẫu theo phân cấp cụ thể. Trước mắt, hai cơ quan sẽ xem xét phối hợp thành lập hội thờ Mẫu hoặc một tổ chức nào đó tương tự…

– Trân trọng cảm ơn ông!

Xổ số miền Bắc