Dạy học tích cực – giải pháp đột phá góp phần đổi mới căn bản, toàn diện ở các trường đại học

Theo đó, người học không chỉ được lĩnh hội tri thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, mà còn được rèn luyện sự tự tin, phát huy tính độc lập, tự chủ, tư duy sáng tạo, tích cực, nhất là trong môi trường giáo dục đại học. Vì vậy, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng dạy học tích cực ở các trường đại học là vấn đề cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”(1) ở nước ta hiện nay.

Dạy học tích cực – giải pháp đột phá góp phần đổi mới căn bản, toàn diện ở các trường đại học - Ảnh 1.

Khái niệm “dạy học tích cực”, “phương pháp dạy học tích cực” đã và đang được nhiều nhà giáo dục luận bàn, nghiên cứu, đúc kết từ thực tiễn, đồng thời hình thành nên các lý luận dạy học tích cực có tính khoa học và hệ thống. Ảnh: List.vn

Nội dung nghiên cứu

Phương pháp dạy học tích cực

Phương pháp dạy học rất đa dạng, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm, nhược điểm, có chỗ mạnh, chỗ yếu và không có phương pháp nào là vạn năng. Trong khi đó, mỗi bài học lại có mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung dạy học riêng. Đối tượng dạy học ở các trường đại học là sinh viên với những đặc điểm tâm sinh lý vô cùng phong phú, đa dạng và phức tạp. Mỗi sinh viên có những đặc thù khác nhau mà dạy học phải tôn trọng và có những cách thức hỗ trợ, thúc đẩy phù hợp. Vì vậy, quá trình dạy học phải lựa chọn để sử dụng phối hợp đồng bộ các phương pháp dạy học sao cho phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của sinh viên. Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên trong dạy học là xu thế tất yếu của giáo dục hiện đại.

Luật Giáo dục của nước ta khẳng định, phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên. Để thực hiện được mục tiêu trên, rõ ràng cần phải tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tích cực. Do đó, khái niệm “dạy học tích cực”, “phương pháp dạy học tích cực” đã và đang được nhiều nhà giáo dục luận bàn, nghiên cứu, đúc kết từ thực tiễn, đồng thời hình thành nên các lý luận dạy học tích cực có tính khoa học và hệ thống. 

Tích cực trong học tập có nghĩa là hoàn thành một cách chủ động, tự giác, có nghị lực, có hướng đích rõ rệt, có sáng kiến và đầy hào hứng, những hành động trí óc và tay chân nhằm nắm vững kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo, vận dụng chúng vào học tập và thực tiễn. 

Phương pháp dạy học tích cực xác định đối tượng giáo dục (người học) làm trung tâm của quá trình dạy học. Đó là cách thức dạy học theo lối phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; hướng tới việc tích cực hóa các hoạt động nhận thức của người học. Theo đó, người dạy với tư cách là người giữ vai trò hướng dẫn, gợi mở, tổ chức các hoạt động giáo dục để giúp người học tự tìm kiếm, khám phá những tri thức mới theo kiểu trao đổi thông tin, thảo luận, tranh luận… 

Ưu điểm lớn của phương pháp giáo dục này là chú trọng việc nâng cao khả năng tu duy, làm việc độc lập, sáng tạo của người học; tăng cường khả năng tương tác giữa các đối tượng người học; nêu và giải quyết tình huống, kích thích suy nghĩ, phân tích và xử lý các ý kiến đối lập, từ đó đi đến hệ thống hóa các vấn đề, tổng kết bài giảng, khắc sâu những tri thức cần nắm vững.

Mục đích của đổi mới phương pháp dạy học theo hướng dạy học tích cực là quá trình tích cực hóa hoạt động học tập của người học, tạo cho người học tính năng động cải biến hành động học tập theo hướng tích cực, chủ động, sáng tạo và tự tin. Mặt khác, cần hết sức coi trọng vai trò to lớn của kỹ năng, nghĩa là từ những kiến thức được trang bị, người học có khả năng vận dụng chúng vào thực tế, đó là kỹ năng; khi kỹ năng đạt đến mức thuần thục sẽ trở thành kỹ xảo. Năng lực người học được hình thành trên cơ sở tri thức, kỹ năng, kỹ xảo; giỏi kỹ năng để hiểu về lý thuyết sâu sắc hơn; ngược lại, nắm vững lý thuyết sẽ góp phần giỏi kỹ năng. Việc hình thành năng lực cho người học phải bắt đầu từ vai trò cơ sở, nền tảng của tri thức, kỹ năng, kỹ xảo. Việc dạy học như vậy là dạy học tích cực, lấy việc học của người học làm trung tâm, là biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, biến quá trình dạy học thành quá trình tự học.

Tích cực hóa hoạt động học tập của người học là mục đích của quá trình đổi mới phương pháp dạy học. Người học phải được đặt ở vị trí trung tâm của hoạt động dạy và học. Với phương pháp dạy học mới, người học được đặt trước không phải ở những bài giảng, những kiến thức có sẵn mà là những vấn đề, những tình huống thực tế của cuộc sống, của công việc mà họ sẽ phải đảm nhiệm khi ra trường; họ được rèn luyện để có thể tự mình giải quyết vấn đề, tự tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi và tự mình tìm đến chân lý khách quan. Điều này đồng nghĩa với việc dạy học đại học không còn dừng lại ở việc dạy chữ, dạy người mà là dạy phương pháp học. Với phương pháp dạy học tích cực, người học thực sự là trung tâm trong toàn bộ quy trình dạy và học ở các trường đại học hiện nay.

Tư tưởng “lấy người học làm trung tâm” có những dấu hiệu đặc trưng như: Thừa nhận, tôn trọng, hiểu, đồng cảm với nhu cầu, mục đích, lợi ích cá nhân của người học; đạt được độ tin cậy, tạo sức thu hút, thuyết phục, kích thích động cơ bên trong của người học; dựa vào kinh nghiệm của người học, khai thác kinh nghiệm đó, dồn thành sức mạnh trong quá trình khám phá và chiếm lĩnh tri thức; chống gò ép, ban phát, giáo điều, nuôi dưỡng tính sẵn sàng, tích cực của người học để đạt được mục đích học tập và phát triển phẩm chất, năng lực của cá nhân; phương thức hoạt động chỉ đạo là tự nhận thức, tự phát triển, tự thực hiện, tự kiểm tra, đánh giá và tự hoàn thiện trong môi trường được bảo đảm quyền lựa chọn tối đa của người học; tối đa hóa sự tham gia của người học, tối thiểu hóa sự can thiệp, áp đặt của người dạy.

Phương pháp dạy học ở đại học hiện nay: Một số hạn chế và nguyên nhân

Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, các trường đại học trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực, cố gắng đổi mới căn bản, toàn diện trên tất cả các nội dung, các khâu, các bước của quy trình dạy học, nhất là về phương pháp dạy học. Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, chủ yếu góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các trường đại học thì thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, như: Phương pháp giảng dạy vẫn thiên về thuyết trình là chủ yếu, ít sử dụng các kỹ năng dạy học tích cực, “chưa chú trọng đúng mức đến phát triển phẩm chất và kỹ năng người học”(2); sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên, giữa sinh viên với nhau là chưa nhiều. Sinh viên còn có biểu hiện học một cách thụ động, học thuộc lòng, tính sáng tạo ít. Quá trình giảng dạy của giảng viên vẫn đơn thuần là thầy “chiếu” trò “chép”, thầy “đọc” trò “ghi”… lấy đó là cẩm nang duy nhất cho thi cử, thậm chí cả cho việc hành nghề sau này, dẫn đến tình trạng người học luôn trong tâm thế thụ động, trông chờ, ỷ lại, lười nghiên cứu, thiếu tư duy sáng tạo, chất lượng, hiệu quả học tập thấp.

Đặc biệt hiện nay, một số trường đại học vẫn chưa thực sự tiếp cận và thực hiện tốt phương châm “lấy người học làm trung tâm”. Do đó, trong dạy học, người thầy vẫn đóng vai trò chủ đạo. Tình trạng “quá tải” về kiến thức và thay đổi giáo trình liên tục cũng là hậu quả của cách dạy thiên về cung cấp kiến thức cụ thể, trong khi những kiến thức này không ngừng được bổ sung. Mặc dù trong những năm gần đây, theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hầu hết các trường đại học đã bắt đầu giảng dạy theo chương trình tín chỉ như ở các nước trên thế giới, tuy nhiên, về thực chất vẫn chưa thực sự đổi mới so với phương pháp giảng dạy trước đây, chưa khác nhiều cách dạy ở các cấp giáo dục phổ thông. Cụ thể là, tính chủ động của sinh viên chưa được phát huy; phương pháp giáo dục, kiểm tra và đánh giá còn lạc hậu, thiếu thực chất; việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc chưa được chú trọng đúng mức… Đây là điểm chưa hợp lý, bởi mục tiêu của giáo dục phổ thông và giáo dục đại học là khác nhau. Giáo dục phổ thông là trang bị tri thức nền và rèn luyện những phẩm chất cơ bản cho người học. Giáo dục đại học là rèn luyện kỹ năng thực hành và tư duy sáng tạo, là dạy cách học, cách nghiên cứu.

Nguyên nhân của những hạn chế khuyết điểm trên thì có nhiều, trong đó những nguyên nhân chủ yếu vẫn là các trường đại học chưa có những chủ trương lớn mang tính đột phá về đổi mới phương pháp dạy học; còn biểu hiện của tư tưởng ngại đổi mới; chưa có những cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với giảng viên cho nên chưa tạo được động lực thôi thúc giảng viên nỗ lực cố gắng trong đổi mới sáng tạo; đội ngũ giảng viên có năng lực, giàu kinh nghiệm sư phạm còn thiếu; một bộ phận giảng viên đại học còn có tư tưởng xem nhẹ việc đổi mới phương pháp dạy học; còn có quan niệm cho rằng dạy học ở đại học phải “nhiều chữ”, phải “hàn lâm”, “uyên bác”, “bác học”; việc kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy học của giảng viên ở một số trường chưa thực sự được coi trọng; một bộ phận sinh viên chưa bắt nhịp, chưa hào hứng, ngại đổi mới phương pháp học tập, nên thiếu khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và kỹ năng tiếp nhận tri thức.

Một số biện pháp nhằm đổi mới phương pháp dạy học theo hướng dạy học tích cực ở đại học

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng dạy học tích cực ở đại học cần thực hiện một một nội dung chủ yếu sau:

Về phía giảng viên: Trước yêu cầu đổi mới giáo dục lấy trang bị kiến thức làm mục tiêu chủ yếu sang một nền giáo dục dạy kỹ năng, dạy cách tự học, cách tư duy làm chủ yếu. Trong quy trình dạy học đó, sinh viên đóng vai trò chủ động, giảng viên chỉ là người hướng dẫn, định hướng cho sinh viên cách thu nhận kiến thức và hỗ trợ, giải đáp các thắc mắc khi cần thiết. Đi theo sự đổi mới này là hàng loạt các thay đổi căn bản, từ mục tiêu, mô hình, chương trình, nội dung khung đến giáo trình và phương pháp giảng dạy cũng cần phải có sự đổi mới đồng bộ… Nền giáo dục ngày nay là nền giáo dục khai phóng nên giảng viên phải chuyển từ dạy tri thức sang dạy cách học, dạy cách tư duy. Do đó, người thầy không nên “nhồi nhét” kiến thức, mà phải trang bị cho người học thói quen “hoài nghi khoa học”, năng lực phản biện các tri thức có sẵn và sáng tạo ra những tri thức mới. Giảng viên cần tích cực học tập, nghiên cứu để có kiến thức chuyên môn sâu, rộng, có nghiệp vụ sư phạm, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, biết sử dụng và ứng dụng công nghệ tin vào dạy học, biết định hướng phát triển của sinh viên theo mục tiêu giáo dục, nhưng cũng đảm bảo được sự tự do của sinh viên trong hoạt động nhận thức. Giảng viên phải biết kết hợp các phương pháp dạy học tích cực, tùy từng nội dung bài học và đối tượng người học, luon gắn với mục đích đảm bảo tính hệ thống của bài học, khơi gợi hứng thú, sự tò mò, ham muốn đào sâu, suy nghĩ độc lập, sáng tạo, phát triển tư duy phản biện khoa học của sinh viên.

Về phía sinh viên: Dưới sự chỉ đạo của giảng viên, sinh viên cần có những phẩm chất và năng lực thích nghi với phương pháp dạy học tích cực, như: Nắm bắt mục tiêu học tập; biết tự học và biết vận dụng kiến thức lý thuyết để thực hành, thử nghiệm trong thực tế. Đồng thời, phát huy cao độ tính tích cực trong học tập, rèn luyện khả năng phát biểu, trình bày quan điểm, hiểu biết của mình trước tập thể, biết sống trong tập thể, biết lắng nghe người khác nói.

Về thời gian học tập: Giảm giờ học trên lớp, tăng thời gian cho các hoạt động: làm việc nhóm, thực hành, độc và nghiên cứu tài liệu, hoàn thành các bài tập lớn, thu hoạch, tiểu luận… của sinh viên. Tuy nhiên, giảm giờ học trên lớp không có nghĩa là giảng viên sẽ “nhàn rỗi” hơn, ngược lại, giảng viên phải chọn lọc kiến thức trọng tâm, biết tổ chức, hướng dẫn sinh viên phương pháp tự học, tự nghiên cứu và tiếp cận tri thức, đồng thời sẵn sàng giải đáp những thắc mắc mà sinh viên nêu ra.

Về tổ chức hoạt động học tập: Cần giảm bớt khối lượng kiến thức lý thuyết, tạo điều kiện cho thầy trò tổ chức nhiều hơn những hoạt động học tập tích cực; tăng cường các bài tập nâng cao nhận thức, tăng cường loại câu hỏi phát triển trí thông minh, tính sáng tạo của sinh viên; giảm bớt những kết luận mang tính áp đặt; tăng cường những định hướng mang tính gợi mở để sinh viên tiếp tục tự học, tự nghiên cứu để phát triển, hoàn thiện bài học.

Về thiết bị dạy học: Thiết bị dạy học là điều kiện không thể thiếu cho việc triển khai các quy định, tài liệu học tập nói chung và đặc biệt cho việc triển khai đổi mới phương pháp dạy học hướng vào hoạt động tích cực, chủ động của sinh viên. Chú trọng thiết bị thực hành giúp sinh viên tự tiến hành các bài thực hành thử nghiệm. Tiếp tục đẩy nhanh quá trình “chuyển đổi số” trong các trường đại học. Triển khai xây dựng có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành, đẩy mạnh kỹ năng và nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến.

Đánh giá kết quả học tập của sinh viên: Đánh giá là một khâu quan trọng không thể thiếu được trong quá trình giáo dục. Đánh giá thường nằm ở giai đoạn cuối của một giai đoạn giáo dục và sẽ trở nên khởi điểm của một giai đoạn giáo dục tiếp theo với đề nghị cao hơn, chất lượng mới hơn trong cả một quá trình đào tạo. Các trường đại học hiện nay cũng phải thay đổi một cách căn bản hệ thống đánh giá từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực. Hướng tới kiểm tra đánh giá công bằng, khách quan kết quả học tập của sinh viên bằng cách kết hợp giữa đánh giá bằng hình thức tự luận và đánh giá bằng hình thức bài tập trắc nghiệm; chú ý hơn tới đánh giá kết quả học tập dựa trên cả quá trình học tập, lĩnh hội tri thức của sinh viên; quan tâm, cổ vũ và có sự động viên cụ thể đối với các hoạt động hăng hái, tham gia bài học một cách tích cực, chủ động, trách nhiệm của sinh viên, kể cả ở tiết lý thuyết lẫn tiết thực hành, thực nghiệm.

Kết luận

Trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kiến thức chuyên môn sẽ bị lạc hậu rất nhanh, tri thức mới và thông tin khoa học sẽ được tạo ra với cấp số nhân và có thể lưu giữ bằng những phương tiện rất gọn nhẹ. Trong môi trường “số hóa”, giáo dục đại học sẽ được thay đổi mạnh mẽ từ triết lý, mục tiêu giáo dục đến vai trò của người thầy, từ phương pháp dạy học đến vị trí “trung tâm” của người học. Mục tiêu đào tạo cũng phải thay đổi hướng tới đào tạo không chỉ năng lực con người mà còn là những kỹ năng phát triển và tự phát triển bản thân. Người học sau khi ra trường phải có tư duy sáng tạo và dễ dàng tiếp cận với nền khoa học và công nghệ hiện đại cũng như “đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế – xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”(2).

————-

Chú thích

(1) (2) (3) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.136, 82, 136.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Lăng Bình (Chủ biên), Đỗ Hương Trà (2019), Dạy và học tích cực – Một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

2. Nguyễn Văn Cường (2020), Lý luận dạy học hiện đại: Cơ sở đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Đặng Vũ Hoạt – Hà Thị Đức (2019), Lý luận dạy học đại học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.