Để Khu du lịch quốc gia Trà Cổ phát triển xứng tầm

Để Khu du lịch quốc gia Trà Cổ phát triển xứng tầm

Với những tiềm năng, thế mạnh nổi bật, Khu du lịch Trà Cổ, Móng Cái vừa được công nhận là Khu du lịch Quốc gia. Hiện nay, TP Móng Cái, các đơn vị, ban ngành của tỉnh Quảng Ninh đều quan tâm tìm hướng đi, phát huy tiềm năng của Khu du lịch Quốc gia này.

“Viên ngọc quý” vùng Đông Bắc

Với lợi thế ít nơi nào có được, Móng Cái – vùng đất địa đầu hội tụ nhiều lợi thế khác biệt để phát triển du lịch. Móng Cái được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam, thắng cảnh, công trình kiến trúc nổi tiếng; có môi trường trong lành, giao thông thuận tiện; ẩm thực thơm ngon; con người thân thiện; văn hóa đa dạng, đặc sắc… Trong đó, Trà Cổ là một địa danh nổi tiếng của TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và trong cả nước. Nơi đây có bãi biển đẹp, dài nhất Việt Nam và cũng hội tụ nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng cấp tỉnh, Quốc gia đã được công nhận. Trà Cổ cũng đã hội tụ đầy đủ các điều kiện về hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, tiện nghi, các điều kiện phục vụ lưu lượng lớn khách du lịch. Hàng năm, Móng Cái thu hút hơn 2 triệu lượt khách tham quan, trong đó có gần 300 nghìn lượt khách lưu trú.

Khu du lịch Trà Cổ với bãi biển dài ngút tầm mắt, luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan, tắm biển.

Những yếu tố thuận lợi đó tạo ra những giá trị khác biệt, độc đáo về sản phẩm du lịch mà ít nơi nào có được. Đáng chú ý là, thời gian qua, TP Móng Cái tập trung chỉ đạo, dành nhiều nguồn lực đầu tư để thúc đẩy phát triển các điểm, khu du lịch. Móng Cái đã chú trọng thực hiện Đề án phát triển sản phẩm du lịch, triển khai các giải pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo đó, Móng Cái quan tâm khai thác các dự án trọng điểm về du lịch, trọng tâm là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch đồng bộ, chuyên nghiệp. Cụ thể là: Hoàn thành sửa chữa nâng cấp tuyến đường Móng Cái – Trà Cổ; đẩy nhanh tiến độ đường giao thông xuyên đảo Vĩnh Thực; hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng và lắp đặt cơ sở vật chất kỹ thuật Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tiếp tục chỉnh trang các điểm du lịch trong khu du lịch Trà Cổ.

Đồng thời, TP Móng Cái cũng chú trọng để phát triển du lịch bền vững, tạo ra sản phẩm mới. Thành phố đã đầu tư nâng cấp, bảo tồn các di tích; phục dựng Lễ tế Xã Tắc, nâng tầm Lễ hội đình Trà Cổ; đưa ra một số sản phẩm mới, như: xe du lịch tự lái qua biên giới; xe ô tô điện; tăng cường công tác chỉnh trang cảnh quan đô thị phục vụ du lịch… Hệ thống các khách sạn, nhà hàng, điểm mua sắm tiếp tục được các doanh nghiệp quan tâm chỉnh trang, nâng cấp, sửa chữa nâng cao chất lượng dịch vụ. Cơ chế chính sách từng bước được hoàn thiện. Móng Cái đang tổ chức triển khai hiệu quả các Quy hoạch phát triển du lịch; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh du lịch được cải thiện mạnh mẽ…

Du lịch biên giới là một trong những thế mạnh của du lịch Móng Cái.

Với những nỗ lực đó, thời gian qua, du lịch Móng Cái đã có sự chuyển biến rõ rệt, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Năm 2018, TP Móng Cái đã đón trên 2,7 triệu lượt khách. 6 tháng đầu năm 2019 đã đón trên 1,6 triệu lượt khách, tăng 8% so với cùng kỳ, nộp ngân sách 61 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Đó là những tiền đề quan trọng để phát triển, nâng tầm du lịch Móng Cái nói chung và khu du lịch Trà Cổ nói riêng.

Các chuyên gia nói gì?

Với những lợi thế đó, Khu du lịch Trà Cổ, Móng Cái đã được công nhận là Khu du lịch Quốc gia. Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức công bố quyết định này. Theo đó, Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ, Móng Cái có diện tích 44.036ha, trong đó diện tích mặt đất 18.238ha, diện tích mặt nước 25.798ha với ranh giới: Bắc giáp sông Ka Long (giáp Trung Quốc), Nam giáp biển Đông, Đông giáp Trung Quốc và biển Đông, Tây giáp phường Hải Yên (TP Móng Cái).

Việc công nhận Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ, Móng Cái đã góp phần khẳng định vị thế mới, thương hiệu mới của ngành du lịch Móng Cái; tạo động lực và cơ hội để bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. “Tuy nhiên cũng còn không ít khó khăn, thách thức cần được đánh giá, nhận diện và đề xuất những giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với Khu du lịch Quốc gia để phát triển bền vững, đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn…” – đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, chia sẻ trong khuôn khổ Hội thảo Giải pháp và cơ chế chính sách phát triển Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ, Móng Cái vào cuối tháng 6 vừa qua.

Du khách tham quan và chụp ảnh lưu niệm ở Cụm thông tin cổ động Sa Vĩ, TP Móng Cái.

Cũng trong Hội thảo kể trên, các đại biểu, chuyên gia đầu ngành đều đề cập tới hướng đi, cơ chế, chính sách để phát triển Khu du lịch Quốc gia này, như: hợp tác phát triển du lịch, nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm du lịch riêng có đồng thời với việc tăng cường đầu tư hạ tầng, thu hút nhà đầu tư, cơ chế chính sách…

Trong đó, tăng cường kết nối, đẩy mạnh nguồn lực đầu tư công, tư… với cơ chế, chính sách phù hợp cho Khu du lịch Quốc gia là một trong những vấn đề, hướng đi thu hút sự quan tâm lớn của các bộ, ngành và các chuyên gia. Về vấn đề này, PGS-TS Bùi Tất Thắng (Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định tầm quan trọng của kết nối, liên kết vùng để phát triển bền vững, trong đó trước hết gồm các yếu tố quan trọng, “cần”, “đủ” thiết yếu là: đầu tư hạ tầng giao thông, thông tin, cơ sở lưu trú… Cũng như các yếu tố về cơ chế, nhân lực, việc khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư, tăng mức để lại nguồn thu từ thuế…

Để thúc đẩy sự phát triển của Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ, Móng Cái, đại diện Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch), nhấn mạnh tới việc tạo môi trường kinh doanh du lịch bình đẳng, cơ chế chính sách đồng bộ, thông thoáng, có tính đột phá; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, chính sách huy động nguồn lực xã hội, cụ thể hóa bằng ưu đãi về thuế, tín dụng (như: miễn giảm thuế, giảm thuế đất, vay ưu đãi…) để huy động đầu tư vào du lịch.

Còn Giáo sư Đỗ Tiến Sâm, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) thì nhấn mạnh tới việc phối hợp ban hành một văn bản quy phạm pháp luật chung, tránh chồng chéo, xung đột, lỗ hổng… từ các bộ, ngành, như: Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Quốc phòng, Hải quan…

Quan tâm cụ thể hơn, nhiều chuyên gia cho rằng: Để phát triển nhanh, mạnh, thuận lợi cần đặc biệt quan tâm tới chính sách, mô hình quản trị của Khu du lịch… Các chuyên gia đầu ngành nhấn mạnh về một ban quản trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoặc phân cấp, quản lý rõ ràng quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể hoặc mạnh dạn lựa chọn mô hình quản trị mới: Đấu thầu lựa chọn một tập đoàn có tiếng quản trị có thời hạn để học tập và khai thác hiệu quả… Đó cũng là yếu tố góp phần giúp Khu du lịch phát triển mạnh, tạo những đột phá.

Ngoài định hướng phát triển thị trường, nhân lực, ứng dụng KHCN, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng, thì phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa, cộng đồng, mang tính biểu tượng là những trọng tâm được các chuyên gia chú ý. Trong đó, ý kiến của PGS-TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển cũng đặt ra một vấn đề đáng quan tâm: “Sự thành công chủ yếu phụ thuộc vào việc Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ, Móng Cái có tạo nên một bản sắc văn hóa du lịch độc đáo và xứng tầm hay không?”