Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Ý nghĩa và giá trị lịch sử (Bài 1): Tạo dựng “nền móng” cho một nền văn hóa mới
Mục lục bài viết
Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Ý nghĩa và giá trị lịch sử (Bài 1): Tạo dựng “nền móng” cho một nền văn hóa mới
Đề cương về Văn hóa Việt Nam là văn kiện có tính cương lĩnh của Đảng về văn hóa. Để rồi, trong quá trình lãnh đạo cách mạng suốt hơn 90 năm qua, Đảng ta đã kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung cốt lõi của văn kiện, nhất là những vấn đề có tính chất nền tảng, nguyên tắc, phương châm, phương hướng, nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Từ cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa…
Vào những năm 1940 của thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển và đi vào chiều sâu. Đặc biệt, cuộc đấu tranh đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa, nhằm hình thành một phong trào văn hóa tiến bộ, thu hút mọi tầng lớp Nhân dân và các nhà văn hóa, trí thức trong xã hội tham gia. Giữa bối cảnh đó, “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (gọi tắt là Đề cương) do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư trực tiếp soạn thảo đã ra đời năm 1943. Đây được xem là một văn kiện có tính tuyên ngôn đầu tiên của Đảng về văn hóa; đồng thời, có ý nghĩa khai sáng và mở đường cho sự nghiệp phát triển văn hóa – nghệ thuật của nước ta sau này.
Ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, với vô vàn khó khăn thách thức đặt ra, song Đề cương đã đề ra những “luận đề” có tính căn bản đối với văn hóa Việt Nam. Đó là “Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật – nghệ thuật”. Đồng thời, nêu rõ mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị, trong đó “nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc)”. Đặc biệt, Đề cương cũng khẳng định thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với vấn đề văn hóa: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”; “Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa”; “Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”.
Khai thác văn hóa bản địa phục vụ phát triển du lịch tại Pù Luông (Bá Thước).
Ngoài ra, Đề cương còn nêu rõ tiền đồ văn hóa Việt Nam, với hai ức thuyết đó là: (1) “Nền văn hóa phát xít (văn hóa trung cổ và nô dịch hóa) thắng thì văn hóa dân tộc Việt Nam nghèo nàn thấp kém”; (2) “Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”. Đồng thời, khẳng định: “Căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay, cách mạng dân tộc Việt Nam nhất quyết sẽ làm cho ức thuyết thứ hai trở nên sự thực”. Từ đó, Đề cương nêu bật đặc trưng của nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, Đề cương đã đưa ra 3 nguyên tắc vận động cuộc vận động văn hóa nước Việt Nam lúc bấy giờ là: (1) Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); (2) Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); (3) Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ). Muốn cho 3 nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm… Đặc biệt, Đề cương đã nêu lên tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam, đó là văn hóa mới Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo: “Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung. Chính vì thế nó cách mạng nhất và tiến bộ nhất ở Đông Dương trong giai đoạn này”.
Bàn về vai trò, ý nghĩa của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, khẳng định: Với việc xác định rõ phạm vi và nội hàm của văn hóa bao gồm ba thành tố cơ bản là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, Đề cương đã thể hiện tư duy mạch lạc và sự tiến bộ vượt thời đại trong bối cảnh xã hội Việt Nam vào thập niên 40 của thế kỷ XX. Đặc biệt, luận điểm “văn hóa là một mặt trận” được coi là “tuyên ngôn” của Đảng về sứ mệnh và vị thế của văn hóa, cũng như thể hiện tầm nhìn và cách tiếp cận tổng thể của Đảng ta đối với việc giải quyết các yêu cầu và mục tiêu lớn của đất nước. Trong bối cảnh lịch sử đương thời, luận điểm này là cơ sở quan trọng để tập hợp, phát huy sức mạnh quần chúng và giới trí thức, kiến tạo nền tảng và nguồn sức mạnh tinh thần cùng với các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, góp phần phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Di tích lăng miếu Triệu Tường (Hà Trung).
Với những tư tưởng, quan điểm ngắn gọn, súc tích, Đề cương được xem là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa; đồng thời “xứng đáng là một văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng Việt Nam”.
… đến nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc
Có thể khẳng định, 80 năm kể từ khi ra đời đến nay, là quãng thời gian đủ dài để minh chứng cho những giá trị lịch sử; ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Đề cương đã cho thấy tư duy, tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta đối với sự phát triển văn hóa. Từ điểm khởi nguồn này, trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay.
Bàn về các vai trò của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ThS. Nguyễn Mạnh Cường (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam), cho rằng: Các yếu tố “dân tộc”, “đại chúng” và “khoa học” trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong Đề cương đã được nhất quán trong các nhiệm vụ của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, đó là: Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, để mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, nền văn hóa mới mà Đảng ta hướng tới là nền văn hóa thuộc về Nhân dân và do Nhân dân xây dựng, phát triển vì cuộc sống lành mạnh, phong phú của Nhân dân. Từ góc nhìn của chủ nghĩa Mác – Lênin, Đề cương coi văn hóa như một lĩnh vực không ngừng biến đổi, với sự nối tiếp liên tục từ quá khứ, đến hiện tại và tương lai. Văn hóa hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của con người. Văn hóa bám rễ vào cội nguồn lịch sử và không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để bồi đắp và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Các giá trị văn hóa, ngay cả giá trị truyền thống cũng không tồn tại một cách bất biến mà không ngừng được bổ sung và tái định hình để phù hợp với cuộc sống đang diễn ra. Việc lựa chọn các giá trị phù hợp để kế thừa dựa trên tinh thần khách quan và tư duy phê phán là một yêu cầu quan trọng đối với phát triển văn hóa. Thái độ khoa học, tiến bộ của Đề cương đã cung cấp một nền tảng lý luận quan trọng về động năng và tính kế thừa của văn hóa.
Pồn Pôông – nét văn hóa độc đáo, giàu giá trị của đồng bào Mường.
Với ý nghĩa, giá trị và nhất là các nguyên tắc, phương châm có tính định hướng, Đề cương về Văn hóa Việt Nam đặt nền tảng cơ bản cho việc xây dựng văn hóa và xây dựng con người theo hướng bền vững. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng không chỉ khẳng định yêu cầu “đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam”; mà còn nhấn mạnh khẩn trương “nghiên cứu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới”. Đây là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12-11-2021 về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Trong đó, khẳng định rõ quan điểm: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội; bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại và biến đổi kinh tế – xã hội, con người do tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng. Xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt…
Có thể khẳng định, quá trình chuyển dịch từ ba nguyên tắc “dân tộc”, “đại chúng” và “khoa học” của nền văn hóa cách mạng cho đến các giá trị tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, đã cho thấy vị thế và tầm ảnh hưởng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam như một cương lĩnh khởi nguồn cho việc xác lập và hoàn thiện tư duy lý luận về phát triển văn hóa, phát triển con người ở Việt Nam hiện nay.
Bài và ảnh: Khôi Nguyên
Bài viết có sử dụng một số thông tin trong Tài liệu phục vụ Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) – Khởi nguồn và động lực phát triển” (diễn ra ngày 27-2-2023).
Bài 2: Tính dân tộc góp phần đưa văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới.