Để di sản khảo cổ “sống” với cộng đồng

Thế mạnh không phải nơi nào cũng có

Cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ có quyết định xếp hạng di tích khảo cổ Văn hoá Sa Huỳnh của Quảng Ngãi là di tích quốc gia đặc biệt, gồm 6 điểm di tích ở thị xã Đức Phổ: Di tích Long Thạnh (còn gọi là Gò Ma Vương), di tích Thạnh Đức, di tích Phú Khương, quần thể di tích Chăm pa trong không gian Sa Huỳnh, đầm An Khê và lạch An Khê – sông Cửa Lỗ.

Đầm An Khê là đầm nước ngọt ven biển.
Đầm An Khê là đầm nước ngọt ven biển.

Ngược về quá khứ, Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện năm 1909 tại Sa Huỳnh (tỉnh Quảng Ngãi). Năm 1936, nhà khảo cổ học người Pháp M.Colani đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ này là “Văn hóa Sa Huỳnh”.

Năm 1997, di tích khảo cổ học Văn hóa Sa Huỳnh được Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia với 2 khu vực bảo vệ là địa điểm Phú Khương và địa điểm Gò Ma Vương. Di tích được phân bố chủ yếu ở phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh (thị xã Đức Phổ). Qua nhiều đợt khai quật, các nhà khảo cổ liên tục phát hiện dấu vết của nền văn hóa thời tiền sử.

Gò Ma Vương.
Gò Ma Vương.

Từ những hiện vật phát hiện trong quá trình khai quật khảo cổ tại các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên cho thấy, Quảng Ngãi được xem là cái nôi của Văn hóa Sa Huỳnh. Không gian di tích Văn hóa Sa Huỳnh có nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp như đầm nước ngọt An Khê, biển Sa Huỳnh với bãi cát, rừng dương, vũng vịnh còn nguyên sơ. Các giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, Chăm pa, Đại Việt vẫn giữ nguyên vẹn.

Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi-Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho rằng, di sản Văn hóa Sa Huỳnh thỏa mãn các đòi hỏi về tính toàn vẹn và tính xác thực theo quy định của Công ước Di sản Thế giới 1972 và Tuyên bố Nara.

Di sản văn hóa Sa Huỳnh có đủ tất cả các yếu tố cần thiết để có thể biểu đạt các giá trị nổi bật toàn cầu của nó, gồm: Tính toàn vẹn thể hiện qua sự hiện diện còn gần như nguyên vẹn của các di chỉ khảo cổ được nghiên cứu bảo tồn với chất lượng rất tốt trong lòng đất.

Khảo cổ ở Sa Huỳnh.
Khảo cổ ở Sa Huỳnh.

“Di tích quốc gia Văn hóa Sa Huỳnh xứng đáng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.  Bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản này, cùng với Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh sẽ là điểm kết nối quan trọng của “Con đường Di sản Văn hóa Sa Huỳnh” ở miền Trung Việt Nam”- ông Khôi nói.

Các chuyên gia nghiên cứu văn hóa nhận định, sự hiện diện của nền Văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi là thế mạnh không phải nơi nào cũng có. Đây là vốn quý để Quảng Ngãi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tham quan, nghiên cứu, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho rằng: “Di sản văn hóa Sa Huỳnh muốn phát triển phải gắn liền với cộng đồng. Sự kết hợp giữa bảo tồn di sản và tạo sinh kế đa dạng cho cộng đồng đã làm cho di sản khảo cổ không đông cứng, mà vẫn “sống” được với cộng đồng và hiện hữu trong không gian đó”.

Từ ngàn xưa đến nay, cư dân vùng Sa Huỳnh vẫn giữ phương thức canh tác truyền thống, lưu truyền các phong tục, tập quán mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian của người Việt.

Cư dân Sa Huỳnh vẫn giữ phương thức canh tác truyền thống. 
Cư dân Sa Huỳnh vẫn giữ phương thức canh tác truyền thống. 

“Trước giờ bà con luôn có ý thức bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường, nhất là đầm An Khê vì đây là sinh kế của rất nhiều người. Gần đây ý thức đó được nâng cao rõ rệt, di sản Văn hóa Sa Huỳnh trở thành viên ngọc quý. Bà con mong muốn những giá trị của nó sẽ được phát huy cao hơn nữa”  – ông Nguyễn Tấn Thảo (thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh) chia sẻ.

Thực tế, thời gian qua, tận dụng các lợi thế sẵn có, người dân Sa Huỳnh đã bắt tay vào làm du lịch một cách nghiêm túc, tiêu biểu là thành lập 2 HTX du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ và Gò Ma Vương. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di sản Văn hóa Sa Huỳnh được đẩy mạnh, thu hút du khách khắp nơi về tham quan, trải nghiệm.

Làng Gò Cỏ đã hình thành HTX du lịch cộng đồng, thu hút du khách khắp nơi đến tham quan, trải nghiệm.
Làng Gò Cỏ đã hình thành HTX du lịch cộng đồng, thu hút du khách khắp nơi đến tham quan, trải nghiệm.

Văn hóa Sa Huỳnh được công nhận di tích quốc gia đặc biệt đã mở ra cơ hội, động lực mới cho thị xã Đức Phổ. Giai đoạn 2025 – 2030, thị xã Đức Phổ định hướng du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm.

“Địa phương sẽ tăng cường quảng bá, xúc tiến, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, cơ hội đầu tư của Đức Phổ. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ phát triển du lịch, khai thác tối đa di tích Văn hóa Sa Huỳnh”- Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ Võ Thanh Hùng nói.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn, sắp tới, tỉnh tiếp tục tổ chức tham vấn ý kiến của các nhà khoa học để quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh. Đồng thời hỗ trợ phát triển, phục dựng lại các làng nghề để gìn giữ các hoạt động văn hóa, hình thành các điểm du lịch xanh, du lịch nông thôn.

“Cùng với phát triển huyện đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo, Quảng Ngãi tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế của di tích Văn hóa Sa Huỳnh và kết nối các khu, điểm du lịch của tỉnh. Tương lai Quảng Ngãi sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, tiềm năng”- ông Tuấn bày tỏ.