Để học sinh vùng cao không còn thấy tiếng Anh ‘khô khan’ và ‘đáng sợ’

Mang thế giới lại gần học sinh vùng cao

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô Tạ Thị Kim Thoa- giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT An Lão (Bình Định) đối mặt với rất nhiều gian nan, vất vả. Phần vì cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Phần vì khả năng tiếp thu của học sinh rất chậm, học đâu, quên đấy, hay vắng học.

Ở miền núi, việc dạy cho học sinh môn Tiếng Anh lại có một “đặc thù”. Cô Thoa tâm sự: “Các em chưa nói thạo tiếng phổ thông, do vậy tiếng phổ thông được xem như là ngoại ngữ thứ nhất và Tiếng Anh là ngoại ngữ thứ hai. Kinh tế còn khó khăn nên nhiều gia đình không thể trang bị máy tính, tài liệu tham khảo. Hơn thế nữa, khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh rất hạn chế”.

Nhưng bằng đam mê với nghề và tình yêu với học sinh miền núi, học sinh dân tộc, cô Thoa đã quyết tâm vượt qua những rào cản về ngôn ngữ để giúp học sinh học Tiếng Anh với sáng kiến kinh nghiệm từng đạt giải C cấp ngành “Phát triển kỹ năng nói Tiếng Anh cho học sinh ở nông thôn và miền núi”.

Thay vì bắt đầu đi vào nội dung bài dạy, cô Thoa đã dành từ 5 đến 7 phút mỗi tiết để thực hành nói tiếng Anh với học sinh thông qua hình thức hỏi đáp với những câu hỏi đơn giản về gia đình về cuộc sống, về sở thích. Bên cạnh đó, cô đã tạo ra các bài tập luyện tiếng đơn giản dựa vào những nội dung trong sách giáo khoa phù hợp với khả năng của học sinh.

Để giúp học sinh miền núi từng bước giảm khoảng cách so với học sinh đồng bằng, cô lại tiếp tục học hỏi, tìm tòi những cái mới. Với sáng kiến kinh nghiệm “Sử dụng bản đồ tư duy để giúp học sinh khắc sâu kiến thức và nói tiếng Anh một cách tự nhiên hơn”, không những cô đã giúp học sinh nhớ kiến thức dễ dàng hơn, lâu dài hơn mà còn giúp học sinh có cơ hội thực hành những đoạn nói dài.

Để học sinh vùng cao không còn thấy tiếng Anh 'khô khan' và 'đáng sợ' ảnh 1

Cô Thoa cho biết, bản đồ tư duy là một phương pháp giáo dục hiện đại, được áp dụng trong nhiều môn học, trong đó có tiếng Anh. Việc nói theo trình tự các nội dung trong bản đồ tư duy làm cho học sinh không còn e ngại là không có từ vựng, ý tưởng để nói. Điều này giúp học sinh giảm cảm giác lo sợ và nói tiếng Anh một cách tự nhiên hơn.

Qua hơn hai năm vận dụng, kết quả nhớ kiến thức bộ môn Tiếng Anh và khả năng diễn đạt ý tưởng bằng ngôn ngữ tiếng Anh của các em đã khả quan hơn. Sự mạnh dạn trước tập thể cùng với cách diễn đạt bằng ngôn ngữ cơ thể phần nào giúp các em có được những bài nói thuyết phục hơn, chứ không phải là đọc như trước đây nữa.

Học sinh đã biết được học Tiếng Anh như thế nào là hiệu quả chứ không phải chỉ có tập trung làm các đề thi. Việc nói tiếng Anh nhiều giúp học sinh chỉnh sửa được phát âm và ngữ điệu rất nhiều. Cụ thể qua các tiết học, được khả năng ghi nhớ và nói tiếng Anh của các em ngày càng tiến triển tốt. Cùng với sự tiến bộ hơn trong kỹ năng học tiếng Anh, các em đã tìm thấy việc học tiếng Anh không còn “khô khan” và “đáng sợ” như trước nữa.

Để học sinh vùng cao không còn thấy tiếng Anh 'khô khan' và 'đáng sợ' ảnh 2

Giúp trò học tiếng Anh bằng công nghệ hiện đại

Với những sáng kiến kinh nghiệm, cô Thoa đã cùng tổ bộ môn tiếng Anh của nhà trường từng bước nâng cao khả năng nói tiếng Anh của học sinh trong trường, giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn khi giao tiếp tiếng Anh. Giờ đây chất lượng học tập bộ môn Tiếng Anh của học sinh An Lão đã có nhiều chuyển biến.

Cụ thể, cô đã ứng dụng thành công phần mềm Activinspire để giảng dạy tại trường. Học sinh sau mỗi buổi học đều rất hào hứng, tiếp thu tốt bài học. Giáo viên sử dụng phần mềm kết hợp với việc tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm, làm việc tập thể, tự hoàn thiện phiếu học tập, tạo cho học sinh tích cực chủ động để tự tìm hiểu về nội dung bài giảng.

Cùng với đó, cô đã áp dụng nhiều phần mềm hiện đại mới trong việc dạy và học Tiếng Anh để nâng cao chất lượng bộ môn. Cô đã nghiên cứu và áp dụng bài giảng e-learning, bài giảng video, sử dụng thiết bị đồ dùng dạy học số… vào trong giảng dạy. Tất cả những điều này giúp học sinh miền núi luôn tiếp cận với phương pháp học Tiếng Anh hiện đại nhất.

Để học sinh vùng cao không còn thấy tiếng Anh 'khô khan' và 'đáng sợ' ảnh 3

Song song với việc dạy chữ, cô Thoa và các đồng nghiệp còn phải dạy học sinh cách làm người, biết giữ gìn những truyền thống tốt đẹp và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Với tinh thần trách nhiệm và vì cái “tâm” trong nghề, các thầy cô đã không ngại đường núi xa xôi đến tận các bản làng của học sinh dân tộc thiểu số để giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, vận động các em tiếp tục đến lớp.

Với những nỗ lực không ngừng trong công tác giảng dạy, cô Thoa đã đạt giải 3 Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 10 năm chiến sĩ thi đua cơ cở, 2 năm chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, nhận nhiều giấy khen và Bằng khen các cấp, trong đó có bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020.

Em Võ Trọng Nhân- học sinh lớp 11A1 Trường PTDTNT THCS&THPT An Lão – bày tỏ: Lúc đầu em không giỏi tiếng Anh và không ấn tượng với bộ môn này. Nhưng từ khi cô Thoa giảng dạy với phương pháp hiện đại, em đã ngày càng tiến bộ hơn, phát âm chuẩn hơn. Từ một học sinh yếu tiếng Anh, giờ đây em đã có thể viết được IELTS Writing Task 1, IELTS Writing Task 2.