Để phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hoà với phát triển kinh tế

Để phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hoà với phát triển kinh tế

(ĐCSVN) – Bạn đọc Nguyễn Kim Thanh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) hỏi: Làm thế nào để phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hoà với phát triển kinh tế?

Trả lời:

Một là, tạo bước phát triển mạnh mẽ về văn hoá, xã hội.

– Tăng đầu tư của Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội để phát triển văn hoá, xã hội.

– Hoàn thiện hệ thống chính sách, kết hợp chặt chẽ các mục tiêu, chính sách kinh tế với các mục tiêu, chính sách xã hội; thực hiện tốt tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Hai là, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

– Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội.

– Thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo phù hợp với từng thời kỳ; đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức để bảo đảm giảm nghèo bền vững, nhất là tại các huyện nghèo nhất và các vùng đặc biệt khó khăn khác.

– Khuyến khích làm giàu theo pháp luật, tăng nhanh số hộ có thu nhập trung bình khá trở lên.

– Có chính sách và các giải pháp cụ thể nhằm hạn chế phân hoá giàu nghèo, giảm chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.

Ba là, hoàn thiện hệ thống chính sách và cơ chế cung ứng dịch vụ công cộng thích ứng với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước không ngừng nâng cao mức bảo đảm các dịch vụ công cộng thiết yếu cho nhân dân.

Bốn là, thực hiện tốt các chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, thu nhập nhằm khuyến khích và phát huy cao nhất năng lực của người lao động.

– Bảo đảm quan hệ lao động hài hoà; cải thiện môi trường và điều kiện lao động.

– Đẩy mạnh dạy nghề và tạo việc làm.

– Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

– Hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn và vùng đô thị hoá. Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, ngày càng mở rộng và hiệu quả.

– Phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp…

– Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm.

– Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi và không ngừng nâng cao mức sống đối với người có công.

– Mở rộng các hình thức trợ giúp và cứu trợ xã hội, nhất là đối với các đối tượng khó khăn.

Năm là, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, xử lý tốt mối quan hệ giữa kinh tế và văn hoá để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là một động lực phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

– Tập trung xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; coi trọng văn hoá trong lãnh đạo, quản lý, văn hoá trong kinh doanh và văn hoá trong ứng xử.

– Chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là trong thế hệ trẻ.

– Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc; thực hiện tốt bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ; chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em.

– Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân theo quy định của pháp luật.

– Khuyến khích tự do sáng tạo trong hoạt động văn hoá, văn học nghệ thuật để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, có sức lan tỏa lớn, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc.

– Xây dựng và nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Coi trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc. Nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân.

Sáu là, nâng cao chất lượng hệ thống thông tin, báo chí, internet, xuất bản.

– Bảo đảm quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của nhân dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

– Tiếp tục đổi mới cơ chế và nâng cao hiệu quả quản lý, đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, thông tin, hình thành thị trường văn hóa lành mạnh.

– Đấu tranh chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống, tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa thông tin đồi trụy, kích động bạo lực.

– Đẩy mạnh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; giảm tệ nạn ma túy, mại dâm; ngăn chặn có hiệu quả tai nạn giao thông.

– Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng xã, phường, khu phố, thôn, bản đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, văn minh, lành mạnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM