Đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm nay ra sao?
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2022 – Ảnh: NHƯ HÙNG
Đề thi đánh giá năng lực năm nay được ra thế nào?
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính – giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM, đề mẫu kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 được giữ nguyên cấu trúc nhưng có một số điều chỉnh về nội dung. So với năm trước đó, đề thi mẫu năm nay có một số câu hỏi mới.
Về cấu trúc đề thi, ông Chính cho hay đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài là 150 phút, cụ thể:
Phần 1. Sử dụng ngôn ngữ: 20 câu tiếng Việt và 20 câu tiếng Anh. Các câu hỏi, bài đọc đánh giá kiến thức văn học khả năng dùng từ, khả năng đọc hiểu, khả năng phân tích bài viết tiếng Việt và tiếng Anh.
Phần 2. Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu: 10 câu toán học (các vấn đề về toán phổ thông); 10 câu tư duy logic (các bài suy luận và xác định các quy luật logic); 10 câu phân tích số liệu (các bài phân tích và chọn phương án trả lời tương ứng với từng bảng số liệu cho trước).
Phần 3. Giải quyết vấn đề: 10 câu vấn đề thuộc lĩnh vực hóa học; 10 câu thuộc lĩnh vực vật lý; 10 câu thuộc lĩnh vực sinh học, 10 câu vấn đề thuộc lĩnh vực địa lý và 10 câu vấn đề thuộc lĩnh vực lịch sử, chính trị, xã hội (những vấn đề liên quan đến kiến thức khoa học xã hội và tự nhiên).
“Xét về cấu trúc, đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM tích hợp được các kỹ năng về đọc hiểu, phân tích vốn được nhấn mạnh ở đề thi SAT và kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề của đề thi TSA.
Cụ thể, đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung đề thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức cả về mặt tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản”, ông Chính cho biết thêm.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Chính, kết quả thi đánh giá năng lực được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo Lý thuyết Ứng đáp câu hỏi (Item Response Theory – IRT).
Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi.
Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm, phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm, phần giải quyết vấn đề là 500 điểm.
Ông Chính lưu ý: “Các câu hỏi ở cấp độ ghi nhớ rất ít, chủ yếu sẽ là các câu đánh giá ở cấp độ thông hiểu, vận dụng, suy luận. Hằng năm, trung tâm đều có rà soát và loại bỏ các câu hỏi đã ra trong những kỳ thi trước nên sẽ không xuất hiện câu hỏi trùng lặp.
Nội dung đề thi không có các vấn đề thời sự do ngân hàng câu hỏi được xây dựng trước, tuy nhiên, sẽ tăng cường các dạng bài toán thực tế, câu hỏi mang tính thực tiễn cao”.
Mục lục bài viết
Đề thi mẫu đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2023
Đề thi mẫu kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM
Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM: Lưu ý gì khi đăng ký thi?