Đề thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, điểm chuẩn sẽ tăng?

Đề thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, điểm chuẩn sẽ tăng? - Ảnh 1.

Thí sinh kết thúc tổ hợp môn tự nhiên và xã hội tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) sáng 10-8 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Mùa thi năm nay, đa số thí sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội đều thở phào nhẹ nhõm vì đề thi chỉ dừng ở mức độ cơ bản.

Dễ nhưng… không dễ

Cô Nguyễn Thị Mai – tổ trưởng tổ địa Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM – cho biết: “Đề thi môn địa năm nay có sự đổi mới khá rõ so với năm trước. Trong đó, số câu hỏi dạng vận dụng atlat, biểu đồ tăng lên; số câu hỏi dạng lý thuyết giảm đi. Vì vậy, nếu thí sinh không ôn kỹ bài vẫn dễ dàng đạt được 5 điểm để tốt nghiệp vì số câu hỏi dùng atlat, biểu đồ đã chiếm 4,5 điểm rồi”.

Theo cô Mai, đề thi vẫn có câu hỏi dùng để phân loại thí sinh nhưng không nhiều (3 câu), mức độ khó của những câu này cũng nhẹ nhàng hơn đề thi năm trước. Thế nên, dự đoán số thí sinh đạt điểm 9-10 môn địa năm nay sẽ nhiều hơn.

Cô Châu Loan – giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội – cũng cho rằng tỉ lệ câu hỏi dùng atlat địa lý nhiều hơn (14 câu) là một lợi thế. Có khoảng trên 70% số câu hỏi ở mức dễ. Nhưng các câu hỏi từ 70-80 khó hơn. Nếu học sinh không tư duy, thiếu kỹ năng sẽ không đạt điểm cao được, dù những câu phân hóa đều rơi vào kiến thức học kỳ 1 của lớp 12.

Đề thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, điểm chuẩn sẽ tăng? - Ảnh 2.

Thí sinh thi tổ hợp tại điểm thi Trường THPT Thalmann (quận 1, TP.HCM) – Ảnh: TỰ TRUNG

Ở môn lịch sử, cô Phạm Thị Hồng Sơn – tổ trưởng tổ sử Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM – nhận định: “Đề thi môn sử năm nay thuộc dạng nhẹ nhàng, bám sát đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố. Những thí sinh trung bình sẽ dễ dàng đạt được 5-6 điểm để tốt nghiệp THPT”.

“Đề thi sử năm nay đạt được cả 2 mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH. Vì đề thi vẫn có những câu hỏi vận dụng nhằm phân hóa thí sinh nên phải là những học sinh giỏi mới có thể đạt được 9-10 điểm” – cô Sơn cho biết thêm.

Với môn ngữ văn và giáo dục công dân, không chỉ giáo viên, nhiều thí sinh cũng hân hoan nhận xét là đề thi “quá dễ”. Môn ngữ văn, theo cô Nguyễn Kim Anh – giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), đa số thí sinh sẽ hài lòng vì để đạt yêu cầu ở mức 6-6,5 điểm sẽ không khó. Đề thi có những câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Câu hỏi mở cho phép học sinh viết với tâm lý thoải mái, hứng khởi. Nhưng để viết được sâu sắc, ngắn gọn, đầy đủ lại không dễ.

“Điểm 7-7,5 sẽ nhiều hơn năm trước, nhưng điểm 8 trở lên sẽ ít. Tuy vậy, do môn lịch sử, địa lý “dễ thở” nên tổ hợp điểm khối C (ngữ văn, lịch sử, địa lý) năm nay có thể sẽ cao hơn năm trước. Với phân tích như vậy, các thầy cô dự đoán một số trường ĐH tốp trên sẽ tăng khoảng 1-2 điểm với tổ hợp điểm khối C.

Đề thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, điểm chuẩn sẽ tăng? - Ảnh 3.

Điểm toán sẽ tăng, lý, hóa ít biến động

Ngược lại với tổ hợp khoa học xã hội, đề thi tổ hợp khoa học tự nhiên tuy được đánh giá dễ hơn năm trước nhưng không dễ đạt được điểm 9, 10. Trong đó, đáng kể nhất là đề thi môn sinh. “Nếu không học chuyên khối B thì thí sinh rất khó giải quyết trọn vẹn đề thi môn sinh năm nay” – thầy Nguyễn Quang Minh, tổ trưởng tổ sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM, nhận định.

Theo thầy Minh, nhìn chung, đề năm nay nhẹ nhàng, dễ đạt điểm trên trung bình nhưng phân hóa khá rõ đối với học sinh khá, giỏi. Vì vậy, để đạt được 9, 10 điểm thì phải thực sự là học sinh giỏi. Dự báo, điểm 10 môn sinh năm nay sẽ không nhiều.

Một số giáo viên ở Hà Nội cũng cho rằng học sinh dễ đạt được mức 7-7,5 điểm, tương ứng với việc làm tốt khoảng 32-34 câu. Nhưng để đạt điểm 9, 10 ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, học sinh cần có tốc độ giải bài nhanh, chính xác, giữ được tâm lý, sức khỏe ổn định.

Đề thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, điểm chuẩn sẽ tăng? - Ảnh 4.

Thí sinh Hà Nội thoải mái sau khi thi môn tiếng Anh chiều 10-8 – Ảnh: NAM TRẦN

Tương tự, “môn hóa sẽ không có mưa điểm 10” như nhận xét của thầy Phan Trọng Quý, giáo viên môn hóa Trường trung học thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM. Còn theo thầy Lâm Vũ Công Chính – giáo viên môn toán Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, phổ điểm môn toán năm nay sẽ tăng lên, khoảng từ 6,5-7 điểm.

Với môn vật lý, thầy Phạm Trường Nghiêm, giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho rằng đề thi năm nay nhẹ hơn năm trước và bám sát tinh thần tinh giản của Bộ GD-ĐT. Học sinh có thể dễ dàng làm được 7 đến 8 điểm để xét tốt nghiệp. Nhưng từ 8 đến 9,5 điểm để xét tuyển ĐH thì không dễ đạt được.

“Vật lý năm nay sẽ hiếm có điểm 10. Trong tổ hợp xét tuyển ĐH toán – lý – hóa chỉ có điểm toán có khả năng tăng so với năm trước; còn lý, hóa sẽ không có biến động lớn” – thầy Nghiêm dự đoán.

Điểm khối D có thể tăng

Với đề toán và ngoại ngữ được giáo viên Hà Nội và TP.HCM đánh giá “dễ thở”, dự đoán điểm tổ hợp khối D (toán, văn, ngoại ngữ) cũng sẽ tăng ít nhất 1-1,5 điểm so với năm trước, trong đó sẽ tăng rõ rệt hơn ở các trường tốp đầu của Hà Nội, TP.HCM.

Đề thi ngoại ngữ “vừa phải, sát chương trình học”

Hết giờ làm bài thi môn ngoại ngữ chiều 10-8, môn thi cuối cùng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, thí sinh và giáo viên cả nước đều nhận định đề tiếng Anh khá sát với chương trình học, mức độ đề vừa phải.

Kiểm tra chéo đáp án môn tiếng Anh cùng bạn xong, Hoàng Anh (THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội) nắm chặt tay mẹ: “Mẹ ơi xong rồi”. “Kỳ thi năm nay thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ đối với em vì chưa năm nào em vừa đi thi mà vừa đeo khẩu trang như thế này cả. Vừa lo thi vừa phòng dịch nhưng rồi cuối cùng cũng xong. May mà đề thi năm nay mặt bằng chung không quá khó, em cảm thấy thí sinh được tạo điều kiện rất nhiều. Dù kết quả có ra sao em vẫn tự hào sau này có thể kể lại mình đã vượt qua một kỳ thi đầy kỳ tích” – Hoàng Anh nói.

Cô giáo Trịnh Hằng, Hải Phòng, nhận xét đề thi năm nay rất sát với đề minh họa của Bộ GD-ĐT, đảm bảo cho học sinh bình thường vẫn làm được, đồng thời có tính phân hóa. Phần ngữ pháp, phần chữa lỗi sai ổn, học sinh đều làm được. Nhưng nếu học sinh không đọc kỹ sẽ bị nhầm. “Học sinh của tôi vẫn kêu “chết” ở phần từ vựng nhiều. Tôi hài lòng với đề năm nay, tôi hi vọng đề năm sau nên như thế này thôi, đừng quay về dạng đề mọi năm, quá đánh đố học sinh” – cô nói.

Đề thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, điểm chuẩn sẽ tăng? - Ảnh 7.

Đề thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, điểm chuẩn sẽ tăng? - Ảnh 8.

Ngày 11-8 bắt đầu chấm thi

maivantrinh10 1(read-only)

PGS.TS Mai Văn Trinh

PGS.TS Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, cho biết từ ngày 11-8, các hội đồng chấm thi bắt đầu làm việc trên tinh thần đảm bảo nghiêm túc, nhưng đề cao cảnh giác phòng dịch bệnh.

Ông Mai Văn Trinh chia sẻ: “Bộ GD-ĐT yêu cầu từ ngày 11-8, các hội đồng chấm thi trên cả nước sẽ bắt đầu làm việc, trước hết chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết đảm bảo an toàn, nghiêm túc và tuân thủ yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Qua kiểm tra, hầu hết các địa phương đến thời điểm này đều đã chuẩn bị đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất: phòng, máy quét, máy chấm… và lực lượng chấm thi được tập huấn kỹ. Nhưng Bộ GD-ĐT vẫn yêu cầu rà soát lần cuối địa điểm lưu giữ bài thi, đảm bảo an toàn, có camera giám sát. Địa điểm làm phách phải đảm bảo cách ly. Các khu vực chấm thi phải đảm bảo điều kiện để chấm 2 vòng độc lập”.

* Năm trước việc chấm thi trắc nghiệm phải giao cho trường ĐH chủ trì để đảm bảo ngăn chặn tiêu cực, nhưng năm nay việc này giao cho địa phương, liệu việc chấm thi sẽ diễn ra an toàn, khách quan?

– Chấm thi trắc nghiệm sẽ chấm bằng máy. Bộ GD-ĐT năm nay đã nâng cấp một bước nữa phần mềm chấm thi, cùng với đó là các giải pháp kỹ thuật nhằm giám sát chặt chẽ quy trình chấm thi trắc nghiệm. Cụ thể, các hội đồng chấm thi sẽ tiến hành đánh phách điện tử. Tất cả dữ liệu thông tin của thí sinh sẽ được mã hóa. Chỉ người có trách nhiệm mới có thể giải mã. Mọi tác động vào khâu chấm thi đều lưu vết. Trong quy trình chấm thi cũng lưu ý việc quét bài thi theo từng túi, với 24 bài/túi. Vì thế thời gian xuất hiện bài thi gốc sẽ rất ngắn, sau khi quét, bài thi gốc lại được niêm phong. Việc bố trí camera giám sát 24/24 giờ và hỗ trợ của cán bộ an ninh, lực lượng thanh tra trong quá trình chấm thi sẽ được tăng cường để đảm bảo ngăn chặn tiêu cực.

* Năm trước do trục trặc của phần mềm nên việc thống kê dữ liệu điểm không chính xác, có hàng loạt điểm 0 thực chất là trường hợp thí sinh vắng thi, việc này sẽ khắc phục thế nào?

– Ngoài việc nâng cấp phần mềm chấm thi, Bộ GD-ĐT yêu cầu ngay sau khi kết thúc kỳ thi, các địa phương phải cập nhật lên hệ thống số thí sinh vắng thi để đảm bảo việc thống kê được chính xác, tránh tình trạng như năm trước.

TP.HCM: dự kiến 19-8 chấm thi xong

nh-vvk2 1(read-only)

Cán bộ coi thi đang kiểm tra atlat địa lý của thí sinh trước giờ làm bài thi KHXH tại điểm thi Trường THPT Võ Văn Kiệt, Q.6, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Chiều 10-8, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ông Nguyễn Văn Hiếu – phó giám đốc Sở

GD-ĐT TP.HCM – cho biết 2 ngày thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, không có thí sinh vi phạm quy chế thi. Trong ngày thi thứ 1 có một thanh tra vi phạm, ngày thi thứ 2 có 1 cán bộ coi thi lấy điện thoại sạc pin bị lập biên bản nhắc nhở.

Về chấm thi trắc nghiệm, TP.HCM sẽ tổ chức chấm thi trên phần mềm của Bộ GD-ĐT, từ lúc đem bài thi về điểm chấm đều có sự giám sát của công an, thanh tra bộ và thanh tra sở để đảm bảo khách quan. Sau khi quét bài thi xong, chép qua đĩa có niêm phong, 1 đĩa gửi về bộ, 1 đĩa gửi chủ tịch hội đồng thi của TP để chống gian lận.

Ông Hiếu cũng thông tin thêm sau khi kết thúc kỳ thi, ngày 11-8 sở bắt đầu làm phách hai vòng, sau đó tiến hành chấm thi. Dự kiến ngày 19-8 sẽ chấm xong bài thi, thực hiện kiểm dò, gửi dữ liệu cho Bộ GD-DT. Dự kiến ngày 27-8 sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT.

THẢO THƯƠNG

Ngày mai 11-8, ba tỉnh tổ chức thi tốt nghiệp lại cho một số thí sinh do lỗi giám thị Ngày mai 11-8, ba tỉnh tổ chức thi tốt nghiệp lại cho một số thí sinh do lỗi giám thị

TTO – Tại cuộc họp báo chiều nay 10-8, Bộ GD-ĐT cho biết ngày mai 11-8 Bộ sẽ tổ chức thi lại cho số thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2020 bị ảnh hưởng quyền lợi do lỗi của giám thị.