Để văn hoá kinh doanh tạo sức mạnh mềm cho văn hoá dân tộc

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về phát triển văn hoá, nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, diễn đàn Chấn hưng Văn hóa – nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững được tổ chức sáng 3/12 nhằm phát huy nhân tố văn hóa trong phát triển kinh tế, tạo ra những bước phát triển mới, bền vững.

Diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận xung quanh các vấn đề chính như vai trò, nội dung, tác động của chấn hưng văn hóa đến phát triển kinh tế bền vững; những bài học thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam về phát huy vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là trong và sau đại dịch Covid-19; giải pháp nâng cao vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hậu Covid-19, các xung đột địa – chính trị và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.


Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng (Ảnh: Nam Nguyễn).

“Như chúng ta đã biết, cộng đồng doanh nghiệp được xem như trái tim của nền kinh tế, đóng góp hết sức quan trọng vào những kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân càng cần được đề cao và coi trọng. Và trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng, yếu tố con người chính là “trái tim, khối óc” của doanh nghiệp, văn hóa là nhân tố nền tảng”, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại diễn đàn.

Ông Hùng nhấn mạnh, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định mục tiêu: “xây dựng văn hóa kinh doanh thành hệ điều tiết phát triển kinh tế – xã hội” cần phát hiện, đặt ra và tổ chức thực hiện trong bối cảnh mới của tình hình đất nước hiện nay.

“Nhận thức một cách sâu sắc các quan điểm đường lối của Đảng, hơn lúc nào hết, chúng ta càng thấy trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nghiệp. Bởi lẽ, văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, chuẩn mực, quan niệm và hành vi chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp, được các thành viên chia sẻ và tạo nên bản sắc riêng cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng đánh giá đây là một diễn đàn mở để các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư tại Việt Nam trao đổi, thảo luận, làm rõ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công cuộc chấn hưng văn hóa để phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh, từ đó đề xuất với Chính phủ, Bộ, ngành các kiến nghị về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững.

Theo kiến trúc sư Lê Viết Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam, doanh nhân Việt Nam cần biết nuôi dưỡng lòng nhân ái, vị tha và đức hy sinh thì mới tạo nên sự khác biệt lớn, không nên phân biệt dân tộc này hay dân tộc khác, người Việt hay người nước ngoài mà mở rộng lòng nhân ái để biết yêu thương con người và muôn loài trênhành tinh.

“Vì lẽ đó mà càng yêu dân, yêu nước bao nhiêu chúng ta lại càng cần phải yêu trái đất, yêu sự sống của muôn loài và hướng đến việc cống hiến cho sự phát triển lành mạnh, tốt đẹp của cả thế giới, phụng sự cho lợi ích của nhân loại nhiều bấy nhiêu”, ông Hải nói.

Bằng trải nghiệm của mình, ông Hải đề xuất ngoài 6 quy tắc cũ về Đạo đức doanh nhân, ông mong muốn bổ sung thêm 4 yếu tố để thành 10 quy tắc cho doanh nghiệp: Yêu trái đất, yêu nhân loại; Yêu nước, yêu dân;  Bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên; Bảo vệ di sản vật thể và phi vật thể; Tuân thủ nghiêm pháp luật; Tạo giá trị kinh tế cho xã hội; Có trách nhiệm với gia đình; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Đổi mới, phát minh, sáng chế; Đoàn kết, hợp tác cùng phát triển.

Bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam cho rằng: “Phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp do doanh nhân dẫn dắt sẽ trở thành con đường duy nhất nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục tồn tại và phát triển. Song song với đó, những hoạt động kinh doanh phi văn hóa, làm ăn chộp giật sẽ bị đào thải”.

Trong khuôn khổ diễn đàn cũng diễn ra lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2022. Đây là các doanh nghiệp đã đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, Hiệp hội tham gia xây dựng. Bên cạnh đó, BTC cũng tiến hành biểu dương các doanh nghiệp đặc biệt tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”.