Đề xuất tạm dừng nhập máy đào bitcoin: Chính phủ đang xem xét tính pháp lý

Liên quan tới đề xuất tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền ảo của Bộ Tài chính mới đây, tại phiên chất vấn chiều ngày 6/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện vẫn phải xem xét thêm về cơ sở pháp lý của đề xuất này.

Máy đào tiền ảo bitcoin được nhập khẩu ồ ạt trong thời gian qua.Máy đào tiền ảo bitcoin được nhập khẩu ồ ạt trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua có thông tin liên quan tới người dân tại một số thành phố lớn mua máy đào bitcoin cũng như xảy ra một số vụ việc phức tạp như sử dụng thẻ cào thanh toán trên mạng để đánh bạc, kinh doanh đa cấp trên mạng lừa đảo 15.000 tỷ đồng đã được Bộ Công an khởi tố…

“Thủ tướng đã chỉ đạo, kịp thời yêu cầu, giao Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan xây dựng đề án quản lý loại tiền ảo này. Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ra văn bản không công nhận bitcoin là đồng tiền ở Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.

Ông cũng thông tin thêm, tình trạng nhập máy đào bitcoin thời gian qua diễn ra rất sôi động. Theo số liệu của Bộ Tài chính từ năm ngoái đến nay, cả nước đã nhập 15.600 bộ máy đào tiền ảo.

Cụ thể, năm 2017, lượng máy nhập về là hơn 9.300 bộ. Trong đó, hơn 2.300 bộ nhập về Hà Nội, khoảng 7.000 bộ nhập về TP HCM, còn lại là Đà Nẵng.

Năm 2018, chỉ tính riêng hơn 4 tháng đầu năm, lượng máy đào tiền ảo nhập về Việt Nam đã đạt con số hơn 6.300 bộ, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn gồm Hà Nội và Sài Gòn. Trong đó, Sài Gòn nhập 2.009 bộ, Hà Nội nhập hơn 4.300 bộ.

Sau phần trả lời của Phó Thủ tướng, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cũng nêu quan điểm: Qua nghiên cứu lịch sử phát triển đồng tiền từ buổi sơ khai đã có quá trình chuyển từ hàng đổi hàng, tiến tới dùng mỏ chim đại bàng và những vật có giá trị hơn để trao đổi. Để thuận tiện cho cất giữ, sau đó người ta dùng kim loại quý như vàng và đến bây giờ để thuận tiện hơn nữa thì dùng tiền giấy.

Theo đại biểu, trong từng giai đoạn lịch sử, đồng tiền, vật ngang giá đó có sự thay đổi. Nay đến giai đoạn nền kinh tế tri thức, khoa học công nghệ phát triển, đã ở thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 thì việc ra một đồng tiền ảo ngang giá để thanh toán trong hệ thống phải coi như xu hướng.

“Bây giờ Chính phủ vẫn chưa đặt vấn đề là vẫn đề nghị cấm hay nghiên cứu cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý quản lý tiền ảo. Tôi nghĩ rằng nên nghiên cứu theo hướng thứ 2 chứ không nên cấm, coi đây là một xu thế của phát triển. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu”, đại biểu đề xuất.

Tuy nhiên, ngay sau đề xuất của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Xu thế phát triển nhưng pháp luật Việt Nam chưa cho phép lưu hành tiền ảo. Cho tới giờ phút này, pháp luật Việt Nam chưa đồng ý cho lưu hành tiền ảo”.

Trước đó, báo cáo về nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, máy xử lý dữ liệu tự động không nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu và không thuộc danh mục quản lý chuyên ngành hay hàng hoá gây mất an toàn nên doanh nghiệp được phép làm thủ tục nhập khẩu một cách dễ dàng.

Thế nhưng, thời gian qua, việc sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, litecoin cho mục đích khai thác tiền ảo có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phức tạp trong công tác quản lý, dễ bị các đối tượng lợi dụng để sử dụng như tiền tệ hoặc một phương pháp thanh toán khác. Điều này đã vi phạm Nghị định 101 của Chính phủ về việc thanh toán không dùng tiền mặc đã được sửa đổi bổ sung.

Theo Bộ Tài chính, vụ lừa 15 nghìn tỷ đồng xảy ra tại TP HCM mới đây là điển hình cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý khi có tới hơn 32.000 người đã bị lừa thông qua mô hình đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước cần cần có biện pháp quản lý chặt chẽ với việc nhập khẩu và sử dụng mặt hàng này.

Do vậy, để ngăn chặn kịp thời các sự vụ khác có thể xảy ra, trước mắt, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền ảo kể trên.

Theo Phương Dung/ân trí