Đi lễ Đền Ông Hoàng Bảy cầu gì? Đền ông Hoàng Bảy ở đâu?
Posted by Nguyễn Tấn Đích
Đền thờ ông Hoàng Bảy ở vùng đất Bảo Hà, Lào Cai là ngôi đền linh thiêng luôn tấp nập dòng người từ mọi miền về lễ bái, cầu cúng. Vậy ông Hoàng Bảy là ai? Tại sao ngôi đền thờ này lại được mọi người sùng bái và tin tưởng đến vậy? Khi đi lễ đền ông Hoàng Bảy cầu gì và nên chuẩn bị những gì? Hãy cùng chúng tôi đi tìm lời giải đáp cho những thắc mắc trên nhé!
Ông Hoàng Bảy là ai?
Ông Hoàng Bảy thực sự là ai vẫn còn là một bí ẩn bởi không có nhiều tài liệu lịch sử ghi lại thân thế và cuộc đời của ông, chỉ có những câu chuyện truyền kỳ được thêu dệt lên xoay quanh vị thần linh thiêng đất Bảo Hà này.
Ông Hoàng Bảy được biết đến nhiều nhất là một người anh hùng miền sơn cước, đã có công dẹp giặc loạn phương Bắc và hi sinh anh dũng cho đất nước. Xác của ông trôi theo dòng sông Hồng, tới Bảo Hà thì dừng lại, sau đó đã được người dân nơi đây chôn cất và lập đền thờ dưới chân núi Cấm, quay mặt ra sông Hồng để trấn yểm cho vùng đất biên giới, được bình yên, thịnh vượng.
Dân gian truyền miệng rằng ông Hoàng Bảy chính là con của Đức Vua Cha giáng xuống trần gian làm con trai trong dòng tộc họ Nguyễn để cứu giúp dân lành khỏi cảnh đau thương tang tóc khi loạn giặc phương Bắc tràn tới vào cuối đời Cảnh Hưng (1740- 1785). Trong một trận chiến không cân sức, ông đã bị giặc sát hại dã man rồi ném xác xuống sông Hồng.
Tương truyền rằng khi ông bị sát hại, trời nổi cơn vần vũ, kết thành hình thần mã. Từ thi thể của ông phát ra ánh hào quang rồi phi lên thân ngựa, đến Bảo Hà thì dừng lại. Sau này khi hiển linh, ông được ngự trong dinh Bảo Hà và được quyền trấn giữ đất Lào Cai.
Người dân mỗi khi đi qua đền ông Hoàng Bảy đều dừng lại thắp hương cầu khấn xin việc làm ăn buôn bán hay mọi sự đều thuận lợi hanh thông. Từ đó, danh tiếng ngôi đền linh thiêng được đồn đi khắp mọi miền đất nước. Người dân tứ xứ thập phương đều tìm đến đây để cầu may và xin tài lộc.
*** Xem thêm : Căn cô Chín có lộc gì? Người có căn cô Chín tính cách như thế nào?
Đền ông Hoàng Bảy ở đâu?
Đền thờ ông Hoàng Bảy được xây dựng ở ngay dưới chân núi Cấm, cạnh dòng sông Hồng thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng 60 km về phía Nam. Nơi đây đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1977.
Đền thờ có phong cảnh sơn thủy hữu tình, trước mặt là dòng sông Hồng, xung quanh là rừng núi bao la hùng vĩ, đúng thế “tựa sơn đạp thủy”, xét về phong thủy thì hài hòa từ cảnh quan cho đến kiến trúc truyền thống.
Cách di chuyển từ Hà Nội lên đền thờ ông Hoàng Bảy như thế nào?
Nếu xuất phát từ Hà Nội, có thể đi bằng 3 cách:
- Di chuyển bằng xe máy
: Có thể đi dọc theo quốc lộ 32 tới thành phố Yên Bái rồi đi theo đường tỉnh lộ DT136 lên tới đền Bảo Hà
- Di chuyển bằng ô tô cá nhân
: đi theo đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai khoảng 240km sẽ có biển chỉ dẫn hướng đi vào đền Bảo Hà
- Di chuyển bằng xe khách
: có thể chọn xe khách Hà Nội- Bảo Hà hoặc đi xe Limousine đưa đón tận nơi vô cùng thuận tiện.
- Di chuyển bằng tàu hỏa
: chọn tàu hỏa đi thẳng từ ga Hà Nội tới ga Bảo Hà. Đền thờ chỉ cách ga Bảo Hà khoảng 800m
Đi lễ đền ông Hoàng Bảy cầu gì?
Dân gian có câu “Cầu tài ông Bảy, cầu quan ông Mười”, ý muốn nói muốn cầu tài lộc thì lễ đền ông Hoàng Bảy, còn muốn cầu quan lộ thì nhờ cậy ông Hoàng mười. Chính vì thế, người từ thập phương đều tìm đến nơi đây để cầu may cầu mát, mong cho việc làm ăn buôn bán được thuận lợi hanh thông, làm đâu trúng đó. Những người làm kinh doanh, bất động sản… cũng thường đến đền dâng lễ xin lộc. Ngoài ra, cũng có nhiều người đi lễ cầu an, cầu lộc, mong cho cuộc sống được yên ổn, bình an.
Đền ông Hoàng Bảy nức tiếng khắp gần xa về sự linh thiêng, ứng nghiệm. Con nhang khắp chốn chỉ cần có lòng thành, lễ mọn dâng lên ngài hầu hết đều có thể được như ý nguyện. Cũng chính vì thế, nhiều người đồn thổi, kháo nhau rằng ông Hoàng Bảy có thể cho “lộc số má” cho thỏa ước vọng đổi đời. Thậm chí trước kia còn có nhiều “dân anh chị” mang cả bàn đèn, thuốc phiện dâng ông Hoàng Bảy để mời thánh lấy lộc, cầu cho được lộc lô đề, buôn lậu trót lọt.
Những hình ảnh xấu kể trên đã làm méo mó hình ảnh của một nơi thờ tự linh thiêng, khiến cho hình tượng của một vị “Thần vệ quốc” tâm sáng như gương, tài đức vẹn toàn bỗng chốc trở thành một vị Thánh đào hoa, ăn chơi trác táng cùng rượu chè thuốc phiện. Đó là tội lỗi của con người, là tiếng oan muôn đời sinh ra từ chính tâm lý sính lễ lộc tiền tài, chỉ mong lười nhác ăn chơi vẫn có thể đổi đời đổi vận.
Đi lễ chốn linh thiêng chỉ nên cầu an, cầu may, cầu lộc, tránh để những tham vọng trần tục, phù phiếm làm mạo phạm đến thánh thần, làm mất đi những giá trị tâm linh tốt đẹp.
Thời gian nên đi lễ đền ông Hoàng Bảy trong năm
Đền ông Hoàng bảy thường diễn ra nhiều lễ hội trong năm, trong đó bạn nên đi lễ đền ông Hoàng Bảy vào những ngày lễ chính là:
- Lễ Thượng Nguyên
vào ngày rằm tháng giêng.
- Lễ tiệc quan tuần tranh
vào ngày 25/5 âm lịch.
- Lễ Tết muộn
vào Tất niên.
- Ngày giỗ chính
của ông vào ngày 17/7 âm lịch hàng năm.
Nhất là vào mỗi dịp tháng 7, đền ông Hoàng Bảy luôn tấp nập người ra kẻ vào, ngựa mã xếp thành hàng dài đốt mấy ngày không hết. Nếu đi lễ vào dịp này cần có sự chuẩn bị tốt vì sẽ khó mà tìm được một chỗ đứng đẹp trong sự chật chội, hỗn loạn của dòng người.
Hướng dẫn sắm lễ khi đi đền ông Hoàng Bảy
Khi đi lễ đền ông Hoàng Bảy có thể sắm lễ chay lễ mặn đều được. Lễ to hay nhỏ không quá quan trọng mà cốt ở lòng thành tâm, bởi phần âm chứng tâm không chứng lễ, lễ cao cỗ đầy mà không có lòng thành thì cũng như không.
Nếu đi lễ cá nhân có thể chỉ cần sắp gói bánh, xấp tiền vàng, nén hương và một lòng thành tâm. Nếu đi lễ theo đoàn, có thể chuẩn bị lễ theo như sau:
- Lễ mặn
: mâm xôi, con gà trống, trứng gà, rượu, xấp tiền vàng
- Lễ chay
: hoa tươi, quả tốt, bánh kẹo, trà thuốc, rượu bia, nước ngọt hay nước khoáng, vàng lá, hương nến, trầu cau, 1000 vàng bốn phủ, 1000 vàng tấm và tiền trần. Có điều kiện thì sắm thêm ngựa mã, quần, áo, hia mũ đầy đủ.
Bài văn khấn nôm khi đi lễ đền ông Hoàng Bảy
Khi đi lễ đền ông Hoàng Bảy, nếu không thuộc căn đồng số lính hay căn thầy thì có thể khấn nôm như sau:
Con niệm Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Con lạy chín phương trời, con lạy mười phương đất, con lạy chư Phật mười phương, mười phương chư Phật.
Con lạy chư Phật, chư tiên, chư thánh
Con lạy thánh Hoàng Bảy tối linh
Đệ tử con tên là… năm nay …. tuổi… ngụ tại….
Hôm nay là ngày… chúng con có chút hương hoa, phẩm quả, lễ mặn (dâng gì thì kêu đó, lưu ý không bày lễ mặn ở nơi cúng Phật) xin dâng lên các chư tiên chư thánh để cảm tạ ơn đức của các ngài đã phù hộ cho chúng con suốt thời gian qua. Vừa qua được sự lưu tâm độ trì của các ngài mà công việc của con đã hanh thông trọn vẹn. Chúng con xin được cảm tạ và lễ tạ tất cả các ngài.
Hôm nay chúng con tới đây với tất cả lòng thành kính xin các ngài phù hộ độ trì cho con các việc như sau… (nêu cụ thể các việc cần xin)
Một lần nữa, thay mặt gia chung chúng con, con xin các ngài ra tay cứu giúp cho chúng con. Chúng con xin đa tạ thánh Hoàng Bảy tối linh và toàn thể các chư tiên, chư thánh.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
*** Xem thêm : Đền cô Bơ ở đâu? Cần chuẩn bị những gì khi trước khi đi lễ cô Bơ?
Những lưu ý khi đi lễ đền ông Hoàng bảy
Để việc đi lễ được chứng giám và có kết quả tốt, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
#1. Kêu cầu gia tiên chu đáo
Trước khi đi lễ đền ông Hoàng Bảy hay ở bất cứ đâu, cần kêu cầu, báo cáo với gia tiên cẩn thận trước khi đi. Nếu đã nói tới chuyện đi lễ thì nhất định phải thực hiện.
Gia tiên đều hoan hỉ khi con cháu có lòng thành tâm, biết hướng tới cửa Phật thánh, thậm chí còn lên bẩm báo trước với cửa trên để mong các ngài lưu ý cho con cháu mình.
#2. Đi đến nơi, về đến chốn, không rẽ ngang rẽ dọc
Trên đường đi lễ đền ông Hoàng Bảy hay lễ ở bất cứ đâu cũng không nên rẽ ngang rẽ dọc, tranh thủ đi ngắm chỗ này chỗ kia rồi mới vào đền. Phải đi đến nơi, về đến chốn, đã đi lễ thì việc đặt lên hàng đầu là đi lễ, xong xuôi hết mới vãn cảnh hay thưởng ngoạn…
Ngoài ra, cần chuẩn bị thật chu toàn trước khi đi, để tránh gặp phải những sự cố không mong muốn trên đường, hay trong quá trình làm lễ, như vậy mới tỏ rõ được sự thành tâm và tấm lòng của mình đối với chư Phật thánh thần.
#3. Mua đồ lễ tươi ngon nhất, không ham của rẻ đồ ôi
Có thể sắm lễ tại nhà rồi mang đi hay sắm lễ ở những khu gần đền ông Hoàng Bảy, tùy theo điều kiện và sự thuận tiện của gia chủ. Tuy nhiên, dù sắm ở đâu cũng phải chọn hoa tươi quả tốt, tuyệt đối không ham nhiều mà tham của rẻ của ôi.
Lễ lạt cốt ở cái tâm, không cốt ở số lượng. Chọn những đồ tươi tốt nhất để dâng lên các ngài chính là thể hiện sự thành kính, thành tâm. Có như vậy thì mới được các ngài chứng giám.
#4. Chỉ hạ lễ khi hương đã cháy được ⅔ trở lên
Khi đi lễ đền ông Hoàng Bảy, cần lễ thật thành tâm, tuyệt đối không nên nhanh nhanh chóng chóng hạ lễ để mang sang chỗ khác, như vậy thậm chí có thể coi là thái độ bất kính.
Chỉ nên hạ lễ khi hương đã cháy được ⅔, nếu không vội có thể để nguyên đó đợi các ngài chứng giám.
Khi hạ lễ cũng đừng nên tham lộc thánh mà lấy của người khác, cũng đừng tranh cướp kỳ kèo, vừa làm mất đi vẻ đẹp của chốn linh thiêng, lại làm xấu hình ảnh của mình trong mắt thánh.
#5. Không đặt tiền lẻ khắp mọi nơi
những nơi
Việc rải tiền lẻ ở khắp mọi nơi trong các khu thờ tự linh thiêng như đình chùa, đền miếu dường như là một thói quen khó bỏ của rất nhiều người. “Vấn nạn” này nên được dẹp bỏ, bởi nó làm mất đi giá trị tâm linh. Rải tiền lẻ ở tất cả các ban, không phân thứ bậc, ngẫm mà nói chẳng khác gì phát cho ăn mày.
Để thể hiện lòng thành, bạn chỉ cần đặt tiền chẵn ở ban Công Đồng, để các quan phân chia, ban phát theo thứ bậc, vừa không gây mất mỹ quan, lại tỏ được tấm lòng của mình.
#6. Công đức cốt không cần ghi nhận
Đã đóng góp tiền công đức bằng tấm lòng thành của mình, thì không nên mang phiếu công đức về như một “giấy chứng nhận” cho việc thiện của mình mà nên hóa cùng vàng mã tại đây. Đã là công đức, cốt ở tấm lòng, không cần ai phải ghi nhận. Có lòng thành thì quan trên sẽ tự minh xét, chứng giám, làm phúc mà kể công thì cũng như không.
#7. Không tham cầu: ắt sẽ nhận được điều tốt đẹp
Khi đi lễ đền ông Hoàng Bảy hay ở bất cứ đâu, hay giữ một tâm thái an yên, giữ cho lòng được nhẹ nhàng, thảnh thơi, không tham cầu, tham lộc thì ắt sẽ nhận được những điều tốt đẹp.
Lời kết
Hy vọng những thông tin chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn có được những thông tin hữu ích xoay quanh vấn đề đi lễ đền ông Hoàng Bảy. Hãy nên nhớ rằng, lễ lạt cốt ở sự thành tâm, có như vậy mới mong nhận được sự chứng giám và nhận được những điều tốt đẹp.
Cảm ơn vì đã dành thời gian cho chúng tôi! Chúc bạn cùng gia đình mạnh khỏe, an khang!