Đi qua cổng làng (Bài cuối): Giữ hồn quê trên cổng làng
Mục lục bài viết
Đi qua cổng làng (Bài cuối): Giữ hồn quê trên cổng làng
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, các kiến trúc sư thì cổng làng ngày xưa đẹp vì rêu phong, cổ kính và khó có thể đẹp được khi ốp lát vật liệu hiện đại. Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, cổng làng lại mang hình ảnh kiến trúc hiện đại, đẹp cũng có đẹp nhưng không thể so với nét cổng của các cụ ngày xưa. Cổng làng nay nhiều khi chỉ quan tâm đến khía cạnh phô trương về vật liệu, quy mô nhiều hơn là yếu tố văn hóa… Đó cũng là một thực tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bài viết này, tôi nhận ra được nhiều điều mà ở đó để xây cổng làng thời hiện đại cũng là một cuộc hành trình không dễ với người dân…
Nói không dễ bởi xây cổng làng hiện đại cũng đặt ra nhiều vấn đề khó. Bên cạnh sự đồng thuận của người dân và có nguồn kinh phí xã hội hóa thì việc cân nhắc xây cổng với kiến trúc, kiểu dáng ra sao, mẫu mã thế nào, tên làng, câu đối… lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Quan trọng là cổng làng của thời hiện đại vẫn phải giữ được chút nét truyền thống. Với ngày hôm nay, có thểđã là muôn kiểu cổng làng nhưng dù thế nào thì đằng sau đó là cả sự tâm huyết của những người con được sinh ra từ làng…
Cổng làng Trung, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc giữ nét xưa ở thời hiện đại.
Cổng làng có 2 tên gọi
Trong ký ức của ông Nguyễn Ngọc Loan, Trưởng làng văn hóa Nhân Cao, xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa) thì thời xưa, cổng làng ông nhỏ và được làm bằng tre, nằm ở dưới đê Bao. Qua đi thời gian, với sự thay đổi của thời cuộc, cổng làng tre đã không còn. Năm 2012, làng Nhân Cao bắt đầu xây dựng lại cổng làng. Và trong 3 tháng thì xây xong với cổng tam quan (1 lối chính, 2 lối ngách), 2 bên trụ cổng có khắc câu đối, mái cổng lợp ngói có 3 lớp, mỗi góc đều có đầu đao, mang dáng dấp đầu đao ở đình, chùa…
Nhưng đặc biệt, tên gọi cổng làng Nhân Cao khắc 2 tên đó là làng NhânCao và làng Ngói. Ông Nguyễn Ngọc Loan lý giải: “Trước khi ghi tên làng lên cổng thì tôi cũng có bàn bạc, xin ý kiến của người dân. Ngày xưa làng Nhân Cao còn có tên gọi làng Ngói. Chính vì vậy, từ trong làng đi ra thì ghi làng Ngói, ở ngoài đi về ghi làng Nhân Cao. Trước khi đi thì vẫn còn làng Ngói, khi trở về lại là làng Nhân Cao, con cháu đi về cũng thấy được sự đổi mới của quê hương, biết được nguồn gốc tên làng… Cổng làng tôi chỉ nhờ người biết về xây dựng, lên bản vẽ và chúng tôi căn cứ vào đấy để xây nên kiến trúc cũng rất đơn giản… Với chúng tôi, quan trọng nhất đó là làng đã có cổng để thấy được cái nét văn hóa xưa ở trong đó”.
Đi sưu tầm 5.000 câu đối, không có câu nào phù hợp
Cố nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã từng chia sẻ: “Tôi tin ai cũng có một ký ức tuyệt vời về chiếc cổng làng và những kỷ niệm quý giá thời thơ ấu, ngay từ việc xây dựng cổng làng, ông cha ta đã có ý nhắn nhủ thế hệ mai sau qua kiến trúc, nét chữ, hình ảnh, ý tứ ở mỗi dòng câu đối”.
Và thật khó tin khi mà phần lớn cổng làng xứ Thanh có khắc câu đối 2 bên trụ cổng thì cổng làng Thành Phú ở thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc) lại không có câu đối. Ông Trịnh Văn Dung, nguyên Phó Bí thư chi bộ thôn Thành Phú cho biết: “Chúng tôi rất trăn trở khi tìm câu đối cho cổng làng và dù đã tham khảo 5.000 câu đối nhưng vẫn chưa tìm được câu nào phù hợp. Quan điểm của làng là không có thì thôi, đã có thì phải ý nghĩa, đọc lên phải thấy cái riêng của làng”…
Còn tại thôn Thành Nhân của thị trấn Vĩnh Lộc cũng đã phải tổ chức thi tuyển chọn câu đối. Trong số 28 bộ câu đối tham gia thì chọn được 2 bộ để đưa vào cổng làng Thành Nhân.
Qua việc tìm câu đối để thấy được sự cẩn trọng, cân nhắc chứ không thể tùy tiện. Đây cũng là một cuộc trình tốn khá nhiều thời gian, công sức trong quá trình xây dựng cổng làng.
Cổng làng có cửa
Thật hiếm hoi khi trong quá trình đi lấy thông tin cho bài viết này, chúng tôi đã bắt gặp 4 cái cổng làng có cửa ở xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc). Đây được xem là 4 cái cổng làng độc đáo nhất ở xứ Thanh tính đến thời điểm hiện tại. Bởi lẽ, cổng làng thời hiện đại thường không có cửa nhưng riêng ở Vĩnh Thịnh, cổng chính và 2 bên ngách đều có cửa. Mới đây, xã Vĩnh Thịnh đã cho lắp camera an ninh ở ngay 4 cổng làng này. Theo chia sẻ của ông Trịnh Đình Hòe, công chức văn hóa xã Vĩnh Thịnh thì cổng làng ở đây được áp dụng vào quy tắc cổng làng xưa. Ông nói: “Các cụ trong làng có kể lại, những cổng làng xưa cứ đến giờ là đóng cửa và có khe tuần gác ngày cổng. Chính vì vậy mà cổng làng Vĩnh Thịnh ngày nay cứ sau 22h thì 4 cổng làng này đều đóng và sẽ mở vào lúc 5h sáng. Khi cửa đóng thì người dân cũng như khách chỉ đi con đường chính duy nhất và người lạ vào làng là có dân quân tự vệ kiểm tra… Từ khi cổng làng có cửa, tình hình trộm cắp của địa phương giảm đi rõ rệt và tình hình an ninh trật tự được đảm bảo hơn”.
Và không chỉ dừng ở cổng làng có cửa, trên đất Thanh Hóa còn những cổng làng thời hiện đại cũng rất “độc nhất vô nhị” như cổng làng Long Linh Nội ở xã Trường Hồng (Thọ Xuân) khi tại làng này có tới 2 cổng đó là cổng tiền, cổng hậu. Theo quan niệm thì cổng tiền (cổng trước) là đón nhận những gì tốt đẹp nhất còn cổng hậu (cổng sau) tống tiễn những vướng bận, buồn rầu…
Với những câu chuyện về cổng làng nói trên chỉ mới gói ghém được phần nào về xây dựng cổng làng thời hiện đại. Nhưng qua đó cũng thấy được, xây dựng một cái cổng làng cho hôm nay không hề đơn giản, cũng phải tìm tòi, sưu tầm và thiết kế… So sánh với cổng làng của thời xưa là vô cùng khập khiễng nhưng với những người dân thì cổng làng của hôm nay đã mang được cái dáng dấp, hình hài của cổng làng xưa, dù không nhiều.
Tôi nhớ đến câu chuyện của kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường đấy là khi người kiến trúc sư này được một làng nhờ thiết kế cổng làng. Kiến trúc sư có tâm sự, rằng: “Là kiến trúc sư, tôi vẽ ra mẫu cổng theo ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, có nét của kiến trúc truyền thống, mái ngói, cột tròn, đao cách điệu, có cả hoa văn. Bà con có nhiều ý kiến, có người bảo tôi nên vẽ giống cái cổng của làng này, làng kia. Tôi bảo lưu ý kiến vẽ theo phương án nghiên cứu của mình, cũng may khi xây xong được đánh giá tốt, bà con tự hào vì cái cổng làng mình chả giống ai, phải chăng đấy là “bản sắc”? Tôi thấy vui vì đã đạt được nguyện vọng của bà con, vừa túi tiền, phù hợp không gian, hiện đại và “chả giống ai”. Phấn khởi nhất chính là bà con đã nghe ý kiến chuyên môn để công trình đi ra từ trang giấy vào thực tế”.
Với sự ra đời của những chiếc cổng làng thời hiện đại đó là cả một sự cố gắng, đáng trân trọng của người dân. Hãy khoan bàn đến câu chuyện rằng phải xây được cổng làng nay như cổng làng xưa. Nhà nghiên cứu Phan Cảm Thượng đã từng nói: Chức năng của cái làng và kiến trúc làng ngày nay đã khác. Việc xây dựng một cổng làng kiểu cổ xưa không còn phù hợp. Nếu còn cổng cũ thì nên giữ nguyên làm di sản văn hóa, nếu không còn cũng nên xây mới cho phù hợp với khung cảnh kiến trúc hiện đại nói chung. Tất nhiên, cổng làng đóng vai trò hình ảnh đầu tiên của cái làng, do đó nó cần được nghiên cứu và thiết kế cẩn thận”.
Hoàng Việt Anh