Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại mang tính phổ quát, vượt thời đại và vẹn nguyên tính thời sự
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Khóa họp lần thứ 24 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris (từ ngày 20/10 đến 20/11/1987) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 ghi nhận “năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”. Nghị quyết khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm và đề nghị Tổng giám đốc UNESCO triển khai các biện pháp thích hợp “bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người”.
Nhân dịp 35 năm (1987 – 2022) UNESCO ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã có cuộc trao đổi với báo chí làm sáng tỏ hơn những giá trị của di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trao đổi.
Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa về việc cách đây 35 năm UNESCO ra Nghị quyết vinh danh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”?
Trên hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với các dân tộc, các nền văn minh khác nhau. Sự kết tinh giữa văn hóa dân tộc và tinh hoa nhân loại đã mang đến cho Người một thế giới quan toàn diện, độc đáo. Những nơi Người đã đi qua, thậm chí những nơi Người chưa từng tới nhưng tư tưởng, giá trị nhân văn, đạo đức và nhân cách của Hồ Chí Minh luôn mang sức lôi cuốn, lan tỏa mãnh liệt, tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, công lý, dân chủ và tiến bộ xã hội ở nhiều nơi trên thế giới. Với những “đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật”, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất”.
Nghị quyết là minh chứng hùng hồn khẳng định sự đúng đắn, chính nghĩa của sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam, là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh của nhân loại trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Nghị quyết cũng là sự cổ vũ, ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc Đổi mới, phát triển đất nước của Việt Nam, để từ đó đất nước ta có được thành quả như ngày nay.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc. Ảnh: TTXVN/phát
Sự vinh danh của UNESCO cho thấy những giá trị gì trong di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước ta và nhân loại hiện nay, nhất là trong điều kiện toàn Đảng đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh?
Di sản Hồ Chí Minh là một tổng thể thực tiễn và lý luận, bao gồm toàn bộ cuộc đời sinh động, sự nghiệp vĩ đại, tư tưởng tiến bộ, đạo đức sáng ngời, phong cách giản dị, cao quý của Người. Di sản Người để lại mang tính phổ quát, vượt thời đại và vẹn nguyên tính thời sự. Đó là độc lập tự chủ, giải phóng con người, đoàn kết quốc tế, coi trọng đa dạng văn hóa; diệt giặc dốt gắn với xóa nạn mù chữ; học tập suốt đời gắn với giáo dục toàn cầu; tết trồng cây gắn với bảo vệ môi trường…