Di sản Thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng

Di sản Thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng

08/07/2016 11:07


Năm 2015, Phong Nha – Kẻ Bàng lần thứ hai được UNESCO vinh danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới với hai tiêu chí về hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình – miền Trung Việt Nam. Với tổng diện tích 343.300ha, trong đó vùng lõi là 123.300ha và vùng đệm là 220.000ha, Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc địa phận các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa, cách thành phố Đồng Hới 50km về hướng Tây Bắc. Hãy cùng tìm hiểu về vườn quốc gia tuyệt đẹp này nhé!

Hệ thống hang động đẹp hút mắt

Tháng 8 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định mở rộng vườn quốc gia này lên 1233,26 km2. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được thành lập với mục đích thiết lập một vòng bảo vệ hệ sinh thái cùng với khoảng 300 hang động ở đây. Điểm đặc biệt của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi ở 300 hang động, các sông ngầm và hệ thống thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. 

Các hang động của vườn có tổng chiều dài khoảng hơn 80km nhưng cho đến thời điểm hiện nay các nhà thám hiểm trong cũng như ngoài nước mới chỉ thám hiểm được hơn 20 km.

Hệ thống động Phong Nha bắt nguồn từ phía Nam của vùng núi đá vôi Kẻ Bàng. Cửa chính của hệ thống động này là động Khe Ry và động Én nằm ở độ cao khoảng 300m so với mặt nước biển. Các hang trong hệ thống này phân bổ theo dạng cành cây chạy theo hướng Đông Bắc – Tây Nam.

Tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có khoảng 300 hang động lớn nhỏ trong đó lớn nhất là động Phong Nha. Ảnh: internet

Hệ thống hang Vòm có tổng chiều dài trên 35km bắt nguồn từ hang Rục Cà Roòng, nằm ở độ cao 360m so với mặt nước biển và kết thúc là hang Vòm. Hệ thống hang Vòm nằm trên trục có hướng chung là Nam – Bắc. Sông Rục Cà Roòng lúc ẩn mình trong núi đá, lúc lại xuất hiện trên những thung lũng hẹp và sâu, cuối cùng đổ ra sông Chày ở cửa hang Vòm.

Hệ thống hang Rục Mòn nằm ở địa phận huyện Minh Hóa cũng là một trong những hang động lớn nhưng chưa được khai thác nhiều.

Một số hang động tiêu biểu ở Phong Nha – Kẻ Bàng là động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường, hang Tối, hang Én, hang Khe Ry, đặc biệt hang Sơn Đoòng được đánh giá là hang động lớn nhất thế giới với chiều cao khoảng 200m, có nơi lên đến 250m, rộng 200m, chiều dài ít nhất là 8,5km.

Năm 2009, đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã phát hiện và công bố hang Sơn Đoòng là hang động có kích thước lớn nhất thế giới. Hang Sơn Đoòng cao 200m và rộng 150m, lớn hơn nhiều lần những hang trước động lớn trên thế giới như hang Deer ở Vườn Quốc gia Gunung Mulu, Malaysia và lớn gấp gần 5 lần so với Phong Nha.

Bảo tàng địa chất khổng lồ

Phong Nha – Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 200.000ha, khu vực tiếp giáp vườn quốc gia này cũng có diện tích núi đá vôi khoảng hơn 200.000 ha, Diện tích vùng lõi của Vườn Quốc gia là 85.754 ha và một vùng đệm rộng 195.400 ha.

Chính vì thế, Phong Nha – Kẻ Bàng được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ có giá trị và mang ý nghĩa toàn cầu bởi cấu trúc địa lý phức tạp, tập hợp nhiều loại đá khác nhau như sa thạch, thạch anh, phiến thạch, đá vôi chứa silic, đá mac-nơ, đá granodiorite, đá diorite, đá aplite, pegmatite… Phong Nha – Kẻ Bàng cũng chứa đựng lịch sử phát triển địa chất phức tạp, lâu dài từ 400 triệu năm trước của trái đất. Trải qua các giai đoạn kiến tạo quan trọng và các pha chuyển động đứt gãy, phối tảng, uốn nếp đã tạo ra các dãy núi trùng điệp và các bồn trầm tích bị sụt lún. Những biến động trên cũng đã góp phần tạo nên sự đa dạng về địa chất, địa hình, địa mạo.

Phong Nha – Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 200.000ha. Ảnh: internet

Vùng đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng có những đặc trưng toàn cầu trong nhiều giai đoạn phát triển từ kỷ Ordovic muộn – Silur (463,9 – 430 triệu năm trước) đến kỷ Đệ Tứ (1,75 triệu năm trước). Một đặc điểm mang tính đặc thù ở đây là hệ thống sông chảy ngầm và các hang động trong lòng núi đá vôi.

Vùng địa mạo phi đá vôi có đặc điểm chung là núi thấp với thảm thực vật phủ trên bề mặt. Quá trình bào mòn tạo ra các thềm dọc theo các thung lũng của các sông Son, sông Chày hay tại các bờ của các khối núi đá vôi ở vùng trung tâm. Vùng địa hình chuyển tiếp là những dạng khác nhau xen giữa các núi đá vôi.

Hệ sinh thái đa dạng và phong phú

Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là một trong 10 di sản văn hóa thế giới của Việt Nam và là nơi sinh sống của 113 loài thú lớn, nổi bật nhất là hổ và bò tót, và có loài bò rừng lớn nhất thế giới, với 302 loài chim, trong đó có tới 35 loài nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và 19 loài nằm trong Sách đỏ của  thế giới; 81 loài bò sát lưỡng cư (18 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 6 loài Sách đỏ thế giới); 259 loài bướm; 72 loài cá, trong đó có 4 loài đặc hữu Việt Nam. Năm 1996, ở đây có loài cá mới phát hiện ở Việt Nam. Linh trưởng có 10 bộ linh trưởng, chiếm 50% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở Việt Nam, 7 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là voọc Hà Tĩnh, sao la, mang.Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được đánh giá là có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng phong phú nhất trong tất cả các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển quốc gia trên thế giới. 

Đây còn là nơi có hệ thống linh trưởng phong phú bậc nhất Đông Nam Á. Năm 2002, nhà khoa học Đức Thomas Zegler đã phát hiện ra một loài thằn lằn tai mới có tên là Tripidophrus Nogei tại vùng núi Karst thuộc khu vực Chà Nòi. Loài thằn lằn này đã được đăng trên số báo 114 (2) phát hành tháng 7 năm 2007 của tạp chí Revue Suise De Zoologie. Các nhà khoa học đã đặt tên loài này là Thằn lằn Phong Nha – Kẻ Bàng (danh pháp khoa học: Cyrtodactylus phongnhakebangensis). Các nhà khoa học Đức đã xây dựng một khu giới thiệu Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tại Vườn thú Köln để giới thiệu về sự đa dạng sinh học của vườn quốc gia này, ở đây cũng là nơi phát hiện ra loại rắn mai gầm mới. Qua một thời gian khảo sát tại vườn quốc gia các nhà khoa học Đức, Nga và Việt Nam đã phát hiện thêm 10 loài mới trong vườn quốc gia này, trong đó bao gồm 5 loài rắn, 5 loài tắc kè, thằn lằn, nhiều loài trong số mới phát hiện này là động vật đặc hữu ở đây.

Một số loài động vật quý hiếm tại vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng. Ảnh: internet

Các nhà khoa học Việt Nam và  Nga thuộc Viện Động vật hoang dã Sankt-Peterburg, các nhà khoa học Đức của Vườn thú Köln đã phát hiện thêm tại vườn quốc gia này hơn 100 loài mới trong khu hệ cá đang sinh sống. Đặc biệt là mười loại cá chưa từng thấy ở Việt Nam cũng đã được phát hiện ở vườn quốc gia này.

Trong 3 loài cá ở Phong Nha – Kẻ Bàng được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam thì đã có 2 loài cá chình. Đó là cá Chình hoa (Anguilla marmorota) và cá Chình mun (Anguilla bicolo).

Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN) đánh giá động thực vật ở Phong Nha – Kẻ Bàng có sự đa dạng cao nhất ở Việt Nam và rất cao so với các di sản thế giới các nước trong và ngoài khu vực.

Với những giá trị trên, Phong Nha – Kẻ Bàng là vườn quốc gia thứ ba châu Á và đầu tiên trong khu vực đạt 3 trên 4 tiêu chí dành cho một di sản thiên nhiên.

Hiện nay, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là một trong những điểm đến được yêu thích nhất của khách du lịch trong cũng như ngoài nước của tỉnh Quảng Bình nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Tổng hợp

Xem thêm

Frill Gallery: “Chúng tôi tự hào vì được góp phần vào biểu tượng du lịch mới của Việt Nam”

Frill Gallery: “Chúng tôi tự hào vì được góp phần vào biểu tượng du lịch mới của Việt Nam”

Điểm danh 5 trải nghiệm mới toanh chỉ có ở Sun World Ba Na Hills từ mùa hè này

Điểm danh 5 trải nghiệm mới toanh chỉ có ở Sun World Ba Na Hills từ mùa hè này

Kiệt tác mới được gia tộc điêu khắc Frilli tạo tác trên đỉnh Bà Nà hoành tráng đến cỡ nào?

Kiệt tác mới được gia tộc điêu khắc Frilli tạo tác trên đỉnh Bà Nà hoành tráng đến cỡ nào?

Hang chùa Bụt Cao Quảng

Hang chùa Bụt Cao Quảng

Khám phá “Đảo Hải Tặc”

Khám phá “Đảo Hải Tặc”

Có thể bạn quan tâm

Top

Xổ số miền Bắc