Di sản kiến trúc Cung thiếu nhi Hà Nội sẽ biến mất?

Di sản kiến trúc XHCN

PGS-TS Phạm Thúy Loan, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, vẫn còn nhớ đề nghị của Quỹ văn hóa giáo dục Getty (Mỹ) năm 2015. Khi đó, Cung thiếu nhi Hà Nội là một trong 10 công trình hiện đại được chọn để giới thiệu trong hội thảo quốc tế về kiến trúc Đông Nam Á. Phía Getty đề nghị Việt Nam làm hồ sơ để nhận hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính . “Getty có chương trình hằng năm Keep It Modern dành cho các công trình kiến trúc thế kỷ 20. Họ sẽ tài trợ kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật để nghiên cứu bảo tồn nhằm nâng cao ý thức toàn thế giới về giá trị công trình trên cả phương diện kiến trúc lẫn lịch sử”, PGS-TS Phạm Thúy Loan cho biết.

Theo kiến trúc sư (KTS) Lê Văn Lân, người thiết kế Cung thiếu nhi Hà Nội, công trình này có 3 tòa nhà. Tòa nhà do ông thiết kế được tổ chức gắn kết với 2 tòa nhà khác để tạo thành tổng thể thống nhất. Trong đó có ngôi nhà số 36 Lý Thái Tổ,

chính là nơi Bác Hồ ký Tạm ước 6 tháng 3, sau này là Nhà truyền thống Bác Hồ với thiếu nhi thủ đô. Cung thiếu nhi cũng giữ kỷ lục là tòa nhà sử dụng thang máy đầu tiên. Có người còn cho đây là một “cú sốc” đối với giới kiến trúc thời bấy giờ do ngôn ngữ tạo hình hoàn toàn mới.

TS Trương Ngọc Lân (ĐH Xây dựng) nhận định đây là công trình ứng dụng kiến trúc truyền thống như một tuyên ngôn độc lập dân tộc. Cung thiếu nhi đã Việt hóa cửa chớp thành dạng bên ngoài tường lỗ hoa, trong là kính. Cửa này mùa hè mở kính cho mát, mùa đông đóng lại, sau cửa đến hành lang và tạo lớp đệm khí hậu. Nhiều vật liệu bản địa được sử dụng như gạch đỏ nung lát sân, gạch tường, để tạo thân thuộc.

“So với mặt bằng kiến trúc miền Bắc, đó là công trình đầu tiên người Việt tự thiết kế mang vẻ hiện đại thực sự. Trước đó, công trình đều do người nước ngoài giúp xây như ở Trường đại học Bách khoa hay khách sạn Thắng Lợi. Hoặc trước nữa, Trường đại học Thủy lợi, Bộ Kế hoạch – Đầu tư vẫn có ảnh hưởng của kiến trúc Pháp. Nhưng Cung thiếu nhi Hà Nội thì khác, nó đánh dấu bước chuyển đổi”, ông Lân nói. Do đó theo ông Lân, công trình quá xứng đáng để gìn giữ, bảo tồn với tư cách là một di sản kiến trúc thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Theo bà Loan, hồ sơ ban đầu của Cung thiếu nhi Hà Nội được gửi sang Quỹ Getty vào cuối tháng 12.2015 và nhanh chóng được chọn vòng tiếp theo. Tuy nhiên, đầu năm 2016, cung được tiến hành sửa chữa do hỏng hóc và xuống cấp. Dự án này tuy không thay đổi kết cấu công trình nhưng làm thay đổi khá nhiều đặc trưng lịch sử về chi tiết. Chẳng hạn, các hàng cột, tường sử dụng chất liệu bề mặt là đá rửa đặc trưng những năm 1970, 1980 đã được thay bằng ốp đá granite, hệ cửa kính khung thép cũ đã được thay thế bằng hệ cửa nhôm kính phổ biến hiện nay… “Với những thay đổi do dự án cải tạo này, chúng tôi đã chủ động rút Cung thiếu nhi Hà Nội khỏi danh sách chọn của Quỹ Getty 2016 vì tiêu chí nguyên gốc không còn được đảm bảo”, bà Loan nhớ lại.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam yêu cầu bảo tồn

PGS-TS Phạm Thúy Loan cũng cho biết hiện trong giới KTS có nhiều người lo ngại về số phận Cung thiếu nhi Hà Nội bên hồ Gươm khi đã động thổ xây cung thiếu nhi khác tại Cầu Giấy. Bà dự định có thể sẽ cùng nhóm làm hồ sơ Getty trước đây gửi thông tin về Cung thiếu nhi Hà Nội lên Tổ chức Kiến trúc thế giới Docomomo International để đưa vào danh mục Di sản nguy cấp. Từ đó, các chuyên gia và tổ chức quốc tế sẽ có ý kiến về việc các cấp quản lý của Hà Nội cần có kế hoạch bảo tồn, bảo vệ công trình kiến trúc hiện đại có giá trị này.

Về phần mình, TS Trương Ngọc Lân đề nghị: “Hiện nay không gian văn hóa ở Q.Hoàn Kiếm rất thiếu. Không gian công cộng, không gian công viên cây xanh ở quận này tôi nhớ theo một tài liệu nghiên cứu là rất thấp. Do đó, nên lấy nó làm không gian công cộng cho cộng đồng Q.Hoàn Kiếm”.

Trong khi đó, Hội KTS Việt Nam đã có Văn bản 38 về việc bảo tồn cung thiếu nhi do Chủ tịch hội, TS-KTS Phan Đăng Sơn ký. “Hội KTS Việt Nam và dư luận rất lo lắng, băn khoăn bởi sau khi Cung thiếu nhi Hà Nội mới đi vào hoạt động thì Cung thiếu nhi Hà Nội hiện giờ sẽ được sử dụng thế nào”, văn bản nêu rõ.

“Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội là tài sản của nhà nước, nên quỹ đất này chỉ có thể làm công trình phúc lợi xã hội, không xây dựng chung cư, nhà cao tầng, công trình thương mại, dịch vụ… Cung thiếu nhi Hà Nội rất cần được chăm sóc, tu bổ và nâng cấp trang thiết bị để tiếp tục phát huy giá trị, sử dụng làm nhà văn hóa thiếu nhi của Q.Hoàn Kiếm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vui chơi của trẻ em trong quận và khu vực lân cận”, Hội KTS Việt Nam kiến nghị.