Di sản văn hóa phi vật thể: Giữ “phần hồn” cho mai sau
Di sản văn hóa phi vật thể: Giữ “phần hồn” cho mai sau
Văn hóa phi vật thể, từ một góc độ nào đó, có thể xem là một dòng chảy tâm linh tồn tại vững chãi và bền bỉ trong đời sống cộng đồng.
Trải qua nhiều thế hệ, những giá trị văn hóa tinh thần đó đã trở thành tài sản của con người trong cuộc sống hài hòa với tự nhiên, chứa đựng trong lòng nó một thái độ và một hệ thống những hành vi ứng xử của con người với con người và của con người với thiên nhiên trong một mối quan hệ hài hòa, thân thiện vốn không thể tách rời…
Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể năm 2008
Văn hóa phi vật thể luôn mang màu sắc dân gian, có sự gắn bó chặt chẽ, đồng hành với đời sống và trở thành những “di sản sống”, những “giá trị sống”.
Từ nhận thức dẫn đến hành vi. Văn hóa phi vật thể, vì thế chính là cơ sở để tạo nên những giá trị vật thể của văn hóa của cộng đồng. Điều này lý giải vì sao nó có được sức mạnh bền bỉ để trường tồn, vượt qua bao nhiêu biến thiên của thời gian cũng như thời cuộc.
Trong danh mục gần 60 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia (tính đến cuối tháng 8/2014) đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công bố, đã có 9 di sản được coi là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được UNESCO công nhận.
Sự phát triển (hay nói đúng hơn là sự khôi phục lại) của các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống… trong hệ thống các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, cả về số lượng, mô hình và khu vực… trong thời gian vừa qua là một tín hiệu đáng mừng về thái độ ứng xử của chúng ta (nói riêng) và của con người (nói chung) đối với những giá trị truyền thống, một nhận thức mới trong chiến lược đầu tư cho tương lai…
Cách đây không lâu, nhận thức về khái niệm di sản văn hóa phi vật thể còn chưa đầy đủ. Chúng ta chỉ coi nó như là một bộ phận mang tính chức năng của các di sản văn hóa vật thể, chứ không phải là một dạng di sản có tính độc lập tương đối. Do đó, việc bảo vệ và phát huy những giá trị của nó chưa được quan tâm thỏa đáng, dẫn đến tình trạng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể bị biến dạng, thậm chí còn bị thất truyền, mai một, bị tách khỏi không gian văn hóa của nó, trước sự xói mòn của thời gian, và đặc biệt là của sức ép phát triển kinh tế.
Tình trạng này dẫn đến hàng loạt phản ứng của thiên nhiên và xã hội vào đời sống cộng đồng trong suốt một thời gian dài, khiến cho con người phải nhìn nhận lại thái độ ứng xử của mình. Và kết quả là, sau cuộc họp Đại hội đồng lần thứ 32, diễn ra vào tháng 10 năm 2003, UNESCO đã thông qua Công ước Bảo vệ và Phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Từ sự nhận diện này, chúng ta mới bắt đầu có cách tiếp cận tương đối toàn diện về loại hình di sản này…
Ở Việt Nam, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được coi là hai bộ phận hữu cơ cấu thành kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Nếu như di sản văn hóa vật thể là những giá trị hữu hình, tồn tại dưới dạng vật chất, chứa đựng những hồi ức sống động của loài người, là bằng chứng vật chất của các nền văn hóa, văn minh nhân loại, thì di sản văn hóa phi vật thể là những giá trị vô hình, được lưu truyền và biểu hiện bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề và các dạng bí quyết nghề nghiệp khác. Cả hai loại hình này luôn gắn bó mật thiết, có tác động tương hỗ và tôn vinh lẫn nhau, nhưng vẫn có tính độc lập tương đối…
Phàm là người Việt Nam, hẳn ai cũng đã từng ít nhất một lần hào hứng tham gia một trong những hoạt động lễ hội ở một miền quê, một vùng đất; cũng đã từng bâng khuâng trước những làn điệu dân ca đằm thắm, trữ tình, da diết; cũng từng thành kính thắp lên bàn thờ những nén hương trầm thơm ngát để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên trong mỗi dịp Tết đến Xuân về; hay từng ngỡ ngàng thảng thốt bên một nét hoa văn dịu dàng, tinh tế của những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ một làng nghề mộc mạc, thâm trầm…
Tất cả những cảm xúc đó cứ tự nhiên thấm đẫm vào hồn ta mà chẳng bao giờ phải để tâm đến chuyện nó đến từ đâu, từ khi nào… Dường như trong từng giọt máu, từng hơi thở của ta đã có sẵn từ lâu…
Chính tất cả những điều ta đang “cảm thấy” trong cuộc sống thường ngày ấy, những thứ “phi vật thể” mà ta đang đắm chìm trong nó từng ngày từng giờ ấy, là những thứ đã đắp bồi nên con người ta, tâm hồn ta. Nó là di sản của cha ông ta để lại từ ngàn xưa, nhưng nó cũng là báu vật của ta hôm nay, và là tài sản thừa kế của con cháu chúng ta sau này…
Di sản văn hóa, trong đó có văn hóa phi vật thể, là tài sản vô giá, là nguồn dinh dưỡng nuôi nấng, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, và là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới trong giao lưu văn hóa. Nó tồn tại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành vi của con người, là các chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu di sản, rồi từ đó làm nên sức mạnh, sức đề kháng của cộng đồng… Trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta đã từng nhiều lần mất nước nhưng không mất làng, nên cuối cùng vẫn có cơ sở để giành lại đất nước. Về văn hóa cũng tương tự như vậy. Do sức đề kháng của cấu trúc cộng đồng, chiếc nôi của văn hóa phi vật thể, nên chúng ta đã không bị đồng hóa trước những thế lực văn hóa lớn, và từ chính cái lõi bền vững này mà văn hóa Việt Nam đã có sức đồng hóa ngược đối với các văn hóa ngoại lai, thanh lọc chúng để làm giàu cho mình, làm mạnh mình lên. Cũng từ cái lõi gốc này mà sinh sôi nảy nở, đa dạng hóa, có thể đến vô cùng. Đây là nét đặc trưng quan trọng nhất của văn hóa Việt Nam…
Không chỉ gắn bó với các chủ thể văn hóa, là các cộng đồng dân tộc, di sản văn hóa phi vật thể còn hòa quyện vào không gian sinh thái – nhân văn, nơi chúng được sáng tạo và tiếp tục hiện diện, tồn tại và phát triển như một thực thể sống trong đời sống của cộng đồng. Điều này vừa có ý nghĩa lịch sử, lại vừa mang giá trị thời đại. Chính từ ý nghĩa này mà di sản văn hóa phi vật thể cần phải được có một thái độ ứng xử hết sức uyển chuyển. Vừa bảo lưu và chuyển giao qua nhiều thế hệ, lại vừa sàng lọc và sáng tạo không ngừng nghỉ để làm cho kho tàng di sản văn hóa ấy ngày càng phong phú, đa dạng và cập nhật hơn với đời sống đương đại. Đó chính là con đường phù hợp với quy luật sáng tạo và phát triển của các giá trị văn hóa, giá trị phi vật thể…
Sinh ra, tồn tại, đồng hành với sự phát triển; mọi giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa không thể chấp nhận sự bảo thủ, cứng nhắc, bởi đó chính là nguyên nhân tất yếu của sự đào thải, loại trừ, thậm chí tàn lụi. Giá trị của lịch sử và văn hóa là ở phần hồn, chứ không phải ở sự đông cứng và bất biến. Nói giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể là giữ “phần hồn” cho mai sau là như vậy.
Khánh An (Nhà văn (Tuần báo Văn nghệ))