Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, nét đẹp trường tồn – Heritage Vietnam Airlines
Tạp chí Heritage tổng hợp
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, qua bao thế hệ, cha ông ta đã hun đúc, xây dựng nên một kho tàng di sản văn hóa Việt Nam đồ sộ và độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến văn hóa hấp dẫn thế giới. Tính đến nay, Việt Nam đã có 13 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Cùng Tạp chí Heritage tìm hiểu những di sản này nhé.
Việt Nam có 13 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận
(Ảnh: Tuổi trẻ Thủ Đô)
1. Nhã nhạc cung đình Huế
Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa Việt Nam đầu tiên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Mang ý nghĩa “âm nhạc tao nhã”, nhã nhạc là loại hình âm nhạc được sử dụng trong các buổi lễ thường niên và nghi lễ tôn giáo trong cung đình thời phong kiến. Xuất hiện từ thế kỷ thứ 13, tuy nhiên nhã nhạc chỉ đạt tới mức độ điêu luyện dưới triều nhà Nguyễn (1802-1945). Dưới triều đại này, nhã nhạc được công nhận vị trí chính thức và trở thành biểu tượng về quyền uy và sự trường thọ của triều đại.
2. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Không gian văn hóa cồng chiêng được xem là bản sắc riêng của các dân tộc Tây Nguyên, gắn liền với cuộc sống vật chất và tinh thần, dùng để diễn tả niềm vui, nỗi buồn, kết nối những người dân với nhau và với đấng thần linh. Ngày 25/5/2005, di sản này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại
(Ảnh: Tạp chí Heritage tổng hợp)
3. Dân ca Quan họ Bắc Ninh
Dân ca quan họ Bắc Ninh còn giữ nguyên được giá trị cho đến tận bây giờ với giai điệu đặc sắc, lời ca tinh tế, giàu triết lý cùng trang phục đặc biệt không có ở đâu khác. Di sản văn hóa Việt Nam này đã được UNESCO ghi danh vào ngày 30/9/2009 với hạng mục di sản văn hóa phi vật thể.
4. Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc
Hội Gióng là lễ hội văn hóa thường niên nhằm ghi nhớ công ơn của Thánh Gióng – một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Hội mô tả sinh động diễn biến trận chiến của thánh Gióng và người dân Âu Lạc chống giặc Ân. Ngày 16/11/2010, Hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Hội Gióng thể hiện cho tấm lòng hướng về cội nguồn của người Việt
(Ảnh: ditichkhanhhoa.org)
5. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Thờ cúng Hùng Vương là tín ngưỡng lâu đời của mọi người dân Việt Nam nhằm thể hiện sự tôn kính, biết ơn với các vua Hùng đã có công dựng nước với những hoạt động văn hóa vô cùng đặc sắc. UNESCO công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào ngày 6/12/2012.
6. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ
Được phát triển từ nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống tại vùng đất chín rồng, Đờn ca tài tử mang mang trong mình sức sống, dáng hình và tính cách của người dân nơi đây. Nét văn hóa đặc biệt này đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới vào ngày 5/12/2013.
Đờn ca tài tử, loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ
(Ảnh: Pinterest)
7. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh
Dân ca Ví, Giặm không chỉ có giá trị nghệ thuật cao, phản ánh bản sắc văn hóa địa phương mà còn mang nhiều giá trị nhân văn tốt đẹp, thể hiện được cốt cách của người dân xứ Nghệ. Ngày 27/11/2014, loại hình nghệ thuật này chính thức trở thành một trong những di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam đầu tiên được UNESCO vinh danh.
8. Nghi lễ và trò chơi kéo co
Trong những lễ hội chào xuân từ xa xưa của người Việt, nghi lễ và trò chơi kéo co đã xuất hiện với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Mang đậm dấu ấn của nghi thức nông nghiệp, kéo co đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào ngày 2/12/2015.
9. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt
Nghi lễ trung tâm của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ là Lên Đồng với các hoạt động đầy tính nghệ thuật là hát văn và múa thiêng với trang phục độc đáo, Di sản văn hóa Việt Nam này thể hiện niềm tin của người Việt vào sự giáng nhập của các vị thánh thần, đã được công nhận là di sản phi vật thể vào ngày 1/12/2016.
Thờ Mẫu Tam Phủ là tín ngưỡng tâm linh đặc sắc của người Việt
(Ảnh: Gia Linh)
10. Hát Xoan Phú Thọ
Nghệ thuật hát Xoan gồm hát, múa, gõ trống và phách, được thực hành nhằm thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, vua Hùng và mong cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vẻ đẹp của loại hình nghệ thuật dân gian này bắt nguồn từ sự kết hợp mộc mạc giữa âm nhạc, thơ, vè và giọng Phú Thọ địa phương. Hát Xoan được công nhận là di sản văn hóa ngày 8/12/2017.
11. Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ
Là loại hình nghệ thuật kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca và diễn xướng, Bài Chòi thể hiện sự ngẫu hứng, sáng tạo và truyền tải nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Không chỉ vậy, đây còn là hình thức giải trí thú vị giàu trí tuệ, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào ngày 7/12/2017.
Bài Chòi Trung Bộ, nét văn hóa đáng để thưởng thức ít nhất một lần trong đời
(Ảnh: Tutukit)
12. Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam
Then là hình thức văn hóa đặc sắc mang bản sắc riêng của người Tày, Nùng, Thái, thể hiện tín ngưỡng tâm linh và quan niệm về con người, vũ trụ của các dân tộc này từ thuở xa xưa. Mang trong mình nhiều ý nghĩa đặc biệt như vậy, Then được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào ngày 13/12/2019.
13. Ca trù
Ca trù mang giá trị nghệ thuật sâu sắc, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và thi ca, đòi hỏi người hát phải có kỹ thuật trình bày tinh tế, nắn nót và trau chuốt từng câu từ. Ca trù gắn liền với các lễ hội và tín ngưỡng của người Việt, trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới tại Việt Nam vào 1/10/2019.
Ca trù mang giá trị nghệ thuật và nhân văn sâu sắc
(Ảnh: CVD)
Bên cạnh 13 di sản văn hóa phi vật thể thế giới được UNESCO công nhận, Việt Nam vẫn còn rất nhiều nét đẹp được truyền thừa từ các đời cha ông. Không chỉ đóng vai trò như những điểm nhận diện văn hóa của Việt Nam, những di sản văn hóa quý báu này còn thực sự trở thành một nguồn tài nguyên vô giá mang tới cơ hội phát triển kinh tế cho nhiều địa phương. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của các di sản văn hóa Việt Nam này chính là nhiệm vụ chung của toàn thể dân tộc.
Bài viết liên quan: