Di sản văn hóa phi vật thể và câu chuyện hậu vinh danh
Song hành với việc vinh danh các di sản thì câu chuyện bảo tồn di sản sau vinh danh cũng nhận được nhiều quan tâm, đặc biệt là câu chuyện đối xử với các di sản đó như thế nào.
Tính đến thời điểm 30/12/2019, UNESCO đã ghi danh 13 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam vào các Danh sách trong tổng số 508 di sản của 122 quốc gia.
Việc UNESCO ghi danh các di sản văn hóa phi vật thể vào các Danh sách của UNESCO khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Tuy nhiên, song hành với việc vinh danh các di sản thì câu chuyện bảo tồn di sản sau vinh danh cũng nhận được nhiều quan tâm, đặc biệt là câu chuyện đối xử với các di sản đó như thế nào.
Cho đến nay, UNESCO có 3 loại danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể: Một là Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hai là, Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Ba là, Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể được coi là thực hành bảo vệ tốt nhất.
Bên cạnh 5 tiêu chí để di sản phi vật thể đó trở thành dại diện của nhân loại, cũng có 5 tiêu chí để xếp di sản phi vật thể vào khẩn cấp và thêm một tiêu chí nữa là đang trong tình trạng cần phải được bảo vệ khẩn cấp. Các di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp gồm: Nhã nhạc – Nhạc cung đình triều Nguyễn; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca quan họ; Hát ca trù; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Hát xoan Phú Thọ; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca ví, dặm ở Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ; Nghệ thuật bài chòi ở Trung Bộ; Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái.
Thực trang các di sản hậu vinh danh đã và đang được cộng đồng quan tâm. Việc các di sản được vinh danh và câu chuyện bảo tồn phát duy di sản hậu vinh danh đã được các cấp quản lý, chuyên gia văn hóa nói khá nhiều.
Ở khía cạnh bảo tồn di sản, chúng ta đã và đang đưa ra các chiến lược để bảo tồn, phát huy, thực hành di sản cũng như đang nỗ lực đưa các chính sách cho nghệ nhân, những người thực hành di sản. Tuy nhiên, điều này đã làm được thực sự tốt và có hiệu quả hay lại là một câu chuyện dài chưa có hồi kết.
Ca trù – một trong những Di sản văn hóa phi vật thể.
NSND Hồng Lựu, một người đã gắn bó với ví dặm gần như trong suốt cả cuộc đời chia sẻ: Từ ngày dân ca ví dặm của Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại chị vui mừng khôn xiết vì môn nghệ thuật cả đời dành tâm sức cuối cùng cũng được ghi danh từ đó, chị cùng những người yêu dân ca ví dặm đã tìm nhiều cách để cùng duy trì, phát triển.
Nhiều câu lạc bộ yêu ví dặm đã ra đời không chỉ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn rộng ra trên khắp đất nước. Các cuộc liên hoan dân ca ví dặm cũng đã được tổ chức nhằm tôn vinh di sản và quảng bá rộng rãi di sản văn hóa phi vật thể dân ca – ví dặm.
Hiện nay, nhiều loại hình giải trí khác đầy hấp dẫn đã khiến tình yêu dân ca, ví dặm có giảm đi trong lòng khán giả, NSND Hồng Lựu đã bắt tay vào sáng tác kịch bản dân ca cho nhà trường, dàn dựng vở cho các doanh nghiệp, góp phần tạo dựng tên tuổi cho đơn vị dù đó là một đơn vị không liên quan đến văn hóa. Chị cho rằng, làm vậy có nghĩa là mình đã “truyền bá” dân ca, ví dặm đến tường tận mọi ngóc ngách của đời sống, mọi ngành nghề.
Từ nhiều bài hát sưu tầm được, chị mạnh dạn sáng tạo và phát triển, vẫn giữ được nét truyền thống mà lại mang hơi thở của thời đại. Dân ca xứ Nghệ chủ yếu là đối đáp giao duyên dành cho người lớn nên rất ít lời dành cho con trẻ, vì thế, khi đi dạy ở các trường học, chị viết lời các bài dân ca dựa vào những lời dạy trẻ rất thiết thực, để mỗi câu dân ca xứ Nghệ đều mang tính giáo dục con người về nhân tình thế thái. Cũng là một dịp bổ ích để đưa di sản văn hóa phi vật thể truyền bá tới cộng đồng, các thế hệ nối tiếp sẽ biết thực hành di sản, đưa di sản thành một phần trong đời sống nhân dân.
Các cô gái quan họ.
Chị khẳng định rằng, ngoài các chính sách hoạch định của các cấp quản lý, cần ráo riết trong việc giữ gìn di sản từ nơi đã sinh ra nó. Hậu vinh danh, di sản trở thành một phần tự hào của cộng đồng và sẽ được khích lệ khi có một chiến lược cụ thể tới những người sinh hoạt trong cộng đồng di sản ấy.
PSG.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản cho biết: Cục Di sản văn hóa hiện vẫn đang tiếp tục cùng các cơ quan ban ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp và cộng đồng chủ thể của di sản tích cực triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Các hoạt động này đều được thực hiện thông qua các chương trình hành động, dự án, đề án cụ thể với sự tham gia chặt chẽ của chính quyền, cộng đồng chủ thể của di sản và các cá nhân, tổ chức liên quan.
Đối với các di sản văn hóa phi vật thể đề nghị ghi danh vào các danh sách của UNESCO, Cục Di sản văn hóa đã và đang thực hiện các bước hết sức chặt chẽ với sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực, chính quyền các cấp có di sản dự kiến xây dựng hồ sơ và đặc biệt là cộng đồng chủ thể của di sản trên cơ sở danh sách dự kiến xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Các di sản dự kiến xây dựng hồ sơ đều phải được kiểm kê khoa học, đã được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và có sự thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Lý.
Bà Nguyễn Thị Minh Lý, người từng nhiều năm là đại diện Việt Nam trong Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể và hiện đang là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, khi nói về câu chuyện hậu vinh danh đã chia sẻ: Di sản văn hóa phi vật thể khác di sản vật thể ở chỗ, người nhận diện và bảo vệ nó chính là người sáng tạo ra di sản. Khác với nó, di sản văn hóa vật thể đôi khi do Nhà nước chỉ ra giá trị, đưa ra các biện pháp bảo vệ một cách độc lập mà thiếu sự tham gia của cộng đồng, người trong giới.
Còn di sản phi vật thể ở trong tay con người – những chủ thể văn hóa – nếu con người không thực hành thì di sản sẽ không hiển hiện. Mỗi biểu đạt văn hóa của mỗi cộng đồng có giá trị với chính họ. Do vậy mà không có xếp hạng để đảm bảo sự tôn trọng giữa các cộng đồng có di sản.
Có thể hiểu sự tôn vinh ở đây là ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của cộng đồng, người dân trong việc gìn giữ bảo vệ di sản chứ không phải nhằm tôn vinh cái di sản đó mà người ta thường dùng các từ như “độc nhất vô nhị”, “duy nhất”, “xuất sắc nhất”, “ngoại hạng”, “vĩ đại nhất”… Đây là những từ không được sử dụng trong các văn bản liên quan đến Công ước 2003 của UNESCO.
Thực tế cho thấy, muốn bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể thì không thể thiếu chính sách dành cho nghệ nhân, những người đã và đang sống và bảo tồn chính di sản của mình. Nếu không có chính sách cho nghệ nhân thì rất khó để di sản được truyền dạy và phát huy.
Giáo sư Trần Lâm Biền đã từng chia sẻ: Từ xưa đến nay, người Việt Nam chúng ta thường coi trọng cái danh. Cái danh ngoài danh vọng còn là danh dự, bởi khi được phong họ sẽ có cái danh dự và có thể chết vì cái danh dự ấy.
Giáo sư Trần Lâm Biền.
Nói gì thì nói, từ xưa đến nay văn hóa phi vật thể đã tồn tại xuyên thời gian vì thế họ có cách sống được với nghề thì vẫn thế thôi chứ không ngồi đó chờ đợi cơ chế chính sách. Khổ cũng đã khổ quen rồi, nghèo hay vất vả cũng đã quen rồi. Nay Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho cần câu để câu cá chứ không phải móc con cá vào lưỡi câu của anh. Người nghệ nhân nào không vận động, lười biếng, chỉ bằng lòng với danh nghĩa thì sẽ bị đào thải, sự phát triển và đào thải là tất yếu. Cho nên theo giáo sư, cần chỉ cho họ con đường đi và trên con đường đó, họ phải biết vận động để phù hợp với xu thế của thời đại…
Nghề nào nghiệp ấy, khi đã có một chính sách, một quy định thì theo giáo sư Trần Lâm Biền, ông tin là họ có cách đi của họ. Còn Nhà nước chỉ có thể động viên tinh thần và có thể có một phần tài trợ. Có thể nó là khởi đầu cũng có thể thường xuyên, nhiều khi cũng phải được xem xét theo từng hoàn cảnh chứ không nhất thiết là đồng loạt.
Được phong Nghệ nhân ưu tú là được thêm một công cụ để hành nghề và ông tin sắp tới họ sẽ có đường đi riêng của mình. Bởi vì cuộc sống không có di sản phi vật thể, không có ca múa nhạc, không có những thứ cho tâm hồn sảng khoái thì không đẹp đẽ lắm. Tất cả những phi vật thể ở một lĩnh vực nào đó thì nó là gia vị đấy mà không có gia vị thì cơm và thức ăn chẳng có nghĩa lý gì cả. Xưa nay, họ đã làm tròn vai trò ấy thì nay phong tặng danh hiệu và cơ chế sẽ giúp họ năng động, tích cực và đắm chìm với nghề nghiệp của mình hơn.
Bảo vệ văn hóa phi vật thể thì không thể tách khỏi việc bảo vệ con người, tức là bảo vệ các nghệ nhân và di sản của họ. Tôn vinh nghệ nhân là cách để tạo cho họ sự tôn vinh trước cộng đồng, đó không phải là yếu tố quyết định nhưng là cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta…