Di sản văn hóa tài nguyên quý giá để phát triển du lịch

(Báo Quảng Ngãi)- Di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên là nguồn tài nguyên tạo nên giá trị du lịch của từng địa phương. Để khai thác nguồn tài nguyên quý giá này, trong những năm qua, Quảng Ngãi đã tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tạo động lực cho du lịch phát triển.

 

Di sản văn hóa đa dạng và phong phú

 

Mới đây, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng XHCN vào giữa thế kỷ XXI.

 

Đối với Quảng Ngãi, di sản văn hóa (DSVH) có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Là tỉnh có bề dày về lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng, đất và người Quảng Ngãi gắn liền với sông suối, núi rừng và biển cả bao la. Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có những giá trị DSVH đa dạng và độc đáo mà không phải địa phương nào ở dải đất miền Trung cũng có.

 

Nghi thức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Lý Sơn trong năm 2021. ẢNH: PV

Nghi thức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Lý Sơn trong năm 2021. ẢNH: PV

Trên vùng đất Quảng Ngãi, các nền văn hoá lâu đời như Sa Huỳnh, Chămpa và Đại Việt cùng nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc Kinh, Hrê, Cor, Ca Dong từ miền núi đến đồng bằng và hải đảo đang hiện diện sinh động qua hệ thống 253 di tích gồm 1 di tích văn hóa lịch sử quốc gia đặc biệt, 32 di tích quốc gia, 144 di tích cấp tỉnh; 3 bảo vật quốc gia và 7 DSVH phi vật thể quốc gia. Riêng năm 2021, Quảng Ngãi có thêm một di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia là Địa điểm Xà Nay – nơi đặt xưởng in tín phiếu của Liên khu 5 tại xã Sơn Nham (Sơn Hà); hai DSVH phi vật thể quốc gia là Lễ hội đua thuyền tứ linh huyện Lý Sơn và Nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê (Ba Tơ), 18 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Trên vùng đất Quảng Ngãi, các nền văn hoá lâu đời như Sa Huỳnh, Chămpa và Đại Việt cùng nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc Kinh, Hrê, Cor, Ca Dong từ miền núi đến đồng bằng và hải đảo đang hiện diện sinh động qua hệ thống 253 di tích gồm 1 di tích văn hóa lịch sử quốc gia đặc biệt, 32 di tích quốc gia, 144 di tích cấp tỉnh; 3 bảo vật quốc gia và 7 DSVH phi vật thể quốc gia. Riêng năm 2021, Quảng Ngãi có thêm một di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia là Địa điểm Xà Nay – nơi đặt xưởng in tín phiếu của Liên khu 5 tại xã Sơn Nham (Sơn Hà); hai DSVH phi vật thể quốc gia là Lễ hội đua thuyền tứ linh huyện Lý Sơn và Nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê (Ba Tơ), 18 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

 

Quảng Ngãi có nhiều loại hình lễ hội cổ truyền, tiêu biểu như Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa; lễ tế đình, lễ tế cá Ông và hát bả trạo, lễ cầu ngư hát sắc bùa… Đặc biệt tại Lý Sơn, với diện tích chưa đầy 10km2 nhưng huyện đảo này đang sở hữu 50 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh độc đáo. Ngược lên các huyện miền núi, đồng bào Cor, Ca Dong, Hrê còn lưu giữ các lễ hội đậm nét văn hóa của mình như: Lễ hội điện Trường Bà, lễ Ngã rạ, mừng lúa mới, múa chiêng, hát Kalêu, Kachoi, Xà ru,  A giới…

 

Quảng Ngãi còn là vùng đất có nhiều giá trị nghệ thuật dân gian như hò trên cạn và hò trên sông, nước; các điệu lý dân gian như lý vọng phu, ru con Nam Trung Bộ; hát nhân ngãi, hát huê tình, hát bài chòi… Bên cạnh đó, Quảng Ngãi còn sở hữu nhiều công trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ du lịch, quảng bá những giá trị văn hóa quý giá của địa phương đến với du khách.

 

Khai thác hiệu quả để phát triển du lịch

 

“Trong thời gian đến, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và địa phương để triển khai công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, nhằm nâng tầm giá trị di sản, làm cho di sản có sức sống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh”. 

Phó Giám đốc phụ trách Sở VH-TT&DL  HUỲNH THỊ PHƯƠNG HOA

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở VH-TT&DL tỉnh Huỳnh Thị Phương Hoa, thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển dịch vụ, du lịch… Nhờ đó, các giá trị DSVH được giữ gìn, tôn tạo và phát huy. Nhiều DSVH vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh còn giữ nguyên giá trị, được các nhà nghiên cứu văn hóa trong nước và quốc tế đánh giá cao.

 

Riêng Lý Sơn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và địa chất, địa mạo độc đáo, huyện đảo đã và đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

 

Tại huyện miền núi Ba Tơ, khi Bộ VH-TT&DL công nhận Di tích cụm địa điểm Khởi nghĩa Ba Tơ là di tích văn hóa – lịch sử quốc gia đặc biệt và nghề dệt thổ cẩm của người Hrê, nghệ thuật trình diễn chiêng ba là DSVH phi vật thể quốc gia, người Làng Teng ở xã Ba Thành đã biết phát huy tài nguyên DSVH, lịch sử riêng có để làm du lịch; gắn phát triển kinh tế du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.

 

Từ mô hình điểm do Sở VH-TT&DL triển khai từ năm 2017, đến nay hợp tác xã du lịch cộng đồng và 3 đội nghệ nhân trình diễn cồng chiêng, hát Kalêu, Kachoi, dệt thổ cẩm đã được thành lập và biểu diễn phục vụ các đoàn khách. Ẩm thực Hrê với các món ngon và rượu cần đã được giới thiệu và phục vụ, tạo ấn tượng tốt với du khách. Bên cạnh đó, loại hình du lịch cắm trại tại thảo nguyên Bùi Hui cũng đã được khai thác, tạo sự hấp dẫn đối với du khách trẻ thích khám phá.

 

Nhiều năm qua, Sở VH-TT&DL và các địa phương đã khuyến khích, tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật bài chòi – DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận vào năm 2017. Toàn tỉnh hiện có 5 câu lạc bộ, đội nhóm tuyên truyền, tổ chức các lớp truyền dạy, giới thiệu, quảng bá bài chòi đến du khách. Bài chòi từ lâu đã thực sự trở thành DSVH tinh thần chung của cả cộng đồng và đang được chính cộng đồng gìn giữ, nâng tầm để giới thiệu với du khách gần xa.

 

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa, hiện tại, Quảng Ngãi chưa khai thác hiệu quả kho tàng quý giá, đa dạng về DSVH, lịch sử của quê hương để phục vụ các nhu cầu của đời sống xã hội, nhất là trong hoạt động du lịch. Trong thời gian đến, ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để triển khai công tác bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch nhằm nâng tầm giá trị di sản, làm cho di sản có sức sống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Năm 2022, Sở VH-TT&DL sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh và Kết luận 635 về thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy; nghiên cứu và tham mưu lãnh đạo tỉnh một số nội dung để phát huy tốt các DSVH…

         

NGUYỄN NGÂN