Di tích kiến trúc Phật giáo thời Lý-Trần trên vùng đất kinh đô Văn Lang (Đỗ Minh Nghĩa, Nguyễn Anh Tuấn) – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo
Tóm tắt: Phật giáo du nhập vào nước ta những năm đầu Công nguyên với trung tâm là vùng Kẻ Dậu (Thuận Thành, Bắc Ninh), trụ sở quận Giao Chỉ cùng với đó là hệ thống chùa Tứ pháp (Vân, Vũ, Lôi, Điện). Từ đây, Phật giáo lan truyền khắp cả nước và phát triển cực thịnh dưới thời Lý – Trần. Phú Thọ nằm ở vị trí cửa ngõ của kinh thành Thăng Long, nhận tác động và lan tỏa của văn hóa Thăng Long, Đạo Phật có điều kiện phát triển, nhiều ngôi chùa được xây dựng để phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân địa phương.
VÙNG ĐẤT CỐ ĐÔ VĂN LANG – PHÍA TÂY NINH THÀNH THĂNG LONG
Phú Thọ là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hiến lâu đời, được xem là cội nguồn và trung tâm sinh tụ của người Việt cổ thời đại các vua Hùng. Mảnh đất này trải qua mấy ngàn năm lịch sử còn tồn tại và lưu giữ hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa khảo cổ, công trình kiến trúc nghệ thuật lâu đời… Mảnh đất nơi đây gắn với huyền thoại về dòng giống Tiên Rồng của dân tộc ta cũng như lịch sử dựng nước và giữ nước từ thời đại Hùng Vương – khởi nguyên lịch sử nước ta.
Truyền thuyết kể lại rằng: Nhà vua đi mãi, qua bao nhiêu nơi có cảnh đẹp mà vẫn không chọn được nơi nào nhà Vua ưng ý. Khi tới một vùng đất trước mặt có ba con sông tụ hội, hai bên có núi Tản, Tam Đảo chầu về, lại có những dãy núi như những khúc thân rồng uốn lượn, dân cư đông vui. Nhà vua nhận thấy nơi đây có thế hiểm để giữ, để mở, có chỗ cho muôn dân tụ hội nên quyết định chọn vùng đất này thành kinh đô nước Văn Lang. Miền đất Tổ với đền đài, lăng tẩm vua Hùng trên sườn núi Nghĩa Lĩnh được bao phủ bởi lớp sương huyền thoại với những sắc màu lung linh, kỳ ảo khiến cho mỗi gốc cây, ngọn cỏ, mỗi đường nét kiến trúc trong các di tích nơi đây cứ như ẩn như hiện giữa hiện thực cuộc đời.
Trong quá trình phát triển của lịch sử loài người, cư dân Phú Thọ chính là những con người đã góp phần dựng xây và gìn giữ văn hóa dân tộc. Tới thời Lý – Trần đã kế thừa và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc tạo thành một nền văn minh Đại Việt – thời đại của sự phục hưng những giá trị văn hóa truyền thống và tiếp biến văn hóa mới với những công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm dấu ấn Phật giáo trên vùng đất Tổ. Di tích Lý – Trần và những gì còn sót lại đã xác nhận Phú Thọ là một trong những trung tâm văn hóa của người Việt cổ, nó đánh dấu bước đi huy hoàng của mỹ thuật thuộc giai đoạn đầu thời kỳ tự chủ và cũng góp phần khẳng định về sự phát triển đa dạng của các loại hình ở thời kỳ tiếp theo. Những di sản này đã trở thành mạch nối của quá khứ, hiện tại tới tương lai và góp phần khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc.
Thời Lý – Trần, giáo lý nhà Phật thâm nhập qua chính sách an dân trị nước nên các vua thời kỳ này đã chinh phục nhân dân bằng đức trị thay cho pháp trị. Các vua thời Lý – Trần được thừa hưởng những thành quả tốt đẹp của thế hệ trước, đồng thời phát huy những tinh hoa gạn lọc từ bên ngoài, biến thể sao cho phù hợp với quốc dân thủy thổ mà không đánh mất bản sắc dân tộc. Do có chính sách kinh tế, chính trị – xã hội đúng đắn nên nền kinh tế cũng như xã hội ổn định và phát triển. Đây chính là điều kiện đầu tiên và có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng các công trình kiến trúc Phật giáo uy nghi dưới thời Lý – Trần.
ĐẶC ĐIỂM CHUNG KIẾN TRÚC CHÙA THỜI LÝ – TRẦN Ở PHÚ THỌ
Dưới thời Lý – Trần, bên cạnh việc coi trọng Nho giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian, Phật giáo được nâng đỡ để trở thành quốc giáo. Các vị vua sớm giáo dục và phát triển giáo dục theo lối kiến thức của kinh Phật, họ chuyên tâm nghiên cứu về Phật pháp, cho xây dựng những cơ sở Phật giáo, trong đó đặc biệt là các kiến trúc chùa và tháp có quy mô đồ sộ mang dấu ấn của chính họ. Bởi vậy, đã có nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng được ra đời như: Chùa Một Cột, tháp Tường Long, chùa Trấn Quốc,… Những công trình đó không chỉ mang giá trị kiến trúc cao mà nó còn ẩn chứa những tinh hoa của dân tộc. Đây là yếu tố thuận lợi thứ hai dẫn đến sự hình thành của những ngôi chùa cổ trên vùng đất Tổ.
Nhìn chung, kiến trúc chùa thời Lý – Trần ở Phú Thọ có những đặc điểm chính sau:
Thứ nhất về mặt bằng
Chùa không phải là một ngôi nhà mà bao giờ cũng là một quần thể kiến trúc, gồm những ngôi nhà sắp xếp cạnh nhau hoặc nối tiếp nhau. Tùy theo cách bố trí những ngôi nhà này mà người ta chia thành những kiểu chùa khác nhau. Nhìn chung, các công trình kiến trúc Phật giáo trong giai đoạn này thường được bố trí theo các kiểu: Hình chữ “Nhất”, chữ “Nhị”, chữ “Tam”, chữ “Công”, lớn hơn nữa thì “nội Công ngoại Quốc”. Trong số kiến trúc chùa còn lại ở Phú Thọ thì phổ biến là kiểu chữ “Đinh” và chữ “Công”. Từ mặt bằng tổng thể của các di tích chùa thời Lý ở Phú Thọ rất khó có thể xác định chính xác quy mô kiến trúc vì hiện nay các di tích này không còn nguyên vẹn. Nhưng qua một số vết tích còn lại, cho ta thấy kiến trúc thời Lý khá đơn giản, sang thời Trần thì kiến trúc và các di tích có phần đồ sộ hơn.
Thứ hai về địa thế
Xây chùa bao giờ cũng là công việc trọng đại đối với người dân làng quê Việt Nam. Trước tiên phải chọn đất xây chùa. Việc chọn đất thường bị chi phối bởi quan niệm phong thủy, cho rằng vị trí của chỗ ở, thế đất có một ảnh hưởng quan trọng đối với con người sống trên đó. Quan niệm đó được thể hiện trong một câu thơ của nhà sư Không Lộ (? – 1119) thời Lý: “Trạch đắc long xà địa khả cư” (nghĩa là chọn được thế đất rồng rắn, có thể ở yên). Nhìn chung, chùa thường được dựng ở những nơi có vị trí cao ráo, thoáng mát, bên cạnh thường có ao, hồ, khe suối. Chùa thời Lý – Trần thường dựng trên ngọn đồi cao hay trên núi, xa nơi dân cư để không gian được tịch mịch, thanh nghiêm. Về sau, khi Đạo Phật không còn đóng vai trò chủ đạo, nhiều chùa chiền dần được chuyển về trong thôn xóm.
Thứ ba về hướng
Các kiến trúc tôn giáo thường quay về hướng Nam hay Đông Nam mát mẻ.
Thứ tư, về vật liệu kiến trúc
Vật liệu xây dựng trong các di tích chùa thời Lý – Trần cũng không nằm ngoài các vật liệu xây dựng truyền thống như: Đá, gỗ, đất nung, sỏi và một số kim loại (đồng, sắt) nhưng có điều tại các phế tích thời Lý, do dễ bị hủy hoại bởi môi trường và thời gian nên chưa tìm thấy vật liệu bằng gỗ. Hiện nay, các vật liệu chủ yếu còn lại trong các di tích chùa là đá, đất nung và kim loại. Sang đến thời Trần, vật liệu đá và đất nung vẫn được sử dụng phổ biến [1]. Vật liệu đá được sử dụng để làm bó thềm, dùng làm lan can thành bậc, chân tảng và nhiều cấu kiện được chạm hoa văn trang trí đặc sắc.
MỘT SỐ DI TÍCH KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO THỜI LÝ – TRẦN TIÊU BIỂU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
Chùa Diên Linh Phúc Thánh (xã Hương Nộn, huyện Tam Nông)
Nằm trên núi Ngọc Phác, hữu ngạn sông Hồng, gần đường quốc lộ 32. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chùa được dựng năm Ất Sửu (1145) [2]. Văn bia Phụng Thánh phu nhân Lê Thị mộ chí 奉聖夫人黎氏墓誌 niên đại Chính Long Bảo Ứng thứ 11 (1174) [3] hiện còn ở tòa Tam bảo cho biết thêm do bà Phụng Thánh phu nhân [4] đứng ra chủ trì xây dựng, đồng thời được vua Lý Anh Tông cấp nhân công và gỗ, ngói. Ngôi chùa hiện nay có kiến trúc chữ Nhị, kể cả bức cánh phong thì chùa có hình chữ Tam. Mặt trước của bức cánh phong được chắp nối hình hổ phù, hai bên có hai con hươu cặp nhành lá. Mặt trong đắp hình rồng chầu mặt nguyệt, hai bên là hạc chầu. Sau bức cánh phong là đến toà Thiêu hương và Thượng điện. Hiện nay, chùa còn một số di vật bằng đá chạm thời Lý rất quý hiếm. Ngoài tấm bia mộ ở tòa Thiêu hương là những tảng đá kê chân cột ở toà Thượng điện. Tảng đá kê chân cột được chạm hình hoa sen, khắc chìm hình mây cụm, sóng nước. Toàn bộ di vật trông như những bông hoa sen đang nở rộ.
Những di vật này vừa mang đậm dấu ấn của nghệ thuật chạm khắc đá thời Lý vừa thể hiện quan niệm về tín ngưỡng, suy tư, ước vọng về cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Dưới thời Lý, chùa Diên Linh Phúc Thánh đã là một trong những trung tâm Phật giáo nổi tiếng, được văn bia thời đó xếp là nơi “anh linh cổ tích đại danh lam”. Ngôi chùa mang đậm nghệ thuật kiến trúc dân gian với kiến trúc gỗ và điêu khắc đá. Có thể nói đây là một di tích kiến trúc nghệ thuật có ý nghĩa văn hoá, giáo dục, tâm linh sâu sắc.
Chùa Phổ Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao)
Hiện trong tòa Thượng điện của chùa còn bảo lưu được nhiều di vật quý, tiêu biểu nhất là Phật bàn thạch (nhiều người gọi là bệ đá hoa sen hay bệ tượng Phật) thời Trần thế kỷ XIV. Bệ đá này có kích thước lớn: Cao 1,05m; rộng 1,25m; dài 3,3m. Cấu tạo của bệ đá hoa sen theo dạng hình hộp chữ nhật, gồm có 05 tầng tạo bởi các phiến đá xanh.
Tầng trên cùng dài 2,3m, rộng l,2m, cao 0,2m, được tạo bởi 09 phiến đá ghép lại. Bốn bề được chạm khắc những cánh sen sống động khiến cho cả bệ đá như một đóa sen đang nở rộ. Phần giữa của tầng này hơi chùng (sự sáng tạo này lại tạo cho cả bệ đá có hình dáng như một con thuyền cổ với hai đầu hơi cong). Các cánh sen được trang trí cả bốn mặt với ba lớp cánh, phía trong có diềm khắc chìm, ở giữa có những chấm tròn tượng trưng cho bốn phương tám hướng của Đạo Phật.
Tầng hai dài 03m, rộng 1,2m, cao 0,1m, gồm 10 phiến đá ghép lại, được trang trí thành diềm cánh sen cách điệu ở cả bốn bề, mỗi cánh sen lại chạm khắc thành hai lớp: Lớp trong là cánh sen úp xuống, viền ngoài được chạm cách điệu làm cho đầu cánh sen thành hai vòng xoắn quay trở vào.
Tầng thứ ba dài 03m, rộng 1,2m, cao 0,24m, 10 phiến đá ghép lại. Mặt trái chạm hình con hươu, sừng dài, dáng đi thư thả, đầu ngoảnh lại. Mặt trước của bệ chia làm năm ô nhỏ trang trí. Mặt trái bệ được trang trí một cành hoa trong ô hình chữ nhật, cành hoa được khắc nổi một bông hoa và một cành lá, bông hoa có năm lớp cánh đang độ mãn khai, cành lá theo kiểu lá cúc biến thể, nhỏ nhắn, mềm mại với ba lá nhỏ đỡ hoa.
Tầng thứ tư dài 3,05m, rộng 1,01m, cao 0,18m, được cấu tạo bằng 13 phiến đá, có tám ô trang trí, diềm tròn trang trí nửa cánh sen cách điệu. Mặt bên phải có hai ô chạm khắc hình sư tử vườn hoa hải đường và sư tử đuôi hình xoắn. Mặt phía trước có bốn ô trang trí sư tử vờn hoa. Mặt trái bệ có hai ô thể hiện đề tài cá chép hóa rồng với kiểu dáng toàn thân thẳng, chân uốn khúc, mồm ngậm ngọc, đầu rồng, đuôi cong.
Tầng thứ năm được cấu tạo thành chân bệ đá với hai cấp: Cấp trên cao 0,2m, rộng 1,22m, dài 3,21m được tạo dáng theo kiểu chân quỳ, bốn góc bệ chạm hình mây cụm. Cấp dưới cao 0,1m, rộng 1,3m, dài 3,3m gồm 13 phiến đá ghép, cả ba mặt đều trang trí hình hoa cúc chìm rất rõ nét, mặt trước bệ chạm hai bông hoa cúc to chính giữa, hoa cúc không có đài, xếp đều đặn, các bông cúc được trang trí cách đều nhau [5]. Nội dung chữ Hán khắc trên bệ đá cho biết di vật này cho Sử đài Điển ngự thư Đô chính thủ Nguyễn Lạp cùng Thái học điển trù Tiểu Chi hầu Nguyễn Chiêu và vợ là Nguyễn Thị Sửu cung tiến vào ngày 12 tháng 02 năm Đinh Mão, niên hiệu Xương Phù thứ 10 (1386), đời vua Trần Phế Đế.
Chùa Bồng Lai (xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ)
Theo truyền thuyết dân gian, chùa Bồng Lai được xây dựng từ thời Lý. Ngôi chùa mang những đặc trưng của thời kỳ Đạo Phật phát triển trên đất nước ta với phong cảnh hữu tình và những di vật quý hiếm. Hiện nay, ngoài kiến trúc, bia ký và các đồ thờ, trong chùa còn có bệ tượng Phật bằng đất nung. Mặc dù chưa tìm thấy niên đại chính xác của bệ đất nung nhưng khi nghiên cứu hoa văn và kết cấu bệ có thể ước định chiếc bệ có từ thời Trần, khoảng thế kỷ XIV. Bệ được thiết kế giật cấp ba tầng và có trang trí rất nhiều hoa văn như: Hoa cúc, cánh sen. Với những giá trị nghệ thuật, tâm linh, ngôi chùa thực sự là một di sản văn hoá của dân tộc cần được gìn giữ.
Di tích kiến trúc Phật Giáo Núi Ông (xã Xuân Áng, huyện Hạ Hoà)
Nằm ở độ cao 370m so với mực nước biển, đứng trên đỉnh núi nhìn về phía Đông Bắc là sông Hồng, phía Đông Nam là ngòi Lao, theo thuật phong thuỷ của các cụ ta ngày xưa đây là thế đất rất chuẩn mực. Công trình kiến trúc có thế tựa vào dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp, phía trước mặt là sông Hồng và ngã ba cửa ngòi Lao đổ ra sông Hồng. Bao bọc xung quanh núi Ông là những ngọn đồi như bát úp nổi lên giữa những cánh đồng, tạo nên không gian sinh thái hấp dẫn, vừa trang nghiêm của thế giới tâm linh, vừa thoát tục giống như các công trình Phật giáo thời Lý – Trần, cách ngày nay gần nghìn năm tuổi, các chùa tháp thường được xây dựng ở những khu đồi núi cao, sơn thuỷ hữu tình, tạo nên không gian trầm mặc, u tịch linh thiêng, hoà hợp với thế giới Phật pháp. Khu di tích được phát hiện từ năm 2006. Di tích đổ nát từ bao giờ người dân xung quanh ba xã: Xuân Áng, Chuế Lưu, Vô Tranh (nơi có cột mốc ranh giới ba xã) đều không biết. Những ký ức người dân về một ngôi chùa hay ngôi tháp cổ đều đã đi vào quên lãng. Các cụ già cũng không được truyền lại ở núi Ông có một công trình kiến trúc Phật giáo.
Khi phát rừng, người dân đã phát hiện những viên gạch, mảnh tháp nung vỡ thành từng mảnh nằm lẫn lộn trong cây cỏ rậm rạp của rừng núi. Phải chăng di tích trên núi Ông đã đổ nát từ lâu mà người dân trong vùng chẳng ai biết tới có một công trình kiến trúc cổ vô cùng đẹp đẽ sầm uất của một thời.
Gạch, mảnh tháp đất nung nằm trong lòng đất lâu ngày khi được lấy lên hoa văn vẫn còn sắc nét như vừa từ bàn tay nghệ nhân hôm nay sáng tạo. Những người khảo sát bước đầu đã tìm thấy dấu vết kiến trúc, qua hai hố thám sát. Hố thứ nhất rộng 01m x 10m, hố thứ hai rộng 02m x 2m, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra hòn kê hệ thống chân cột và những viên gạch rộng cỡ 38cm x 19cm x 4,8cm của thế kỷ XII – XIII dùng để lát nền. Tuy mới chỉ là khảo sát bước đầu dưới lưỡi cuốc khảo cổ, dần dần các dấu tích của một công trình kiến trúc Phật giáo cổ xưa đã hiện lên. Căn cứ vào hòn kê, công trình quay hướng Bắc, mặt tiền hướng ra sông Hồng, ở vị trí này sườn đồi cao và dốc đứng. Vì thế nhiều khả năng các công trình sau đó đổ sập, phần lớn hiện vật kiến trúc rơi rải rác xung quanh phần đỉnh núi Ông. Người dân nơi đây còn kể, cách đây hơn 02 năm một người dân Vô Tranh làm trang trại đã phát hiện cả một lô bát đĩa cổ ven núi Ông. Thực ra núi Ông là tên gọi của người dân nơi đây vì nó cao, có thể là ngọn núi chúa và đối xứng với núi Ông có núi Bà thấp hơn. Cư dân Xuân Áng, theo các cụ kể lại, chủ yếu từ nơi khác đến. Gốc gác của 05 họ lớn lập nên làng Xuân Áng: Họ Bùi, Nguyễn, Ngô, Hà, Đinh, chủ yếu là người vùng Hà Đông tới sinh cơ lập nghiệp. Nghề nghiệp của họ là làm ruộng, khai thác lâm thổ sản, vỡ rừng,… Khi đi qua cánh rừng trên núi Ông, đoàn khảo sát còn gặp rất nhiều hố có đường kính khoảng 0,5m – 01m, sâu 02m trông như cái giếng cổ. Người dân ở đây nói rằng đó là bẫy hổ, hươu, nai, lợn rừng. Dưới chân núi là các khe đá mài, khe vắt trong, vắt ngoài, khe lá han, lõm Gù Hương (vị trí ở đây mọc nhiều cây Gù Hương), khe suối cây sổ (nơi có nhiều cây sổ). Xưa cũng như nay dưới chân núi vẫn không có nhà ở mà chỉ có lán trại của ít gia đình tới làm trang trại thời gian gần đây.
Vật liệu xây dựng qua thống kê có 60 viên gạch lát nền còn nguyên hình chữ nhật với kích thước 38cm x 19,5cm x 4,8cm đến 39,8cm x 17,6cm x 4cm. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy nhiều loại được chặt đôi bằng 1/2 viên gạch trên, loại này có 110 viên. Đây có nhiều khả năng đời sau sử dụng lại nên có ý thức băm đôi viên gạch, do vậy viên gạch có kích thước từ 23,2cm x 19,5cm x 4,1cm đến 19cm x 19,7cm x 4,5cm.
Về hòn kê, mới phát hiện 07 viên có các kích thước khác nhau từ 33cm x 29cm x 15cm đến 46cm x 46cm x 8cm. Về các mảnh đất nung vỡ từ tháp có trang trí hoa văn, thống kê được 110 mảnh. Mới đầu tiếp xúc, chúng tôi cảm nhận hoa văn sóng cồn, hoa văn cúc đầu ngói ống một phong cách vốn xuất hiện ở các sản phẩm nghệ thuật trang trí thời Lý. Ngoài ra, còn các loại văn đồng tiền, văn hoa thị, văn hoa cúc, hoa chanh. Đặc biệt, các hoa văn lá đề, rích rắc (hồi văn) biến thể hoa sen cánh dẹo… một số mảnh tháp trang trí văn rồng hình yên ngựa, hay trang trí viên gạch tầng cửa tháp những con chim thần Garuda. Chính vì niên đại tuyệt đối chưa tìm được, qua trang trí hoa văn trên gạch tháp mà chúng tôi tạm thời xếp khu vực tháp có niên đại cuối triều Lý, đầu thời Trần (nửa đầu thế kỷ XIII).
Quần thể kiến trúc núi Ông với những gì đã phát hiện và xuất lộ trên bề mặt, có thể khẳng định: Đây là một khu di tích kiến trúc Phật giáo độc đáo và tiêu biểu cho văn hoá thời Lý. Di tích chùa tháp thời Lý phát hiện ở nhiều nơi nhưng trên đỉnh núi Ông tại xã Xuân Áng nơi cách Thăng Long trên 100km ở độ cao trên 300m là một hiện tượng độc đáo đáng được nghiên cứu. Ngoài kinh thành Thăng Long, Kinh Bắc có các công trình thời Lý, núi Ông là một hiện tượng lạ. Ở vùng biên viễn xa xôi cách biệt với kinh thành Thăng Long – trung tâm chính trị – kinh tế – xã hội văn hoá thời Lý mà quy mô vẫn khang trang, bề thế, vị trí xây dựng tuân thủ thuật phong thuỷ. Phải chăng đây là một trong những trung tâm Phật giáo thời Lý, cũng là một tiền đồn quan trọng trấn giữ của triều đại lúc ấy trên con đường thiên lý Bắc – Nam.
Chuông quán Thông Thánh (phường Bạch Hạc, TP. Việt Trì)
Chuông Bạch Hạc Thông Thánh quán chung ký 白鶴通聖觀鐘記 được Hứa Tông Đạo cho đúc năm Tân Dậu (1321), niên hiệu Đại Khánh, đời vua Trần Minh Tông. Trên chuông khắc bài minh, căn cứ khoa học chân xác nhất cung cấp nhiều thông tin về quán Thông Thánh, cung Thái Thanh, cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông, về vấn đề ruộng đất và đôi nét về cư sĩ Phật giáo mộ đạo Văn Huệ Vương Trần Quang Triều. Quả chuông đã được Hội đồng Bô lão, Nhân dân làng Bạch Hạc phục chế lại. Việc làm đó thể hiện tấm lòng tri ân công đức Tổ tiên, đồng thời cũng góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này.
MỘT VÀI NHẬN XÉT
Quy hoạch cảnh quan tổng thể và kiến trúc nội ngoại thất các công hình cũng như điêu khắc và trang trí trên kiến trúc thời Lý – Trần trên vùng đất Tổ, là sự kế thừa truyền thống kiến trúc và điêu khắc của dân tộc để từ đó sáng tạo ra các loại hình riêng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và tín ngưỡng, tôn giáo của thời đại đã sản sinh ra chúng. Nhìn chung, bố cục tổng thể và cảnh quan kiến trúc cùng trang trí mang những nét đặc trưng truyền thống như: Phong cách kiến trúc dung dị, khoáng đạt, phù hợp với phong tục, tập quán dân tộc và khí hậu nhiệt đới gió mùa nước ta. Chùa thường được xây dựng với kiến trúc chữ Đinh và chữ Công kiểu kiến trúc phổ biến ở vùng trung du Bắc Bộ (chùa Bồng Lai, chùa Hưng Giác, chùa Hữu Đô, chùa Chương Xá…).
Với vị trí, địa hình, mô thức kiến trúc và trang trí nghệ thuật trên các công trình luôn được kết hợp chặt chẽ, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, bố cục cân xứng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc lại có tính thời đại rất rõ ràng. Chùa thời Lý – Trần bao giờ cũng là một quần thể kiến trúc, được dựng đặt ở những nơi có cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp và có mối liên hệ cộng đồng dân cư gần làng, sát nước mà yếu tố nước bao giờ cũng là hằng số không đổi đối với những ngôi chùa này. Con đường dẫn lên các ngôi chùa được coi là con đường tu hành dẫn dắt con người đi từ đời thường của phong cảnh thiên nhiên tới sự thoát tục của thế giới cửa Phật. Ông cha ta lựa chọn vị trí xây dựng các ngôi chùa phù hợp với cảnh quan môi trường, đạt hiệu quả cao về chức năng sử dụng và đảm bảo tính thẩm mỹ của công trình kiến trúc để hạn chế tối đa tác hại và tận dụng tối ưu những lợi thế của môi trường. Hệ quả là tạo ra được sự hài hòa lâu dài giữa con người với công trình và thiên nhiên. Sự đa dạng, phong phú của các công trình kiến trúc được bổ sung thêm điêu khắc tượng tròn, tượng phù điêu, với nhiều đề tài trang trí khác nhau càng tôn vinh tính nghệ thuật độc đáo cho mỗi công trình. Sự kế thừa và phát triển truyền thống văn hóa dân tộc trong nghệ thuật tạo hình kiến trúc và điêu khắc là rất rõ ràng. Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Lý – Trần đã góp phần to lớn để sáng tạo ra những giá trị của “đỉnh cao văn hóa, văn minh thứ hai” của người Việt ở thời đại này.
Cư dân cổ Phú Thọ bằng bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo đã biến những vật vô tri như đá, đất nung thành những tác phẩm nghệ thuật điêu luyện và hoàn mỹ. Vẻ đẹp kiến trúc và điêu khắc ở các di tích chính là điểm hấp dẫn để thu hút khách thập phương xa gần, góp phần tích cực vào việc giới thiệu những nét độc đáo của văn hóa truyền thống Việt Nam. Vì vậy, chúng ta những thế hệ đi sau phải giữ gìn những bản sắc văn hóa đó, nhất là trong quá trình trùng tu và tôn tạo. Kiến trúc và điêu khắc được bảo tồn và giữ nguyên trạng sẽ càng làm tôn thêm vẻ đẹp cổ kính đầy bản sắc của các di tích này.
Chú thích:
* Đỗ Minh Nghĩa, Viện Bảo tồn di tích.
** Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương.
[1] Nguyễn Anh Tuấn (2015), Tiến trình nghệ thuật tạo hình miền đất Tổ, Bảo tàng Hùng Vương – Sở VHTT & DL Phú Thọ, tr.94.
[2] Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư – dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tập I, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.316.
[3] Bia dựng ngày 08/12 năm Chính Long Bảo Ứng thứ 11, tức ngày 12/01/1174.
[4] Bà họ Lê, húy là Lan Xuân, năm 1134 được vua Lý Thần Tông đón làm Phi, đến năm 1136 tiến phong là Phụng Thánh Phu nhân. Bà là em ruột của Cảm Thánh Hoàng Thái hậu và cũng là mẹ kế, dì ruột của vua Lý Anh Tông.
[5] Nguyễn Anh Tuấn (2015), Tiến trình nghệ thuật tạo hình miền đất Tổ, Bảo tàng Hùng Vương – Sở VHTT & DL Phú Thọ, tr.102.
Tài liệu tham khảo:
-
Trần Lâm Biền, Đồ thờ trong di tích của người Việt, Nxb. Thế giới, 2018.
-
Hà Văn Tấn chủ biên, Khảo cổ học Việt Nam, tập III: Khảo cổ học lịch sử Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002.
-
Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.
-
Robert E. Fisher, Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo, Nxb. Mỹ thuật, 2002.
-
Tống Trung Tín, Nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thời Lý và thời Trần (thế kỷ XI-XIV), Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, 1997.
-
Nguyễn Anh Tuấn, Đi tìm dấu tích kinh đô Văn Lang, Sở Văn hóa Thông tin Phú Thọ, 2007.
-
Nguyễn Anh Tuấn, Tiến trình nghệ thuật tạo hình miền đất Tổ, Bảo tàng Hùng Vương – Sở VHTT & DL Phú Thọ, 2015.
-
Trương Thìn, Đại đức Thích Minh Nghiêm, Lên chùa lễ Phật, Nxb. Hà Nội, 2009.
-
Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư – dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tập I, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.
-
Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003.