Di tích lịch sử văn hóa – Địa chí Đồng Nai

Thư viện Tỉnh Đồng Nai

>

trangtin

>

Địa chí Đồng Nai

>

Danh mục


Mộ Cự thạch Hàng Gòn – Công trình kiến trúc mộ cổ huyền bí

Sau nhiều năm nỗ lực của ngành khảo cổ học Việt Nam trong việc vén bức màn “bí ần” về di tích mộ cổ Cự thạch Hàng Gòn, các nhà khoa học đã phát hiện hết bí mật này đến bí mật khác.



Một nhà nghiên cứu khảo cổ học người nước ngoài đã phải thốt lên: “Đây là di tích Cự thạch kỳ lạ trên vùng đất đỏ huyền vũ nham Xuân Lộc đang thu hút sự quan tâm nghiên cứu đặc biệt của nhiều học giả trên thế giới”.

Công trình kiến trúc mộ đá cổ độc đáo

Di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn, nay thuộc ấp Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh,  Đồng Nai) đã được phát hiện và khai quật từ năm 1927.

Năm 1928, di tích đã được xếp hạng và ghi vào danh mục các di tích lịch sử “Mộ Đông Dương – mộ Dolmen Hàng Gòn” và đến năm 1984, Bộ Văn hóa đã xếp hạng Mộ Cự thạch Hàng Gòn là di tích quốc gia, 1 trong 10 di tích quan trọng ở Nam bộ.

Các nhà khoa học đánh giá, đây là một di tích độc đáo cả về nghệ thuật và kỹ thuật của các tộc người cổ Nam Á nói chung và người Việt cổ nói riêng.

Mộ Cự thạch Hàng Gòn là một dạng hầm mộ, được cấu tạo bởi những tấm đá hoa cương lớn và những trụ đá dài, nặng khoảng 30 – 40 tấn. Ngôi mộ có hình chữ nhật dài 4,2m, ngang 2,7 mét, cao 1,6 mét được ghép bới 6 tấm đá hoa cương được bào khá nhẵn ở mặt ngoài; 4 tấm đá thẳng đứng dùng làm vách, 2 tấm nằm ngang dùng làm mặt đáy và nắp đậy.

Liên kết giữa tấm đá hoa cương nhờ vào hệ thống rãnh dọc chắc chắn. Xung quanh mộ có nhiều trụ đá hoa cương cao 7,5 mét, tiết diện mặt cắt ngang hình chữ nhật dài 1,10m X 0,3m, phần lớn các đầu trụ được khoét lõm hình yên ngựa.

Những phát hiện đầu tiên về ngôi mộ do một kỹ sư người Pháp tên là Jean Bouchot khám phá vào năm 1927 trong khi đào ủi mặt bằng để thi công tuyến giao thông Long Khánh đi Bà Rịa – V ũng Tàu.

Sau đó có nhiều đoàn khảo cổ trong và ngoài nước đến nghiên cứu di chỉ khảo cổ học này. Tuy nhiên, cho đến khoảng tháng 3/2006, các chuyên gia của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ và Ban quản lý di tích – danh thắng Đồng Nai phối hợp mở đợt điều tra nghiên cứu quy mô. Nhiều phát hiện mới đã được đoàn nghiên cứu làm rõ.

Trong quá trình đào thám sát, đã phát hiện dấu vết của những vệt đất cháy kéo dài thành hình vòng cung, phía trên có rất nhiều than tro và xỉ kim loại; các mảnh đồ gốm trên thân có hoa văn làm từ chất liệu đất sét pha cát và vỏ nhuyễn thể nghiền nhỏ; phát hiện 2 chiếc tù và bằng đồng và 2 chiếc bàn mài bằng đá có lỗ đeo.

Năm 2007, đoàn đã tiếp tục khai quật và giải mã những “bí mật” di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn. Nhiều hiện vật bằng gốm, bằng đá, các dụng cụ bàn mài, các cột đá và những vết đất cháy, than tro.

Đặc biệt trong xưởng chế tác đá đã tìm thấy trước đó, đoàn khảo sát cũng đã tìm thấy những tấm đá, cột đá, nhiều phế vật mảnh tước đá và nhiều công cụ lao động. Qua đó cho thấy người xưa đã vận chuyển những khối đá lớn về Hàng Gòn để gia công tạo ra những tấm đan, cột đá sử dụng cho kiến trúc mộ.

Qua so sánh phân tích, các nhà nghiên cứu đã đưa ra phán đoán cho rằng, chủ nhân của Mộ Cự thạch là một nhân vật quyền uy, là thủ lĩnh của một bộ lạc hay liên minh các bộ lạc hùng mạnh về kinh tế và quân sự; niên đại của di tích được xác định trong khoảng thời gian 150 trước Công nguyên đến 240 năm sau Công nguyên.

Như một “thạch tự tháp”

Bouchot – Người đầu tiên khám phá ra ngôi mộ – cho rằng sự “huyền bí” của hầm mộ Cự thạch Hàng Gòn là do các nhà xây dựng thời tiền sử quan tâm đến sự bảo mật giống như “bí truyền” thường thấy ở nhiều dân tộc sống ở khu vực Thái Bình Dương.

Ông cho rằng người Việt cổ đã biết tập hợp nhau lại tạo thành sức mạnh phi thường mới có thể vận chuyển được những cấu kiện bằng đá lớn như vậy, ngay cả đền Angkor (Campuchia) cũng không thấy những tảng đá nặng như thế.

Các nhà khảo cổ cho rằng, để xây dựng công trình trên, người Việt cổ phải huy động sức lao động của cả cộng đồng, tổ chức lao động một cách rất chặt chẽ. Đây là một công trình giống như “thạch tự tháp” của miền văn hóa sông Đồng Nai.

Ghi nhận của ngành Bảo tàng, Khảo cổ học Việt Nam cho thấy: Từ năm 1975 đến nay, có hàng trăm đoàn khảo cổ học từ các nước đến Hàng Gòn để tìm hiểu, nghiên cứu về quần thể di tích cự thạch độc đáo này.

Nhiều người cho rằng, đây là một ngôi mộ chôn dưới hình thức hỏa thiêu được xây dựng vào thời kỳ kim khí thuộc giai đoạn đồng phát triển (hậu kỳ thời đại đồ đồng) có khả năng chuyển sang thời kỳ đồ sắt; đồng thời khẳng định công trình này không chỉ có giá trị về kích thước (được xem là ngôi mộ đá lớn nhất Đông Nam Á đã phát hiện vào thời điểm hiện nay) mà còn chứa đựng giá trị lớn về trí sáng tạo của người tiền sử được ví như ” nền văn minh sông Đồng Nai”.

Bí mật về quần thể di tích mộ Cự thạch Hàng Gòn hiện vẫn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới khảo cổ học trong và ngoài nước. Một cuộc hội thảo cũng vừa được tổ chức tại tỉnh Đồng Nai để bàn biện pháp phục chế và bảo tồn di tích lịch sử độc đáo này.

Hiện Bộ văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng với UBND tỉnh Đồng Nai đang đề nghị các nhà kiến trúc, nhà quản lý, các nhà khoa học cho ý kiến về phương án bảo tồn và tôn tạo di tích mộ cự thạch Hàng Gòn để sớm triển khai trùng tu.

Theo báo Tiền Phong

Ngôi chùa Hoa cổ kính trên đất Cù lao Phố

 

Cù lao Phố là nơi có nhiều cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng cư dân sinh sống ở Biên Hòa. Miếu Quan Đế hay Thất phủ cổ miếu là một trong nhưng cơ sở tín ngưỡng cổ kính của người Hoa, được người dân địa phương gọi là chùa Ông. Đây là một di tích lịch sử kiến trúc khá độc đáo, được xây dựng vào thế kỷ XVII.

 

 Một số sử sách cho biết, di tích là “… một miếu điện nguy nga ở phía Nam châu Đại Phố huyện Phước Chính, trông ra sông Phước Long, đền đài rộng rãi, tráng lệ với hai Hội quán Phước Châu và Quảng Đông…”. Châu Đại Phố vốn là thương cảng Cù lao Phố xưa, Phước Long Giang chính là tên gọi của sông Đồng Nai trước đây và huyện Phước Chính xưa rộng lớn mà địa phận TP. Biên Hòa nay nằm trong phạm vi đơn vị hành chính này. Cộng đồng người Hoa do Trần Thượng Xuyên đến Biên Hòa có công tạo dựng nên cơ sở tín ngưỡng này. Cơ sở tín ngưỡng này do bảy phủ người Hoa; Phước Châu, Chương Châu, Quảng Châu, Triều Châu, Quỳnh Châu và Ninh Ba đóng góp công của xây dựng vào năm 1864. Với niên đại này, có thể xem chùa Ông (miếu Quan Đế) là cơ sở tín ngưỡng đầu tiên của người Hoa trên cả vùng Nam bộ.

    Tổng thể kiến trúc của di tích có kiểu hình chữ khẩu, được bố trí theo “nội công ngoại quốc”. Trong chùa lưu giữ một tập hợp tượng thờ về hệ thống thần linh chính yếu của người Hoa sinh sống trên đất Biên Hòa. Đó là tín ngưỡng thờ Quan Công /Quan Thánh đế quân, thờ bà Thiên Hậu, mẹ Sanh mẹ Độ, Phúc thần, Tài thần… Nội thất chùa được trang trí với những mảng kiến trúc đa dạng như: bao lam, liễn đối, khám thờ được chạm trổ tinh tế, thể hiện những điển tích, hình ảnh của các thần linh, vật linh, cảnh trí, sinh hoạt… trong quan niệm của người Hoa. Bên cạnh đó là những mảng văn tự Hán, với trình độ chạm khắc tinh xảo, thủ pháp nghệ thuật tinh tế. Phía sau chánh điện là lầu thờ Quan Âm, được xây dựng vào năm 1927, sau này được tôn tạo mới và phối thờ nhiều tượng thờ có tính dung hợp dân gian.

    Kiến trúc bên ngoài của di tích là một trong tính nghệ thuật khá độc đáo, thể hiện nét đặc trưng của cơ sở tín ngưỡng Hoa. Hai tượng ông Nhựt, bà Nguyệt đặt trên bờ nóc tiền điện là một trong những đặc trưng cơ bản tạo nên nghi dung của một ngôi chùa Hoa. Bên cạnh đó, trên mái chùa là một quần thể tượng gốm liên hoành, sắc sảo. Những mảng tượng gốm với các đề tài lễ hội tiêu biểu như hát tuồng, múa cung đình, đá cầu, chuyện tích dân gian… được thể hiện sinh động. Những mảng chất liệu bằng đá được thiết kế bằng các tượng thú, hoa văn mỹ thuật đa dạng vừa là cấu kiện của kiến trúc vừa là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc làm cho chùa độc đáo so với các di tích tín ngưỡng trên vùng Cù lao Phố.

    Kể từ khi xây dựng đến nay, chùa Ông đã trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo. Vì vậy, những thành tố cấu kết kiến trúc di tích hiện tồn bao gồm những thành tố không đồng nhất về niên đại và cũng không thuần nhất về phong cách, kiểu thức nghệ thuật. Đó là lẽ tự nhiên của sự bảo tồn trước sự biến chuyển, đổi thay của tự nhiên, xã hội. Đó cũng chính là giá trị lịch sử đánh dấu sự tiến triển của di tích qua nghệ thuật tạo hình, điêu khắc của cư dân, của sự giao thoa văn hóa, của sự phát triển của cộng đồng cư dân một vùng đất, đã diễn ra trên phạm vi Biên Hòa xưa – Đồng Nai nay.

    Đinh Huyền Dũng

Chùa Đại Giác và những chuyện tích: 310 năm Biên Hoà – Đồng Nai (1698-2008)

 

 

Hiện nay, trên địa bàn Biên Hòa có nhiều ngôi chùa vốn được tạo dựng khá sớm, trong đó có chùa Đại Giác tọa lạc ở vùng Cù lao Phố (nay thuộc xã Hiệp Hòa). Đây là một trong những cơ sở tín ngưỡng được liệt hạng vào danh mục di tích lịch sử cấp quốc gia.

            Kiến trúc chính hiện tồn của di tích theo lối chữ nhị và đã trải qua nhiều lần trùng tu. Kiểu thức kiến trúc mặt tiền với lầu trống, lầu chuông nhô cao. Phần chánh điện có không gian thoáng rộng với sự bài trí của một tập hợp tượng thờ đa dạng. Đặc biệt, ở điện thờ chính có tượng Phật lớn so với các chùa trên địa bàn Đồng Nai. Nội thất kiến trúc có nhiều bức hoành phi, câu đối. Nhà sư Thành Đẳng phái Lâm Tê đời 34 được xem là người khai sơn ngôi chùa này.

Trong lịch sử của vùng Biên Hòa, chùa Đại Giác gắn với những sự kiện được sử sách ghi chép: Vào năm 1779, trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quân Tây Sơn, người con gái của Nguyễn Ánh (sau là vua Gia Long) đến nương náu và thoát nạn. Khi Nguyễn Ánh lập nên thanh thế, xưng vương đã nhớ đến và ban chỉ cho trùng tu chùa. Vua đã sai cho binh thợ đến giúp việc xây cất, cho tượng binh đến dặm nền vì thế chùa còn có tên là chùa Tượng. Trong dịp trùng tu, vua cúng chùa một pho tượng Phật bằng gỗ mít lớn nên chùa còn có tên là chùa Phật lớn. Đời vua Minh Mạng cũng quan tâm và tiếp tục cho tu sửa chùa. Một công chúa của nhà Nguyễn cúng chùa tấm biển “Đại Giác tự” sơn son thếp vàng, bên phải có khắc: “Tiên triều Hoàng nữ đệ tam công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh”. Tiếc thay, tấm biển này không còn nữa bởi những kẻ coi trọng sự tham lam hơn lòng thành chốn cửa thiền lấy mất. Ngày nay, một tấm biển với nội dung của công chúa tặng ngày trước treo ở di tích chỉ là “bản sao” như gợi nhớ về một người thuộc dòng Hoàng gia công đức cho chùa.

Tương truyền, di tích chùa Đại Giác còn gắn với chuyện tình cảm đầy sắc thái của một phụ nữ xuất thân từ Hoàng gia nhà Nguyễn. Chuyện kể thì dài nhưng chung quy ở cái cách xử sự đầy cảm động của những người trong cuộc. Nhà sư Thiệt Thành là người tài đức từng được vua Gia Long triệu ra kinh đô làm Tăng cang chùa Thiên Mụ. Một phụ nữ hoàng gia cảm phục rồi đem lòng yêu mến nhà sư. Dù chính thân đã đạt được sự uyên thâm trong đạo pháp nhưng nhà sư vẫn lo tránh những sắc trần có thể làm day dứt tâm cang trước sợi dây luyến ái mà người phụ nữ đeo đuổi. Nhà sư từ biệt nơi kinh thành trở về Gia Định và sau đó là Biên Hòa, nhập thất tại chùa Đại Giác. Trong một lần vào Gia Định rồi đến Biên Hòa với chủ tâm gặp cho được nhà sư, Hoàng cô nhà Nguyễn đã quỳ gối, nài nỉ trước tịnh thất của chùa. Nhiều lần như thế với sự nài nỉ của Hoàng cô nhìn thấy bàn tay của nhà sư trước khi tạm biệt về kinh thành, nhà sư cảm động đã đưa bàn tay của mình qua ô cửa nhỏ cho Hoàng cô cầm lấy. Người phụ nữ ôm lấy bàn tay nhà sư một cách trìu mến. Đêm đó, giữa canh ba, trong khi mọi người đang an giấc, bỗng lửa cháy rực lên ở tịnh thất nơi nhà sư đang trú. Mọi người hoảng hốt cùng nhau dập lửa nhưng đã muộn. Tịnh thất cháy và xác thân của nhà sư cũng hóa theo. Sau này, người ta phát hiện một bài kệ của nhà sư trên vách chùa: “Thiệt đức rèn kinh vẹn kiếp trần. Thành không vẩn đục vẫn trong ngần. Liễu tri mộng huyễn chơn như huyễn. Đạo mình mình vui đạo mấy lần”. Hay tin nhà sư viên tịch, Hoàng cô cũng đã tự quyết định số phận của mình bằng một liều thuốc đắng.

Câu chuyện nơi cửa Phật vẫn còn những đoạn kết khá kỳ thú xung quanh một số bài vị của nhà sư và Hoàng cô thờ tại chùa Sắc tứ Từ Ân. Sức mạnh của tình yêu con người, sức mạnh của niềm tin Phật pháp trong câu chuyện như vẫn còn nhắc nhở cho hậu thế những bài học đầy cảm động.

Dấu tích kiến trúc xưa của chùa Đại Giác không còn được bảo lưu qua các lần trùng tu trước đây. Kiến trúc hiện tồn được xem như nét chấm phá làm đa dạng cho kiến trúc của chùa chiền Biên Hòa – Đồng Nai, phản ánh những bước phát triển nhiều mặt của xã hội. Với lịch sử khai sơn khá sớm, chùa Đại Giác là một trong những di tích lịch sử cho sự phát triển của vùng Biên Hòa – Đồng Nai.

Phan Đình Dũng

        Theo Báo Đồng Nai

Nhà cổ Trần Ngọc Du được công nhân là di tích kiến trúc nghệ thuật

Sáng ngày 21-1, Ban Quản lý di tích – danh thắng tỉnh Đồng Nai kết hợp với Phòng Văn hóa thông tin TP.Biên Hoà tổ chức lễ công bố quyết định và trao bằng công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật của UBND tỉnh Đồng Nai cho Nhà cổ Trần Ngọc Du.



      Đây là ngôi nhà cổ đầu tiên ở Đồng Nai được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.  Căn nhà cổ này  tọa lạc tại phường Tân Vạn, thành phố Biên Hòa, do ông Trần Ngọc Du xây dựng vào năm 1900. Đây là một trong 401 ngôi nhà cổ tiêu biểu ở Biên Hòa đánh dấu tiến trình 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai.

Nhà cổ Trần Ngọc Du được đánh giá là một công trình nghệ thuật có kết cấu và bố cục chặt chẽ, hài hòa giữa các hạng mục. Mỗi hạng mục là một công trình kiến trúc độc lập rất có gía trị về mặt thẩm mỹ, đặc trưng cho kiến trúc thế kỷ 19 theo motip dân gian. Những yếu tố về địa hình, địa thế, hướng nhà đều được xây dựng theo thuật phong thủy, đảm bảo cho sự trường tồn và no ấm.

 Trước đó , năm 2001, được sự chấp thuận của Bộ VHTT và UBND tỉnh Đồng Nai, Chính phủ Nhật Bản đã đầu tư cho việc trùng tu ngôi nhà.

    Nguồn: Đài PTTH Đồng Nai

Địa đạo Nhơn Trạch

Vùng Phước An vốn là rừng nguyên sinh lòng chảo, một thời được mệnh danh là “Thủ đô của Long Thành kháng chiến chống Pháp”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, rừng lòng chảo là căn cứ hoạt động của Huyện ủy Nhơn Trạch với hệ thống địa đạo, giao thông hào, ô ụ chiến đấu cùng lán trại trên mặt đất. Lực lượng đào địa đạo khoảng 20 người thay phiên nhau, đào bằng dụng cụ thô sơ như: cuốc, xẻng đã khởi công vào đúng ngày 19-5-1963 nhân kỷ niệm 73 năm ngày sinh Bác Hồ.



Đến cuối năm 1964 đã đào được 1,5km đường địa đạo khép kín, liên hoàn trong lòng đất, nối từ căn cứ Huyện ủy về các xã Phú Hội, Phước An, Huyện đội… Đường địa đạo có kết cấu hình vòm nằm sâu dưới mặt đất từ 5 đến 7m, độ cao từ 1,8m đến 2m, rộng từ 1m đến 1,2m; có nhiều lỗ thông hơi, ngách rẽ sang hai bên, hầm bí mật, giếng nước, bếp Hoàng Cầm… đường địa đạo có thể chịu đựng sức công phá của bom 250kg, chứa được từ 300 đến 500 người.

Xuất phát từ căn cứ này, Huyện ủy Nhơn Trạch đã lãnh đạo và chỉ đạo các lực lượng cách mạng trong huyện kết hợp đấu tranh vũ trang, chính trị, binh vận đánh bại chính sách ấp chiến lược, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ – ngụy.

Sau ngày giải phóng miền Nam, hệ thống địa đạo dài 1,5km này không còn nguyên vẹn, chỉ còn giữ lại gần 200m. Mặc dù vậy, ý nghĩa lịch sử của căn cứ cách mạng này là rất lớn nên ngày 19-1-2001, Bộ VHTT đã xếp hạng địa đạo Nhơn Trạch là di tích lịch sử cấp Quốc gia (Quyết định số 04/2001/QĐ-BVHTT).

 

Để bảo tồn và phát huy tác dụng di tích địa đạo Nhơn Trạch, hiện nay trên khu đất rộng 2,5 hecta đối diện với đền thờ liệt sĩ tọa lạc tại ấp 5, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, đang tiến hành tu bổ, phục hồi lại đoạn địa đạo dài 200m và nơi làm việc của Huyện ủy theo hồi cố của các nhân chứng lịch sử; xây một nhà truyền thống trưng bày các tài liệu, hình ảnh, hiện vật của căn cứ Huyện ủy xưa với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng để khách có điều kiện thăm lại vết tích chiến trường xưa, ôn lại trang sử hào hùng một thời oanh liệt. Cũng tại khu đất này, huyện Nhơn Trạch sẽ xây một số công trình văn hóa gắn liền với di tích, du lịch sinh thái vườn trái cây Phú Hội và khu công nghiệp của thành phố trẻ Nhơn Trạch trong tương lai

Theo Báo Đồng Nai


Đền thờ và mộ Nguyễn Hữu Cảnh

Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh còn gọi là đình Bình Kính tọa lạc bên tả ngạn sông Đồng Nai, xưa kia thuộc ấp Bình Kính, thôn Bình Hoành, tổng Trấn Biên, nay là ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa, đã được Bộ VH – TT – TT&DL xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia (Quyết định số 457-QĐ ngày 25-3-1991).



Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, ban đầu ngôi đền có qui mô nhỏ, vách làm bằng ván, mái ngói âm dương, cách ngôi đền hiện tại khoảng 400m về hướng Nam. Các tư liệu cho biết: ngôi đền được xây dựng lại lần đầu tiên vào năm Tự Đức thứ tư (1851); đến năm 1923, đền được tái thiết lại ở địa điểm hiện nay.

   Nguyễn Hữu Cảnh sinh vào năm 1650 tại Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong một gia đình có nhiều bậc danh tướng đương triều. Ông là  người văn võ song toàn, lập được nhiều chiến công lớn và được chúa Nguyễn tin yêu, trọng vọng. Mùa Xuân năm Mậu Dần (1698), ông vâng lệnh chúa Nguyễn vào kinh lược xứ Đàng Trong khi ấy còn rất hoang vu. Đến đất Đồng Nai, ông đặt Đại bản doanh ở Cù lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa); lấy đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, đất đai mở mang ngàn dặm. Ông chiêu mộ lưu dân đến lập nghiệp, tổ chức bộ máy hành chính từng bước có qui củ, khuyến khích khai hoang, thúc đẩy Cù lao Phố phát triển thành một trong những cảng thị sầm uất, năng động nhất đàng Trong suốt thế kỷ XVIII và chính thức sáp nhập vùng đất mới phương Nam vào bản đồ Đại Việt. Sau khi kinh lược phương Nam trở về, năm sau ông lại phụng mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu thống lĩnh đại binh dẹp vua Chân Lạp giữ vững miền biên ải phương Nam. Tháng 4 năm Canh Thìn (1700), sau khi hoàn thành sứ mệnh, trên đường trở về đến Rạch Gầm (Tiền Giang) thì ông thọ bệnh qua đời nhằm ngày 16 tháng 5 âm lịch, thọ 51 tuổi. Trên đường di quan ông về quê an táng, quan tài của ông được đình lại khu đất khi xưa ông đặt Đại bản doanh ở Cù lao Phố để cho nhân dân địa phương có dịp bái biệt ông lần cuối. Nơi đình quan đã được nhân dân địa phương xây một ngôi mộ vọng để ghi nhớ sự kiện này. Khi hay tin Nguyễn Hữu Cảnh mất, Chúa Nguyễn vô cùng thương tiếc đã phong tặng ông là Thượng đẳng công thần đặc Trấn phủ Chưởng cơ với tước: Lễ Thành Hầu và đưa bài vị của ông vào thờ tại Thái miếu.

Nhằm bảo tồn di sản văn hóa dân tộc và phát huy giá trị văn hóa trong thời kỳ hội nhập, thời gian qua, ngành VHTT Đồng Nai, UBND TP. Biên Hòa, chính quyền địa phương và Ban quý tế đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh đã tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích; mở rộng, chỉnh trang lại khuôn viên, kè đá bờ sông với số kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. Năm 2006, Ban Quản lý di tích – danh thắng Đồng Nai đã tiến hành xử lý mối mọt, nấm mốc tại di tích. Trong kế hoạch năm 2007, Ban Quản lý di tích – danh thắng sẽ hướng dẫn, hỗ trợ về mặt chuyên môn cho UBND xã Hiệp Hòa thành lập Tổ Quản lý các di tích đã xếp hạng và kiểm kê phổ thông trên địa bàn xã để làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu tôn tạo, tổ chức lễ hội và đón khách tham quan

     Theo Báo Đồng Nai

Mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự

Đây là di tích lịch sử danh nhân có giá trị ở Đồng Nai, gồm hai phần: mộ và đền thờ. Phần mộ là nơi an táng Đoàn Văn Cự, thủ lĩnh hội kín Thiên Địa hội ở Biên Hoà và 16 nghĩa binh tử vong trong trận tấn công của Pháp vào bưng Kiệu năm 1905. Đây cũng là nơi mà lúc sinh tiền Đoàn Văn Cự xây dựng căn cứ kháng chiến. Mộ tọa lạc trên khu bình địa tổng kho Long Bình, phường Long Bình, cách trung tâm thành phố Biên Hoà 8km đường chim bay. Nguyên thủy chỉ là nấm mồ chôn cất đơn sơ, năm 1956 và 1990 được nhân dân trùng tu lại theo lối xây cất mới. Mộ hình chữ nhật, dài 16,5m; rộng 2m; cao 0,5-0,75m. Phía sau là ngôi miếu nhỏ thờ hương hồn Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh, bài trí đơn giản. Khu mộ được bảo vệ bởi hai vòng rào bằng gạch, có cổng ra vào. Gần như bao quanh khu mộ là dòng Linh Tuyền, tiếng nước róc rách suốt ngày đêm đưa hồn các tử sĩ vào cõi vĩnh hằng.



Tại phường Tam Hiệp, trên Quốc lộ 15, một ngôi đình cũng được xây cất từ năm 1956 làm chỗ thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh, cách phần mộ khoảng 1km về hướng đông bắc 64 độ. Đền tọa lạc trên khu đất bằng phẳng, rộng 3.000m2, kiến trúc theo kiểu chữ tam (三), gồm hai phần chính: nhà võ ca và chánh điện.

Nhà võ ca chiếm diện tích 303,75m2, đối diện với đền thờ chính. Bên trong có sân khấu nhỏ dùng để hát bội trong những dịp lễ đền. Mặt sân khấu đối diện với chánh điện.

Trước khi vào chánh điện phải qua nhà bái. Đây là nơi khách thập phương ra vào hành lễ, diện tích 75,465m2, mái lợp ngói móc, nền cao 0,5m xây bằng đá ong lót gạch bông, được chia làm ba gian, mỗi gian đều có bàn hương án. Trước đền có cặp lý ngư hoá long chầu mặt trời, biểu tượng cuốn thư cây giáo, hai bên là hai con rồng bằng gốm men xanh.

Nối tiếp nhà bái là chánh điện, diện tích 129,87m2 gồm bốn mái lợp ngói móc, trên nóc có cặp rồng chầu pháp lam, chia thành ba gian bởi những hàng cột gỗ sao, trên cột đều có liễn đối. Gian chính giữa thờ thần, bàn hương án bằng gỗ khắc chạm rồng chầu mặt trời, chim muông… được sơn son thếp vàng, hai bên là hàng bát bửu. Hai gian bên thờ tả hữu ban liệt vị. Dọc mặt tường tả hữu thờ Tiền hiền, Bạch mã, Tiên sư, Thổ công.

Phía sau chánh điện là nhà khách và nhà bếp. Nơi đây dùng để tiếp khách và nấu ăn trong những ngày lễ trọng.

Đáo lệ hàng năm, đến ngày 8 tháng 4 âm lịch, nhân dân địa phương thiết lễ giỗ bằng một độ tế rất long trọng, tưởng nhớ hùng khí của Đoàn Văn Cự và 16 tử sĩ vì đại cuộc xả thân.

Đoàn Văn Cự lãnh đạo hội kín Thiên Địa hội ở Biên Hoà, một tổ chức yêu nước chống ách thống trị của thực dân Pháp. Ông đã quy tụ được đông đảo lực lượng nghĩa quân tiến hành cuộc kháng chiến thời kỳ trước khi Đảng Cộng Sản ra đời. Tuy bị thực dân Pháp nhanh chóng dập tắt nhưng hoạt động của ông đã có ảnh hưởng sâu rộng ở vùng miền Đông Nam bộ trong những thập niên đầu thế kỷ XX.

Thiên Địa hội vốn là một tổ chức vừa có tính chất tương tế, vừa có tính chất chính trị của nông dân Trung Quốc, được hình thành từ sau khi nhà Minh bị nhà Thanh lật đổ, khẩu hiệu chính trị là “Bài Mãn phục Minh”.

Cuối thế kỷ XX, tổ chức Thiên Địa hội hoạt động khá mạnh ở thành thị và nông thôn Nam kỳ lục tỉnh, nhờ vào việc phát triển thương mại. Bấy giờ Nam kỳ có nhiều hội yêu nước của nhân dân rất bí mật, báo chí gọi là “hội kín”, về sau gọi là Thiên Địa hội. Thật ra, các hội đó không mang một tên thống nhất nào, mà có nhiều tên gọi khác nhau. Hội hoạt động riêng lẻ, liên lạc ngang với nhau, khi có điều kiện thì kết hợp thành hệ thống dọc như một lực lượng yêu nước mạnh mẽ. Mục đích là đánh đuổi ngoại bang, giành độc lập, thiết lập chế độ quân chủ, khẩu hiệu đấu tranh là “Bài Pháp phục Nam”. Hình thức đấu tranh là bạo động. Các tổ chức này còn chịu ảnh hưởng sâu của hệ tư tưởng và đạo đức phong kiến pha màu thần bí.

Vốn giàu lòng yêu nước, nhân dân Nam kỳ lục tỉnh đã nhanh chóng biến hội kín thành hình thức hoạt động khá phổ biến để đấu tranh quyết liệt với giặc vào cuối thế kỷ XIX đầu những thập niên thế kỷ XX.

Trong tình hình chung của phong trào Nam bộ lúc bấy giờ, nhân dân Biên Hoà hưởng ứng nhiệt thành phong trào chống Pháp của Thiên Địa hội, mở đầu là tổ chức hội kín của Đoàn Văn Cự tại vùng bưng Kiệu, thôn Vĩnh Cửu.

Đoàn Văn Cự sinh năm 1835 tại làng Bình An, huyện Bình An, tỉnh Biên Hoà (nay là quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) trong gia đình nho học yêu nước. Bị Pháp và bọn tay chân theo dõi, ông lánh giặc đến tá ngụ ở bưng Kiệu, thôn Vĩnh Cửu (nay là phường Long Bình, thành phố Biên Hoà) mưu đồ đại sự. Ngụy trang dưới nghề dạy học, cắt thuốc kiêm coi bói, ông ngấm ngầm tập hợp lực lượng, tích trữ vũ khí, lương thảo. Đội ngũ chống Pháp của ông rải khắp cả miền Đông Nam kỳ, đông nhất là Chợ Đồn, Chợ Chiếu (Cù Lao Phố), Bình Đa, Vĩnh Cửu đến núi Nứa (Bà Rịa). Lực lượng ngày càng hùng hậu, hoạt động của ông dần đến chỗ công khai nơi bưng rừng khuất tịch. Tất nhiên không tránh khỏi sự dòm ngó, theo dõi của chính quyền thực dân.

Để ngăn chặn ảnh hưởng và dập tắt phong trào ngay từ trong trứng nước, sáng ngày 12 – 4 -1905 (dương lịch), một tiểu đội lính mã tà do tên sen đầm chỉ huy kéo xuống bao vây căn cứ bưng Kiệu. Đoàn Văn Cự bố trí nghĩa quân do các tướng Hoàng Mè, Hoàng Giáp chỉ huy chuẩn bị đón đánh giặc. Phục binh cả ngày mà không thấy giặc động tĩnh, đến chiều tối, ông ra lệnh cho nghĩa quân về ăn cơm. Đúng lúc không còn quân canh phòng, giặc Pháp rầm rộ kéo đến, một toán quân khá đông bao vây nhà ông. Tên quan ba cùng tốp lính vượt suối Linh tiến vào. Đến ngưỡng cửa, chúng gặp ông trong bộ chiến phục oai nghi: đầu chít khăn lụa điều, mình buộc thắt lưng màu hồng, giắt đoản đao đầu hổ. Thấy địch, ông vung đao chém tên quan ba Pháp bị thương. Hắn rút súng bắn lại, Đoàn Văn Cự trúng đạn hy sinh trước bàn thờ Tổ. Lúc bấy giờ, đã bảy mươi tuổi mà tướng mạo ông hãy còn phương phi, nằm chết trên vũng máu với vẻ hiên ngang của một trang võ tướng.

Pháp xả súng vào căn cứ nghĩa quân, đốt phá lương thực. Thêm 16 người bị trúng đạn chết trong cơn tán loạn. Hôm sau, dân làng an táng 17 liệt sĩ vào ngôi mộ chung.

Mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự đã được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 722/QĐ – BVHTT, ngày 25 – 4 – 1998.

Dẫu thời gian đã trôi qua, tấm gương can liệt của Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa sĩ vẫn sáng mãi với khí thiêng sông núi, góp phần làm rạng rỡ “hào khí Đồng Nai”. Họ mất đi mà anh linh vẫn còn phảng phất trong tâm trí của người dân Biên Hoà nặng lòng hoài cổ.

Nguyễn Tuyết Hồng

Lăng mộ Trịnh Hoài Đức

Lăng mộ Trịnh Hoài Đức nằm ở địa phận phường Trung Dũng, thành phố Biên Hoà. Người dân địa phương quen gọi là “lăng Ông”. Từ bùng binh Biên Hùng của trung tâm thành phố Biên Hoà, theo Quốc lộ I, hướng đông bắc khoảng 300 mét, rẽ vào hẻm 39 (còn gọi là hẻm Đường Rầy –trước đây, một nhánh của tuyến đường từ ga thẳng đến sân bay Biên Hoà) ta sẽ đến được di tích. Nằm trong khu vực của khu phố 3, phường Trung Dũng có rất nhiều ngôi mộ cổ, được xây bằng đá ong tô hợp chất, xung quanh lăng Ông, nhiều người cho rằng, trước kia đây là khu mộ của họ tộc Trịnh Hoài Đức. Dưới thời Nguyễn, mộ Trịnh Hoài Đức thuộc thôn Bình Trúc, dinh Trấn Biên. Thời Pháp thuộc, địa danh Bình Trúc được đổi thành Bình Trước, thuộc quận Châu Thành, tỉnh Biên Hoà. Trường Viễn Đông Bác cổ đã xếp mộ Trịnh Hoài Đức là di tích vào năm 1938

 Nhiều ngôi mộ của họ tộc Trịnh Hoài Đức nằm rải rác trên khu đất khoảng 3 héc ta, xen lẫn với nhà dân, các con đường mòn nhỏ. Các ngôi mộ đều xây theo lối hình voi phục, mặt bằng dạng khối hình chữ nhật; các bia đá khắc chữ Hán hướng về phía tây nam, tường phủ rêu xanh. Trong toàn khu mộ họ Trịnh, mộ Trịnh Hoài Đức nổi bật lên bởi quy mô của kiến trúc, có lẽ đây là chủ ý của những người dựng mộ trong phép tắc của người xưa về dòng họ.

 Trước khi được trùng tu, tôn tạo năm 1998 (nhân dịp kỷ niệm vùng đất Biên Hoà – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển), mộ Trịnh Hoài Đức nằm khuất trong khu đông dân cư. Trước năm 1975, đáo lệ hằng năm vào lễ Thanh minh, con cháu Trịnh Hoài Đức từ các địa phương khác đến cúng viếng với nghi lễ rất trang trọng. Về sau, có lẽ do một số con cháu trong thân tộc họ Trịnh đã lớn tuổi hay lưu lạc mà các lễ viếng không còn duy trì như trước.

 Hiện nay, mộ Trịnh Hoài Đức tọa lạc trên chu vi đất rộng với cảnh quan được tôn tạo mới, khang trang hơn trước rất nhiều. Những ngôi nhà dân trong phạm vi của di tích được giải toả, di tích được bảo vệ bởi hàng rào, tường bao chu đáo. Kiến trúc mộ ban đầu được bảo tồn. Nguyên thủy, mộ xây bằng đá ong tô hợp chất, xung quanh có vòng thành kiên cố. Phía sau mộ có bức tường nhô cao, nối vòng thành dạng hình bầu dục lượn sóng. Trên bức tường có khắc các dòng chữ Hán tựa như bài thơ ca ngợi tài đức của Trịnh Hoài Đức nhưng lâu ngày bị mờ, không còn đọc được, hai bên trang trí hình hai đầu rồng cách điệu. Hiện nay, trên bức tường rộng này được trang trí hình long ẩn vân. Phía trước cửa vào mộ có tấm bình phong lớn, ghi khắc tiểu sử và sự nghiệp của Trịnh Hoài Đức. Trên những cột vuông nối các góc bờ vòng thành trước mộ có khắc những câu đối chữ Hán, nội dung chủ yếu nói về sự học, một cách chủ ý đề cập đến sự uyên bác trên bình diện nghiên cứu của Trịnh Hoài Đức. Trong vòng thành là thành tố chính của kiến trúc, gồm hai phần mộ: một của Trịnh Hoài Đức và một của chánh thất phu nhân, người họ Lê. Cấu kết mộ giống nhau, hình voi phục, xung quanh có gờ hình móng ngựa. Phía trước mỗi phần mộ đều có bia đá, khắc chữ Hán; chung quanh trang trí bởi các đường hồi văn, biểu tượng âm dương, phía dưới đắp nổi dạng chân quỳ. Nội dung các bia ở hai phần mộ Trịnh Hoài Đức nêu vắn tắt các danh, chức, phẩm hàm mà Trịnh Hoài Đức được ban tặng, cùng người vợ của ông; đồng thời có ghi cụ thể thời gian là tháng 11 năm Ất Dậu, con cái là Trịnh Thiên Lễ Nhiên, Trịnh Thiên Nhiên Bảo, Trịnh Thiên Bảo cùng lập bia.

Trịnh Hoài Đức sinh năm 1765 (Ất Dậu). Ông còn có tên là An, tự Chỉ Sơn, hiệu là Cấn Trai. Tổ tiên ông là người Phúc Kiến, Trung Hoa, nối đời làm quan. Đến đời ông nội Trịnh Hoài Đức, nhà Mãn Thanh nổi lên thay nhà Minh, vì bất hợp tác với tân triều, gia đình ông sang cư ngụ ở Việt Nam. Thân sinh Trịnh Hoài Đức là Trịnh Khánh. Ông nổi tiếng ham học, giỏi về thư pháp và có tiếng là cao cờ. Trịnh Khánh kết duyên với cô gái Việt. Trịnh Hoài Đức mồ côi cha từ khi 10 tuổi. Để tránh loạn lạc, mẹ ông từ Qui Nhơn dời nhà đến vùng Phiên Trấn lập nghiệp. Tại đây, Trịnh Hoài Đức được mẹ cho đến thụ giáo thầy Võ Tường Toản, một nhà nho thuần hậu, đạo cao đức trọng nổi tiếng thời bấy giờ. Trịnh Hoài Đức chăm học, kết bạn với Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh. Cả ba người sau này trở thành những vì sao lấp lánh trời Nam, được mệnh danh là Gia Định Tam gia. Năm 1788, Nguyễn Ánh mở khoa thi ở Gia Định, cả ba ông ra ứng thí và đỗ đạt.

 Trịnh Hoài Đức được bổ nhiệm và lần lượt giữ chức Hàn Lâm viện Chế cáo, Điền Tuấn sứ huyện Tân Bình. Năm 1793, ông được sung chức Thị giảng Đông cung (Hoàng tử Cảnh) và dần được thăng lên Tham tri Hộ bộ, coi việc quân lương. Vào năm 1802, Trịnh Hoài Đức được thăng Thượng thư Hộ bộ cùng Ngô Nhơn Tĩnh, Huỳnh Ngọc Uẩn đi sứ Trung Hoa. Năm 1805, Trịnh Hoài Đức nhậm chức Hiệp lưu trấn Gia Định rồi Hiệp tổng trấn vào năm 1808. Tháng 12 năm 1813, Trịnh Hoài Đức từ cương vị Thượng thư Lễ bộ được thăng làm Thượng thư Lại bộ. Năm 1816, Trịnh Hoài Đức lại được giữ chức Hiệp tổng trấn Gia Định. Khi Nguyễn Ánh mất, Minh Mạng lên thay vào năm 1820, Trịnh Hoài Đức được vua triệu về kinh phong làm Phó Tổng tài ở Quốc sử quán, rồi thăng Hiệp biện Đại học sĩ, trật Tòng nhất phẩm, lãnh Thượng thư Lại bộ, kiêm lãnh Thượng thư Binh bộ. Trịnh Hoài Đức với kiến thức sâu rộng, đức độ khiến kẻ sĩ ngưỡng mộ được cử làm chủ khảo nhiều kỳ thi do triều đình mở.

 Trịnh Hoài Đức sau 40 năm làm quan được xem như bậc khai quốc công thần, tước lộc đứng đầu triều đình nhưng quen cảnh sống thanh bạch, kiệm ước, gần cuối đời cũng không có ngôi nhà riêng. Đến năm 1823, Trịnh Hoài Đức vì tuổi già, lâm bệnh, dâng biểu xin nghỉ việc. Vua Minh Mạng lệnh cho trích kho 2000 quan tiền và gỗ, gạch, ngói làm nhà, đồng thời ban sâm quế cho Trịnh Hoài Đức để nghỉ ngơi, điều trị bệnh. Mùa thu năm 1824, Trịnh Hoài Đức được vua Minh Mạng sung chức Tổng tài biên sửa Nguyễn Triều Ngọc Điệp và Tôn Phả, rồi kiêm lãnh công việc nhà Thương bạc.

 Con đường thăng tiến của Trịnh Hoài Đức một mặt thể hiện sự sủng ái của vua, tín nhiệm của triều đình đồng thời nói lên tài năng và nhân cách của ông trong thời bấy giờ.

 Mùa xuân năm 1825, sau một thời gian lâm bệnh, Trịnh Hoài Đức mất, thọ 61 tuổi. Vua Minh Mạng thương tiếc, sai nghỉ triều ba ngày, truy tặng ông chức Thiếu bảo, Cần Chánh điện Đại học sĩ, ban tên thụy là Văn Khác; phái hoàng thân Miên Hoằng thân hành tế lễ và đưa linh cữu Trịnh Hoài Đức về Nam theo nguyện vọng của ông. Linh cữu của Trịnh Hoài Đức về đến Phiên Trấn, Tổng trấn Lê Văn Duyệt thân hành phúng viếng rồi hộ linh cữu ôngvề chôn cất nơi quê mẹ là làng Bình Trước, Biên Hoà.

 Năm 1852, bài vị Trịnh Hoài Đức được đưa vào thờ ở Trung hưng công thần miếu và đưa vào thờ ở đền Hiền lương năm 1858.

 Trên bước đường công danh, Trịnh Hoài Đức đã lên gần tuyệt đỉnh. Ông là một con người tài đức vẹn toàn, được vua tin yêu, quần thần ngưỡng vọng. Dù ở chức quan cao cực phẩm nhưng Trịnh Hoài Đức vẫn sống giản dị, thanh cao, chỉ biết quên mình lo việc ích nước, lợi dân. Về phương diện văn hoá, Trịnh Hoài Đức là nhà thơ, nhà viết sử lỗi lạc hàng đầu của thời Nguyễn Trung hưng. Trịnh Hoài Đức để lại cho hậu thế một kho tàng trước tác đồ sộ gồm thơ văn và các công trình nghiên cứu như: Gia định thành thông chí, Cấn Trai thi tập… Công trình khảo cứu Gia Định thành thông chí là bộ địa lý học – lịch sử giá trị trong kho tàng thư tịch cổ của nước ta. Bộ sách này ghi lại đầy đủ nhất, toàn diện nhất diện mạo xứ Đồng Nai – Gia Định trong thời kỳ khai phá, lập nghiệp của cư dân Việt.

Lăng mộ Trịnh Hoài Đức đã được Bộ Văn hoá – Thông tin – Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử theo Quyết định số 1539/QĐ, ngày 27 – 12 -1990.

Những thế hệ con dân xứ Biên Hoà – Đồng Nai luôn biết ơn và tự hào về Trịnh Hoài Đức, một tài năng lớn, một nhân cách lớn đã góp phần đặt nền móng cho một vùng hào khí Đồng Nai – văn hóa Đồng Nai.

Đỗ Bá Nghiệp – Phan Đình Dũng

Đình An Hoà

Từ ngã ba Vũng Tàu, theo Quốc lộ 51 đi Bà Rịa – Vũng Tàu đến km số 2, rẽ phải vào xã An Hoà, đi tiếp khoảng 1 km du khách sẽ gặp đình An Hoà, tọa lạc giữa nơi dân cư đông đúc. Đến thăm đình thuận tiện cả đường bộ (đi bộ, xe đạp, xe máy, xe đò) và đường thủy sông Đồng Nai (ghe, tàu…).



Đình An Hoà xưa kia thuộc làng Bến Gỗ, nay thuộc xã An Hoà, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách trung tâm thành phố Biên Hoà khoảng 6 km về hướng đông – nam. Tại xã An Hoà (làng Bến Gỗ) các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật: gạch cổ, mảnh tượng người bằng đá, gốm cổ, dao đồng… nằm trong các địa tầng văn hoá có niên đại cách nay nhiều thế kỷ, đã minh chứng sự phát triển kinh tế, xã hội vùng ven sông Đồng Nai từ đầu công nguyên và đặc biệt từ đầu thế kỷ XVII-XVIII đến nay.

Đình An Hoà được xây dựng năm nào, hiện nay chưa tìm thấy một văn tự nào đáng tin cậy giúp ta tìm hiểu chính xác về sự ra đời của nó. Theo lời kể của các cụ già trong làng và căn cứ vào hàng chữ mực tàu viết trên xà kèo nhà võ ca: “Dựng miếu 1792”, cho thấy đình An Hoà nguyên thủy là ngôi miếu được xây dựng năm 1792, sau đó được nâng cấp chuyển đổi tính năng từ miếu thành đình như hiện tại.

Đình An Hoà đã trải qua 3 lần trùng tu lớn:

Lần thứ nhất vào năm 1944: các cột chính trong đình được nối dài thêm 1 mét để nâng cao chánh điện và mái đình. Nền nâng cao thêm 0,3 mét để tránh ngập lụt khi mùa mưa đến.

Lần thứ hai vào năm 1953: quân Pháp chiếm đình làm đồn, khi trả lại cho dân, chúng phải xuất tiền đền bù để các bô lão và nhân dân trong làng sửa chữa lại một số hạng mục như: thay đòn tay, lót gạch bông ở tam cấp, tô lại đầu rùa bên phải mái đình. Cũng dịp này, nhân dân sở tại đã đóng góp công của xây dựng thêm nhà võ ca ở phía trước chánh điện.

Lần thứ ba vào năm 1994: sau khi đình An Hoà được Nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia, cũng là thời kỳ ngôi đình bị xuống cấp nghiêm trọng. Bộ Văn hoá – Thông tin, Cục Bảo tồn Bảo tàng đã cấp 400 triệu đồng cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của địa phương, Nhà Bảo tàng đã trùng tu lại ngôi đình khang trang, bề thế như hiện tại.

Đình An Hoà thờ Thành hoàng bổn cảnh, vị thần bảo trợ làng và những vị tiền hiền, hậu hiền… có công khai phá, mở mang làng, xã. Nhân dân sở tại hàng năm đến đình cúng bái cầu cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, cuộc sống bình an, thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc.

Trước năm 1945, đình An Hoà là trụ sở hành chánh của xã, thôn, nơi hội họp của Hội đồng kỳ mục để bổ bán binh dịch, phân chia công điền, công thổ, đặt khoán ước và giải quyết các vụ tranh chấp, kiện cáo, thu sưu, thu thuế, phạt vạ, ăn khao và là nơi thi văn, thi thơ, thi chữ… của các nho sĩ trong làng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng (30 – 4 -1975), đình được trả lại cho dân làng trông coi, hội họp. Trong những ngày cúng Thành hoàng, đình trở thành trung tâm văn hoá của làng (xã). Các tuồng tích xưa giàu tính nhân văn tích lũy từ đời này qua đời khác được trình diễn tại đình trong vài đêm cho dân làng coi.

Đình An Hoà xây dựng theo hướng đông – nam, ban đầu kiểu chữ nhị ( ) gồm một chánh điện và tiền bái. Sau này hai bộ phận trên được nối với nhau bằng một nhà cầunên trở thành kiểu chữ công (工) như hiện tại. Đây là một trong năm kiểu kiến trúc tiêu biểu của đình làng ở Việt Nam.

Ngày nay, khách đến tham quan sẽ nhận thấy vẻ bề thế, thoáng rộng của ngôi đình. Đình An Hoà tọa lạc trên một khu đất cao ráo hình chữ nhật, phía trước là khoảng sân rộng có hàng cây cổ thụ, có đủ chỗ cho đông đảo dân làng trong ngày cúng thần Thành hoàng hoặc các ngày lễ hội vui chơi, giải trí của làng. Đối với nơi thờ chính, chỉ trừ chánh điện được xây tường ở ba mặt còn lại toàn bộ mặt tiền gồm nhà võ ca, nhà bái đều không xây tường làm nổi bật những hàng cột gỗ tròn 400 được kê trên bệ đá xanh đỡ hệ thống khung vì của mái.

Mái đình lợp ngói âm dương, đỉnh chánh điện có gắn cặp rồng chầu pháp lam bằng gốm men màu. Nền lót gạch tàu, chia làm ba gian rõ rệt. Từ nhà võ ca nhìn vào chánh điện sẽ thấy ở gian giữa là những cặp liễn, hoành phi chữ Hán, xung quanh chạm khắc hoa văn tinh xảo, sơn son thếp vàng nổi bật trên hai hàng cột và xà ngang chạy suốt chiều dài 47 mét của khu chánh điện làm cho ngôi đình trở nên trang nghiêm và huyền bí.

Chánh điện: là loại nhà 3 gian 2 chái truyền thống ở Nam bộ. Chái phía sau bàn thờ thần (dãy hàng hiên sau) là hậu trường, đây là nơi phục vụ việc tế lễ. Gian giữa thờ thần, hương án bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm khắc hoa lá, rồng uốn lượn. Khám thờ mang hàng chữ “Vạn cổ anh linh”. Bên trong là một đại tự: chữ “thần” viết bằng mực đen trên nền đỏ. Phía dưới là chiếc hộp sắt, sơn đỏ trong đựng sắc thần, nội dung như sau:

“Sắc An Hoà Thành hoàng chi thần, nguyên tặng Bảo An, Chính Trực, Hữu Thiện, Đôn Ngưng, Chi Thần

Nhưng chuẩn Long Thành huyện, An Hoà thôn, y cựu phụng sự thần, kỳ trương bảo ngã lê dân

Khâm sai”.

Ấn có chữ: Sắc mệnh chi bảo

Tự Đức ngũ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập cửu nhật.

Tạm dịch:

“Sắc phong thần Thành hoàng An Hoà, trước (đã) tặng là thần: Bảo An, Chính Trực, Hữu Thiện, giữ nước, giúp dân, linh ứng tính đã lâu.

Ta (nay) ít đức, lãnh mệnh (tư dân), luôn nghĩ đến thần nên tặng thêm là thần: Bảo An, Chính Trực, Hữu Thiện, Đôn Ngưng.

Nhưng cho thôn An Hoà, huyện Long Thành thờ phụng thần như cũ, để thần bảo vệ (lê) dân của ta

Kính vậy thay”

Ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ năm (29 -1 -1852).

Nét đặc sắc nhất của ngôi đình là nghệ thuật chạm khắc, trang trí hoa văn ở khu chánh điện. Các khối gỗ to, nặng nề, thô kệch như mềm đi khi được đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đục đẽo, chạm trổ, bố cục và thể hiện hài hoà các đề tài truyền thống trong nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Toàn bộ các đầu dư, trụ đỡ, xà ngang, bức cốn… của đình đều được tạc hình đầu rồng và lưỡng long chầu nhật, cúc liên chi, mây sóng nước, dơi ngự lâm môn… biểu tượng ước mơ thịnh vượng, tốt lành ngàn đời của nhân dân Việt Nam. Các đường nét chạm khắc rất uyển chuyển tinh tế, sống động như được vẽ trên giấy mang đậm đà màu sắc dân gian. Đáng chú ý nhất là hình ảnh lưỡng long chầu nhật ở xà ngang nơi gian giữa trước chánh điện đã được cách điệu hoá: đầu rồng, thân là xương cá đao nối thành hai khúc, đối xứng với bông cúc viền quanh và mây sóng nước, hoa lá… Toàn bộ mảng trang trí này được chạm khắc rất tinh xảo nói lên nghề chài lưới của nhân dân địa phương xưa kia.

Nhà cầu: là nơi hành lễ. Nhà cầu là cầu nối giữa chánh điện và nhà bái. Nhà cầu ngoài chức năng là nơi hành lễ còn thờ Tiên sư và Thổ công.

Nhà bái: còn gọi là tiền bái hay tiền đường. Nhà bái và nhà cầu được thông liền với nhau nhưng được phân định bởi một hàng đá chẻ. Phía trước là ba cánh cửa bằng gỗ đơn sơ, đây cũng là cửa vào đình. Nhà bái được tạo dựng bởi hai hàng cột gỗ tròn  400 ở gian giữa và hai hàng cột gỗ vuông (25cm x 25cm) ở hai gian bên. Trên xà ngang ở gian giữa treo bức hoành phi đề 4 chữ Hán: Bảo An Chính Trực, đây là 4 chữ đầu tiên thần Thành hoàng của làng được tặng với hàm ý: giúp nước, giúp dân, giữ gìn sự yên ổn, khuôn phép ngay thẳng. Bức hoành phi này không có niên hiệu, vì vậy có lẽ trước thời Tự Đức tức triều Minh Mạng mới được phong thêm hai chữ Hữu Thiện, đến năm Tự Đức thứ 5 (1852) mới được phong thêm hai chữ Đôn Ngưng.

Nhà võ ca: được xây riêng biệt ở sân đình, mặt tiền đối diện với chánh điện. Nhà võ ca xây dựng đơn giản không có tường bao quanh, chỉ có một sân khấu để diễn hát bội và nghi lễ cúng thần. Đối với các ngôi đình ở Bắc bộ, khi diễn hát bội thường ở trong cửa đình, trước chánh điện, người xem đối mặt với thần Thành hoàng. Nhưng ở Nam bộ, đa số nhà võ ca đều đối diện với chánh điện, nên khi diễn hát bội, hoặc diễn trò người trình diễn đối mặt với thần, còn thần Thành hoàng cũng chỉ là một khán giả cùng ngồi xem với dân. Cách bố trí này, đối với người miền Bắc có thể xem là hành động bất kính đối với Thành hoàng, nhưng ở các đình miền Nam nói chung và đình An Hoà nói riêng thì thần Thành hoàng tuy quan trọng nhưng không hề tách biệt với nhân dân mà còn gần gũi, thân thiện với dân như người trong nhà vậy.

Về mặt tạo hình, đình An Hoà được xem là gương mặt của nghệ thuật kiến trúc cổ ở Đồng Nai và tiêu biểu cho kiểu dáng đình ở một vùng Nam bộ. Đình An Hoà là nơi bảo tồn khá nguyên vẹn những đặc điểm của nền kiến trúc dân tộc, không chịu ảnh hưởng của kiến trúc Trung Hoa như một số ngôi đình khác. Được chứng kiến tận mắt lối kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc ở đình An Hoà, ta mới cảm nhận hết cái đẹp, cái tài hoa của các nghệ nhân bản địa đã làm cho các phiến gỗ nặng nề trở thành những mảng trang trí nhẹ nhàng, thanh thoát, tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho ngôi đình.

Đình An Hoà đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 100/VH – QĐ, ngày 21 – 1 – 1989.

Hàng năm, vào rằm tháng Tám (âm lịch), đình An Hoà tổ chức lễ rước thần theo nghi thức truyền thống. Đây là dịp để nhân dân trong làng (xã) và những người xa xứ tụ họp, chuyện trò, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, học tập và những buồn vui của cuộc sống. Gái trai trong làng được dịp làm quen tìm hiểu nhau qua những trò chơi dân gian, để rồi khi hội tan, dắt nhau quì trước bàn thờ mong thần phù hộ, nguyện thề trăm năm kết tóc xe duyên.

Lương Thuý Nga

Đình Tân Lân

Đình Tân Lân, xưa kia thuộc thôn Tân Lân, huyện Phước Chánh, dinh Trấn Biên, nay là phường Hoà Bình, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Đình toạ lạc giữa vùng dân cư trên đường Nguyễn Văn Trị, mặt tiền hướng ra dòng sông Đồng Nai lộng gió, cách trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh 500m về hướng tây bắc.



Từ khi xây dựng, nhân dân đã lấy tên gọi của thôn là Tân Lân (Xóm Mới) để đặt cho đình. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tên địa phương nhiều lần thay đổi nhưng tên đình vẫn tồn tại cùng tháng năm. Tương truyền, nguyên thủy đình Tân Lân là ngôi miếu nhỏ ở thành Kèn do dân làng dựng lên từ thời Minh Mạng (1820 -1840) để tỏ lòng ngưỡng vọng Trấn Biên Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, người có công lớn trong việc khai phá đất đai và mở mang thương mại vùng Đồng Nai – Gia Định. Sau hai lần dời chuyển (vào năm 1861 và 1906), ngôi đình ở vị trí hiện nay.

Toạ lạc trên khuôn viên đất rộng khoảng 3.000m2, đình Tân Lân bề thế, uy nghiêm với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn của văn hoá Trung Hoa. Khách đến tham quan sẽ nhận thấy sự trang nghiêm, đầy hưng thịnh của ngôi đình.

Mặt đình hướng về phía tây nam, được kiến trúc theo kiểu chữ tam (三) gồm ba gian: tiền đình, chánh điện và hậu cung nối tiếp nhau. Hai bên tả hữu là miếu thờ Bà và thờ Ông. Mái đình lợp ngói âm dương. Nền cao 60cm bằng đá xanh, lót gạch bông (20cm X 20cm). Bên trong đình, mỗi gian được bài trí điện thờ, hoành phi, câu đối, bao lam bằng gỗ do các nghệ nhân dân gian chạm trổ tinh vi, sắc sảo mang tính nghệ thuật cao. Các đề tài đều tượng trưng cho hạnh phúc, phồn vinh, tước lộc, công hầu… theo thông tục của người phương Đông.

Phần tiền đình có diện tích 75,5m2, bộ khung vì bằng gỗ, trên các xà ngang chạm khắc đề tài dơi, đào, hoa, lá… biểu tượng cho sự phước thọ, trường tồn. Trên nóc trang trí đề tài “Lưỡng long tranh châu nhật”, “Lý ngư hoá long”… biểu tượng cho sự thịnh vượng, như ý. Mặt tiền mái đình là cả một công trình nghệ thuật đặc sắc tô điểm cho nền trời xanh thoáng đãng. Hằng trăm tượng người, vật bằng gốm sứ men xanh thể hiện các đề tài cổ điển phương Đông một cách sinh động, tài hoa. Khó có ai ngờ rằng, gần một trăm năm qua, những “Bát tiên quá hải”, “Quan Công phò nhị tẩu”, những chuyện tích thời chiến quốc, nhật nguyệt, lân phụng… sống động trên mái ngói, thi gan với nắng mưa mà vẫn nguyên vẹn sắc màu và đường nét.

Phần chánh điện chiếm diện tích 487,5m2. Tôn nghiêm nhất là gian giữa với những hàng cột gỗ lim to dị thường, với tượng thần uy nghiêm ngự trên ngai sơn son thếp vàng, với những cặp chim trĩ, loan, phượng… bằng đồng đứng chầu trong tư thế duyên dáng và trang nghiêm. Trước bàn thờ thần là bàn La liệt, tiếp đến là bàn hội đồng nội. Song song với bàn La liệt và bàn hội đồng nội là hai bộ bát bửu bằng đồng. Hai gian bên thờ tả và hữu ban. Dọc tường tả hữu có các bệ thờ Thái Giám, Hậu Hiền, Bạch Mã và Tiền Hiền. Toàn bộ khung vì được làm bằng gỗ tốt, có cột chống ở giữa kiểu bình nước, được lắp ghép với kỹ thuật mộng chốt và gắn dầu rái đảm bảo độ bền vững cao.

Hậu cung có diện tích 120m2 được chia thành ba gian, chính giữa thờ Tiên sư, hai bên thờ Tiền thứ Việt Nam và Tiền thứ Trung Hoa, được đặt trên bệ thờ bằng xi măng lót gạch men xanh.

Ngoài ra, sau đình còn có khu nhà bếp nối liền với hậu cung, kiến trúc đơn giản, là nơi nấu ăn của đình.

Những ai quan tâm đến mỹ thuật không thể không khâm phục bàn tay tài hoa của các nghệ nhân sáng tạo ngôi đình qua các tác phẩm điêu khắc đá, chạm khắc gỗ, phù điêu ghép sành, cẩn xà cừ, tượng sành kiểu Hoa Nam… trong đó ẩn chứa những triết lý nhân sinh sâu sắc. Toàn bộ những mảng trang trí trên là sự kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn với yếu tố kiến trúc nghệ thuật đặc trưng vùng Hoa Nam (Trung Quốc). Đây cũng là sản phẩm gần như cuối cùng của lớp nghệ nhân tài hoa bản địa.

Đình Tân Lân đã thể hiện được sự tôn nghiêm mà trữ tình, hoành tráng mà tinh xảo, xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của nhân dân đối với “Đức Ông” Trần Thượng Xuyên.

(

[3]

) người tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), nguyên là Tổng binh ba châu Cao-Lôi-Liêm dưới triều Minh.

Trần Thượng Xuyên tự Trần Thắng Tài, sinh vào năm nào không rõ và mất khoảng năm 1720 (ngày 23 – 10 Âm lịch)người tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), nguyên là Tổng binh ba châu Cao-Lôi-Liêm dưới triều Minh.

Năm 1649, vương triều Minh sụp đổ. Năm 1679, sau khi phất cờ “Bài Mãn phục Minh” thất bại, ông đem hơn 3.000 quân thân tín cùng gia quyến trên 50 thuyền đến Đại Việt xin thuần phục. Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) chấp thuận cho vào khai khẩn xứ Đông Phố đang còn hoang sơ.

Ông đưa lực lượng của mình đến định cư tại vùng Nông Nại đại phố (địa phận Bàn Lân). Cùng nhóm lưu dân người Việt đến trước, ông và lực lượng của mình tiến hành khai khẩn quy mô lớn vùng đất màu mỡ phương Nam. Mặt khác, ông chiêu tập thương nhân người Hoa kiến thiết phố xá, tạo lập các cơ sở thương mại. Với biệt tài tổ chức, chẳng bao lâu Trần Thượng Xuyên đã biến vùng đất hoang sơ thành thị tứ buôn bán sầm uất, kinh tế phát triển nhanh chóng. Nông Nại đại phố (còn gọi là Cù Lao Phố) trở thành thương cảng phồn thịnh, là trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế vào bậc nhất phương Nam lúc bấy giờ.

Ông được lịch sử xác định như người có công lớn trong việc khai phá và xây dựng vùng đất Đồng Nai – Gia Định. Công đức to lớn của ông được nhân dân ghi tạc, tôn thờ, xem như vị thần đã khai sáng vùng đất này.

Về hoạt động quân sự, Trần Thượng Xuyên là một dũng tướng thao lược của chúa Nguyễn. Ông đã nhiều lần cầm binh đánh dẹp Cao Miên, giữ an bờ cõi, mở rộng biên cương nước Việt.

Khoảng đầu những năm 1690, ông cùng Mai Vạn Long đánh bắt được Nặc Ông Thu, chiếm ba lũy Cầu Nam, Nam Vang, Gò Bích. Năm 1700, ông cùng Nguyễn Hữu Cảnh tiến đánh vua Chân Lạp lần hai. Sau trận tiến công này, vùng đất Biên Trấn, Phiên Trấn, Định Tường, Long Hồ, An Giang đã được sáp nhập vào lãnh thổ Đàng Trong. Năm 1715, ông lại cùng với Nguyễn Cửu Phú đi đánh dẹp bọn Nặc Ông Thâm, hạ được thành La Bích.

Trần Thượng Xuyên mất ngày 23 tháng 10 âm lịch khoảng năm Canh Tý (1720) an táng tại mạn bắc dinh Trấn Biên (nay thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

Ghi nhớ công đức của Trần Thượng Xuyên, chúa Nguyễn đã ban danh hiệu cao quý “Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt”. Các vua Minh Mạng, Thiệu Trị đều phong ông làm “Thượng đẳng thần”. Để tỏ lòng ngưỡng mộ và đền đáp công ơn người đã có công tổ chức khai phá, mở mang vùng đất Đồng Nai – Gia Định, nhân dân hai nơi này đều lập đền thờ ông, khói hương không dứt.

Đình Tân Lân đã được Bộ Văn hoá – Thông tin – Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 457/QĐ, ngày 25 – 3 – 1991.

Hàng năm, nhân dân lấy ngày ông mất làm ngày giỗ trọng. Ngày ấy, đình Tân Lân nghi ngút khói hương, dập dìu khách thập phương trong nghi lễ cổ truyền.

Nguyễn Tuyết Hồng



1 – 10
Tiếp theo

Xổ số miền Bắc