Đi tìm quyền lợi cho nữ sinh Afghanistan
Các nhà hoạt động nữ quyền cho biết, việc đóng cửa trường học ở Afghanistan đã làm trầm trọng thêm tình trạng nữ sinh phải kết hôn sớm và rơi vào bạo lực gia đình. Họ khẳng định, lệnh cấm đã gây ra những hậu quả tàn khốc cho trẻ em gái, gia đình cũng như tương lai của đất nước.
Mục lục bài viết
Phản đối lệnh cấm
Ở Kabul và phần lớn lãnh thổ Afghanistan, nữ sinh đã không thể học trung học một cách hợp pháp trong gần một năm vì lệnh cấm của Taliban. Các quan chức khẳng định, phán quyết này chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, họ không đưa ra điều kiện hoặc thời hạn dỡ bỏ lệnh cấm này dù nó đã gây ra làn sóng phản đối và tức giận trên khắp Afghanistan.
Thậm chí, sự phản đối lan rộng ra ngoài biên giới quốc gia; Đồng thời, phản ánh sự rạn nứt sâu sắc hơn giữa những người nổi dậy vốn đang vật lộn để điều hành chính phủ.
Nhiều nguồn tin cho rằng, một số nhân vật cấp cao trong ban lãnh đạo đã giáo dục con gái chủ yếu ở Pakistan hoặc Qatar. Một số vẫn tiếp tục làm như vậy một cách bí mật, ngay cả sau khi chuyển về Kabul. Một quan chức Taliban tiết lộ, trường học bí mật dành cho nữ sinh ở thủ đô đã ghi danh các con gái của 4 hoặc 5 gia đình vào các lớp từ 7 – 12.
Các nhà ngoại giao và những người Afghanistan có quan hệ với lãnh đạo cho biết, Bộ Giáo dục đã thực sự có kế hoạch đưa nữ sinh trở lại trường học. Thậm chí, Bộ đã có công tác chuẩn bị bao gồm kiểm tra xem cơ sở vật chất có đáp ứng các tiêu chuẩn của Taliban hay không. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã bị cản trở.
Một số nhân vật cấp cao của Taliban đã lên tiếng phản đối lệnh cấm. Vào tháng 5, trong một bài phát biểu trên truyền hình bảo vệ quyền của “một nửa dân số Afghanistan”, Thứ trưởng Ngoại giao Sher Mohammad Abbas Stanikzai đã trực tiếp công kích việc không cho trẻ em gái tiếp cận giáo dục.
Trong khi đó, giáo sĩ Taliban Rahimullah Haqqani cũng từng nói rằng, phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan nên được tiếp cận với giáo dục. Theo ông, không có lý do biện minh nào trong luật Sharia để nói rằng, nữ giới không được phép tiếp cận với giáo dục.
“Tất cả các cuốn sách tôn giáo đều nói rằng, giáo dục nữ giới là được phép và bắt buộc. Bởi vì, ví dụ, nếu một phụ nữ bị bệnh trong một môi trường Hồi giáo như Afghanistan hoặc Pakistan và cần được điều trị, sẽ tốt hơn nhiều nếu cô ấy được điều trị bởi một bác sĩ nữ”, ông Rahimullah Haqqani cho biết.
Maulawi Ahmed Taqi – người phát ngôn của Bộ Giáo dục đại học Taliban – đã nhấn mạnh nỗ lực điều chỉnh các trường đại học để phụ nữ có thể tiếp cận, trong khi vẫn đáp ứng các yêu cầu của Taliban về phân biệt giới tính nghiêm ngặt.
“Tôi có con gái và tất nhiên tôi muốn các con gái của mình được giáo dục về tôn giáo cũng như giáo dục hiện đại. Tôi lạc quan rằng, các trường học sẽ không bị đóng cửa mãi mãi”, ông Taqi chia sẻ.
Trong bối cảnh này, các cơ quan nhân quyền tiếp tục cảnh báo về hậu quả của việc đóng cửa trường học tại Afghanistan. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại Mỹ cho biết, lệnh cấm đã tạo ra “những hậu quả tàn khốc cho các em gái, gia đình cũng như tương lai của đất nước”. Trong giai đoạn nắm quyền kiểm soát Afghanistan từ năm 1996 – 2001,
Taliban đã cấm phụ nữ và bé gái được phép đi học và đi làm. Sau khi Taliban nắm quyền một lần nữa vào tháng 8 năm ngoái, lập trường cứng rắn trước đây dường như đã dịu đi. Bởi, Taliban đã tuyên bố rằng, sẽ không có quy định về trang phục cho phụ nữ.
Tuy nhiên, đến nay, Taliban vẫn yêu cầu phụ nữ tránh xa cuộc sống công cộng. Taliban cũng áp đặt nhiều giới hạn khác nhau đối với phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan. Hồi tháng 9/2021, phát ngôn viên Taliban Zabiulah Mujahid xác nhận với CNN rằng, nữ giới sẽ được phép đi học.
Tuy nhiên, cái gọi là “sắc lệnh về quyền phụ nữ” được công bố vào tháng 12 cùng năm lại không nhắc tới chuyện đi học và đi làm đối với nữ giới. Cũng trong tháng 12/2021, Taliban cấm phụ nữ thực hiện các chuyến đi đường dài một mình trên lãnh thổ Afghanistan. Theo đó, khi muốn thực hiện hành trình trên 72 km, phụ nữ Afghanistan phải đi cùng đàn ông.
Hashtag “càn quét” Twitter
Vào tháng 3, trong ngày đầu tiên của năm học mới tại Afghanistan, Taliban đã quyết định không mở trường học cho trẻ em gái ở độ tuổi trung học cơ sở. Trước đó, Bộ Giáo dục Afghanistan xác nhận mở lại trường học tại nhiều tỉnh và thủ đô Kabul. Tuy nhiên, sau vài giờ mở cửa, các trường trung học cơ sở dành cho nữ sinh được yêu cầu ngừng hoạt động.
Đáp lại lệnh cấm này, chiến dịch truyền thông xã hội #LetAfghanGirlsLearn trên Twitter đang kêu gọi Taliban mở lại trường học cho nữ sinh. Taliban đã nhiều lần cho biết đang làm việc trên một cơ chế để mở cửa trở lại các trường dành cho nữ sinh.
Tuy nhiên, bất chấp nhiều lần cam kết, các nữ sinh trên lớp 6 vẫn chưa được trở lại trường học. Shahrzad Akbar – cựu lãnh đạo Ủy ban nhân quyền độc lập của Afghanistan, tuyên bố sẽ ăn mừng khi các nữ sinh Afghanistan được trả lại quyền tới trường.
“Mỗi ngày, tôi đều cảm thấy đau lòng khi các bé gái phải nghỉ học thêm một ngày nữa ở Afghanistan. Câu chuyện về những người phụ nữ đáng kinh ngạc này là một lời nhắc nhở về tiềm năng của phụ nữ Afghanistan, những gì họ có thể làm cho đất nước cũng như thế giới, nếu họ được trao cơ hội”, bà Akbar chia sẻ.
Trong khi đó, các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ cho biết, việc đóng cửa trường học đã làm trầm trọng thêm tình trạng nữ sinh phải kết hôn sớm và rơi vào bạo lực gia đình. Trước khi Taliban tiến vào Kabul năm ngoái, Sharifa là học sinh lớp 9 của một trường học ở thủ đô Afghanistan.
Sharifa luôn có thành tích đứng đầu từ lớp 3 đến lớp 9. Em cũng là hình mẫu của các nữ sinh khác trong trường. Trong 300 ngày đóng cửa trường học, thói quen hằng ngày của Sharifa đã thay đổi. Nữ sinh này đã chuyển sang vẽ tranh. Trong những bức tranh của mình, Sharif vẽ những kỷ niệm về trường, thầy cô và lớp học.
“Khi nhìn thấy sách, vở và gặp lại các bạn cùng lớp, chúng em đều nhớ về những ngày tháng tươi đẹp. Tuy nhiên, khi nghe về quyết định không được phép tới trường, em cảm thấy như tan nát cõi lòng. Với hoàn cảnh này, chúng em cảm thấy hết hy vọng. Em cảm thấy đau đớn khi tương lai vô cùng tăm tối”, Sharifa bày tỏ.
Bất chấp tình hình hiện tại, Sharifa vẫn nuôi hy vọng rằng, các trường dành cho nữ sinh sẽ mở cửa trở lại. “Sau mỗi lần Mặt trời lặn, có một hy vọng về một ngày mai mới. Điều đó có nghĩa là chúng ta không nên mất hy vọng”, nữ sinh tâm sự.
Tuy nhiên, đây là lần thứ hai lịch sử lặp lại đối với gia đình người Afghanistan này. Bà Farzana, mẹ của nữ sinh này, cho biết, khi Taliban lần đầu tiên lên nắm quyền nhiều năm trước, bà đang là học sinh lớp 6. “Lần này, việc đóng cửa trường học nhắc nhở tôi về cuộc sống sinh viên của trẻ em gái khi Taliban đóng cửa các trường học nữ sinh”, bà nói.
Trong khi đó, Karima – bà mẹ người Afghanistan của hai bé gái và một bé trai ở Kabul – đã bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe và tâm lý khi trường học đóng cửa. “Việc đóng cửa không chỉ ảnh hưởng đến con tôi, mà cả tôi nữa. Tôi không thể tham gia sự kiện nào đó hay nghỉ ngơi. Thay vào đó, tôi phải ở nhà trông con. Tôi sợ các con sẽ tự làm đau bản thân”, nữ phụ huynh bày tỏ.
Nỗ lực kêu gọi hành động
Trước thềm phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 này, trong một bức thư ngỏ, các nhà hoạt động đã kêu gọi những bên liên quan thực hiện hành động phối hợp vì quyền của phụ nữ ở Afghanistan.
Trong thư, các nhà hoạt động kêu gọi cộng đồng quốc tế “gia tăng áp lực lên giới chức ở Afghanistan để dỡ bỏ lệnh cấm đối với quyền học tập của trẻ em gái và quyền được làm việc của phụ nữ”. Họ cũng kêu gọi thế giới “thể hiện sự đoàn kết thông qua hành động”.
Đại sứ quán Đức tại Kabul đã gửi tới người Afghanistan thông điệp rằng: “Đức và các đối tác quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Afghanistan và lên tiếng bảo vệ quyền của họ, đặc biệt là quyền của trẻ em gái và phụ nữ”.
Trong khi đó, Rina Amiri – đặc phái viên Mỹ về phụ nữ, trẻ em gái và nhân quyền Afghanistan – đã đưa ra lời kêu gọi đứng về phía người dân và phụ nữ nước này: “Tôi yêu cầu đàn ông và phụ nữ, các nhà lãnh đạo và học giả, giáo sĩ, cũng như nhà hoạt động trong thế giới Hồi giáo đứng về phía người Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái đang phải đối mặt với một số hạn chế khắc nghiệt nhất trên thế giới”.