Dịch vụ đọc trộm tin nhắn Zalo, Facebook… hầu hết là lừa đảo

(CLO) Thời gian gần đây, các hội nhóm liên quan đến dịch vụ đọc trộm tin nhắn mạng xã hội đang xuất hiện ngày một nhiều. Tuy nhiên khi sử dụng các dịch vụ này, người dùng không chỉ đối mặt với vấn đề pháp lý mà còn có khả năng bị lừa đảo mất tiền.

(CLO) Thời gian gần đây, các hội nhóm liên quan đến dịch vụ đọc trộm tin nhắn mạng xã hội đang xuất hiện ngày một nhiều. Tuy nhiên khi sử dụng các dịch vụ này, người dùng không chỉ đối mặt với vấn đề pháp lý mà còn có khả năng bị lừa đảo mất tiền.

Hack Facebook chỉ trong 1 giờ 

Chỉ với cụm từ khóa “đọc trộm tin nhắn”, người dùng có thể tìm thấy hàng chục các hội nhóm kinh doanh dịch vụ này trên nền tảng mảng xã hội Facebook. Các dịch vụ được quảng cáo chủ yếu là hack nick Facebook, đọc trộm tin nhắn, “soi” pass Facebook không bị phát hiện…

Với lượng người tham gia có thể lên tới gần 100.000 thành viên, các hội nhóm này thu hút nhiều người có nhu cầu sử dụng các loại dịch vụ nói trên. Trong các bài đăng quảng cáo, các đối tượng luôn đăng kèm một vài phản hồi của khách hàng trước đó, kèm theo hotline liên hệ, thường là số điện thoại kết nối ứng dụng Zalo để trao đổi.

Một số nhóm có nhiều thành viên phải kể đến như “Đọc Trộm Tin Nhắn Không Bị Lộ 100%” với 92.000 thành viên, “Dịch Vụ Hack Nick FB Zalo – Đọc Trộm Tin Nhắn Zalo FB Vợ Chồng” với 43.000 thành viên hay “Hack nick Facebook đọc trộm tin nhắn” với 77.000 thành viên. Tuy nhiên các hội nhóm này do một số ít đối tượng lập lên nên mỗi tuần chỉ có 2-3 bài quảng cáo được đăng tải, với cùng một số hotline, cùng loại dịch vụ.

dich vu doc trom tin nhan zalo facebook hau het la lua dao hinh 1

Các hội nhóm đọc trộm tin nhắn trên mạng xã hội thu hút nhiều người tham gia

Để tìm hiểu về giá cả và cách thức hoạt động của loại hình dịch vụ này, PV đã liên hệ với một đối tượng trên nhóm Facebook có hơn 40.000 thành viên. Người này cho biết, để hack mỗi tài khoản Facebook cần từ 1-3 tiếng, có khi là mất cả ngày vì có độ bảo mật khác nhau. Giá của dịch vụ này dao động từ 1 – 2 triệu đồng/tài khoản và yêu cầu khách hàng phải đặt cọc trước từ 30 – 50% để “chạy phần mềm”.

“Một số tài khoản có tích xanh hoặc đã từng bị hack, được lấy lại và bật bảo mật nhiều lớp thì khó hack, “soi” mật khẩu hơn. Tuy nhiên khi làm xong thì có thể yên tâm đăng nhập, mọi cảnh báo bảo mật đều đã bị ngắt, sẽ không bị phát hiện…”, đối tượng này cho biết.

Đáng nói, một số đối tượng còn quảng cáo có khả năng “soi” mật khẩu chỉ trong chưa đầy một giờ, với Facebook thì 1 triệu đồng/tài khoảng, Zalo, Instagram sẽ có mức giá cao hơn, có thể lên đến 2 triệu đồng/tài khoản. Tuy nhiên, tất cả các đối tượng này đều có điểm chung là đòi tiền đặt cọc trước, khi khách hàng có thể đăng nhập tài khoản để đọc tin nhắn thì mới cần thanh toán nốt số tiền còn lại.

Để đảm bảo uy tín và thu hút khách hàng, trong một số bài quảng cáo còn sẵn sàng bảo hành một tháng cho dịch vụ “soi” mật khẩu. Cụ thể, trong vòng một tháng từ khi mua dịch vụ “soi” mật khẩu Facebook, nếu chủ nhân chính của tài khoản đổi mật khẩu thì khách hàng chỉ cần liên hệ với đối tượng quảng cáo để được đọc trộm tin nhắn lần thứ hai

Bên cạnh đó, để tăng độ uy tín, các đối tượng này cũng sẵn sàng “bảo hành” với thời gian lên đến 2 tháng. Theo đó, sau khi đã hack nick thành công và có thể đọc được tin nhắn đối phương, nếu có sự cố hay bất cứ vấn đề nào liên quan đến bảo mật, người sử dụng dịch vụ này có thể liên hệ với đối tượng và được fix lỗi miễn phí.

Nguy cơ bị lừa đảo 

Mặc dù được quảng cáo với đủ lời lẽ, cam kết về chất lượng dịch vụ nhưng nhiều người đã bị lừa tiền cọc khi sử dụng dịch vụ của các đối tượng này. Sau khi chuyển từ 30 – 50% tiền cọc như thỏa thuận, các đối tượng thường “biến mất” không trả lời tin nhắn hoặc chặn số, chặn liên lạc Facebook của khách hàng ngày sau khi nhận được tiền.

dich vu doc trom tin nhan zalo facebook hau het la lua dao hinh 2

Các đối tượng đều bắt chuyển trước 50% tiền phí

Trả lời Báo Nhà báo và Công luận về vấn đề nói trên, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena cho biết, hầu hết tất cả các bài quảng cáo về dịch vụ đọc trộm tin nhắn được đăng trên mạng xã hội là lừa đảo để lấy tiền cọc.

“Các công ty như Facebook, Google… đều là những công ty công nghệ có giá cả nghìn tỷ đô, nếu có thể hack các tài khoản của họ dễ dàng như vậy thì các công ty này đã phá sản, không còn tồn tại đến bây giờ. Những công ty công nghệ nói chung đều đầu tư rất nhiều cho vấn đề bảo mật để phục vụ khách hàng, vì vậy không thể có chuyện chỉ trong 30 phút – 1 tiếng có thể hack được một tài khoản như các đối tượng quảng cáo…”, ông Thắng chia sẻ.

Chuyên gia này cũng cho biết, cũng có không ít các đối tượng có thể hack tài khoản mạng xã hội nhưng đó là một quá trình theo dõi dài hơi. Các đối tượng này sẽ tìm hiểu thông tin đăng tải trên trang cá nhân của đối tượng, tìm cách giải mã độc để từ đó chiếm quyền điều khiển, lấy được thông tin.

Vì vậy, người dùng cũng cần cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội, tránh truy cập vào những trang web, đường link đáng nghi. Ngoài ra cũng không nên tin tưởng vào các loại hình dịch vụ như đọc trộm tin nhắn bởi không chỉ có khả năng bị lừa tiền, người dùng có thể sẽ phải đối mặt với các vấn đề pháp lý vì đây là một hành vi sai trái.

An Vũ

Xổ số miền Bắc